“Với tôi, Đại tướng là một nghệ sĩ…”
Đại tá Phạm Thanh Tâm ( họa sĩ Huỳnh Biếc, 80 tuổi), một họa sĩ chiến trường có nhiều cơ hội gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài thắc mắc vì sao nghệ sĩ ở Việt Nam lại được vinh dự gặp gỡ Đại tướng nhiều đến vậy?
Đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan triển lãm tranh về lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975
Ông nói: “Richard, một người bạn nước ngoài của tôi từng kinh ngạc hỏi tôi vì sao nhiều họa sĩ Việt Nam vinh dự được gần Đại tướng. Ông ấy ngạc nhiên hỏi: “Tại sao các họa sĩ Việt Nam lại “có duyên” làm vậy? Tài giỏi, lừng danh thế giới như tướng Giáp hẳn là bận rộn lắm, sao có thể dành thì giờ cho các họa sĩ?”. Còn tôi thì không ngạc nhiên. Vì với tôi, Đại tướng cũng là một nghệ sĩ…”.
Câu hỏi rất hay của Richard khiến người họa sĩ chiến trường Phạm Thanh Tâm hào hứng trả lời đồng nghiệp ngoại quốc rằng: “Không chỉ riêng với họa sĩ đâu nhé, mà với tất cả các văn nghệ sĩ đều có vinh dự nhiều lần gặp gỡ Đại tướng”.
Ông kể: “Tôi nói ngay một ý này với Richard: Không ai gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ sĩ, nhưng trên thế giới sau Thế chiến II tiêu diệt hang ổ của chủ nghĩa phát-xít, người ta nhắc tới những câu chữ mới mẻ như nghệ thuật quân sự Stalin. Vậy những “cú đấm” như chiến dịch biên giới ở Cao Bằng – Thất Khê 1950, Điện Biên Phủ 1954, Đường 9 – Khe Sanh 1968, chiến thắng B52 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975… thì sao?”.
Đại tá Phạm Thanh Tâm cho rằng: “Người có công thành lập, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh từ nghèo khó. Người chỉ huy nhiều cuộc chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược trong suốt 30 năm liền đi tới toàn thắng… Người làm nên những thành tích lớn lao mang đầy màu sắc huyền thoại ấy chẳng đã là một nghệ sĩ trong nghệ thuật quân sự đó sao!”.
Đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm thăm tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bảo tàng Quân đội (Hà Nội)
Video đang HOT
Sau giây phút tự hào, ông ngậm ngùi kể mình đã mất ngủ 3 đêm liền và suy yếu hẳn khi nghe tin Đại tướng mất. Sức khỏe ông kém đến nỗi kể một vài câu lại phải nghỉ dưỡng sức. Người vợ già ngồi cạnh bên liên tục nhắc chừng mỗi khi phóng viên hỏi đến những câu nhạy cảm, những câu hỏi về cảm xúc riêng tư có thể khiến ông lâm vào trạng thái xúc động dễ khiến ông lên máu…
Từ một chú bé liên lạc ở Hải Phòng, cùng gia đình di tản về chiến khu, việc trở thành quân nhân đối với đại tá Phạm Thanh Tâm như một việc đương nhiên. Khi cầm súng, lúc cầm bút vẽ tranh, ông gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cách mạng. Do vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức của ông.
Theo lời đại tá, lần đầu ông được “gặp” Đại tướng không phải là con người thật bằng xương, bằng thịt mà là qua một tấm ảnh chân dung bằng nửa bàn tay tại núi rừng Việt Bắc. Khi có được bức ảnh này, ông lập tức chép chân dung vị anh hùng mà ông ngưỡng mộ sang tờ giấy khác, rồi cho đăng trên tờ báo của trung đoàn.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ bằng bút sắt
Những lần sau, ông gặp Đại tướng tại một số cuộc họp hoặc triển lãm tranh. Ông nhớ nhất là vào năm 1975, đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm được vinh dự dẫn Đại tướng tham quan triển lãm tranh về lực lượng vũ trang nhân dân tại trung tâm triển lãm Vân Hồ.
Ông nhớ lại: “Bấy giờ tình hình chiến trường miền Nam gay cấn lắm, các phóng viên báo đài phương Tây theo dõi sát sao động thái của Ban chỉ huy quân sự ở Hà Nội. Thế mà, Đại tướng của chúng ta lại rất bình tĩnh đi triển lãm xem tranh, khiến cánh phóng viên nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và thán phục”.
Ngay khi biết tin Đại tướng không còn, đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ bức tranh ký họa này. Ông viết: “Chiếc võng tre đặc biệt ở Lệ Thủy – Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hẳn là thuở ấu thơ vị Đại tướng kiệt xuất của nước ta và của cả thế giới đã từng được nghe tiếng ru hời trên chiếc võng này. Nay người đã trở về với chiếc võng quê hương”.
Hồng Nhung – Tùng Nguyên
Theo Dantri
Phó trưởng Ban tuyên giáo: "Chưa chốt phương án tên đường Võ Nguyên Giáp"
"Từ ngày 4/10 đến nay, Hội đồng đặt tên đường phố của Hà Nội chưa họp lần nào nên chưa thể gọi là đã chốt phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp".
Cầu Nhật Tân đang được gấp rút hoàn thành
Đó là quan điểm cá nhân của ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội khi trao đổi với báo PV tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 15/10.
Sáng 15/10, thông tin trên báo chí cho rằng, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội đã tổ chức họp và quyết định đặt tên đường phố mang tên Đại tướng. Theo đó, tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài sẽ mang tên Đại tướng.
"Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội quyết định", báo chí ngày 15/10 dẫn lời một thành viên trong Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội.
Trao đổi với PV chiều 15/10, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long - cũng là thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho rằng, lần họp Hội đồng gần đây nhất là 2/10. Tuy nhiên, lần họp này chưa bàn đến phương án đặt tên đường Đại tướng.
Từ 4/10 - ngày Đại tướng từ trần, Hội đồng chưa họp thêm lần nào, do vậy "không có cơ sở nói rằng chốt phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp".
Theo ông Long, cũng có thể nhóm thường trực của Hội đồng có hội ý trước. Nhưng cuộc họp chính thức để chốt phương án chưa diễn ra, bản thân ông Long là thành viên Hội đồng này vẫn chưa có văn bản xin ý kiến.
"Phát biểu trên báo chí của một số thành viên Hội đồng tư vấn chỉ là phát biểu ở góc độ cá nhân", ông Long nói.
Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất, còn quyết định là của HĐND Thành phố Hà Nội (sẽ họp vào tháng 12 tới đây).
Tuy nhiên, thành viên Hội đồng tư vấn này cho rằng, Hà Nội có con đường mang tên Đại tướng là hiển nhiên. Thậm chí không cần đợi 10 năm như quy định thông thường về đặt tên đường theo danh nhân.
Tại cuộc họp giao ban, ông Long cũng cho rằng, giả thiết đổi tên một con đường nào đó để mang tên Đại tướng khó xảy ra. Bởi xu hướng chung hạn chế việc đặt tên rồi lại thay.
"Điều đó liên quan đến địa chỉ, hộ tịch dân cư ở đó. Chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ, có vấn đề, bắt buộc phải điều chỉnh".
Ngày 14/10, trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Động, GĐ Sở Văn hóa Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội bày tỏ, mong muốn "không nói mà hãy hành động". Ông Động cho biết, tất cả ý kiến của dư luận, các nhà khoa học Hội đồng tư vấn sẽ lắng nghe và nghiên cứu nghiêm túc. "Chúng tôi đã có kế hoạch rồi. Hãy để chúng tôi làm cho bác, chúng tôi đang cố gắng làm sao để hài lòng tất cả những người dân", ông Động nói. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho biết: Hội đồng đưa ra đề xuất lựa chọn tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài sẽ mang tên Đại tướng. "Đó là phương án lựa chọn tối ưu nhất".
Theo Xahoi
"Chưa chốt phương án tên đường Võ Nguyên Giáp" "Từ ngày 4/10 đến nay, Hội đồng đặt tên đường phố của Hà Nội chưa họp lần nào nên chưa thể gọi là đã chốt phương án đặt tên đường Võ Nguyên Giáp". Đó là quan điểm cá nhân của ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà...