Vợ sạch quá, chồng con cũng khổ
Có hôm nhà có khách gồm cả người lớn và trẻ con ở quê lên chơi, khi khách về vừa ra đến khỏi cửa, vợ đã cầm chổi cặm cụi quét nhà.
Với những người đàn ông như anh Cường, nhà cửa có thể bừa bộn một chút nhưng ai cũng vui vẻ còn hơn nhà sạch mà vợ chồng giận hờn nhau. Ảnh minh họa: Forbes.
“Vợ mình điểm nào cũng được chỉ mỗi tội là sạch quá khiến mấy bố con làm gì cũng lo bẩn nhà, mẹ lại cằn nhằn”, chia sẻ của anh Huy Cường (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có lẽ sẽ nhận được nhiều sự đồng tình từ các ông chồng cùng cảnh ngộ. Anh Cường bảo, tuy nhiều lúc cũng thấy khổ thân cho vợ khi đi làm cả ngày, vừa về đến nhà là lao vào quét dọn không biết mệt chỉ vì sợ… nhà bị bẩn nhưng vừa thương lại vừa giận. Bởi chuyện này đôi khi lại là lý do làm giảm không khí đầm ấm của gia đình.
Em ơi, ngủ đi, để sáng mai ngủ dậy hãy lau nhà!
Đó là câu nói mà anh Cường hay nói với vợ khi nhiều lần hai vợ chồng đã nằm trên giường một lúc rồi mà chị Hạnh (vợ anh Cường) lại bật dậy đi lau nhà. Lúc đầu, anh Cường tưởng vợ bị mộng du nên lo lắng chạy theo kéo vợ vào. Nhưng, không phải chị Hạnh bị mộng du, chả là tối qua con bé con làm đổ nước ra sàn nhà nhưng chị quên chưa lau, đêm nằm mới nghĩ ra nên phải dậy lau cho sàn sạch sẽ. Rồi có những hôm, vừa đi làm về đến nhà, cơm nước chưa kịp chuẩn bị gì, chị vợ đã chạy ra cầm cái chổi để quét nhà, lau lau chùi chùi cả tiếng đồng hồ. Có hôm nhà có khách gồm cả người lớn và trẻ con ở quê lên chơi, khi khách về vừa ra đến khỏi cửa, vợ đã cầm chổi cặm cụi quét nhà.
Thực tế, trường hợp “sạch sẽ” như chị vợ n hà anh Cường không phải là ít. Cũng có thế từ bé, họ đã được mẹ hoặc bố giáo dục về nếp giữ gìn vệ sinh hoặc họ là người cầu toàn, luôn có ý thức giữ nhà sạch một cách “hoàn hảo”. Theo anh Cường chia sẻ, một cách giúp vợ thoát khỏi nỗi lo nhà bẩn, nhà sạch là các ông chồng nên chăm chỉ và chủ động cùng vợ dọn dẹp nhà cửa. Còn trong trường hợp đã giúp vợ rồi mà “bà ỹ” vẫn thấy chưa thỏa mãn thì cứ để “bà ý” lau dọn cho tâm lý thoải mái.
Nhà sạch mà vắng quá, em à!
Anh Cường cũng kể lại rằng, nhiều lần vừa về đến nhà đã nghe thấy tiếng vợ quát, còn đứa con nhỏ thì khóc ầm lên. Hỏi chuyện, anh mới là con bé lỡ tay làm đổ sữa ra nhà và bị mẹ mắng. Việc này xảy ra trong nhà anh như cơm bữa và thậm chí, anh còn suốt ngày bị cằn nhằn vì cái thói rửa tay làm bắn nước ra sàn nhà tắm. Mấy đứa trẻ con hàng xóm sang chơi cũng bị vợ “giáo huấn” cho một bài về giữ gìn vệ sinh, khiến chúng sợ quá chẳng dám sang chơi nữa. Theo anh Cường, các bà vợ nên chọn cách xử sự khéo léo hơn bởi vì, nhà cửa thì có thể dọn dẹp cho sạch sẽ sau đó, chứ tình cảm giữa những người trong gia đình, với hàng xóm, rất dễ bị mất lòng và làm cho mọi người đều không vui vì những chuyện nhỏ như vậy.
Hãy cùng ăn cơm tối nào, để anh dọn bếp cho
Nhà anh Cường bấy lâu nay ít có bữa cơm tối cùng nhau bởi vì lý do đơn giản, nếu nấu cơm nhiều, bếp sẽ mau chóng bị sét rỉ, nhà có mùi đồ ăn và nước văng ra sẽ làm nhà bẩn. Nhiều lúc đi làm về muộn, thấy bếp núc lạnh ngắt, anh Cường lại lụi cụi nấu một nồi mỳ ăn tạm. Nhà anh cũng lâu lắm không có một bữa cơm nào mời họ hàng hay bạn bè đến ăn. Bởi vì, mời họ đến, vợ anh vì sợ bẩn nên tay lúc nào cũng cầm cái giẻ lau để chùi chùi, đứng ngồi không yên. Nhiều lúc vì muốn có bữa cơm gia đình, muốn nhà cửa đông vui, anh phải với vợ rằng “Em phụ trách đưa các con và cháu đi chơi công viên thoải mái, anh sẽ phụ trách cơm nước, rồi sẽ lau chùi dọn dẹp sạch sẽ. Em yên tâm, khi về là có cơm ăn rồi”.
Theo blogtamsu