Vợ Việt bị bạo hành và chặng đường ở lại Hàn sau ly hôn đầy chông gai
Vỡ mộng vì gặp chồng vũ phu, Liên trải qua chặng đường chông gai đi qua tòa án để ở lại Hàn Quốc. Tòa từ chối cho cô ở lại, nhưng chuyện của Liên lên báo Hàn và cô được đặc cách.
Liên lấy ra bức ảnh cưới của mình. Cô dâu, chú rể đang cười gượng. Đằng sau bức ảnh có dòng chữ đỏ ghi “chúc mừng”.
Đám cưới diễn ra chỉ hai ngày sau khi Liên gặp người chồng Hàn Quốc tên Kim, hơn mình 21 tuổi, qua môi giới hôn nhân vào tháng 4/2013. “Gặp xong là cưới luôn… Ban đầu cũng khá ổn, thậm chí tôi bỏ con gái mình ở lại để đến Hàn Quốc, mong có gia đình mới hạnh phúc hơn”, Liên, 41 tuổi, trả lời tạp chí Sisa IN của Hàn Quốc (tên hai người đã được tạp chí này thay đổi).
Tuy nhiên, 5 năm chung sống không hề dễ dàng. Kim là người chồng vũ phu, khiến Liên phải đến nhà tạm lánh ba lần vì bị bạo hành. “Chồng tôi tính cách nóng nảy, hễ không vừa lòng là to tiếng, chửi thề và không cho tôi bước chân vào nhà. Tôi cố tránh đi, thì ông ấy đánh vào đầu tôi”, Liên nói.
Liên đang xem giấy khen mà con gái nhận được ở trường. Ảnh: Sisa IN.
42% cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo lực gia đình, theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc. Đầu tháng 7, vụ người chồng Hàn bạo hành tàn nhẫn vợ Việt trong suốt ba tiếng trước mặt con trai hai tuổi, được ghi lại trong video, đã gây phẫn nộ dư luận cả hai nước.
Vụ bạo hành này, khiến cô dâu Việt bị nứt xương sườn và phải vào viện chữa trị bốn tuần, đã hướng sự chú ý đến tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của cô dâu Việt Nam sau khi đứng lên phản kháng và thoát khỏi những kẻ vũ phu.
“Các cô dâu đã bước chân sang đây lấy chồng, mục đích của họ là được sống và làm việc lâu dài ở Hàn Quốc, nên nếu không hòa hợp với chồng mà phải ly hôn thì họ sợ việc đó”, bà Vũ Thu Hiền, nhân viên tư vấn tại Trung tâm Phúc lợi Người nước ngoài Suwon, nói với Zing.vn.
Bài viết mới đây trên tạp chí Sisa IN, tuần san về tin tức hàng đầu ở Hàn Quốc, nhận định rằng những người vợ nước ngoài không có con là nhóm yếu thế nhất, vì nếu ly hôn, quyền cư trú của họ ở Hàn Quốc trở nên đầy bất trắc. Câu chuyện cá nhân của Liên cho thấy chặng đường chông gai của các cô dâu Việt sau khi ly hôn cũng như cố gắng của họ tìm cách ở lại xứ sở kim chi.
Tháng 7, dư luận Hàn Quốc và Việt Nam phẫn nộ về vụ chồng Hàn bạo hành cô dâu Việt ở Yeongam. Ảnh: Yonhap.
Bỏ con sang Hàn, gặp phải chồng vũ phu
Làm đám cưới vào mùa xuân, nhưng phải đến mùa đông Liên mới đến được Hàn Quốc khi mất 8 tháng để xin visa F-6 theo diện kết hôn. Thế nhưng, chồng cô không giống với lời giới thiệu của môi giới trước khi cưới.
Họ đã nói chồng cô sở hữu xe tải chở hàng, nhưng thực tế ông Kim chỉ là tài xế lái xe thuê ở Sacheon, Gyeongnam. Dù biết chồng tái hôn với mình, Liên không ngờ ông đã ba lần cưới và ly hôn phụ nữ ngoại quốc.
Cô chỉ phát hiện những điều này sau khi đặt chân đến Hàn Quốc, và đã quá muộn để quay về. Vì vậy, cô cố gắng để sống tốt, hòa hợp với chồng .
Video đang HOT
Tháng 9/2014, Liên đưa con gái với chồng trước sang Hàn Quốc. Cô bé, tên Xuân (tên đã được Sisa IN thay đổi), 11 tuổi, nhận quốc tịch Hàn Quốc sau một năm do được ông Kim nhận làm con nuôi.
Tuy vậy, đến lượt Xuân lại luôn bị Kim trút giận. Xuân đã ghi âm những lời mắng chửi của ông Kim như “Mày biến về Việt Nam đi”, “Tao riết mày đó, đồ quỷ không biết nghe lời”. Quan hệ hai vợ chồng Liên và Kim trở nên không thể cứu vãn.
Gần 80% nam giới trong một nghiên cứu 2.000 người ở Hàn Quốc thừa nhận họ từng ngược đãi bạn gái. Ảnh: The New Paper.
Liên buộc phải đưa Xuân đi trốn ở nhà tạm lánh, sau đó, đệ đơn ly hôn vào tháng 3/2018 và giành được quyền nuôi Xuân. Hai mẹ con sống trong một nhà tạm trú dành cho phụ nữ nhập cư. Xuân nói sõi tiếng Hàn và hòa nhập nhanh với trường lớp. “Con gái tôi chăm học. Nó vẽ tranh, được nhận giấy khen”, Liên nói. Cô bé là niềm động viên lớn đối với Liên.
Sau khi ly hôn, cuộc sống của Liên thay đổi hoàn toàn. Tháng 10/2018, thông qua Cục Xuất nhập cảnh Người ngoại quốc, Bộ Tư pháp đã gửi tới Liên thông báo cho biết cô không được gia hạn thời gian lưu trú.
Lý do được đưa ra là chồng cô không chấp nhận việc ly hôn thiếu minh bạch và không rõ lý do. “Việc tôi hay tới trung tâm hỗ trợ phụ nữ nhập cư được coi là không bình thường, chồng tôi tuyên bố không có bất kỳ trách nhiệm nào trong vụ ly hôn này”, Liên nói.
Visa kết hôn (F-6) của cô không được gia hạn, thay vào đó là visa F-1 thời hạn ba tháng, để cô thu xếp kế hoạch sắp tới. “Tôi không thể xa con. Nếu tôi rời Hàn Quốc, con gái tôi phải sống một mình hay sao?” Liên nộp đơn vào tháng 12/2018 để xin chính quyền thay đổi quyết định.
Tòa nhà của Tòa án Tối cao Hàn Quốc ở thủ đô Seoul. Ảnh: Bloomberg.
Cô dâu Việt không có con khó ở lại sau ly hôn
Theo Sisa IN, những người vợ nước ngoài như Liên nếu không có con sẽ luôn trong tình trạng có thể phải về nước nếu ly hôn. Vì vậy, những người tư vấn và luật sư thường nói “nếu có con chung, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”. Trong trường hợp không có con chung, khi xảy ra ly hôn, nếu không chứng minh được đối phương (chồng) là người có lỗi, việc gia hạn visa lưu trú rất khó khăn.
Khoảng 20% các cặp vợ chồng Việt – Hàn có kết cục ly hôn. Cô dâu Việt Nam trung bình 25,2 tuổi, trẻ hơn nhiều so với các chú rể Hàn trung bình 43,6 tuổi.
“Nếu có con, (người vợ ly hôn) có thể xin ở lại để bảo trợ cho con, khi ấy cần chứng minh được năng lực kinh tế, điều kiện nuôi dạy con cái”, bà Hiền giải thích với Zing.vn. “Nhưng nếu không đủ điều kiện đó, vẫn có thể ở lại nhưng gia hạn visa một năm một lần với lý do thăm nuôi con – tức không sống với con – khi ấy phải có bằng chứng là hàng tháng vẫn đến thăm con và đang lao động kiếm tiền chu cấp cho con”.
“Nếu không có con, quan trọng nhất phải chứng minh là lỗi của chồng (dẫn đến hôn nhân tan vỡ)”, theo bà Hiền, người trực tiếp tư vấn 11 năm nay cho cô dâu và lao động Việt Nam ở thành phố Suwon, cách Seoul 30 km về phía nam.
Visa và thẻ tạm trú của Liên. Ảnh: Sisa IN.
Liên muốn sinh con nhưng ông Kim lại không hề có ý định đó. Những năm 2000, hôn nhân ngoại quốc là giải pháp cho vấn đề tỷ lệ sinh thấp ở những vùng nông thôn. Ngày nay, gia đình Hàn Quốc (bao gồm cả gia đình đa văn hóa) có xu hướng không muốn sinh con vì nhiều lý do như tiền nuôi dưỡng đứa trẻ, chi phí tuổi già, tỷ lệ chia tay, tái hôn.
Xuân được nhập tịch qua diện con nuôi và không đạt điều kiện để Liên có thể ở lại, vì diện ở lại theo con chỉ áp dụng với con của người Hàn Quốc. “Tôi không biết rằng không có con sẽ khiến ở lại khó khăn đến vậy”, Liên nói .
Khó buộc chồng chịu trách nhiệm tan vỡ hôn nhân
Dù Liên đã có 112 đơn từ và xác nhận từ nhà tạm trú, chứng minh việc chồng cô liên tục dùng vũ lực và chửi mắng, nhưng trước tòa, người chồng vẫn không bị coi là lạm dụng, bạo hành gia đình. Trái lại, Uỷ ban xuất nhập cảnh người ngoại quốc lại coi việc Liên phải lánh vào nhà tạm trú thường xuyên tạo nên một cuộc hôn nhân không bình thường, và cho rằng Liên chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ, như thờ ơ và thiếu tình thương.
Choi Jung Gyu, luật sư trong vụ ly hôn, nói: “Không nhiều trường hợp mà cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ do lỗi từ một phía. Luật hôn nhân hiện hành hầu như không quy trách nhiệm cho một phía cụ thể, vì vậy việc gia hạn visa (cho phụ nữ ngoại quốc sau ly hôn) gặp nhiều bất lợi”.
Tuy nhiên, quyết định trên làm bà Hiền khó hiểu. “Tại sao lại không gia hạn được vì cái lý do là hay đến nhà tạm lánh, tôi thấy khó hiểu, không hiểu hết”.
“Sau khi một cô dâu tìm đến hỗ trợ, nhà tạm lánh đều ghi lại tiểu sử, thông tin. Nhà tạm lánh phải giúp cô ấy chứng minh mình bị bạo hành, như cô ấy gặp vấn đề gì, bao nhiêu lần bị bạo hành như thế… chẳng hạn cô gái gọi cảnh sát báo bị chồng đánh, cảnh sát đến hiện trường thu nhận thông tin, thì cần có đủ chứng cứ đó… tòa án mới có cơ sở phán quyết ly hôn là do bạo hành”, bà Hiền giải thích.
Một nhóm vận động thông qua luật chống phân biệt đối xử tổ chức họp báo tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul ngày 12/9/2017. Ảnh: Hankyoreh.
“Một số người như tôi đã về nước, vì không có con, nên không thể gia hạn lưu trú”, Liên nói. “Tôi xấu hổ khi ly hôn rồi về nước. Tôi đã lấy chồng xa để có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng tôi sẽ bị gia đình, họ hàng chê bai vì đã không được như vậy”.
“Khi đã đi rồi, ít ai muốn quay về”, bà Hiền cảm thông với tâm sự của Liên. “Gia đình, họ hàng còn có thể cưu mang con về, chứ hàng xóm sẽ nói ra nói vào, các cô dâu đã khổ thấy làm cha mẹ khổ nữa thì không muốn về. Có cô dâu này sợ đến mức nói ‘Em sẽ không về nơi bố mẹ em sống, mà đi nơi khác’ để bố mẹ không biết cô đã ly hôn ở Hàn Quốc”.
“Có trường hợp mấy năm rồi (cha mẹ) không tìm được con, không biết ly hôn trở về Việt Nam hay đang ở đâu”.
Lên báo, được Bộ Tư pháp đặc cách
Nếu không về nước, các cô dâu không gia hạn lưu trú được sẽ trở thành người cư trú không có giấy tờ. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, năm 2017 có 1.334 người cư trú không giấy tờ sau khi mất diện visa kết hôn F-6, năm 2018 có 1.161. Năm 2018, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Loại bỏ Phân biệt Chủng tộc đề nghị Hàn Quốc cho phép phụ nữ nhập cư ở lại sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, cho dù ai là người ly hôn, có nuôi con hay không.
Những người vợ ngoại quốc cần được chồng bảo lãnh để có thể gia hạn lưu trú mỗi năm một lần. Nếu đã kết hôn được hơn hai năm, các cô dâu Việt như Liên có thể nộp đơn xin nhập tịch. Nhưng Liên lại chưa thể làm điều đó vì căng thẳng với chồng. “Tôi không nộp đơn được. Tôi không thể nói chuyện với chồng vì thường xuyên mâu thuẫn gay gắt”, Liên nói.
Gia đình một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP.
“Chồng là người đứng ra bảo trợ, giúp vợ làm visa. Họ biết mình có quyền hành với vợ”, bà Hiền nói với Zing.vn. “Nhiều người suy nghĩ ‘tôi bảo trợ cho vợ tôi sang sống bên này, thì vợ phải dưới trướng của tôi chứ không thể ngang hàng’. Khi cãi nhau họ sẽ nói những câu như ‘hãy về Việt Nam đi’”.
Vào tháng 3, Bộ Tư pháp cấp cho Liên visa F-1-1 để ở lại cho đến khi con gái đến tuổi 18, phải gia hạn mỗi năm. Câu chuyện của Liên đã lên báo chí Hàn Quốc và được Bộ Tư pháp đặc cách.
Ngày 10/7, phán quyết của một tòa án nước này, liên quan tới một vụ kiện tương tự, đã nới lỏng khả năng lưu trú của cô dâu ngoại. Theo đó, họ có thể tiếp tục lưu trú dù không thể chứng minh sự đỗ vỡ hoàn toàn do lỗi người chồng.
Liên tìm được việc rửa bát và phục vụ nhà hàng bán thời gian vào tháng trước. Làm việc từ 8h đến 20h30 mỗi ngày, cô không có nhiều thời gian gặp con gái. Xuân ngày càng giỏi tiếng Hàn, và nói chuyện với mẹ bằng tiếng Hàn mỗi tối.
Theo news.zing.vn
INFINITE sắp hết hạn hợp đồng với Woollim Entertainment, cả làng giải trí 'nín thở' chờ đợi quyết định của các thành viên
Liệu INFINITE có tiếp tục gắn bó cùng nhau và tái ký hợp đồng với Woollim thêm một lần nữa?
Vào sáng nay (11 tháng 7), báo chí Hàn Quốc đồng loạt đưa tin hợp đồng độc quyền giữa INFINITE và Woollim Entertainment sắp kết thúc. Theo tin độc quyền từ Donga.com, INFINITE sẽ sớm thảo luận về việc có gia hạn hợp đồng với Woollim hay không. Và trước khi có thông tin chính thức, khán giả, người hâm mộ cũng như các chuyên gia trong ngành hiện đang hồi hộp chờ đợi quyết định cuối cùng của các thành viên.
INFINITE lần đầu ra mắt khán giả vào tháng 6 năm 2010 với mini album " First Invasion". Đến tháng 8 năm 2017, 6/7 thành viên đã tái ký với Woollim sau khi hợp đồng ban đầu hết hạn. Thời điểm cần phải gia hạn khi đó là vào tháng 6 năm 2017, nhưng cuối cùng họ đã chính thức đặt bút ký vào tháng 8 cùng năm. Do đó, hợp đồng thứ 2 của INFINITE sẽ hết hạn vào tháng 8 này. Ở thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều suy đoán được đưa ra xung quanh câu hỏi liệu các thành viên INFINITE đã có lựa chọn của riêng mình về việc có gia hạn hợp đồng một lần nữa hay chưa.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng điểm mấu chốt của lần tái ký này nằm ở L, người hiện đang phát triển sự nghiệp như một diễn viên. Được biết, anh đã nhận được rất nhiều lời mời gọi từ các công ty quản lý diễn viên. Các chuyên gia trong ngành tuyên bố rằng những thành viên khác cũng đang có kế hoạch tập trung vào các hoạt động cá nhân và dường như cũng đang tích cực tìm kiếm những con đường mới.
Đến giờ phút này, Woollim Entertainment vẫn đang giữ im lặng về khả năng tái ký hợp đồng của các thành viên INFINITE. Quyết định cuối cùng được cho là sẽ sớm đưa ra vào mùa hè này.
Trong khi đó, cựu thành viên Hoya đã rời INFINITE sau khi không gia hạn hợp đồng với Woollim vào tháng 8 năm 2017. Kể từ đó, Hoya đã tích cực quảng bá với vai trò diễn viên lẫn ca sĩ solo. Anh vừa nhập ngũ vào tháng 2 năm nay.
Theo Tin Nhạc
Số phận bấp bênh của những cô dâu nước ngoài bị chồng Hàn Quốc bạo hành Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng thái độ gia trưởng của đàn ông nước này cùng với những hạn chế về pháp luật về hôn nhân và nhập cư tại quốc gia Đông Á là 2 trong số nhiều nguyên nhân khiến một số phụ nữ nhập cư bị bạo hành ở Hàn Quốc. Biểu tình phản đối nạn bạo hành gia...