Vợ thăng chức trở thành nỗi trăn trở của chồng
Cuộc sống gia đình tôi thay đổi kể từ khi vợ tôi lên chức trưởng phòng. Cô ấy không còn thời gian chăm sóc cho chồng, cho con như trước nữa. Liệu cô ấy có chọn gia đình thay vì công việc không?
Tôi và cô ấy yêu nhau 3 năm thì tiến đến hôn nhân. Cô ấy kém tôi 2 tuổi, xinh đẹp, năng động và tràn đầy sức sống. Đến nay chúng tôi đã có với nhau 2 mặt con, và về kinh tế cũng xem như khá ổn. Chúng tôi đã từng có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau, cùng chia sẻ, động viên nhau bước qua những khó khăn, thách thức của của cuộc sống. Những tưởng, cuộc sống hạnh phúc đó sẽ mãi như thế, nhưng giờ đây tôi chỉ biết nhắc lại bằng hai từ “đã từng”.
Trước đây, mỗi khi tan làm, tôi đều đến cơ quan đón cô ấy cùng về nhà, đi chợ và cùng nhau nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, tận hưởng những điều giản đơn nhất trong mái ấm gia đình. Những năm tháng ấy, cuộc sống tuy có vất vả, kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhưng lúc nào trong nhà cũng rộn rã tiếng cười nói, đùa vui của cả hai vợ chồng và con trẻ. Đó cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất, ấm áp nhất của gia đình chúng tôi.
Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cô ấy luôn tranh thủ dành trọn thời gian cho gia đình, cho bố con tôi. Tôi không phủ nhận rằng, vợ tôi là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn làm tròn bổn phận một người vợ, một người mẹ. Thừa hưởng sự khéo léo của mẹ, cô ấy nấu ăn rất ngon và chăm sóc chồng con cũng rất khá. Cuối tuần cô ấy đều đặn đổi món, khiến tôi và các con không buồn nghĩ đến cơm ngoài, và lúc nào cũng chỉ muốn về nhà ăn cơm của vợ, của mẹ nấu mà thôi.
Tôi đã từng rất hạnh phúc và cũng rất tự hào về vợ. Cứ đi đến đâu, làm điều gì tôi cũng muốn khoe với bạn bè, họ hàng về vợ mình rằng, cô ấy đảm đang, chu đáo, yêu chồng, thương con và luôn hy sinh bản thân rất nhiều chỉ vì lo cái ăn, cái mặc, giấc ngủ.. tất tần tật mọi thứ cho bố con tôi.
Video đang HOT
Khoảng một năm trở lại đây, chính xác là kể từ ngày cô ấy lên chức phó phòng kinh doanh của công ty, cô ấy không còn mấy thời gian lo cho gia đình, cho chồng, cho con như trước nữa. Hết bận tăng ca, tiếp khách hàng rồi thì có việc gấp… nhất là hay đi gặp gỡ mấy ông sếp lớn mãi khuya mới về.
Hôm nào cũng về muộn, dần dần, cô ấy cũng chẳng còn chú tâm gì đến bữa cơm gia đình, mặc cho bố con tôi ra ngoài ăn gì thì ăn. Còn nếu không muốn ăn ngoài, cô ấy điện thoại về sai con cắm qua loa nồi cơm, luộc mấy cái trứng, nhặt mấy cọng rau để sẵn đấy rồi về rửa cho nhanh, tiện đường mua vội cái gì ngoài chợ về làm thức ăn. Bố con tôi ăn được hay không cũng không mấy quan trọng nữa.
Rồi ngày này qua ngày khác cứ như thế. Chưa hết, cô ấy còn mang cả công việc về nhà, làm mấy bố con tôi cũng cảm thấy khó chịu, bực mình vì sự vô tâm của vợ, của mẹ mình. Đến quần áo giặt ủi, cô ấy cũng làm qua loa lấy lệ rồi lại vùi đầu vào máy tính làm việc.
Cả tuần cứ như thế, đến thứ 7, chủ nhật có khi cô ấy cũng đi làm, với lý do công ty nhiều việc cần phải đứng ra giải quyết. Bố con tôi lại ở nhà với nhau, đi lang thang đâu đó chơi, hoặc tự làm cái gì đó ăn nếu muốn. Còn cô ấy thì gần nửa đêm mới về, người nồng nặc mùi nước hoa xen lẫn mùi bia rượu. Có khi chẳng kịp tắm, lăn ngay ra ngủ và chẳng quan tâm trời trăng mấy gió gì cả.
Vợ thăng chức, tôi ngoài công việc thì còn phải lo cho 2 đứa con, đưa đón chúng đi học, về sớm lại cơm nước, bận như “con Sen” và chẳng còn thời gian dành riêng cho bản thân mình, chẳng còn thời gian để tập thể dục, chơi bida hay xem một trận bóng đá hay nào nữa.
Kinh tế ổn hơn nhờ thu nhập của vợ cao hơn, ngoài ra lại có những khoản màu mè nên chất lượng cuộc sống được cải thiện. Ra ngoài, ai cũng nói tôi có “số hưởng”, số nhờ vợ, vợ làm sếp của một công ty lớn, sung sướng quá. Nhưng họ có biết đâu đó chỉ là cái vẻ ngoài phù phiếm, tôi chẳng cảm thấy như vậy, trái lại luôn cảm thấy lo lắng nhiều hơn vui mừng. Từ dạo đó, vợ chồng chúng tôi thường xuyên cãi vã không đâu làm cuộc sống cũng căng thẳng, nặng nề đi rất nhiều.
Hình minh họa
Đã nhiều lần, tôi khuyên vợ nên xem lại bản thân và công việc hiện tại của mình, nhưng cô ấy bảo đấy là cơ hội tốt, cô ấy không thể từ chối công việc được. Thế là tôi lại đành im lặng mặc cho cô ấy muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, khi nào về thì về.
Một lần, cô ấy nấu cháo cho con, múc ra định để nguội rồi mới cho ăn. Không hiểu sao thằng nhỏ đói quá, nhào tới bưng nguyên tô cháo nóng, không cẩn thận nên làm đổ, bỏng hết cả hai cánh tay. Tôi đang đi công việc thì vợ điện thoại bảo chạy đến bệnh viện con bị bỏng khiến tôi bực quá, quát lớn tiếng cô ấy trong điện thoại. Đến nơi nhìn thằng nhỏ kêu đau với bố mà lòng tôi như rã rời, tôi xót con, bực vợ vô cùng.
Tôi biết là vợ tôi không cố ý, vì cô ấy bận nên không để ý tới con, nhưng sao càng nghĩ tôi càng tức. Cũng đã nhiều lần cô ấy vô tâm như thế rồi chứ không phải một lần, chỉ là bấy giờ hậu quả mới nghiêm trọng hơn thôi. Tôi cũng biết cô ấy làm tất cả cho gia đình này chứ không phải là cho riêng gì cô ấy. Nhưng nếu cứ đà này, gia đình chúng ngoài tiền ra thì hạnh phúc sẽ chẳng được như trước đây.
Tôi hiểu và tôn trọng công việc của vợ, kể từ khi lấy nhau, cô ấy vẫn được làm công việc mình thích mà tôi thì không có ý kiến gì. Kể cả khi cô ấy thường xuyên đi đêm, về hôm để gặp gỡ khách hàng, tôi vẫn tin tưởng và ủng hộ công việc của vợ.
Thế nhưng, cái gì cũng phải có mức độ của nó. Bởi, cô ấy không chỉ là người của công việc, mà còn là mẹ, là vợ trong gia đình, điều này mới là điều quan trọng nhất. Đã là vợ, là mẹ thì phải chăm sóc, quan tâm và dành thời gian cho gia đình chứ không phải lúc nào cũng đặt công việc lên hàng đầu. Thử hỏi, có anh chồng nào có thể chịu đựng được. Mà ví như anh ta có chịu đựng thì cũng chỉ vì con của anh ta mà thôi.
Tôi không phủ nhận việc cô ấy thăng chức, tiền chi tiêu trong gia đình cũng thoải mái hơn. Nhưng cái giá đó có quá đắt không? Nói thật, nếu được đổi lại, tôi muốn vợ tôi giống như trước đây, là một người phụ nữ đúng nghĩa của gia đình. Tôi không buộc vợ phải nghỉ việc nhưng tôi cần ở cô ấy sự cân bằng giữa công việc và gia đình.
Nếu cứ như thế này, tôi sợ sẽ có ngày sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình không còn nữa, tôi cũng sợ , liệu một người như cô ấy có chọn gia đình thay vì công việc không?
Theo X.P/Phununews