Vốn FDI vào TP. HCM sụt giảm
Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố liên tiếp sụt giảm. Tính đến trung tuần tháng 5/2016, TP.HCM thu hút được gần 650 triệu USD vốn FDI, giảm gần 408 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 276 dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với số vốn cam kết hơn 482 triệu USD; 48 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm hơn 166 triệu USD.
Từ những con số này, có thể thấy, đây là bước lùi đáng kể của “đầu tàu kinh tế”, trong bối cảnh thu hút vốn FDI của cả nước đều tăng cả vốn cam kết mới và vốn đầu tư tăng thêm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không phải là sự sụt giảm tính bằng tháng, mà đã tiếp diễn liên tục từ đầu năm.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng đầu tư của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất là do không có dự án lớn trong lĩnh vực dệt may. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất khác cũng chưa có các dự án có quy mô vốn từ 50 triệu USD trở lên.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực phi sản xuất cũng không nhiều, thiếu dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử, trong lĩnh vực thương mại có 106 dự án, với số vốn cam kết gần 117 triệu USD; có 7 dự án bất động sản với số vốn là 236 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông có 38 dự án với số vốn đầu tư cam kết hơn 29 triệu USD; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 11 dự án với số vốn đầu tư hơn 10 triệu USD…
Cần nhắc lại rằng, năm 2015, TP.HCM đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đầu tư cam kết mới và tăng vốn là hơn 4,5 tỷ USD. Nếu so với con số này, thì kết quả hiện tại là quá… khiêm tốn, trong khi năm 2016 đã đi gần hết nửa chặng đường. Như vậy, để có thể đạt được kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI của năm nay, TP.HCM phải trở thành “bến đỗ” cho các dự án FDI quy mô vốn lớn, thậm chí là các dự án tỷ USD trong thời gian còn lại.
Video đang HOT
Về lý thuyết, sự kỳ vọng này cũng không phải là không có cơ sở. Trong buổi họp báo cách đây chưa lâu, đại diện Hepza đã chính thức thông tin đã có nhà đầu tư mới thay thế cho dự án tỷ USD của First Solar. Theo đó, nhà đầu tư mới này sẽ triển khai dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và vốn đầu tư cam kết cho dự án này ít nhất cũng có thể từ 500 triệu USD trở lên. Quan trọng hơn, nhiều khả năng việc cấp phép cho dự án này có thể hoàn thành ngay trong năm nay.
Thêm một tin vui, gần đây, 3 nhà đầu tư Hoa Kỳ cùng một doanh nghiệp trong nước đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM đầu tư Dự án khu phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Dù có thông tin cho rằng, nhà đầu tư muốn thay đổi một vài chi tiết trong quy hoạch nội khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cần thời gian bàn thảo với ngành chức năng của TP.HCM, nhưng có vẻ các bên liên quan đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ. Nếu “siêu dự án” này sớm được cấp phép thì đây không chỉ là dự án có quy vốn lớn nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, mà còn là “cứu cánh” cho thu hút FDI của TP.HCM trong năm nay.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Mỹ liệu có trở thành nhà đầu tư số 1?
Không phải tới bây giờ, kỳ vọng mới được đặt ra đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ, nhưng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội lớn như vậy để thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút FDI từ Mỹ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
"Nhà đầu tư số 1", "nhà đầu tư chiến lược" là những cụm từ thường được nhắc đến khi nói về Mỹ, sau khi hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000.
Tuy vậy, lũy kế tới hết tháng 11/2015, mới có trên 11,2 tỷ USD vốn đầu tư từ Mỹ đổ vào Việt Nam. Mặc dù vẫn đứng trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, song con số này còn khá khiêm tốn. Việt Nam vẫn chưa thể trở thành địa điểm đầu tư chiến lược mà nhà đầu tư Mỹ nhắm đến.
Minh chứng rõ nét, trong năm 2014, trong khi FDI từ Mỹ vào Indonesia lên tới 2,58 tỷ USD, vào Thái Lan là 1,97 tỷ USD, vào Malaysia là 1,72 tỷ USD và vào Philippines là 1 tỷ USD, thì cam kết vào Việt Nam chưa tới 300 triệu USD. Không thể so sánh với Trung Quốc, bởi ở đỉnh cao vào năm 2008, có tới 16 tỷ USD vốn FDI từ Mỹ chảy vào quốc gia này. Dù đã suy giảm trong thời gian gần đây, nhưng quý I/2015, Mỹ vẫn đầu tư vào Trung Quốc khoảng 3,1 tỷ USD, trong khi đó, 11 tháng qua, chỉ có hơn 220 triệu USD được các nhà đầu tư Mỹ cam kết đầu tư vào Việt Nam.
Tất cả các con số trên dường như đi ngược lại với các tuyên bố lâu nay của các nhà lãnh đạo, cũng như của các doanh nghiệp Mỹ, rằng họ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, cho dù rất nhiều tên tuổi lớn của Mỹ đã có mặt ở Việt Nam và hàng năm, luôn có nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Câu hỏi cần đặt ra là vì sao?
Rất nhiều chuyên gia đã tìm cách lý giải điều này. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần nhắc tới những vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, đến sự minh bạch của chính sách pháp luật, cơ chế "xin - cho"... như là những điểm nghẽn khiến vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa thông.
Đơn giản hơn, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh về "thời cơ chưa chín muồi".
Còn Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong một báo cáo gần đây đã nhắc đến các nguyên nhân liên quan tới sự minh bạch và tham nhũng, tới sự hợp tác Chính phủ - doanh nghiệp vẫn còn rời rạc trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế; cũng như các hạn chế về kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao và chi phí lao động, thuê văn phòng, nhà ở... gia tăng.
Nếu nhìn nhận về "thời cơ", như ông Phạm Viết Muôn đã nói, thì rõ ràng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút FDI từ Mỹ. Trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cú hích vô cùng quan trọng. "Việc Việt Nam chủ động tham gia TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ, khiến thị trường Việt Nam khác biệt so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN chưa phải là thành viên TPP. Vì vậy, Việt Nam có thể sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam, như Nike, Mast, P&G...
Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore (AmCham Singapore) cũng công bố, khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.
"Tôi tin vào các tuyên bố lần này từ phía Mỹ, rằng họ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1", GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, dựa trên các động thái gần đây liên quan đến việc Intel, Micsosoft dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, việc Harvard, Fulbright xây dựng các trường đại học tại Việt Nam, hay việc đích thân các vị lãnh đạo đất nước đi "xúc tiến đầu tư" tại Mỹ, thì chuyện Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.
Từ sau khi đàm phán TPP có triển vọng khả quan, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã không ngừng tới Việt Nam. Từ Exxon Mobil, Chevron... đến Boeing, ADC - HAS Airport, rồi Microsoft, Intel, Apple, HP, hay General Electric, General Atlantis, AES...
Tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký kết giữa Viejet Air và Boeing, giữa PVN và Murphy, giữa EVN và General Electric...
Tuy nhiên, cơ hội chỉ trở thành hiện thực một khi các điểm nghẽn trong nội tại nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam được giải quyết. Sự hứng khởi và kỳ vọng quá lớn vào BTA Việt - Mỹ là một bài học quý cho câu chuyện này.
"Chúng ta cũng tận dụng vốn đầu tư Mỹ từ nhiều kênh khác nhau, có thể thông qua các ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư của Mỹ. Ngoài các ngành thế mạnh của Mỹ như dầu khí, hàng không, năng lượng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chínhngân hàng, do các tập đoàn lớn đầu tư, thì cũng nên hướng tới kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ trong các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ...", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, bên cạnh xúc tiến đầu tư, thì cũng phải kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Đây là cách xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả để xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhiều doanh nghiệp FDI tăng vốn, mở rộng sản xuất Cuối tuần qua, tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn hơn 531 triệu USD. Trong đó, 23 dự án cấp mới và 15 dự án điều chỉnh tăng vốn. Động thái của các nhà đầu tư ngoại cho thấy, họ đang "nhanh...