Voi trắng – biểu trưng quyền lực ở Myanmar
Những con voi trắng ở Myanmar là bảo vật vô giá, bởi tầng lớp lãnh đạo tại quốc gia này tin rằng chúng là món quà từ thiên nhiên, mang tới uy quyền, may mắn và thịnh vượng.
Hai trong 6 con voi trắng được nuôi ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: AFP
Voi trắng luôn được chăm sóc rất chu đáo. Buổi sáng, người ta tắm cho chúng, dắt chúng đi dạo, mát xa toàn thân rồi nhồi căng dạ dày với cỏ tươi và mía được trồng tại một trang trại đặc biệt rộng gần 80.000 m2. Đến tối, quy trình này tiếp tục lặp lại trước khi quản tượng kiểm tra những con voi lần cuối rồi đưa chúng đi ngủ. Ông U Kyaw Kyaw, 56 tuổi, một quản tượng dày dạn kinh nghiệm, thậm chí còn chọn việc ngủ cùng voi thay vì nằm bên vợ mình, theo Global and Mail.
Sở dĩ những con voi trắng nhận được quan tâm đặc biệt là bởi chúng đại diện cho quyền lực, sự vĩ đại cũng như tham vọng về một sức mạnh tuyệt đối của tầng lớp tinh hoa cầm quyền ở Myanmar, cây bút Nathan Vander Klippe bình luận.
Biểu tượng sức mạnh
Những con voi trắng không trắng toát mà thường có màu nâu hồng nhạt. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn tới màu sắc khác biệt này là do con voi mắc chứng bạch tạng. Song, trong mắt của những vị tướng lĩnh lãnh đạo Myanmar, chúng lại được xem như một món quà vô giá mang đến may mắn mà mẹ thiên nhiên ban tặng.
Tại thủ đô Naypyidaw hiện nuôi dưỡng 6 con voi trắng trong một khu đất rộng lớn. Nhà voi có phần mái mạ vàng và nền nhà lúc nào cũng sạch sẽ. Ở Yangon cũng đang có ba con voi trắng, một con được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt.
Giới lãnh đạo Myanmar không hề ngần ngại khi tung hô về tác dụng thần kỳ của linh vật này. Tại Vườn Voi trắng Quốc gia Naypyidaw, du khách tới đây lúc nào cũng được phát những tờ rơi với nội dung ca tụng rằng voi trắng luôn xuất hiện dưới triều đại của những bậc minh quân và là tài sản của vị vua hiền tài có khả năng đưa đất nước phát triển thịnh vượng.
“Sự xuất hiện của những con voi trắng là một điềm lành đối với quốc gia ở vào thời điểm mà tất cả mọi người đều đang nỗ lực để xây dựng một đất nước hòa bình, hiện đại và phát triển”, trên tờ rơi viết.
Video đang HOT
Trái lại, sự biến mất của một con voi trắng có thể coi như điềm báo thảm họa. Năm 1885, vương triều Thibaw, vị vua cuối cùng của Myanmar, bị thực dân Anh lật đổ ngay sau cái chết của con voi trắng ưa thích của ông.
Voi trắng trở thành biểu tượng của sức mạnh và quyền lực ở Myanmar bắt nguồn từ nền văn hóa Vedic cách đây hơn hai thiên niên kỷ, “nơi mà Indra, vua của các vị thần, được khắc họa là đang ngồi trên một con thú trông giống hệt như thế”, Rupert Arrowsmith, nhà sử học tại Đại học Công lập London, cho hay.
Indra, vua của các vị thần trong truyền thuyết, luôn cưỡi trên lưng voi trắng. Ảnh: Wikipedia
Vua chúa Myanmar sử dụng cụm từ “chúa tể của voi trắng” như một danh xưng thể hiện sự oai nghiêm. Những con voi trắng vì thế cũng được hưởng mọi điều kiện chăm sóc tốt nhất. Lúc còn nhỏ, chúng được bú sữa trực tiếp từ bầu ngực người phụ nữ. Khi lớn lên, chúng thường khoác trên mình những bộ cánh đắt giá, thậm chí làm từ kim cương, sống trong các ngôi nhà bằng vàng hay ăn từ máng vàng.
Theo Independent, giới lãnh đạo hiện đại của Myanmar cũng tôn thờ voi trắng không khác gì các bậc vua chúa xưa kia. Vào ngày thủ đô mới của Myanmar dời về Naypyidaw năm 2005, sự hiện diện của những con voi trắng là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của buổi lễ. Năm 2001, việc một con voi trắng bị bắt trong khu rừng rậm ở Arakan được truyền thông ca tụng là “điềm báo của thịnh vượng, hòa bình và hiện đại”.
“Con voi hoàng gia” được đưa đến Yangon và tặng cho tướng Khin Nyunt, khi đó là thư ký thứ nhất của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia. Ông mặc cho nó những biểu trưng và y phục của quân đội, đồng thời giữ con voi trong đền thờ riêng ở phía bắc ngoại ô Yangon. Thống soái Than Shwe, người đã lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar trong gần 20 năm, từ 1992 đến 2011, cũng từng khao khát có được một con voi trắng cho riêng mình.
Năm 2008, chính quyền Myanmar còn thành lập một nhóm bắt giữ và huấn luyện với nhiệm vụ đi tìm kiếm, thuần dưỡng những con voi trắng trên khắp đất nước. Khi phát hiện một con voi trắng, nhóm này sẽ cử một đội khoảng 50 người đến để theo dõi, bắn thuốc mê và đưa về trại huấn luyện gần nhất. Chúng bị nhốt ở đây trong nhiều tuần lễ để bản năng hoang dã mất dần đi.
Ông U Kyaw Kyaw đến từ một gia đình có truyền thống làm nghề quản tượng. Cha mẹ ông từng làm việc cho Myanmar Timber Enterprise, một công ty nhà nước quản lý gần một nửa trong số 6.000 con voi nhà ở Myanmar. Tại một đất nước mà máy móc phụ trợ còn xa lạ đối với người dân, voi vẫn phải kéo gỗ hay làm những công việc nặng nhọc. Nhưng voi trắng thì khác.
“Bất cứ khi nào nghe tin về một con voi trắng mới là tôi lại cảm thấy thật hân hoan, vui sướng cho chính quyền và cho đất nước”, ông U Kyaw Kyaw hồ hởi nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Quân đội Myanmar vẫn thâu tóm quyền lực dù thất thế bầu cử
Mặc dù giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Myanamar vừa qua, đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vẫn cần sự hợp tác của quân đội để quản lý đất nước, bởi theo hiến pháp lực lượng này kiểm soát các cơ quan siêu quyền lực.
Tổng thư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Ảnh:Indian Express
Trong cuộc bầu cử mang tính dấu mốc diễn ra tại Myanmar hôm 8/11, đảng đối lập, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành được ưu thế áp đảo. Đảng của bà dự kiến sẽ hình thành nên một nội các dân sự mới, nhưng quyền lực quốc gia không nằm trọn vẹn trong tay chính phủ, do những tàn tích của chế độ nhà nước quân sự do quân đội kiểm soát suốt 50 qua vẫn tồn tại, tờ New York Times đánh giá.
Căn cứ theo hiến pháp do quân đội khởi thảo, một số cơ quan siêu quyền lực trong thể chế Myanmar hiện nay vẫn do quân đội trực tiếp kiếm soát, như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ các vấn đề biên giới. "Phe đối lập đã giành được thắng lợi áp đảo, nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn buộc phải cùng với quân đội đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực", nhà sử học Thant Myint-U, cựu cố vấn chính phủ Myanmar, bình luận.
"Đây không phải là cuộc bầu cử chọn ra chính phủ, mà là lựa chọn vị trí trong chính phủ chia sẻ quyền lực với quân đội", học giả này nói. Cũng theo hiến pháp, quân đội có quyền kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế nếu cần thiết.
Quân đội Myanmar là lực lượng được chính trị hóa cao độ, nhưng các lĩnh vực mà thế lực này vươn tới không chỉ có chính trị. Các ngành nghề kinh tế như khai thác đá quý, sản xuất bia rượu, thuốc lá, giao thông công cộng và tài chính ngân hàng đều có lợi ích của quân đội. Đế quốc kinh tế của quân đội Myanmar hiện không chịu sự kiểm soát của chính phủ.
Trong hàng thập kỷ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, các địa phương của Myanmar hình thành nên hệ thống quan liêu tập quyền, mà người đứng đầu thường là các cựu quân nhân. Cựu quan chức Liên hợp quốc tại Myanmar Richard Horsey cho biết, Tổng cục Hành chính là cơ quan chính phụ trách hành chính của các địa phương. Cũng giống như lực lượng cảnh sát, cơ quan này trực thuộc Bộ Nội vụ.
"Quân đội kiểm soát cơ quan quan trọng như vậy, chắc chắn sẽ yêu cầu Aung San Suu Kyi phải hợp tác cùng mình", ông Horsey nói. "Không thể quản lý đất nước nếu thiếu sự ủng hộ của Bộ Nội vụ, và nói cho cùng vẫn là sự ủng hộ của Tổng tư lệnh quân đội".
Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi sẽ thỏa hiệp ở mức độ nào với giới quân đội đang là câu hỏi lớn quyết định hướng đi tiếp theo của chính trường Myanmar. Trong thời gian vận động tranh cử, bà thường xuyên nhắc đến tầm quan trọng của sự hòa giải. Trong một bức thư gửi cho Tổng thống U Thein Sein và tổng tư lệnh quân đội, bà yêu cầu được gặp mặt để thảo luận về cơ sở hòa giải đất nước. "Điều đó rất quan trọng đối với phẩm giá của đất nước và nhằm đem lại hòa bình trong tâm tưởng cho người dân", bà viết trong thư.
Lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi. Ảnh: Telegraph
Mặt khác, Aung San Suu Kyi cũng thường xuyên phê phán điều khoản hiến pháp cho phép quân đội kiểm soát một phần tư quốc hội, cũng như quy định cản trở không cho bà trở thành tổng thống. Ngày 10/11, với tư cách là lãnh đạo chính đảng chiếm đa số trong quốc hội, bà tuyên bố có quyền lựa chọn nhân sự tổng thống và người này phải phục tùng bà.
"Tất cả các quyết định phải do tôi đưa ra, bởi tôi là lãnh đạo của đảng giành thắng lợi", bà Aung San Suu Kyi cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài News Asia. "Chúng tôi sẽ lựa chọn người phù hợp hiến pháp làm tổng thống".
Giới phân tích nhận định rằng, đây là một sự thách thức với vai trò chính trị của quân đội và có thể gây mâu thuẫn. Quan hệ giữa Aung San Suu Kyi và quân đội có tác động vô cùng quan trọng với sự vận hành của chính phủ. "Nếu như ngay từ đầu mà không thuận lợi, đối phó lẫn nhau, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề", ông Horsey nhận định.
Nhà sử học Thant Myint-U cho biết, thắng lợi khiến người ta đặt kỳ vọng lớn vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết những vấn đề mà Myanamar đang đối diện. Nhưng, chuyên gia này cũng cảnh báo việc chính phủ mới không có khả năng kiểm soát trực tiếp các lực lượng then chốt như cảnh sát, sẽ tạo trở ngại lớn để Aung San Suu Kyi đáp ứng kỳ vọng trên.
Xem thêm: Cuộc chiến giữa 'Quý bà' Myanmar và các tướng lĩnh quân đội
Đức Long
Theo VNE
Bầu cử lịch sử Myanmar: Bà Suu Kyi khẳng định quyền lực Theo công bố của Ủy ban bầu cử liên bang (UEC) Myanmar, đảng đối lập của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong Quốc hội. Theo đó, ngày 10/11, UEC đã công bố thêm 179 ghế nghị sỹ ở 3 cấp gồm Thượng viện, Hạ viện và nghị viện vùng hoặc bang. Trong tổng số 33 ghế Thượng viện đầu tiên...