Võ sư bị kiếm đâm vào mắt, suýt đứt ngón tay khi đóng thế
Peter Phạm cho biết anh theo đuổi nghề cascadeur ở Mỹ 7 năm qua. Nam võ sĩ đã không tránh khỏi những chấn thương nguy hiểm như bị kiếm đâm vào mắt, đạo cụ đập đầu rướm máu.
Gặp gỡ phóng viên Zing trong một buổi tập ở phòng gym, diễn viên, võ sĩ Peter Phạm không giấu niềm vui khi được đóng chính bộ phim Đỉnh mù sương của đạo diễn Phan Anh. Peter Phạm chia sẻ phim ảnh là đam mê thứ hai của anh sau võ thuật. “Tôi tự tin ở khả năng diễn xuất của mình nhưng không kỳ vọng gì lớn lao. Tôi chỉ mong những cố gắng của mình được khán giả đón nhận”, anh nói. Trước khi về nước đóng phim, Peter Phạm đã có thời gian dài dạy võ Vịnh Xuân quyền và 7 năm làm cascadeur ở Mỹ.
Hiện nay, Peter Phạm có một lò võ tại Bình Dương, 4 trung tâm dạy võ ở Mỹ với số lượng học viên lên tới 300-400 người. Dù vậy, Peter tỏ ra ngại ngùng khi người viết gọi anh với danh xưng võ sư. “Tôi dạy võ nhưng vẫn cảm thấy danh xưng ấy cao quá. Tôi chỉ là người mê võ từ nhỏ và muốn truyền tình yêu, cảm hứng võ thuật với mọi người trong khả năng của mình. Khi dạy võ cho mọi người cũng là cơ hội để tôi tập luyện thêm”, anh giãi bày.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 4 tháng qua, Peter Phạm chưa thể về Mỹ. Võ sĩ cho biết những ngày ở Việt Nam, anh vẫn duy trì lịch tập như ở Mỹ. Nói về một ngày tập luyện, võ sĩ sinh năm 1974 cho hay: “Tôi dậy sớm, tập gym một tiếng mỗi ngày. Sau đó, tôi tập võ và hướng dẫn học trò. Văn ôn, võ luyện, đó là thói quen của tôi nhiều năm qua”.
Anh kể việc mở trung tâm dạy võ đến với mình rất tình cờ. Ban đầu, anh tập võ chăm chỉ và đạt được “level” đứng lớp, thì có nhiều bạn bè xin học. Peter Phạm nhớ lại: “Mọi người tập hợp ở nhà tôi đông quá nên bị hàng xóm than phiền ồn ào. Sau đó, tôi chuyển nhóm sang học ở một nhà thờ. Số lượng người tập tiếp tục tăng, nhà thờ không đủ chỗ, tôi phải thuê mặt bằng rộng hơn. Cứ thế, các trung tâm được mở rộng tự nhiên. Tôi tin rằng khi mình làm việc bằng đam mê, tiền bạc sẽ đến”.
Video đang HOT
Ngoài dạy võ, nghề cascadeur mang lại thu nhập chính cho Peter Phạm. Anh tham gia đóng thế trong nhiều dự án phim ảnh ở tiểu bang nơi mình sinh sống. Chia sẻ về nghề đóng thế, Peter Phạm cho rằng đây là nghề nguy hiểm, đối diện thường xuyên với chấn thương, đau đớn.
Trong 7 năm làm cascaduer, võ sĩ sinh năm 1974 kể trải qua nhiều cảnh mạo hiểm như cảnh nhảy cầu tự tử với độ cao tương đương ngôi nhà 4 tầng lầu. Cú chạm nước mạnh đến mức anh bị rách quần, rơi giày và sợ hãi.
Khi thực hiện cảnh hành động, anh từng bị bạn diễn dùng kiếm đập đầu chảy máu hoặc bị đập trúng vào mắt. Có lần, anh kể suýt bị đứt ngón tay áp út vì cây mã tấu bị gãy. “ Với máu liều và lì của người tập võ, tôi đã vượt qua các màn đánh đấm mạo hiểm, chấn thương đau đớn. Không ít lần gia đình ngăn cản việc tôi theo nghề, nhưng bản thân đam mê nên không thể từ bỏ”, Peter khẳng định.
Nam võ sĩ tiết lộ anh yêu thích hội họa, ca hát. Anh cho rằng võ thuật, phim ảnh và nghệ thuật giúp bản thân cân bằng cuộc sống. “ Nhờ có tâm hồn nghệ sĩ, tôi nhìn và chuyển những thế đánh đấm thô kệch sang thế đánh đẹp và mỹ thuật trên phim. Nhờ đó, tôi được biên kịch đạo diễn tạo cơ hội đóng phim”, anh tâm sự.
Diễn viên chính của Đỉnh mù sương cho biết khi tập võ anh nghiêm khắc, khó tính. Nhưng ngoài đời, Peter tự nhận mình vui tính, cởi mở và thích trêu đùa mọi người.
Với vóc dáng săn chắc, Peter Phạm được nhận xét trẻ trung hơn so với tuổi 46. Theo nam võ sĩ, để có thể lực tốt, sự trẻ trung mỗi người cần chăm chỉ tập luyện và ăn uống khoa học. Bản thân anh đã ăn chay nhiều năm qua. Gần đây, anh ăn mặn trở lại nhưng vẫn dùng rất ít thịt. Khẩu phần ăn mỗi ngày của anh gồm nhiều rau xanh và các loại hạt.
Peter Phạm: 'Tôi rụng rời vì dao găm trúng bạn diễn'
Võ sĩ Peter Phạm khiến dao găm trúng mắt Simon Kook - sao võ thuật Thái Lan - khi cả hai đóng cảnh quyết chiến ở "Đỉnh mù sương".
Lần đầu giữ vai chính trong phim do Phan Anh đạo diễn, Peter Phạm, sinh năm 1974, định cư tại Texas, Mỹ, cho biết anh có nhiều kỷ niệm khó quên. Tác phẩm kể về võ sĩ tên Phi, báo thù cho vợ đã mất. Phim có sự góp mặt của Simon Kook, từng đóng Diệp Vấn 3 của Chân Tử Đan, và Trương Đình Hoàng - từng vô địch đấm bốc trong nước 11 năm liền.
- Anh nhớ kỷ niệm nào nhất khi đóng chung Simon Kook?
- Gặp Simon Kook lần đầu, tôi bị khớp vì vẻ ngoài cao lớn, dữ dằn của anh. Tôi chưa có tên tuổi còn Simon đã là ngôi sao võ thuật châu Á, thành danh với nhiều môn võ, trong đó Muay Thái là ngón nghề chính của anh. Làm việc với Simon, tôi nể phục vì anh có những cú bay gối, phang ống, xuống chỏ trên không trung rất đẹp mắt. Anh có khả năng kiểm soát lực, "ngâm" các đòn cận mặt đối phương, khiến tôi rất hồi hộp, dù biết chỉ là đang diễn.
Nhưng đóng phim, nhiều tai nạn chúng tôi không ngờ được. Ở cảnh sinh tử gần cuối phim, chúng tôi đánh nhau ngoài bìa rừng. Khi Simon dùng rìu chém vào cặp dao của tôi, một chiếc dao chịu lực mạnh nên văng ngược lại, găm vào mắt trái của Simon. Lúc đó, tôi rụng rời, nghĩ chắc phải đóng máy rồi. May thay, tròng mắt anh chỉ bị sưng đỏ, đắp đá là khỏi. Cảnh khác, anh nắm tôi từ trên không và nện xuống đất, sau đó ra đòn liên tiếp. Tôi "say máu" nên nói anh cứ đánh thẳng tay. Lúc đó, lưng tôi kêu răng rắc, tưởng như cụp xương sống, còn đoàn làm phim xung quanh thót tim, sợ tôi gặp chuyện. Xem lại, tôi ớn lạnh vì không nghĩ Simon mạnh tay và tôi có gan chịu đòn đến thế.
- Anh áp lực ra sao trước những cảnh đấu tay đôi với võ sĩ Trương Đình Hoàng?
- Khác với Simon Kook, Trương Đình Hoàng chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Trước mỗi cảnh đấu võ, chúng tôi tập dượt trước, lên phim trường mới ráp lại. Lúc tập, Hoàng thiếu tiết chế nên đánh tôi ê hết mình mẩy. Tôi phải bảo Hoàng giảm lực lại vì tốc độ ra đòn của anh quá nhanh và mạnh. Tuy vậy, trong cảnh so tài nhau trên khán đài, xung quanh là hàng trăm diễn viên quần chúng la hét, tôi và Hoàng bị cuốn theo. Cả hai đấu với nhau theo quán tính. Hoàng như được bật công tắc, lao vào đấm tôi thật lực. Tôi cũng chống trả và ra đòn. Mặt sân thì trơn, giày tôi không có độ bám tốt. Trong lúc hụp xuống né đòn của Hoàng, tôi mất đà và lãnh trọn một cú đấm vào cằm, phải nghỉ một lúc mới quay tiếp. Về nhà, Hoàng nhắn tin với tôi, bảo hai tay Hoàng đau nhừ vì tay tôi cứng quá (cười).
Tôi quen Hoàng qua võ sĩ Cung Lê, tại một câu lạc bộ mà Hoàng là võ sĩ ở đấy. Trước đó, qua báo chí, tôi biết Hoàng là một trong những tay đấm quyền Anh số 1 Việt Nam. Cả hai nhanh chóng thân với nhau vì cùng tính hào sảng của con nhà võ. Tôi đề nghị đạo diễn mời Hoàng vào phim này do anh có khuôn mặt rất điện ảnh, vóc dáng cao lớn (1,82 m).
- Anh nghiên cứu phim võ thuật Việt ra sao trước khi lần đầu về nước tham gia điện ảnh?
- Tôi xem rất nhiều phim hành động Việt, từ Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng đến phim gần đây là Hai Phượng. Tôi nghĩ dòng phim võ thuật Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Về nước, tôi phát hiện phần đông anh em stuntman, cascadeur (diễn viên đóng thế) đều có nền tảng võ học rất vững. Hơn hết, họ chung tâm huyết xây dựng một kỷ nguyên mới của dòng phim võ thuật. Tất nhiên, việc so sánh những phim trong nước với các tác phẩm của Chân Tử Đan, Thành Long, Lý Liên Kiệt là sự khập khiễng. Có những phim Việt cách đây hơn 10 năm họ chỉ dàn dựng được như vậy, nhưng nếu remake (làm lại), tôi tin các đạo diễn, nhà sản xuất ngày nay có thể làm tốt hơn.
- Nhiều diễn viên Việt kiều lập nghiệp ở nước ngoài trước khi về nước, vì sao anh chọn cách ngược lại?
- Nghề diễn đến với tôi rất tự nhiên. Tôi vốn không nghĩ sẽ theo nghiệp phim ảnh, dù từng đóng một số video võ thuật, tham gia vài sitcom nhỏ ở Mỹ. Năm 2018, khi về nước với võ sĩ Cung Lê, tôi gặp nhiều gương mặt như diễn viên Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân.., chứng kiến sự sôi động của nền điện ảnh trong nước. Khi rảo bộ trên đường phố Sài Gòn, tôi nhớ lại một thời tuổi thơ của tôi tại mảnh đất này, khát khao cống hiến cho quê nhà trỗi dậy. Với đề nghị của đạo diễn Phan Anh, tôi nhận lời vào vai đầu tay. Tôi đầu tư học diễn xuất, tham gia các khóa ngắn hạn dạng acting seminar. Còn võ thuật đã là máu thịt, lên màn ảnh tôi cứ thể hiện như chính bản thân.
Võ sĩ Peter Phạm tại buổi ra mắt phim "Đỉnh mù sương" hôm 1/7. Anh từng đoạt huy chương vàng giải quyền thuật bộ môn Vịnh Xuân tại bang Texas, Mỹ năm 2000. Ảnh: Hữu Khoa.
- Anh luyện võ từ khi nào?
- Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu với Taekwondo. Năm 1993, sau khi sang Mỹ, gặp các võ sư, tôi dấn thân vào con đường võ thuật chuyên nghiệp. Tôi theo đuổi hai môn chính là Vịnh xuân quyền và Triệt quyền đạo. Những năm gần đây, tôi chủ yếu dạy võ cận chiến. Tại Texas, tôi có bốn câu lạc bộ, giao cho các học trò quản lý.
Võ thuật với tôi như một món ăn tinh thần. Nhiều lúc thấy bấp bênh, căng thẳng, tôi đến các câu lạc bộ tập với học viên. Tôi không xem mình là thầy vì võ thuật là sự học hỏi qua lại lẫn nhau. 7 năm trước, khi về Việt Nam, tôi dạy một học trò. Sau này, cậu ấy mở một lò võ ở Lái Thiêu, Bình Dương và lấy tên của tôi, có khoảng 200 người tham gia. Lò võ này hoạt động như một lớp học tình thương, dạy miễn phí cho các công nhân nghèo, học sinh... Mỗi năm, tôi đều về đây tặng quần áo, thiết bị tập luyện. Nhìn họ luyện võ miệt mài, tôi cũng vui lây vì đã phần nào truyền được "lửa". Tôi không giàu có gì nên xem đây là cách mình cống hiến cho quê nhà, dù đi xa đã lâu.
Võ sư Vịnh Xuân Peter Phạm tung cước, đi đường quyền trong buổi showcase Vào chiều ngày 01/7/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn phim Đỉnh Mù Sương đã có buổi showcase với báo chí, truyền thông. Khán giả bất ngờ khi được xem trực tiếp màn đấu võ của những cao thủ võ thuật. Buổi showcase của Đỉnh Mù Sương có sự tham gia của đạo diễn cùng dàn diễn viên trong phim như NSƯT...