“Với tôi, buổi chia tay xúc động tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là một tài sản vô giá”
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV Nguyễn Anh Trí lần đầu tiên chia sẻ với phóng viên về buổi chia tay đầy xúc động khi về nghỉ hưu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Từ câu chuyện này, ông muốn nhấn mạnh, vấn đề giáo dục trong cơ quan là hết sức quan trọng. Bởi, thời gian ở cơ quan và các hành vi thể hiện ở đó còn nhiều hơn ở nhà.
Tự phê bình mới là khó
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về thực trạng đạo đức xã hội hiện nay, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí đã nhấn mạnh về vấn đề giáo dục trong cơ quan.
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí trong buổi chia tay đầy xúc động.
Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, có nhiều nguyên nhân để khẳng định việc giáo dục trong cơ quan là rất quan trọng. Thứ nhất là vì thời gian mình ở cơ quan nhiều. Như ông khi còn công tác tại Viện, ngày nào cũng khoảng 9 – 10 giờ tối mới về đến nhà. Do vậy, các hành vi được thể hiện nhiều nhất là ở cơ quan. Ngoài ra, các hành vi đạo đức dù là xấu hay tốt cũng ảnh hưởng đến nhiều người trong cơ quan.
“Bác Hồ ngày xưa rất chú trọng vấn đề này, trong đó, Bác phát động rất mạnh mẽ việc “phê bình và tự phê bình. Tôi thỉnh thoảng vẫn đọc lại những tài liệu đó và thấy rằng, tự phê bình mới là khó, thành công hay không cũng một phần nằm ở vấn đề này. Tức là mình nhìn lại được những khuyết điểm, những việc chưa làm được của mình để có cách khắc phục, sửa đổi để hoàn thiện mình hơn” – ông Trí nhấn mạnh.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội này, ngày trước việc phê bình và tự phê bình rất tốt. “Nếu ai đã từng dự cuộc họp bình bầu Đảng viên thậm chí là Đoàn viên bốn tốt vào những năm 1978 – 1986, hoặc một cuộc họp kiểm điểm Đảng viên sẽ cảm nhận được điều này. Còn các cuộc họp bây giờ mai một về chất lượng, mang tính hình thức là chính. Ít có các trường hợp Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ lắm, chỉ trừ trường hợp nào vi phạm pháp luật thôi” – Đại biểu này nói.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, nhiều cuộc họp bây giờ ít tính cọ xát, ít thể hiện được tinh thần đồng chí, đồng nghiệp trong việc góp ý cho nhau.Đó chính là giáo dục, rèn luyện, đó là phê bình và tự phê bình trong cơ quan, điều này khi không làm tốt cũng dẫn đến nhiều sai phạm xảy ra.
Người ta biết đến tôi nhiều hơn vì buổi chia tay xúc động trước lúc nghỉ hưu
Nhớ lại cuộc chia tay đầy xúc động trước lúc ông nghỉ hưu theo chế độ khoảng hơn hai năm trước, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu và Trung ương Nguyễn Anh Trí bồi hồi: “Tôi nhớ không nhầm ngày nghỉ hưu của tôi chính là vào ngày chủ nhật. Và tôi dùng hai ngày cuối tuần đó để dọn dẹp phòng làm việc của mình. Sáng mùng hai cũng là ngày thứ Hai đầu tuần tôi đến cơ quan với hai mục đích, mục đích thứ nhất là trao chìa khóa phòng làm việc cho phòng hành chính quản trị. Mục đích thứ hai đó là dự buổi chào cờ đầu tuần cuối cùng cùng với mọi người. Dự buổi chào cờ hôm đó thì tôi đã là Nguyên Viện trưởng rồi”.
Nhiều nhân viên đã khóc trong ngày chia tay ông.
“Buổi chào cờ hôm đó thực sự đáng nhớ với cả cuộc đời tôi. Hôm đó ở sân của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương có khoảng gần 1.000 người, gồm cả cán bộ, công nhân viên của Viện, các học trò và các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Dù trước đó tôi đã quán triệt các khoa là không để bệnh nhân xuống quá đông nhưng rồi cuối cùng họ vẫn xuống để tiễn tôi. Thực sự xúc động” – ông chia sẻ.
“Đó chính là những “di sản” mà khi nào nghĩ đến tôi cũng đều tự hào. Tôi đã có đủ các danh hiệu từ Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS.TS, ĐBQH, nhưng công bằng mà nói, người ta nhắc đến danh hiệu đó rất ít, họ nhắc đến tôi nhiều vì sự kiện chia tay ở Viện Huyết học. Bây giờ, khi đi từ Hà Giang vào đến tận mũi Cà Mau, khi nói đến tôi thì họ nhắc đến câu chuyện đó nhiều hơn. Buổi chia tay đó là có một không hai, đó là tài sản vô giá, danh hiệu đó là được cả xã hội, cả cộng đồng tôn vinh và hơn rất nhiều so với những danh hiệu được bình bầu. Đó là niềm tự hào, là tài sản giá trị mà không phải ai cũng có được” – Nguyên Viện trưởng Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Nhắc lại câu chuyện đó cũng để thấy rằng, vấn đề giáo dục trong cơ quan thì vai trò, tấm gương của thủ trưởng là vô cùng quan trọng. Sự quan trọng đó thể hiện ngay từ tuyển một nhân viên mới.
“Từ lúc tôi lên làm Viện trưởng đến khi nghỉ hưu đã nhận vào xấp xỉ 800 người. Giả sử tôi nhận tiền từ các nhân viên đó chắc cũng được một khoản không nhỏ đâu. Nhưng vì sao tôi không bao giờ làm vậy bởi cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu cầm những đồng tiền đó thì mình sẽ không bao giờ dạy dỗ được nhân viên trở thành một cán bộ tốt được. Tôi tự hào vì mình đã làm được điều này” – ông Trí cho biết.
Người thủ trưởng phải hết sức có trách nhiệm và trong trách nhiệm đó phải đầy tình thương đối với lớp đàn em, nhân viên của mình. Tuy nhiên, người thủ trưởng cũng phải phân biệt rạch ròi giữa tình thương và tính kỷ luật trong cơ quan. “Trong cả quá trình làm việc tôi đã từng cho thôi việc 75 người vì các vi phạm của họ là lớn” – Nguyên Viện trưởng Nguyễn Anh Trí thẳng thắn chia sẻ.
“Cả 75 người bị kỷ luật thì trước lúc rời khỏi viện tất cả đều nhẹ nhất thì nhắn tin xin lỗi, rất nhiều bạn còn lên tận phòng làm việc để chào tôi trước lúc rời khỏi Viện. Trong số đó, nhiều trường hợp đã khóc và nói với tôi: “cháu có tội với chú, em có tội với thầy”. Có bạn tôi còn phải đuổi ra khỏi phòng, đóng cửa rồi nhưng nhìn qua camera vẫn thấy bạn ấy đứng ở trước. Đây là những chuyện hoàn toàn có thật” – vị ĐBQH khóa XIV tâm sự.
Sau buổi chia tay đầy xúc động sáng thứ 2, ngày 2/10/2017, ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Nguyễn Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã không giấu nổi cảm xúc khi chia sẻ trên Facebook cá nhân của ông: “Tôi yêu tập thể này! Họ là những đồng nghiệp, là đồng chí, là học trò, là nhân viên… và họ cũng là những người tôi rất đỗi thân thương, yêu quý. Bệnh nhân là những người đã đưa lại cho tôi niềm đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời tôi. Họ đứng chờ tôi để được bắt tay, để nói lời cảm ơn và còn để ôm tôi mà khóc. Tôi thương họ lắm!”
Thế Công
Theo toquoc
Chuyên gia văn hoá: Thoá mạ, sỉ nhục PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ huỷ diệt ý tưởng sáng tạo
Chuyên gia văn hoá cho rằng hành vi thoá mạ, đe doạ nữ PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
Chiều 12/7, sau khi PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM đề xuất sáng kiến "dùng lu chống ngập", bà đã nhận rất nhiều bình luận khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm, đe doạ tính mạng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng việc thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay trước một đề xuất cá nhân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất chống ngập bị thoá mạ, đe doạ. (Ảnh Tự Trung).
- PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân vừa đề xuất ý kiến "dùng lu chống ngập" trong cuộc họp HĐND TP.HCM khiến dư luận tranh cãi gay gắt, thưa ông?
Đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân rất tích cực, đáng để chúng ta trân trọng, ghi nhận.
Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Học viện Báo chí Tuyên truyền
Tôi cho rằng đó là tinh thần xây dựng, dám nghĩ, dám làm, dám nêu lên quan điểm của mình thì chúng ta phải cổ vũ, động viên và ủng hộ. Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
Về vấn đề giải pháp đưa ra có khả thi hay không, có phù hợp tính chất kinh tế và chính sách văn hoá xã hội không thì cơ quan chức năng, các ban ngành TP.HCM sẽ thảo luận và xem xét.
- Nhưng vì đề xuất này, PGS Phan Thị Hồng Xuân lại phải nhận rất nhiều những lời thoá mạ, sỉ nhục và thậm chí là đe doạ, thưa ông?
Chúng ta không nên mạt sát, thoá mạ, chê bai, sỉ vả các ý kiến tâm huyết của các đại biểu HĐND TP.HCM.
Ở nước ngoài, các nghiên cứu khoa học còn có rủi ro thì nói gì đến ý kiến cá nhân của một người. Nếu những ai không đồng ý, họ có thể phản biện dưới góc độ khoa học, kinh tế, xã hội, văn hoá.
- Cần nhìn nhận về cách phản ứng của dân mạng thế nào, thưa ông?
Ứng xử của cư dân mạng cũng có cái tích cực. Họ tỏ thái độ trước thời cuộc chứng tỏ có sự quan tâm, nhiệt huyết đến một vấn đề được nêu ra.
Điều đó cho thấy những hướng tích cực, sự dân chủ của xã hội, một vấn đề đưa ra được nhiều người dân quan tâm, nhiều người bàn bạc, thảo luận.
Chúng ta khuyến khích đóng góp nhưng khi mỗi người đưa ra ý kiến, quan điểm mình phải tìm hiểu, nghiên cứu và có sự cân nhắc, không nên đóng góp theo kiểu "chợ búa" vì nó sẽ triệt tiêu những ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết.
Nếu ý tưởng đưa ra mà đúng ngay thì cần gì đến các cơ quan, ban ngành cùng nghiên cứu.
Ý tưởng đưa ra dù có sai thì mình phản biện cái sai để đến cái đúng. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ cách nêu lên ý kiến đó sao cho có văn hoá và khoa học, tạo ra không gian dân chủ để bàn bạc, sẽ tốt đẹp hơn cho đất nước.
Video: Phát biểu dùng lu nước để chống ngập gây tranh cãi của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân
- Các góp ý kiểu thoá mạ, sỉ nhục cá nhân sẽ nguy hiểm thế nào, thưa ông?
Nói kiểu thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
Một xã hội văn minh, mình phải tôn trọng những ý kiến đa phương, đa diện, đa chiều. Những ý kiến có tính tích cực xây dựng, đóng góp, chúng ta đều trân trọng để tìm ra chân lý, tiếng nói chung để xây dựng đất nước. Để xảy ra xung đột thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả mà sẽ tạo nên phức tạp, mâu thuẫn, căng thẳng trong xã hội.
Mọi người phải nhìn nhận lại, xem xét lại làm sao tiếp cận cho đúng đắn và văn minh.
Những hành vi xúc phạm, thoá mạ, đe doạ người khác đã được luật pháp quy định. Vì thế, những người có hành vi không đúng mực sẽ bị xử lý theo quy định.
- Thực trạng này liệu có khiến nhiều người sợ "vác tù và hàng tổng", ngại đưa ý tưởng, đề xuất giải pháp đóng góp cho thành phố, đất nước?
Chúng ta chỉ trích, thoá mạ, đe doạ như thế sau này không ai dám đưa ra ý kiến cá nhân. Đó vấn đề rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, với những người tâm huyết họ sẽ sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện ý tưởng của mình, xây dựng xã hội ngày phát triển hơn.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long:
Chúng ta luôn khuyến khích phê bình và tự phê bình, tranh luận một cách dân chủ. Chúng ta nên hiểu phản biện, tranh luận mang tính chất đóng góp, còn chỉ trích là vấn đề khác. Một vấn đề đưa ra tranh luận không phải lúc nào đám đông cũng đúng đắn.
Những chỉ trích, thoá mạ người đóng góp ý kiến, ý tưởng sẽ làm ảnh hưởng đến tính xây dựng của người khác, làm họ dè chừng, ái ngại. Khi đó, những ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng sẽ bị triệt tiêu.
MINH ANH
Theo VTC
Đắk Lắk: Kiểm điểm trường Mẫu giáo sai phạm trong thu chi đầu năm học Tiến hành thu các khoản khi chưa thông qua chính quyền địa phương và chưa được Hội cha mẹ học sinh đồng ý, Ban giám hiệu trường Mẫu giáo Hoa Cúc Trắng (xã Ea Dah, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đã bị phê bình, kiểm điểm. Ngày 17/10, thông tin từ UBND huyện Krông Năng cho biết, đơn vị đã có công văn...