Vợ từ chối lương giám đốc 50 triệu, xin làm nhân viên để giữ hạnh phúc gia đình
Phụ nữ, ngoài kiếm tiền ra, còn cần phải biết quan tâm, vun vén cho gia đình của mình. Nhiều tiền mà bỏ bê gia đình, đến lúc có nhiều tiền thì cũng là lúc mất tất cả trong tay.
Vừa dựng xe ở cổng, chị đã nghe thấy tiếng hàng xóm lời ra tiếng vào: “Làm giám đốc có khác, lên xe xuống ngựa, tiền thì nhiều, sướng thật đấy thế nhưng rồi gia đình chẳng biết như thế nào đâu”.
Đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên chị nghe thấy những câu đấy. Và đương nhiên tất cả chị đều bỏ ngoài tai rồi, vì đơn giản, chị đang nghĩ rằng họ ghen ăn tức ở với gia đình chị, với công việc của chị. Cũng đúng thôi, thử nhìn xem cả cái khu này có mấy người được như vợ chồng anh chị. Anh làm kỹ sư, chị làm giám đốc. Thu nhập của hai vợ chồng dư giả, chẳng bao giờ phải lo chuyện kinh tế. Con cái thì học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Công việc ở nhà thì đã có giúp việc lo. Ngày nào cũng có những bữa ăn nóng sốt. Đó chẳng phải là điều mà tất thảy mọi người đều mong ước đấy hay sao.
Công việc của chị khá bận rộn. Thậm chí còn bận hơn cả anh. Thì làm giám đốc ai chẳng như vậy, 1 tháng họ trả cho mình 50 triệu tiền lương cũng là để mình hoàn thành tốt công việc thôi mà. Chị thường xuyên phải đi công tác, họp hành, tiếp khách triền miên. Có nhiều hôm con cái gọi điện mong mẹ về ăn cơm, đồng ý rồi lại chẳng về được.
Ngày nào về nhà chị cũng đều thấy các con chị đều đã say giấc. Thấy chồng làm việc, chị cũng bật máy tính lên làm việc. Vậy là có khi cả ngày, hai vợ chồng cũng chỉ nói chuyện được với nhau vài câu coi như là có. Mỗi lần họp phụ huynh cho con, hầu như toàn là chồng chị đi. Mà nếu như anh cũng bận nốt thì chị đành xin phép cô giáo hôm khác gặp sau. Chị nghĩ rằng chỉ cần kiếm được nhiều tiền, lo đầy đủ cho cuộc sống của các con không thua kém bất cứ ai. Còn chuyện vợ chồng anh chị, là chồng ai chẳng thích nở mày nở mặt. Có vợ kiếm được tiền như chị, chẳng lẽ anh lại không thấy mát mặt hay sao? Cho đến khi chị tận tai nghe được những điều ấy…
Chị vô tình đọc được cuốn nhật ký của con chị. Trong đó con bé thường xuyên tâm sự rằng nó mong có mẹ ở bên cạnh nhưng mẹ vì bận rộn quá nên chẳng quan tâm gì đến nó. Chị chợt nhớ có lần con nằm viện ốm, vì công việc đột xuất, chị đành nhờ ông bà chăm hộ, còn chị phải đi lo công việc. Rồi còn nhiều lần khác như sinh nhật con, cuối tuần hứa đưa con đi chơi, chị cũng chẳng ở bên con được. Chị thấy xót xa lắm khi con gái chị nói rằng, chị yêu tiền hơn yêu con.
Nhất là về phía anh. 1 lần say rưụ, chị giật mình khi thấy anh nói rằng anh không cần vợ làm giám đốc. Anh chỉ cần một người vợ bình thường, kiếm ít tiền thôi nhưng biết chăm lo cho gia đình. Với lại ai cũng nói anh kém cỏi, không lo được cho vợ con mới phải để vợ con bươn chải, thậm chí kém cả vợ về trình độ. Chị còn đọc được tin nhắn của một cô gái lạ nhắn cho anh, toàn những lời lẽ mật ngọt. Nghe chừng có vẻ cô ta đang muốn mồi chài chồng chị. Anh thì từ chối nhưng chị sợ anh sẽ không thể từ chối lâu hơn được. Tất cả cũng từ chuyện chị quá bận rộn, không quan tâm gì đến gia đình, chồng con mà ra thôi.
Chị sợ rằng nếu câu chuyện này cứ tiếp diễn, rất có thể một ngày chị sẽ không có cơ hội được ở bên cạnh gia đình mình, một cách trọn vẹn nhất nữa. Chị đột ngột xin từ chức, chị quyết định chuyển xuống làm ở bộ phận khác, một nhân viên bình thường, lương chỉ 10 triệu/tháng nhưng chị có thể có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình của mình. Việc chị từ chức, ai cũng nói chị dại nhưng chị thấy đó là cần thiết. Chồng chị anh còn vui mừng ủng hộ chị nữa.
Phụ nữ, ngoài kiếm tiền ra, còn cần phải biết quan tâm, vun vén cho gia đình của mình. Nhiều tiền mà bỏ bê gia đình, đến lúc có nhiều tiền thì cũng là lúc mất tất cả trong tay. Phụ nữ kiếm tiền vừa là để lo cho cuộc sống của bản thân mình, cùng chồng vun vén cuộc sống chung. Phụ nữ kiếm tiền cũng là không để mang tiếng ăn bám chồng, được chồng tôn trọng. Tiền quan trọng, cũng là thứ để duy trì hạnh phúc gia đình, nhưng tiền lại không phải là điều duy nhất khiến gia đình hạnh phúc. Gia đình thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ sẽ khó mà êm ấm được.
Video đang HOT
Theo giadinhvietnam.com
Ông phó giám đốc 12 năm đi tìm mẹ
Sau hai lần mẹ đẻ lên nhà bố mẹ nuôi xin lại con không thành, Thắng không bao giờ thấy bà xuất hiện nữa.
Năm 1964, cậu bé Thắng chào đời ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ba ngày sau, người mẹ gửi cậu cho vợ chồng ông Nguyễn Quang Thất và bà Nguyễn Thị Tèo, ở thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc mang về nuôi. Cái tên Nguyễn Toàn Thắng là do bố mẹ nuôi đặt.
Căn nhà khang trang ở Minh Khai, Hà Nội của gia đình ông Nguyễn Toàn Thắng lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa của các con và hai đứa cháu nhỏ. Bước sang tuổi 55, làm phó giám đốc một doanh nghiệp gas ở Yên Bái và có một gia đình nhỏ, ông Thắng được bạn bè khen sung túc. Thế nhưng, sâu thẳm ông luôn thấy trống trải, vì qua nửa đời người, vẫn không rõ dòng máu đang chảy trong mình là của ai.
"Hàng xóm kể lại, chỉ vài ngày sau khi cho tôi đi, mẹ đẻ tôi đã tìm đến tận nhà bố mẹ nuôi thăm vì sợ 'mất dấu'. Bà bảo với mọi người là chỉ muốn gửi tôi vài năm, sau sẽ xin lại", ông Thắng bồi hồi kể.
Người mẹ cũng nhờ vào hàng xóm "để ý thằng nhỏ giúp" và dặn: "Em sống ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Khi nào các bác có dịp ghé Hà Nội thì lên nhà em chơi".
Sáu năm sau, mẹ Thắng hai lần cùng một người đàn ông đến xin con về nhưng không được chấp nhận. Mỗi lần như thế, người dân thôn Tam Lộng lại kéo nhau đến xem, đổ cả bờ giậu nhà ông Thất.
Lần nào về, người mẹ cũng mang nhiều bánh kẹo và đồ chơi, trong đó có sữa thỏi bằng hai ngón tay và một súng nhựa AK. "Tôi vẫn nhớ mẹ cao và rất đẹp. Người đàn ông đi cùng mẹ thấp, tóc đã hoa râm, thường chắp tay sau lưng ngắm nhìn xung quanh. Đến giờ tôi vẫn không dám chắc ông ấy có phải bố mình hay không", ông Thắng nói.
Lần cuối cùng gặp, "mẹ mặc áo trắng, quần satin, được người đàn ông ấy đèo bằng xe đạp Phượng Hoàng cánh chả, từ ga Hương Canh về làng", ông Thắng giữ mãi ký ức cuối cùng này về mẹ. Ông nhớ mang máng mẹ tên Duyên, còn người đàn ông kia tên Hải.
Ảnh chụp ông Nguyễn Toàn Thắng khoảng năm 20 tuổi. Ông sử dụng bức ảnh này đăng lên mạng xã hội, hy vọng có người thân nào nhìn thấy giống sẽ nhận ra, vì "ảnh ngày trẻ dễ nhận diện hơn tôi bây giờ" . Ảnh: Toàn Thắng.
Đi bộ đội về, ông Thắng lập gia đình và chuyển về quê vợ ở Yên Bái sinh sống, cùng bạn tạo lập công ty riêng. Khi sự nghiệp, gia đình đã trọn vẹn, mong muốn tìm cội nguồn càng thôi thúc trong tim.
12 năm trước, công ty đang đà phát triển, ông quyết định chuyển cả gia đình về Hà Nội sống. "Tôi tự nhủ mình sinh ra ở đâu, phải về đấy sống. Ở gần, cơ may tìm được bố mẹ cũng gần hơn", ông kể.
Ông chọn mua một căn nhà trên phố Khâm Thiên, nơi mẹ từng sống, nhưng vì một số lý do nên đành chuyển về phố Minh Khai, tuần đôi lần lên công ty ở Yên Bái. Năm 2008, ông về quê bố mẹ nuôi cả tháng, đi đến nhà các cao niên trong làng để lượm nhặt thêm tin tức về mẹ. Có buổi ông ngồi tỉ tê cả ngày, nhưng các cụ cao tuổi nên chẳng nhớ được gì thêm.
Cộng cả ký ức và những gì người làng cung cấp, ông viết được hơn 100 chữ, mang đến bảng tin ở bốn phường trên phố Khâm Thiên dán. Ông cũng nhờ một người chú bên vợ phát thông tin tìm kiếm trên loa phường, gửi các tờ báo ở Hà Nội.
"Hai chú cháu ngồi nói chuyện xuyên trưa, lấy giấy ra ghi chép cụ thể việc cần làm, đăng ở báo nào, chi phí ra sao. Đến giờ tôi vẫn còn giữ tờ giấy ấy, để có gặp được mẹ thì cho bà biết tôi mong mẹ thế nào, còn không tìm được thì để kỷ niệm", ông Thắng cười buồn.
Cứ ngày hai lần, ông Thắng gọi điện về hỏi người chú xem công việc tiến triển đến đâu, khấp khởi hy vọng. Chỉ ít lâu sau, ông nhận được tin có gia đình ở Hà Nội muốn gặp, "khả năng là người nhà". Đang ở Yên Bái, ông vội về Vĩnh Phúc đón người thân đi cùng để dễ "nhận diện".
"Tôi đón xe đi háo hức lắm. Đến nơi, thấy cậu nhận là em trai ra đón, tôi hụt hẫng vô cùng. Nhìn mặt cậu ấy xương xương, vóc dáng nhỏ con, tôi đã biết không phải người nhà mình", ông Thắng kể.
Năm 2018, một người gọi điện thông báo có người hàng xóm cũng tìm con, thông tin trùng khớp. Ông Thắng tức tốc lái xe từ nhà xuống huyện Đông Anh, nhưng gia đình đó nhìn thấy ông chỉ hờ hững: "nhà tôi tìm con gái, không phải con trai". Ngồi trên xe, chốc chốc ông lại đưa tay gạt nước mắt, "một mình con tìm mẹ khó quá, liệu mẹ có đang đi tìm con không".
Ông Thắng mỏi mòn tìm kiếm mẹ đẻ trong nhiều năm, nhiều lúc thấy tuyệt vọng. Ảnh: Phạm Nga.
Mấy Tết liền, bố mẹ vợ đau yếu, vợ về quê chăm. "Tôi ở đây còn hương khói cho bố mẹ nuôi, nên mâm cơm ngày Tết, chỉ tôi và con gái ngồi ăn, buồn đến chảy nước mắt. Nếu có bố mẹ, có anh chị em ruột, ngày đầu năm tôi đâu phải cô đơn như vậy", giọng ông Thắng đượm buồn.
Ba năm nay, thỉnh thoảng, ông Thắng lại cùng một nhân viên của mình chạy xe máy đến các ngõ ngách trên phố Khâm Thiên, tìm những người khoảng 70 - 80 tuổi để hỏi thăm. Người ta hỏi bố mẹ bao nhiêu tuổi, tên họ cụ thể thế nào, ông ngọng ngịu chẳng biết đáp sao.
"Người này lắc đầu, chỉ đến nhà khác, chúng tôi lại tìm đến. Ai gọi điện muốn nhận diện chúng tôi cũng lái xe đi, có người muốn tìm, nhưng cũng có người lừa bảo đưa tiền sẽ chỉ nhà, đưa tiền dẫn đi xem thầy... Chú có tuổi rồi, không có anh em họ gì nên hay tủi thân, nóng lòng tìm kiếm lắm", anh Phạm Phúc Kế, 35 tuổi, nhân viên đã đồng hành cùng ông Thắng tìm mẹ suốt 10 năm qua, nói.
Mấy năm qua, facebook cá nhân của ông Thắng hàng ngày chỉ chia sẻ một thông tin duy nhất là tìm mẹ đẻ.
"Nhiều người thắc mắc tại sao tôi không tìm mẹ sớm hơn, nhưng 18 tuổi, tôi đã vào bộ đội, bố nuôi mất, vì nhiệm vụ cũng không được biết để về chịu tang. Đến khi xuất ngũ, cuộc sống đói kém, đi lại khó khăn, thông tin hạn chế, tôi biết tìm đâu. Nay nhờ cộng đồng mạng, hy vọng bố mẹ, anh chị em sẽ biết tôi đang tìm kiếm họ. Và cầu trời, bố mẹ tôi không phải nạn nhân của vụ ném bom ở Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai năm 1972", ông viết trên facebook.
Từ những ký ức lượm lặt được, ông Thắng tin mẹ cho mình đi không phải vì quá nghèo khổ. "Có thể có uẩn khúc nào đó nên mẹ mới làm vậy. Cho con đi, không xin lại được chắc mẹ đau lòng lắm. Ngày nhỏ con chưa biết gì, nhưng giờ lớn rồi, con muốn tìm lại mẹ để được biết mình là ai và bù đắp những thiếu hụt tình cảm của mẹ con ta", ông Thắng gửi lời đến mẹ.
Phạm Nga
Theo VnEpress
Chị vợ có nhà riêng mà nhất quyết đòi ở cùng chúng tôi Chị có em trai, có nhà nội đô, em trai chị cũng thế, cớ sao cứ muốn về ở cùng căn nhà cấp 4 chật hẹp của chúng tôi? Khi kết hôn, vợ chồng tôi tay trắng, bố mẹ vợ có nhà nội đô 3 tầng nhưng đang sống ở quê nên cho chúng tôi ở nhờ. Ở cùng nhà này là người...