Võ sĩ Thu Nhi dự giải vô địch boxing quốc gia: Dùng dao mổ trâu để chặt gà?
Nhà vô địch WBO thế giới Nguyễn Thị Thu Nhi sẽ khoác áo đơn vị Cần Thơ thi đấu tại giải vô địch boxing toàn quốc 2021 và giới chuyên môn dự đoán chức vô địch khó thoát khỏi tay võ sĩ sinh năm 1996.
Nguyễn Thị Thu Nhi được đơn vị Cần Thơ đăng ký tranh tài tại giải vô địch boxing toàn quốc 2021 sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến 6/12 tại Bắc Ninh.
Trước giải đấu này, đã có một số lùm xùm xảy ra khi có thông tin Thu Nhi bị cấm thi đấu ở giải đấu này do vướng tranh chấp. Trước thềm giải khởi tranh, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại lên Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn boxing Việt Nam (VBF) cho rằng Thu Nhi thi đấu cho Cần Thơ là phạm luật.
Thu Nhi trở thành ứng cử viên nặng ký khi tranh tài ở giải vô địch boxing toàn quốc vào ngày 29/11 tới đây.
Nguyên do là Thu Nhi từng thi đấu trong màu áo TP.HCM. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, cô đã xin rời khỏi đội để tập trung thi đấu chuyên nghiệp. TP.HCM đồng ý, nhưng với điều kiện nữ võ sĩ sinh năm 1996 không được thi đấu cho đơn vị khác trong năm 2021, nếu chưa được sự chấp thuận của TP.HCM.
Sau khi xem xét khiếu nại cùng giấy tờ liên quan, VBF đã gửi công văn cho Cần Thơ, thông báo dừng tiếp nhận danh sách đăng ký thi đấu với Thu Nhi, do võ sĩ này đang vướng tranh chấp. Võ sĩ Minh Phát cũng rơi vào trường hợp tương tự.
VBF đề xuất TP.HCM và Cần Thơ cùng các võ sĩ ngồi lại làm việc cùng nhau để giải quyết vụ việc. Các bên sau đó đạt được đồng thuận, TP.HCM đã rút đơn khiếu nại, đồng nghĩa với việc Thu Nhi và Sẳm Minh Phát đã được tham dự giải đấu.
Với việc được chấp thuận tham gia giải đấu, Thu Nhi trở thành ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch ở giải boxing toàn quốc 2021 tới đây, khi cô vừa đi vào lịch sử với tư cách là võ sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt chức vô địch quyền Anh chuyên nghiệp thế giới.
Cô đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản Etsuko Tada để đoạt đai WBO thế giới hạng mini-flyweight (ruồi nhẹ) tại Hàn Quốc hồi tháng 10 vừa qua.
Với tư cách nhà vô địch chuyên nghiệp thế giới WBO vừa lên ngôi, sự xuất hiện của Thu Nhi tại một giải đấu cấp độ amateur (bán chuyên, nghiệp dư) như giải boxing toàn quốc lần này hẳn sẽ thu hút nhiều sự chú ý của khán giả mặc dù hiện tại, nữ võ sĩ vẫn chưa tiết lộ hạng cân sẽ tham gia tranh tài tại giải đấu lần này.
Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng, Thu Nhi dự giải vô địch boxing quốc gia cũng giống như “lấy dao mổ trâu để chặt gà”, bởi sự chênh lệch về đẳng cấp, trình độ giữa một võ sĩ chuyên nghiệp với bán chuyên nghiệp, nghiệp dư là rất lớn.
Trước thềm giải đấu, Thu Nhi tự tin chia sẻ: “Nhi hoàn toàn có thể đấu ở cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Nhưng từ thi đấu chuyên nghiệp chuyển sang nghiệp dư, em bị bất lợi rằng mình sẽ chậm hơn. Nhưng bù lại, thể lực của em sẽ nhiều hơn.
Bản thân em mới qua chuyên nghiệp được một vài năm, lối đánh của em vẫn còn lai giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp, chưa hoàn toàn nghiêng về một bên nào. Vì vậy em hoàn toàn tự tin khi tham dự giải boxing quốc gia lần này”..
Nữ võ sĩ Việt đầu tiên vô địch boxing thế giới: "Nhiều người hỏi tôi Việt Nam ở đâu?"
Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam khi đánh bại đương kim vô địch Etsuko Tada (Nhật Bản), đoạt chiếc đai WBO thế giới hạng minimum.
Video đang HOT
Sau trận đấu, trên mặt Thu Nhi để lại 2 vết sẹo lớn, một trên đỉnh đầu, một ngay khoé mắt mà trong suốt buổi nói chuyện với PV, nó khiến cô gần như không thể mở to mắt.
Nhưng đối với Nhi, đó chính là dấu tích của niềm tự hào chiến thắng. "Lúc thấy nước nhiễu xuống nhiều, mình đã biết chắc là máu chứ không phải mồ hôi. Nhưng đã vào trận, mình chẳng còn thấy đau, chỉ đấu hết mình và giành chiếc đai vô địch về cho Việt Nam" - Nhi cười.
"NHIỀU NGƯỜI HỎI TÔI VIỆT NAM LÀ Ở ĐÂU?"
Để bước vào trận đầu mang tầm thế giới và giành được chiếc đai vô địch danh giá, Thu Nhi đã chuẩn bị về thể lực lẫn tinh thần trong bao lâu?
Thu Nhi: Gần 2 năm!
Từ sau khi đạt vô địch châu Á vào năm trước, mình đã sẵn sàng tinh thần để chinh phục chiếc đai thế giới. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, lịch thi đấu bị lùi lại, mình đã lên kế hoạch qua Uzbekistan để tu luyện trên núi.
Lúc đó, nhiều người nghe mình đến từ Việt Nam, họ liền hỏi: "Việt Nam là ở đâu?". Nghe xong, mình thực sự rất tổn thương, bởi nước mình còn nhỏ và thứ hạng boxing trên bản đồ thế giới chưa cao. Thế là mình liền lao vào luyện tập với cường độ cao để nâng cao kỹ thuật, thể lực, tốc độ.
Đến khi đánh bại đối thủ Nhật Bản, giành chiếc đai vô địch, trên sàn đấu, mình chỉ hô vang: "I'm from Vietnam" (Tôi đến từ Việt Nam). Vì mình muốn mọi người biết Việt Nam là đâu và các võ sĩ Việt cũng có thể bước lên đài danh vọng như thế nào!
Thu Nhi đã lập kỷ lục đối với bộ môn Boxing Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Vậy sau trận đấu, cái nhìn của bạn bè quốc tế thay đổi như thế nào?
Thu Nhi: Lúc chưa bước lên sàn, mình đã nghe rất nhiều thông tin rằng đối thủ của mình lớn tuổi, có kinh nghiệm chính chiến, kỹ năng, thể lực đều rất tốt nên cũng có phần lo lắng!
Thế nhưng, mình đã xác định đến đây không phải để đặt nặng vấn đề thắng thua, mà để thi đấu hết mình, có một trận đẹp.
Có 2 thứ mà mình nghĩ mình có được. Thứ nhất tình cách từ nhỏ đã rất lì đòn. Thứ 2, thời điểm bước vào thi đấu chuyên nghiệp, vì không có bạn nữ nào tập chung nên mình toàn thi đấu với nam giới, nhờ thế đòn đánh của nữ đối với mình chẳng xi nhê gì.
Khi lấy được đai rồi, mình nhớ, cả đêm đó mình chẳng thể ngủ được. Trong điện thoại, trên mạng xã hội, mọi người nhắn tin, gọi điện chúc mừng liên tục.
Rất nhiều võ sĩ tại Hàn Quốc, Uzbekistan nói rằng võ sĩ Việt Nam rất giỏi, và mình đã mang niềm tự hào về cho đất nước.
"MẸ THẤY MÁU, BÀ ẤY GẦN NHƯ ĐÃ KHÓC"
Còn gia đình của Nhi thì sao? Họ chắc hẵng sẽ phải tự hào lắm vì bạn đã làm nên một chiến thắng lịch sử cho boxing Việt Nam...
Thu Nhi: Hoàn toàn ngược lại... (Cười!).
Mình nhớ, gần cuối hiệp chính thì mình bị chấn thương gây ra 2 vết sẹo rất dài. Một cái là ngay khoé mắt vì đập vào cùi chỏ đối thủ, một cái toét đầu khi cả hai húc nhau.
Lúc mình thấy nước nhiễu xuống nhiều thì biết chắc máu chứ không phải mồ hồi. Trọng tài liền "Stop", đưa mình ra y tế. Bôi thuốc xong, y tế bảo không sao thì mình đề nghị quay lại sàn ngay.
Vết thương kéo dài trên mắt và đỉnh đầu lại là dấu tích của niềm tự hào chiến thắng.
Thật ra, đang đấu nên mình còn chẳng thấy đau gì nữa cả. Với lại mười mấy năm tập luyện, chuyện chảy máu mũi, bầm dập đã là thường nên lúc đó có tét mắt, gãy mũi, thì mình vẫn sẽ đấu tiếp.
Chỉ khi giành chiến thắng, mình gọi điện về Việt Nam cho mẹ. Nhìn vết thương, bà gần như sắp khóc, bảo: "Con nghỉ đi, mẹ ko muốn sống bằng tiền máu me của con vậy đâu". Mình sợ thấy mẹ rơi nước mắt nên vội vàng cúp máy.
Mẹ mình ấy, bà ấy luôn ủng hộ con đường mình chọn, nhưng lo lắng cho sức khoẻ của mình lắm! Mấy nay, hôm nào mẹ cũng gọi, dặn dò mình dưỡng thương để sớm trở về Việt Nam.
"NGOẠI ĐỢI MÌNH VỀ VIỆT NAM RỒI MẤT"
Thời điểm ban đầu, cơ duyên nào đưa Nhi đến với bộ môn boxing?
Thu Nhi: Năm 3 tuổi, bố mẹ mình không ở với nhau nữa. Mình theo mẹ từ An Giang lên Sài Gòn sống cùng Ngoại.
Ở quận có tổ chức cho học sinh học võ, thầy giáo thấy mình có năng khiếu nên đăng ký cho mình học thêm bộ môn boxing.
Thời điểm mới tập tễnh vào nghề, 1 buổi mình đi học, 1 buổi đi tập, 1 buổi phải bán vé số, rửa chén thuê để trang trải cuộc sống nên chậm phát triển lắm! Ngày hè, không còn phải đi học nên mình cố gắng bù lại. Đến khi được chọn vào đội tuyển thành phố, có thu nhập cố định rồi thì mình chỉ chăm chú vào luyện tập thôi.
Năm 2014 mình được Việt Nam đưa sang Thái Lan để tập huấn. Nhưng đó cũng là năm nuối tiếc nhất với mình!
Thu Nhi chiếm thế áp đảo trong trận đấu.
Nuối tiếc về chuyện gì?
Thu Nhi: Năm đó Ngoại mình mắc bệnh nặng. Trước ngày mất, bà được bác sĩ đứa trở về nhà, vẫn cắm oxy để đợi mình trở về.
Nghe tin xong, mình đã mua vé máy bay để trở về Việt Nam gấp. Hôm đó, mình nói: "Con về rồi, bà có thể an lòng đi được rồi" thì Ngoại mới nhắm mắt.
Ngoại đã nuôi mình từ khi còn nhỏ xíu. Bà không biết gì về boxing cả đâu, nhưng thấy cháu đam mê gì thì bà luôn ủng hộ hết mình. Nhưng lúc mình mới chập chững vào nghề, tiền bạc chỉ đủ nuôi bản thân nên chưa làm được gì lớn lao cho Ngoại.
"TỰ HÀO NHẤT LÀ VIỆT NAM ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ BOXING THẾ GIỚI"
Sự tiếc nuối đó có phải lí do để Nhi tiếp tục con đường này?
Thu Nhi: Thời gian vừa đi học vừa đi làm, mình đã rất nhiều lần muốn từ bỏ boxing. Nó rất cực và mình chỉ muốn có thời gian để kiếm tiền, để nuôi bản thân và gia đình.
Đến bây giờ khi đã vào đội tuyển quốc gia, có lương thì mình tiếp tục theo đuổi thực hiện ước mơ thôi. Bởi mình không thể làm cho Ngoại, mẹ, các thầy và người ủng hộ mình thất vọng.
Đối với mình được lên sàn đấu, trở thành nhà vô địch,... điều tự hào nhất không chỉ là bản thân mà còn cho thế giới thấy Việt Nam đã làm nên lịch sử như thế nào.
Giai đoạn tiếp theo, Nhi đã những dự định như thế nào?
Thu Nhi: Mình sẽ sớm trở về Việt Nam khi có chuyến bay và cách ly theo quy định. Khi vết thương bình phục thì mình sẽ tiếp tục luyện tập trở lại.
Trong vòng 4 tháng nữa sẽ có người thách đấu và mình sẽ sẵn sàng chấp nhận để bảo vệ chiếc đai và nâng cao thứ hạng của Việt Nam hơn trên bảng thành tích thế giới.
Cảm ơn Thu Nhi vì những chia sẻ chân thành này.
Võ sĩ Thu Nhi - từ cô bé bán vé số thành nhà vô địch boxing thế giới Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi trải qua tuổi thơ khó khăn, từng đi bán vé số khi mới 7 tuổi trước khi bén duyên boxing. Thu Nhi (phải) có nhiều cú đấm trúng mặt đối thủ Etsuko Tada trong trận đấu. Ảnh: Facebook Bobur Najmiddinov Chiều 23/10, Thu Nhi đánh bại võ sĩ người Nhật Bản, Etsuko Tada, để giành đai WBO...