Vốn hóa 100.000 tỷ đồng, UPCoM không còn bé nhỏ
Thị trường cổ phiếu đăng ký giao dịch ( UPCoM) vừa chào đón doanh nghiệp thứ 300 lên sàn sau gần 7 năm vận hành. Tại sự kiện này, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và các thành viên kỳ vọng, UPCoM trong thời gian tới sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.
NBT là doanh nghiệp thứ 300 chào sàn
Ngày 1/6, có 3 doanh nghiệp cùng lên sàn UPCoM là CTCP Cấp thoát nước Bến Tre (NBT), CTCP Xây dựng Công nghiệp (ICC) và CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Coninco (CNN). Trong đó, NBT là doanh nghiệp thứ 300 trên UPCoM.
Ông Phạm Chí Vũ, Chủ tịch HĐQT NBT cho biết, quyết định đăng ký giao dịch cổ phiếu của NBT là thực hiện cam kết với các cổ đông về nỗ lực đưa doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả và minh bạch. Với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, không phải cổ phiếu nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, NBT tin tưởng, cổ phiếu của Công ty sẽ được các nhà đầu tư quan tâm. NBT hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng và đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên rất cần vốn. Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Lên sàn chứng khoán là cơ hội để Công ty để khẳng định sự trưởng thành, sự tự tin của doanh nghiệp và tìm cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Đối với CNN, ông Hà Minh, Phó tổng giám đốc CNN chia sẻ, Việt Nam hiện có 3 sàn chứng khoán, trong đó sàn UPCoM có mức độ quan tâm của các nhà đầu tư chưa cao, nhưng gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn chọn UPCoM để đưa cổ phiếu lên giao dịch. Thêm vào đó, HNX đang tiến hành phân bảng giao dịch và xây dựng bộ chỉ số UPCoM Premium Index. Đây là động lực để CNN quyết định đưa cổ phiếu lên sàn này nhằm minh bạch hóa thông tin và tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.
Góp ý về việc nâng cao thanh khoản cho UPCoM, lãnh đạo CNN cho rằng, thanh khoản trên thị trường là cung cầu tự nhiên, nhưng nếu có nhà tạo lập thị trường giống như ở nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, thì đó là một điểm rất tốt để nâng cao vị thế cũng như nguồn vốn chảy vào thị trường.
Video đang HOT
Được biết, CNN là doanh nghiệp đầu tiên thuộc Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam lên sàn chứng khoán. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, CNN đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 44 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng.
Vốn hóa sàn UPCoM hiện đạt trên 100.000 tỷ đồng
Sàn UPCoM chính thức khai trương giao dịch ngày 24/6/2009. Tại thời điểm khai trương, có 10 doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch với giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Đến nay, con số này đã tăng lên trên 300 doanh nghiệp, với giá trị đăng ký giao dịch 69.500 tỷ đồng; quy mô vốn hóa thị trường đạt hơn 108.453 tỷ đồng, gấp 25 lần so với vốn hóa tại thời điểm cuối năm 2009. Thanh khoản của thị trường trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh, giá trị giao dịch bình quân đạt 130,1 tỷ đồng/phiên.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho rằng, UPCoM những năm gần đây có sự phát triển nhanh là nhờ vào các chính sách của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 60/2015/NĐ-CP trong đó có nội dung nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, rút ngắn thời gian doanh nghiệp sau cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên UPCoM…
Với các chính sách trên, cùng với nỗ lực và các giải pháp của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HNX cũng đã có các hoạt động hỗ trợ thị trường UPCoM phát triển như thực hiện nới rộng biên độ giao dịch, đặc biệt sắp tới là phân bảng cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, HNX đang phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành sửa đổi Thông tư 196/2001/TT-BTC, trong đó có nội dung gắn đấu giá, cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên UPCoM, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia đấu giá sớm được giao dịch cổ phần. Khi Thông tư này được ban hành, sẽ hỗ trợ thị trường UPCoM phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu thu hẹp thị trường cổ phiếu tự do, đồng thời tạo điều kiện “tập dượt” cho các doanh nghiệp trước khi niêm yết.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Những ứng viên 'hạng sang' thị trường UPCoM
4 tháng đầu năm 2016, giá trị giao dịch bình quân của sàn UPCoM đạt 64 tỷ đồng/phiên, gấp 2 lần so với mức trung bình năm 2015. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ tập trung chủ yếu tại hơn 10 cổ phiếu.
Sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố Bộ Nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium (có hiệu lực từ ngày 24/6) dành cho cổ phiếu của các DN đáp ứng được tiêu chuẩn cao về tình hình tài chính và có ý thức tuân thủ quy định công bố thông tin, thị trường đã có những đồn đoán ban đầu về các ứng viên có khả năng lọt vào danh sách "VIP" này.
CTCK BIDV (BSC) là công ty đầu tiên tiến hành rà soát và công bố danh sách các cổ phiếu đáp ứng tiêu chí Bảng UPCoM Premium.
Theo đó, với bộ tiêu chí thứ nhất là tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế, có 30/292 cổ phiếu thỏa mãn. Trong khi đó, có 48/292 cổ phiếu thỏa mãn trường hợp tổ chức đăng ký giao dịch có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước tối thiểu là 5%, không có lỗ lũy kế.
Đối với bộ tiêu chí thứ hai, "tổ chức đăng ký giao dịch có chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán", có đến 133/292 cổ phiếu có thể thỏa mãn.
Để vào bảng UPCoM Premium, cổ phiếu chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 bộ tiêu chí mà HNX đưa ra, như vậy, ít nhất có 133 DN đủ điều kiện. Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường BSC cho biết, BSC đã đưa ra danh sách 44 cổ phiếu đáp ứng cả 2 bộ tiêu chí (3 khoản mục), tức là trên cả tiêu chuẩn vào UPCoM Premium.
Hiện tại, HNX chưa đưa ra giới hạn về số lượng cổ phiếu tham gia bảng UPCoM Premium, tuy nhiên, bộ nguyên tắc này đã quy định chứng khoán thuộc bảng UPCoM Premium sẽ được giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng được điều kiện tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của UBCK.
Nhiều thành viên thị trường đánh giá, số cổ phiếu thuộc bảng này được giao dịch ký quỹ không nên quá lớn bởi khó kiểm soát rủi ro khi biên độ giao dịch hiện nay của UPCoM thoáng hơn khá nhiều so với thị trường niêm yết ( /-15% mỗi phiên và /-40% trong ngày giao dịch đầu tiên).
Theo danh sách mà BSC công bố, một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao như SDI, GEX, DDV, MSR, VLC đều xuất hiện. Những cái tên còn lại là cổ phiếu của những DN có quy mô vừa phải nhưng hoạt động kinh doanh tốt trên sàn UPCoM như NNG, SMB, WSB, ISH, ND2, PSP, TNB, NCS...
Với việc hình thành Bảng UPCoM Premium, nhà quản lý kỳ vọng có thể tăng tính hấp dẫn của hệ thống UPCoM với DN; thúc đẩy tính minh bạch trên hệ thống giao dịch và chuẩn bị hệ thống trong việc quản lý, giám sát một lượng lớn hàng hóa mới, tạo bước đệm để DN làm quen với giao dịch tập trung và công bố thông tin trước khi tham gia thị trường niêm yết chính thức. Bên cạnh đó, hoạt động margin của bảng UPCoM Premium sẽ là một yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển, theo nhận định của CTCK BSC.
4 tháng đầu năm 2016, giá trị giao dịch bình quân của sàn UPCoM đạt 64 tỷ đồng/phiên, gấp 2 lần so với mức trung bình năm 2015. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ tập trung chủ yếu tại hơn 10 cổ phiếu. Vì vậy, quy định cho phép các cổ phiếu trong UPCoM Premium được giao dịch ký quỹ sẽ giúp thanh khoản tiếp tục cải thiện ở nhiều cổ phiếu và tăng tính hấp dẫn của thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDIRECT cho rằng, việc những cổ phiếu nằm trong danh sách Premium có thể được giao dịch ký quỹ từ 1/7/2016, khi Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK (thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC) có hiệu lực, sẽ là một yếu tố thu hút sự tham gia của dòng tiền margin. Tuy đây chỉ là dòng tiền ngắn hạn nhưng có những đóng góp không thể thiếu cho sự sôi động của sàn giao dịch, đẩy mạnh thanh khoản hàng hóa.
Ở chiều ngược lại, một số DN tỏ ra không quá quan tâm về kỳ vọng của cổ phiếu trên sàn UPCoM. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo CTCP Thiết bị điện Đông Anh (TBD) cho biết, Công ty không quan tâm về việc cổ phiếu lọt vào bảng này. Hiện tại, TBD không có nhu cầu huy động vốn để thực hiện các dự án mới.
Trên sàn UPCoM, thị giá cổ phiếu TBD ở mức 50.000 - 60.000 đồng/CP. Mặc dù giá có xu hướng tăng mạnh từ đầu quý IV/2015 đến nay, tuy nhiên thanh khoản chỉ vài nghìn cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên. Bật sáng UPCoM nếu chỉ một phía làm sẽ không hiệu quả, rất cần nhà quản lý đốc thúc các DN tự "bật sáng" chính mình.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
UPCoM cũng thanh lọc cổ phiếu yếu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cuối tuần qua đã công bố danh sách 31 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên UPCoM (chỉ được giao dịch phiên chiều thứ 6 hàng tuần bắt đầu từ ngày 26/5/2016). Dù bị hủy niêm yết và đưa vào giao dịch trên UPCoM, nhiều DN vẫn liên tục vi phạm quy định Lý...