Vốn đến tay, nhà nông nuôi gà, nuôi trâu mà khấm khá
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng trăm nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nâng cao thu nhập.
Xóa nghèo từ vốn vay ưu đãi
Nhiều năm trước, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ và vợ là chị Đinh Thị Hoan (dân tộc Mường) thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo, cùng với vốn của nhà anh chị đầu tư mua máy xay xát.
Làm máy xay xát, thấy dư nhiều cám, trấu, anh chị tiếc của bèn đầu tư chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Lúc đầu anh Tỵ chỉ mua 50 con gà giống, đôi lợn nái về nuôi. Nhờ mát tay, chăm chỉ đàn gà, đàn lợn lớn nhanh như thổi, chỉ 2 năm sau gia đình anh chị thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo tỉnh Phú Thọ đã đầu tư nuôi trâu hiệu quả. Ảnh: T.H
Thấy nuôi gà cho hiệu quả cao hơn nuôi lợn, anh Tỵ dồn vốn đầu tư tập trung nuôi gà. Đàn gà từ 50 con nhân đàn lên 500 con rồi đến hơn 2.000 con gà sinh sản. Với mong muốn vươn lên khó khăn, gây dựng kinh tế khá giả cho gia đình, năm 2016 anh Tỵ tiếp tục làm đơn vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và được Ngân hàng CSXH tỉnh chấp thuận.
Lần này, với số vốn vay 40 triệu đồng anh Tỵ mua ngay một máy ấp trứng với công suất 8.000 trứng/mẻ ấp. “Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, tôi chủ động việc sản xuất giống gà. Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp.
Video đang HOT
Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng. Đồng thời, mỗi tháng tôi thu về thêm 2 triệu đồng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm. Nhờ nuôi gà mỗi tháng tôi thu lãi 4 triệu đồng” – anh Tỵ khoe.
Cùng xóm với anh Tỵ, gia đình chị Hà Thị Mức (dân tộc Mường) cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn. Chị Mức phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi mới cưới nhau, vốn liếng không có nhiều nên rất cần vốn làm ăn. May mắn, năm 2018, được vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Có vốn, tôi đầu tư nuôi trâu. Tôi thấy nuôi con gì cũng tốn thức ăn, chỉ có nuôi trâu là ít tốn nhất mà ít bị rủi ro”.
Gần 700.000 lượt hộ nghèo được vay vốn
Ông Trương Việt Phương – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhìn lại hành trình kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay 697.297 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay hơn 11.326 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 7.403 tỷ đồng.
Tính đến 30/11/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt trên 4.108 tỷ đồng, tăng gấp trên 22 lần so với cuối năm 2002 với 121.040 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, mức dư nợ bình quân đạt 33,94 triệu đồng/hộ, tăng 31,2 triệu đồng/hộ so với thời điểm thành lập. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, đến 30/11/2019 chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nọ. Nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,003% tổng dư nợ, cho thấy ý thức rất cao của người dân với việc sử dụng nguồn vốn này.
Thông qua các chương trình tín dụng, vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn CSXH đã giúp bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt…
Theo Danviet
Lạng Sơn: Trang trại dưới thả cá trên nuôi gà bán Tết mà khấm khá
Với quyết tâm làm giàu ở nông thôn, anh Hoàng Đình Tuyển (thôn Nà Nhì, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà bán dịp Tết kết hợp với nuôi cá thả ao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chán cảnh làm ruộng vất vả mà nghèo vẫn hoàn nghèo, anh Hoàng Đình Tuyển đã tìm đến các mô hình chăn nuôi ở địa phương để học tập, tham khảo. Với mong muốn thoát nghèo, đưa kinh tế gia đình đi lên, anh Tuyển đã đề xuất và được Hội Nông dân xã làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền đưa anh vào tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý. Tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Tuyển mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH, đầu tư ao thả cá và chăn nuôi gà bán vào dịp Tết hằng năm.
Để có diện tích ao nuôi cá rộng rãi, năm 2017, anh Tuyển mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đào, cải tạo 7 sào ruộng đang cấy lúa hằng năm thành ao nuôi thả cá. Sau đó, anh còn dùng tiền vốn vay đầu tư con giống, thức ăn cho cá, đồng thời đầu tư chăn thả gà để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Anh Tuyển thường xuyên bổ sung cỏ voi trồng ngay bờ ao cho đàn cá tại ai nuôi của gia đình.
Dẫn chúng tôi thăm dọc 2 ao nuôi, anh Tuyển cho biết, trước đây anh làm rất nhiều nghề để mưu sinh, ai kêu gì làm đó. Anh Tuyển cũng đã từng vay vốn đầu tư nuôi trâu bán chăn thả, tuy nhiên do gia đình ít nhân lực nên không làm tiếp được. Làm nông thì vất vả, trồng cây gì nuôi con gì cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu của gia đình nên không để dư được đồng tiền và nguồn thu nhập hằng năm bấp bênh.
"Nhìn người ta làm mô hình, phát triển kinh tế dần khấm khá nên mình cũng ham nên cũng đi học tập, tìm hiểu rồi đánh liều làm", anh Tuyển cười đùa.
Năm đầu tiên, do mới hình thành mô hình nên nguồn tiền thu được anh dành để trả lãi ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất thêm vào trang trại. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau thời gian thấy hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, anh Tuyển có diện tích ao nuôi cá hơn 1.800m2 chủ yếu nuôi cá trắm, cá chép và cá trôi.
Ngoài cỏ voi, anh Tuyển còn bổ sung nhiều loại rau, cỏ khác như lá chuối, lá rau cải bắp, lá sắn..
"Tôi mua cá giống loại to với giá khoảng 8 - 9 triệu đồng/tạ, thả nuôi một năm là đã có thể xuất bán. Trung bình 1 ao tôi thả gần 1.000 con cá trắm, trôi và cá chép. Từ đầu năm đến nay tôi đã xuất bán khoảng 2 - 3 tạ cá thịt, dự kiến sẽ thu toàn bộ vào cuối năm bán vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thị trường tiêu thụ cá chủ yếu là các nhà hàng, gia đình có nhu cầu quanh khu vực thị trấn. Thường họ sẽ gọi điện đặt sau đó mới bắt và chọn trực tiếp tại ao nuôi", anh Tuyển nói.
Nói về kinh nghiệm trong nuôi thả cá nước ngọt, anh Tuyển chia sẻ, nguồn nước phải được thay thường xuyên. Để thịt cá thơm và ngon, anh Tuyển cho cá ăn cám bột ngô, cám gạo trộn thêm một chút thức ăn chăn nuôi. Đồng thời thường xuyên bổ sung lá chuối, cỏ voi và lá rau xanh cho đàn cá.
Ngoài ra, gia đình anh còn đầu tư chăn nuôi gà, bán gà trống thiến phục vụ Tết Nguyên đán. Trung bình gia đình nuôi 2 lứa gà/năm, mỗi lứa hơn 100 con nên cũng có thêm thu nhập cho gia đình. Nhất là thời điểm năm nay xuất hiện dịch bệnh tả châu Phi trên đàn lợn nên người tiêu dùng cũng hạn chế sử dụng thịt lợn mà chuyển sang ăn thịt gà chăn thả và cá nuôi ao nên thị trường cũng rộng mở hơn.
Anh Tuyển tâm sự: "Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi phải nếm trải rất nhiều khó khăn, gian khổ. Có khi đã nghĩ đến từ bỏ để kiếm công việc khác. Lứa nuôi thử đầu tiên, gà bị bệnh cứ lăn ra chết hàng loạt khiến tôi rất lo lắng, bởi đằng sau tôi là cả gia đình, vợ con chỉ biết nương tựa đặt cược hết vào mô hình này. Và tôi đã quyết tâm vượt qua tất cả".
Anh Tuyển hiện đang là hội viên sử dụng nguồn vốn vay mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Anh Tuyển cho biết, từ nuôi cá trắm, chép, gia đình anh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Cùng với đó là nguồn thu từ chăn nuôi gà thả vườn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. "Mỗi năm từ việc bán gà, bán cá từ trang trại, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/năm, nhờ đó mà kinh tế gia đình tôi ổn định, khá hơn trước rất nhiều. Cũng nhờ đó mà tôi dần có của ăn của để, con cái được ăn học đàng hoàng..."
Ông Lương Đình Thắng, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý cho biết, mô hình phát triển kinh tế của anh Tuyển là mô hình đang mang lại hiệu quả cao. Điều này cho thấy nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đang được bà con nông dân trong xóm, ngoài xã sử dụng rất có hiệu quả, góp phần giúp người dân có động lực, mạnh dạn làm giàu. Bằng ý chí, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, anh Hoàng Đình Tuyển đã gặt hái được thành công từ mô hình trang trại của mình, góp phần phát triển kinh tế của gia đình cũng như phát triển ngành chăn nuôi ở địa phương.
Theo Danviet
Thầy cô góp gạo thổi cơm nuôi học trò nơi huyện nghèo 30a Dưới chân núi Ngọc Ngo, sau những giờ lên lớp, hình ảnh các thầy cô chăm bón từng luống rau, nuôi gà... đã quá quen thuộc với các em học sinh huyện nghèo 30A Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Để thu hút học sinh đến trường, hàng chục giáo viên đã và đang ngày ngày gây quỹ nuôi trò. Để vận động,...