Vòng đối thoại Mỹ – Trung tiếp theo sẽ diễn ra tại Washington
Các cuộc đối thoại mới nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Washington vào thứ Ba này (19/2), và nối tiếp sẽ là những phiên họp cấp cao diễn ra trong tuần, theo thông tin từ Nhà Trắng cho biết vào thứ Hai vừa qua (18/2).
(Ảnh: Reuters)
Cuộc đối thoại lần này nối tiếp các vòng đàm phán đã kết thúc tại Bắc Kinh vào tuần trước. Dù vẫn chưa thể đưa ra một thỏa thuận chung nào, nhưng giới chức 2 bên cho biết đã tạo được tiến triển về các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông báo từ Nhà Trắng cho biết mục tiêu của vòng đối thoại lần này là muốn “đạt được những thay đổi cơ cấu cần thiết tại Trung Quốc, những thứ có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hai bên sẽ còn thảo luận về các yêu cầu của Trung Quốc trong việc mua lại một số lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.”
Các cuộc đối thoại cấp cao hơn sẽ bắt đầu vào thứ Năm tới (21/2), và được điều hành bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc ép Trung Quốc chấm dứt các hành động như những vụ chuyển giao công nghệ mang tính ép buộc với các công ty Mỹ, và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc, dù bác bỏ việc dính dáng tới những hành động trên, nhưng đã xác nhận phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham gia vào các cuộc đối thoại diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow, và Cố vấn thương mại Peter Navarro sẽ tham gia vào các vòng đối thoại trên.
Video đang HOT
Các khoản áp thuế của Mỹ lên 200 tỉ Đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 10% lên 25%, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào vào thời điểm hạn chót là ngày 1 tháng 3 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mới đề nghị có thể kéo dài thời điểm hạn chót cho các cuộc đàm phán vào tuần trước, đã nhắc lại quan điểm này trong một bài phát biểu vào thứ Hai vừa qua, khi cho rằng các cuộc đàm phán đã đạt được một số kết quả.
“Chúng ta đang đạt được rất nhiều tiến bộ. Không ai nghĩ rằng nó (tiến trình đối thoại) sẽ diễn ra như vậy,” Tổng thống Trump tuyên bố trước đám đông các cử tri tại bang Florida.
VIỆT ANH
Theo TPO/Reuters
Chiến tranh thương mại: Nỗ lực của Mỹ, Trung bất thành
Dù đã hạ giọng và bày tỏ thiện chí trong việc tiếp tục các cuộc đàm phán song phương nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như sẽ chưa thể chấm dứt.
Hôm qua, 15-2, Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã kết thúc ngày đàm phán cuối cùng tại Bắc Kinh trong khuôn khổ thương thuyết giải quyết xung đột thương mại hai bên. Dẫn đầu đoàn đàm phán phía Mỹ bao gồm đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, trong khi đó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tiếp tục đặt niềm tin vào Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
Hai bên rất nỗ lực
Trước thềm cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày (14 và 15-2), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông đang mong muốn đạt thỏa thuận với Bắc Kinh. Trong một thông báo của mình trên Twitter, ông Trump nói "muốn gặp ông Tập Cận Bình thật sớm".
Phát ngôn của ông Trump diễn ra trong bối cảnh bản thân tổng thống gặp phải khó khăn khi chính phủ phải đóng cửa suốt hơn 30 ngày, dài nhất trong lịch sử của Mỹ, và lời hứa xây tường Mexico chưa được thực hiện. Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ gặp khó khăn khi phải chờ đợi kết quả đàm phán - vốn có tính chất quyết định việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của TQ sau thời hạn ngày 1-3.
Trong khi đó, phía TQ cũng bắt đầu bày tỏ thái độ hợp tác và nóng lòng dàn xếp với Mỹ nhằm đảm bảo sẽ không bị Mỹ tiếp tục gia tăng thuế vào tháng tới. Hôm 21-1, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo rằng TQ cần chú trọng hơn tới các nguy cơ bất ổn xã hội gây ra bởi hàng loạt vấn đề kinh tế ngày càng leo thang. Lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có nhiều bằng chứng cho thấy tình hình việc làm tại TQ đang có dấu hiệu suy thoái nhanh chóng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh tế vĩ mô TQ được giới chuyên gia dự báo sẽ đối mặt suy giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, ông Tập đã chủ động gặp các quan chức Mỹ, bao gồm đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trước thềm đàm phán tháng 2 tại Bắc Kinh, tờ South China Morning Post đưa tin ngày13-2. Động thái của người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh cho thấy cuộc chiến thương mại đã khiến nền kinh tế thứ hai thế giới bắt đầu cảm nhận được sự tổn thương và nhu cầu cấp bách của việc kéo dài thời hạn "đình chiến" vào ngày 1-3 tới. Hồi tháng 12-2018, Washington đã quyết định tạm hoãn kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ USD của TQ để hai bên có thời gian thương thuyết.
Hai đoàn đàm phán Mỹ, Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 15-2. Ảnh: TWITTER
Nhưng vẫn... bất lực
Chiều thứ Sáu (15-2), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin bày tỏ sự lạc quan về kết quả đàm phán giữa quan chức cấp cao hai nước. "Các cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Thương mại Lighthizer diễn ra hiệu quả" - ông Mnuchin viết nhưng không cung cấp thêm thông tin về nội dung và chi tiết thỏa thuận giữa hai bên. Cả ông Mnuchin và cộng sự Lighthizer cũng kỳ vọng gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, một sự kiện có tính biểu tượng quan trọng nhằm hướng về giai đoạn đàm phán chông gai tiếp theo.
Các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong hai ngày 14 và 15-2 là một phần của thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày do lãnh đạo hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa ra khi cả hai gặp nhau tại Argentina ngày 1-12 năm ngoái.
Tuy nhiên, đến chiều 15-2 (giờ địa phương), cả Mỹ và TQ vẫn chưa cho thấy những tiến triển rõ rệt nào trong việc giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên. Tờ Bloomberg dẫn thông tin từ Financial Times cho biết các nhà đàm phán Washington và Bắc Kinh kỳ vọng có thể dàn xếp một cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình, hướng về mục tiêu chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết quả.
Phía Mỹ dù bày tỏ thiện chí nhưng vẫn không mảy may mủi lòng trong việc buộc TQ phải ngừng việc "chống lưng" cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có việc ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Washington yêu cầu Bắc Kinh phải tiến hành cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp. Đây đều là những vấn đề được đánh giá là "nhạy cảm", đặc biệt liên quan trực tiếp đến tham vọng "Made in China 2025" của TQ. Tất nhiên Bắc Kinh vẫn cương quyết từ chối.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn bày tỏ sự nhượng bộ khi tiếp tục đề xuất gia tăng nhập khẩu hàng Mỹ. Lần đàm phán gần đây, TQ hứa sẽ gia tăng nhập khẩu nông sản Mỹ, nhất là đậu nành. Lần này, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của TQ đề xuất tăng doanh số chip công nghệ của Mỹ tại thị trường TQ lên 200 tỉ USD trong sáu năm, gấp khoảng năm lần so với mức hiện tại, theo tờ Wall Street Journal.
Kết thúc ngày đàm phán hôm qua (15-2), tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin giấu tên cho biết TQ và Mỹ đồng ý tiếp tục tiến hành đàm phán vào tuần tới tại Washington. "Các nhà đàm phán của hai nước sẽ tiếp tục chương trình thương thuyết vào tuần tới nhưng sẽ thay đổi địa điểm" (từ Bắc Kinh sang Washington), nguồn tin cho biết. Vị này khẳng định "chương trình đàm phán kéo dài hai ngày diễn ra tại Bắc Kinh đã có những tiến bộ nhưng chưa đủ để hai nước có thể chốt hạ thỏa thuận cuối cùng".
Cho đến lúc này, thỏa thuận giữa ông Trump và ông Tập tại Argentina vào cuối năm ngoái vẫn tiến triển ì ạch và về bản chất, xung đột vẫn giậm chân tại chỗ. Cuộc chiến thương mại vì thế vẫn sẽ kéo dài và chưa có hồi kết.
Áp lực chính trị của ông Trump và ông Tập
Tổng thống Trump đang chịu áp lực trước thềm bầu cử năm 2020 khi những lời hứa của ông trong bầu cử năm 2016 (bao gồm xây dựng tường Mexico, buộc TQ phải "trả giá" về thương mại, vực dậy nền kinh tế Mỹ...) về mặt tổng thể vẫn còn hạn chế lớn. Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại nhưng diễn biến cho thấy TQ không phải một đối thủ dễ bị "bắt nạt". Thậm chí giới quan sát cho rằng TQ đủ sức "chơi tay đôi" với Mỹ cho đến khi bầu cử năm 2020 kết thúc.
Trong khi đó, ông Tập cũng chuẩn bị bắt đầu chương trình họp quốc hội thường niên, diễn ra vào ngày 5-3 và kết thúc vào hai tuần sau đó. Theo Bloomberg, điều này sẽ khiến đội ngũ thương thuyết với Mỹ càng trở nên khó khăn khi ông Tập khó có thể gặp ông Trump cho đến tháng 4-2019. Việc trì hoãn cuộc gặp Tập-Trump sẽ dẫn đến nỗi bất an của giới đầu tư TQ lẫn Mỹ kéo dài, bởi quả bom tăng thuế nhập khẩu mới vẫn treo lơ lửng.
THÙY ANH
Theo PL
Tín hiệu sau đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh Các thị trường đang theo dõi những dấu hiệu liệu hai siêu cường kinh tế có duy trì việc "tạm đình chỉ" áp các mức thuế cao gây nhiều thiệt hại hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: THX/TTXVN Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ đã có những cuộc trao đổi "hữu ích" với Trung Quốc...