Vốn cho doanh nghiệp phục hồi – Bài 3: Vẫn vướng cơ chế
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở nhiều cấp, ngành và một số địa phương vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vốn để phục hồi.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Sau rất nhiều nỗ lực của toàn xã hội và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 mà Chính phủ ban hành, tình hình sản xuất kinh doanh đang dần thể hiện rõ những kết quả tích cực. Các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ được các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đánh giá đúng thời điểm và trúng mục đích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở nhiều cấp, ngành và một số địa phương vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vốn để phục hồi. Phóng viên TTXVN tổng hợp nhiều ý kiến doanh nghiệp về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác SKD Việt Nam:
Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp tại Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 20/5/2022 mới đây là động thái rất đáng mừng. Với chính sách này, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất giảm 2 – 3%/năm với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới. Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, cơ khí cũng nằm trong diện được ưu đãi.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Từ đầu năm nay, Việt Nam thực hiện chính sách “thông thoáng” hơn với COVID-19 giúp doanh nghiệp có cơ hội khôi phục. Nhiều bạn hàng, đối tác cũng đã quay trở lại ký hợp đồng với SKD Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng mới, cùng với đó là nghiên cứu để cho ra những sản phẩm mới.
Là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cho đối tác Đài Loan (Trung Quốc), hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để cung ứng hàng, doanh nghiệp cần cải tổ quản trị, sản xuất, đẩy mạnh công nghệ và nghiên cứu. Những việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn để thực hiện.
Với doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ 2-3% lãi suất vay sẽ không phải là con số quá lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây sẽ là động lực, nguồn hỗ trợ để doanh nghiệp có thể chi trả các khoản như tiền lương người lao động, bù đắp các chi phí khác…
Chính sách từ Chính phủ là rất tốt, song việc thực hiện ở dưới cũng cần thông thoáng hơn, tránh rơi vào tình trạng như nhiều chính sách hỗ trợ thuế đất, lãi suất trước đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không có nhiều, trong khi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí:
Năm 2020-2021 là thời điểm rất nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành nghề cơ khí, chế tạo nói riêng. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp thì dịch bệnh cũng khiến họ phải đương đầu với nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa và sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã vào cuộc tích cực bằng nhiều chính sách, giải pháp về thuế, phí, lãi suất… hỗ trợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu, đầu tư về công nghệ để tiếp tục sản xuất, phát triển.
Thời gian qua, hiệp hội cũng đã theo sát doanh nghiệp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để có những đề xuất, báo cáo kịp thời với cơ quan Nhà nước giải quyết, hỗ trợ. Nhất là trong dịch bệnh, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất của ngành cơ khí bị đứt gãy, hiệp hội đã làm tốt chức năng tập hợp, liên kết doanh nghiệp, sử dụng sản phẩm trong cùng ngành, chia sẻ thông tin, đơn hàng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá đây là chính sách rất đúng thời điểm là nguồn động viên đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để chính sách này đến được với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đòi hỏi sự thông thoáng, đơn giản trong thủ tục thực hiện. Như thời gian qua, nhiều chính sách đến cuộc sống vẫn còn rào cản khá lớn, như chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương kèm theo nhiều điều kiện.
Sản xuất công nghiệp chế tạo nói chung và ở ngành cơ khí hiện nay, các doanh nghiệp cần nguồn lực lớn để đầu tư, từ con người đến vốn. Đây là ngành nghề có lợi nhuận không quá cao, thời gian đầu tư, hoàn vốn dài, nên rất cần sự ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thủ tục vay…làm sao thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel:
Các doanh nghiệp du lịch rất mong đợi từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế – xã hội khi ngành du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Hy vọng là các doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng nhất. Chứ thực sự có những chính sách mà doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn. Chính phủ cũng cần quyết đoán, mạnh mẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thực tế khi chủ trương được triển khai rất quyết liệt từ phía trên nhưng xuống dưới thì lại bị tắc.
Về nguồn vốn hỗ trợ cho ngành du lịch, trước đó Tổng cục Du lịch đã đề nghị với ngân hàng cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang đóng quỹ 500 triệu đồng được rút 80% về để bổ sung vào hoạt động kinh doanh, điều này hết sức kịp thời. Tuy nhiên, nguồn vốn chỉ mấy trăm triệu đồng thì không thể đủ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. Do đó, với gói 350.000 tỷ đồng đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành rất mong các thủ tục tiếp cận được thuận tiện nhất.
Trong suốt hai năm vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch Việt Nam gần như bị “đóng băng”. Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ lại được thị trường và chờ đến ngày mở cửa phục hồi du lịch.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Doanh nghiệp vận tải là một trong những loại hình doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên trong khi doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn hoạt động được trong hai năm diễn ra đại dịch thì các doanh nghiệp vận tải hành khách chỉ duy trì cầm chừng và gần như ngừng trệ trong các đợt giãn cách xã hội. Vì thế, mặc dù tình hình dịch đã được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách đã cơ bản được phục hồi nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn rất khó khăn vì sản lượng hành khách vẫn chưa tăng trưởng theo yêu cầu. Cùng với đó, giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp này càng thêm kiệt quệ.
Do đó, hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục có các hỗ trợ về thuế, phí đến hết năm 2022. Cùng với đó là chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ tín dụng thiết thực hơn nữa với doanh nghiệp vận tải hành khách, qua đó giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn.
Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 2: Mạnh tay hỗ trợ, sớm đưa dòng vốn đến doanh nghiệp
Nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực; trong đó có chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều bất cập.
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty CP thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang ở KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh minh họa: TTXVN
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Thưa ông, nền kinh tế đã dần trở lại bình thường. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu vốn của doanh nghiệp cho phục hồi sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đi vào một giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Các doanh nghiệp dù không bằng với trước kia nhưng cũng dần dần trở lại sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, nhu cầu tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay và tôi tin từ nay đến cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ lại càng tăng cao hơn nữa.
Chúng ta đi qua giai đoạn phục hồi nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn. Trước tiên, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân như: Căng thẳng giữa Nga - Ukraine kéo theo nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga, tác động mạnh đến lĩnh vực năng lượng, khí đốt; tình hình kiểm soát COVID-19 tại Trung Quốc... Trong khi đó, Việt Nam là nước có xuất nhập khẩu hai chiều lên đến hơn 1,5 lần GDP nên chuỗi cung ứng đứt gãy tác động mạnh lên lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta với chi phí bị đội lên cũng nhiều.
Thêm nữa, tình hình giá cả tăng cao cũng là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối mặt. Do đó, nhu cầu vay vốn các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ông kỳ vọng ra sao về chương trình hỗ trợ trên?
Chúng ta có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phục hồi. Nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ, nền kinh tế cần khoảng 800.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng trong hai năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất cần được triển khai nhanh chóng hơn. Bởi có rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để "sống", chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động. Vì thế, các cơ quan liên quan, chính quyền từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét, thiếu sót hồ sơ đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.
Ngoài ra, việc đảm bảo sự minh bạch khi phân phối ngân sách của Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ cũng là yếu tố cần đặc biệt lưu tâm, kiểm soát.
Có một thực tế là ngay cả khi lãi suất cho vay ở mức rất ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này. Theo ông, cần giải pháp nào cho thực trạng trên?
Về phía doanh nghiệp, để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tiên phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để Chính phủ có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.
Về phía ngân hàng, tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phân bổ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đến tất cả các ngân hàng thương mại tùy theo quy mô, khả năng của từng ngân hàng chứ không chỉ gói gọn tại một số ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước khi đó nên có những quy định chung về việc hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện và báo cáo.
Bên cạnh những giải pháp đang triển khai, theo ông, cần làm gì để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong thời điểm này?
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Chính phủ, vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp còn có thể huy động nguồn vốn từ chứng khoán, gồm phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng tại thời điểm này, vốn ngân hàng là có lẽ là phương án khả thi và dồi dào nhất.
Lí do bởi nguồn ngân sách đang rất hạn hẹp, còn phát hành cổ phiếu đòi hỏi doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính tốt, có khả năng để phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán, phải tuân thủ một số quy định về luật chứng khoán; còn thị trường trái phiếu hiện cũng đang gặp khó sau loạt vụ lùm xùm xảy ra thời gian gần đây.
Là nguồn tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp, tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình làm việc với các ngân hàng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp phù hợp với từng hoàn cảnh. Ở đây, tôi không đề nghị ngân hàng cho vay dưới chuẩn, mà ngược lại vẫn phải đảm bảo các quy định về an toàn vốn, quản lý rủi ro nghiêm ngặt. Nhưng với những doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng thì cần một quy chế riêng, có thể là các quỹ bảo lãnh tín dụng để mà các quỹ đó bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng. Hiện tại, chúng ta đã có quy định về các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng các quỹ này vẫn rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Tôi mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp yếu kém có thể vay được mà không bắt buộc phải hạ chuẩn tín dụng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 1: 'Bơm' vốn rẻ kịp thời đến với doanh nghiệp Đối diện với các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, việc được hỗ trợ nguồn vốn sẽ là động lực để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Đáp Cầu (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN Mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công,...