“Vợ khôn thì cần phải… gian ngoan”
Từng kinh qua sóng gió của hôn nhân và đang có một gia đình hạnh phúc viên mãn, chị T. 40 tuổi ở Hai Bà Trưng – Hà Nội cho rằng “Một người vợ khôn ngoài yếu tố tài năng, thông minh thì cần phải biết gian ngoan mới giữ được chồng, vun vén được nhà”.
Theo chị T. nếu một người phụ nữ chỉ có sự thông minh, tài năng thì chưa chắc đã có được cuộc sống hạnh phúc. Còn người đàn bà khôn ngoan, biết lật chuyển, xoay vần thì sẽ có hạnh phúc. Hãy cùng trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về quan điểm “Vợ khôn cần phải gian ngoan” của chị.
Chào chị! Chị từng tuyên bố rằng mình và nhiều phụ nữ khác vĩ đại vì thể hiện sự tận tụy với chồng con?
Tôi đâu cần phải lý lẽ gì nhiều! Cô cứ nhìn vào thực tế đi. Từ xưa đến nay, cho dù các cô, các bà hiện đại, sống thoáng cỡ nào thì tất cả đều coi gia đình là điểm tựa, chồng con là những người quan trọng nhất. Hầu hết các bà vợ mặc nhiên tự áp cho mình nghĩa vụ chăm chút từng li từng tí cho con từ khi còn đỏ hỏn đến lúc yên bề gia thất. Họ tận tụy, mỏi mòn làm hậu phương vững chắc cho những ông chồng đi thâu đêm, suốt sáng, mải mê với sự nghiệp, thỏa thê thể hiện vị trí trụ cột trong gia đình. Còn bản thân họ – những bà vợ thì sao?! Ngay cả những mong muốn, nhu cầu chính đáng của bản thân… họ thường gạt đi với cái chặc lưỡi “Vì chồng, vì con thôi quên đi”. Chính những điều đó làm nên sự vĩ đại của các bà vợ.
Thế nhưng sau đó chị lại cho rằng có thể vì chính giá trị vĩ đại ấy mà những người vợ như chị và nhiều phụ nữ khác sẽ không có được hạnh phúc?
Đúng. Tôi cứ suy từ thực tế mà ra thôi. Sở dĩ tôi xoay sang nói chúng tôi có thể rất vĩ đại nhưng không hạnh phúc là bởi chính bản thân các bà vợ đã tự biến mình thành những người giúp việc không công cho chồng và con. Lúc còn trẻ trung, họ cứ đắm đuối hi sinh, chấp nhận lặng lẽ đứng ở góc khuất nào đó trong cuộc sống để chồng con được rình rang đẹp mặt. Khi đó họ mơ về tương lai tốt đẹp, hạnh phúc về sau khi chồng thành đạt, con trưởng thành.
Tuy nhiên thực tế, khi chồng thành đạt, chồng sẽ bận bịu hơn vì đủ thứ việc: tiếp khách, hợp đồng… Còn con cái, một khi lớn khôn, đủ lông cánh thì chúng lại lo nâng niu vợ/chồng chúng, xây đắp cho cái tổ uyên ương mới thành. Lúc này, bỗng dưng các bà mẹ vĩ đại trở nên trơ trọi, cô đơn và loay hoay với chính sự hi sinh vĩ đại của mình. Cuộc sống sung sướng mà các chị tưởng tượng ra lúc trước thì bây giờ sẽ là: ôsin có lương phục vụ một “ôsin không lương”. Và các bà vợ sẽ cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Như thế thì hạnh phúc ở đâu?
Vợ khôn là biết “giở mánh” để “đào tạo” chồng con vào quy củ (Ảnh minh họa)
Nói như vậy khác nào chị cho rằng sự hi sinh đó là vô ích?
Tôi không nói đó là sự hi sinh vô ích nhé. Ngay từ đầu tôi đã nói rằng đó là sự hi sinh vĩ đại. Chẳng qua là các chị có thừa sự thông minh, nhẫn nhịn nhưng thiếu khôn ngoan. Các chị rất hão huyền khi trói buộc mình vào cái lý thuyết: Để chồng con thành công thì mình phải chịu lép vế yên phận ở góc nhà, nhẫn nhục thế nào cũng được… Tôi cũng từng tin như thế và từng chấp nhận bỏ việc ở nhà chăm chỉ chăm con, vun vén gia đình cho chồng yên tâm xây dựng kinh tế. Và sau vài năm, khi con tôi chỉ mới vào cấp 3, chúng đã “gạt” mẹ ra ngoài. Còn chồng tôi nhiều khi nói chuyện được đôi lời đã “ném” luôn cho vợ một câu nặng trịch: “Nói với em cũng bằng thừa”. Lúc đó chỉ còn biết ngắn tũn mặt, tủi thân mà nhìn chồng xoay lưng bước đi.
Và tôi nhận ra rằng mình thật dại dột và ngu dốt khi làm mẫu “đàn bà xó bếp” chỉ biết chỉn chu, thu xếp ổn thỏa những việc trong nhà. Vì thế với tôi thì cái câu khen “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ tuyệt vời” chỉ là câu khen bề nổi làm đẹp mặt cho chồng con. Tin vào điều đó là dại dột. Các chị nên tập cho mình sống theo kiểu vợ khôn nhưng phải có chút gian ngoan.
Video đang HOT
Các bà vợ nên hiểu từ “gian ngoan” đó thế nào đây thưa chị?
Đây nhé! Rõ ràng các chị không thể phủ nhận vai trò của mình là tận tụy với chồng con đúng không? Nhưng các chị nên rạch ròi và phải có mánh khóe khéo léo. Các chị đừng chăm chăm trở thành “ôsin” cho chồng và con. Bởi vì như thế các chị vừa làm hỏng mối quan hệ của mình với gia đình, vừa tự mình đặt thêm gánh nặng lên vai.
Chị có thể nói rõ hơn không?
Các chị phải hiểu rằng mình có thiên chức làm mẹ nhưng điều đó không có nghĩa là một mình các chị phải gánh trọn trách nhiệm chăm sóc và nuôi lớn con cái. Đừng chỉ lúc nào cũng quan tâm, chiều chồng, đáp ứng những nhu cầu của họ. Các chị phải lôi chồng mình vào chia sẻ, gồng gánh nhiệm vụ chăm con, lo lắng việc nhà… với các chị. Nhiều khi các chị cũng nên giả vờ ngô nghê, không biết việc để chồng được trổ tài. Giả vờ biết càng ít để chồng ra tay trợ giúp, dạy mình càng nhiều thì càng tốt.
Đừng quá bao bọc, chiều chuộng con cái. Các chị phải tung chiêu nghiêm trị để chúng tự lập ngay khi còn nhỏ. Đó là cách ứng xử của một bà vợ khôn, vừa gạt được gánh nặng trên vai vừa “đào tạo” được cả chồng và con vào quy củ. Gian ngoan một chút mà sống hạnh phúc vui vẻ thì quá đáng để áp dụng.
“Gian ngoan” có bài bản cũng đâu phải chuyện dễ! Vậy theo chị điều khó khăn nhất với tất cả phụ nữ để trở thành người vợ khôn là gì?
Thực tế nếu không làm vợ, làm mẹ thì người phụ nữ sẽ không thể có và đạt được hạnh phúc. Và cũng chính vì điều đó mà nhiều chị em cứ vô tình tự dồn mình vào thế khó, thế khổ. Các chị thường nhận ra giá trị của mình khi quá muộn màng, đó chính là điều khó khăn khiến các chị trở thành người vợ, người mẹ bất hạnh mặc dù sống trong cảnh đầy đủ vật chất, chồng thành đạt, con lớn khôn.
Vì thế, hãy làm thế nào để tình yêu chồng, thương con không lấn át, che mờ cả bản thân mình. Đừng quên rằng mình là người phụ nữ hiện đại, biết vun vén cho gia đình nhưng tuyệt đối không thể quên vai trò xã hội của bản thân. Chỉ có như thế các chị mới trở thành một người phụ nữ được chồng, con và những người xung quanh đánh giá cao.
Theo VNE
"Ép" mẹ lấy chồng
Chúng tôi chẳng biết làm sao để... "ép" mẹ phải lấy chồng.
Câu chuyện của chúng tôi khá dài bởi vì nó đã đi cùng mấy mươi năm đổi thay của đất nước. Tuy vậy, nó cũng chỉ là những chuyện bình thường của mỗi gia đình Việt Nam. Trong đó có những vui buồn, khổ đau, chia ly, sum vầy... Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn mọi người hãy giúp mẹ tôi có cái nhìn thoáng hơn về tình yêu, hạnh phúc...
Mẹ tôi là con gái nhà giàu. Ông ngoại trước làm viên chức chính phủ, bà ngoại là chủ hãng buôn. Ông bà có 7 người con, mẹ tôi là út nên được cưng nhất nhà. Năm mẹ 18 tuổi, ông ngoại hứa gả mẹ cho con trai một người bạn. Thế nhưng mẹ tôi không ưng bởi đã trót yêu một người con trai khác mà mẹ quen trong phong trào học sinh sinh viên.
Hôm ông bà ngoại hẹn đàng trai đến xem mắt, mẹ tôi trốn ở nhà bạn đến tối mới về. Bị mất mặt với bạn bè nên hôm đó, ông giận lắm. Dù bà ngoại van xin nhưng ông cũng nhất quyết "trị" con gái cưng đến nơi đến chốn. Trận đòn 20 roi kèm theo hình phạt bổ sung là cấm túc 30 ngày khiến mẹ tôi đổ bệnh, sốt li bì, không ăn, không uống... Thế nhưng ông ngoại rất kiên gan, nhất quyết không chịu thua con gái.
Khi mẹ tôi hết bệnh, ông ra điều kiện: " Phải qua nhà bác Mậu để xin lỗi người ta, sau đó ba má chọn ngày tốt làm đám hỏi luôn". Mẹ tôi không nói không rằng, cũng nghe lời ông ngoại đi qua nhà người ta xin lỗi. Thế nhưng sau đó, mẹ đã quỳ xuống khẩn cầu: "X in hai bác và ba má đừng ép con vì như vậy con sẽ không có hạnh phúc. Vợ chồng mà không có tình yêu thì đâu có lý do gì để sống với nhau đến bạc đầu?".
Mẹ đã làm cho cả hai gia đình khó xử. Cuối cùng, người con trai bác Mậu phải lên tiếng: " Em Ngọc đã nói như vậy thì con cũng mong ba má và hai bác đừng ép em ấy. Tình yêu mà không có sự tự nguyện thì còn có ý nghĩa gì nữa? Con xin rút lại ý định cưới em Ngọc làm vợ".
Vậy là mọi việc được giải quyết êm xuôi, tình cảm giữa gia đình hai bên vẫn nguyên vẹn. Thế nhưng ông ngoại vẫn không chấp nhận chàng trai mà mẹ tôi đã đem lòng yêu mến. Ông bảo: " Nếu con cứ khăng khăng muốn lấy nó thì ba kể như con đã sút nôi...".
Mối quan hệ giữa ông ngoại và mẹ tôi căng thẳng không có điểm dừng. Đỉnh điểm của nó là những ngày tháng 4-1975. Ông bà ngoại quyết định đưa các cậu, dì ra nước ngoài. Mẹ tôi đã trốn ở lại. Thế là cuộc nhân duyên của ba mẹ tôi "tự nhiên thành". Sau đám tuyên bố, ba dọn về sống cùng mẹ trong ngôi nhà của ngoại.
Những ngày đầu giải phóng khó khăn là vậy mà 3 chị em tôi thi nhau ra đời, đứa này cách đứa kia 2 năm. Những đứa con ra đời, vừa là hạnh phúc nhưng cũng chất thêm gánh nặng lên vai những bậc làm cha mẹ. Cô tiểu thư cành vàng lá ngọc là mẹ tôi trước kia chưa từng làm động móng tay giờ cũng phải buông cái này, bắt cái kia để kiếm cái ăn cho 3 chiếc tàu há mồm. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi cuộc sống ở thị thành, ba tôi quyết định đưa vợ con lên vùng kinh tế mới ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Ba nói, dù sao thì lên đó cũng có rau cháo mà ăn, có nhà nước lo cho thời gian đầu. Mọi thứ từ từ sẽ tính.
Sau này mẹ tôi kể lại, do ba tôi vốn dĩ cũng là thư sinh, chỉ quen công việc bàn giấy chứ cầm cái cuốc, cái phảng được chừng 5 phút thì đã đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi con. Được chừng 6 tháng thì ba tôi bàn: " Coi như em và mấy đứa nhỏ cũng tạm ổn rồi. Anh về thành phố vì anh em đang chờ". Mẹ tôi hốt hoảng: "Anh bỏ em ở đây một mình sao?". Ba tôi nói, mỗi tháng ba sẽ lên, ở đây có bà con chòm xóm ngay bên cạnh, mẹ chẳng có gì phải lo lắng. Mẹ tôi mếu máo: " Nhưng anh biết là em rất sợ ma mà?". Không chỉ "sợ ma" mà mẹ tôi sợ bất cứ tiếng động lạ nào trong đêm, kể cả tiếng tặc lưỡi của con thạch sùng!
Thế nhưng ba tôi đã thuyết phục mẹ bằng lý lẽ: " Hai vợ chồng mình phải có một người đi làm nhà nước để mai mốt còn lo cho con. Khi nào cuộc sống đỡ hơn thì chúng nó cũng phải về lại Sài Gòn chứ không lẽ ở đây mãi sao?". Mẹ tôi nói, một khi người đàn ông đã quyết thì rất khó lay chuyển. Vậy là sau nhiều đêm thức trắng, mẹ tôi đồng ý cho ba trở về thành phố. Năm đó tôi 7 tuổi, đứa em út của tôi mới hơn 3 tuổi.
Tôi không đủ câu chữ để diễn đạt hết những vất vả của mẹ tôi khi phải một nách 3 con nhỏ ở nơi khỉ ho, cò gáy ấy. Mẹ nuôi gà, nuôi heo, trồng rau, củ... Dù vậy, mỗi khi ba lên, mẹ có thứ gì ngon nhất lại để dành cho ba, ăn không hết thì gói ghém mang về.
Ba về thành phố sống trong ngôi nhà lớn của ngoại. Còn mẹ và chúng tôi phải vật lộn trong ngôi nhà không có trụ cột... Nhưng tôi chưa bao giờ nghe mẹ than thở, trách hờn. Chỉ thấy thỉnh thoảng mẹ lại lên đồi ngồi rất lâu. Khi ấy, tôi còn quá bé để hiểu được những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của mẹ.
Cho đến một hôm, trên đường đi làm rẫy về, mẹ bị gã đàn ông trong xóm đón đường định sàm sỡ. Từ hôm đó, tối ngủ mẹ lại để con dao dưới gối...
Sau chuyện đó chừng 4 tháng, mẹ đột ngột thu dọn hành lý, kêu người bán hết heo quéo, gà vịt... Mẹ bảo tôi: "Mình về với ba thôi, ở đây mẹ sợ lắm. Có ba dù sao cũng đỡ hơn". Năm đó tôi 11 tuổi và đã có "thâm niên" gần 5 năm ở vùng kinh tế mới.
Nghe nói được về Sài Gòn với ba, chị em tôi sướng rơn, đứa nào cũng lăng xăng phụ mẹ dọn dẹp, gom góp đồ đạc... Ngày chúng tôi quay về Sài Gòn trời bỗng đổ mưa thật to. Mẹ tôi mỉm cười: " Trời mưa là hên lắm đây". Rất lâu rồi tôi mới thấy mẹ cười vui như vậy.
Hồi đó xe cộ còn rất khó khăn, đường sá cũng không tốt như bây giờ nên đi từ sớm mà mãi tối mịt chúng tôi mới về đến Sài Gòn. 4 mẹ con chất lên chiếc xích lô máy chật cứng. Tuy vậy, mấy chị em tôi rất háo hức. Nghĩ tới việc từ nay sẽ được sống ở nơi đông đúc, nhộn nhịp này, tôi có cảm giác mình đang mơ. Mẹ tôi ôm chặt thằng út trong lòng, mắt ngó quanh quất như muốn tìm lại những dấu tích của những ngày thơ dại. Tôi biết mẹ đang nghĩ về ông bà ngoại và các cậu dì. Hơn 10 năm rồi, mẹ không hề có tin tức của họ...
Mẹ thấy có lỗi với bác Bình nên không dám bước tới. (Ảnh minh họa)
Chiếc xe xích lô ngừng ở cổng nhà ngoại. Tôi láng máng nhận ra những nét quen thuộc của nơi chốn mà mình đã sống những năm tháng đầu đời. Thế nhưng trong nhà đèn đuốc tối thui. Không có cách gì để liên hệ với ba nên chúng tôi đành phải chờ. Thằng út mệt lã ngủ vùi trên tay mẹ. Tôi và đứa em kế ăn hết phần khoai mẹ nấu rồi cũng rúc vào đống đồ đạc ngủ ngon lành. Lâu lắm mẹ mới đánh thức chúng tôi: " Dậy... dậy đi, ba về rồi". Lúc đó đường phố đã vắng hoe.
Sau này mẹ kể, tối hôm đó khi "đi họp" về, trông thấy vợ con nheo nhóc chờ trước cổng, ba đã sững sờ. Khi chúng tôi ngủ, ba mới bắt đầu cật vấn, tại sao mẹ quyết định về mà không hỏi ý kiến, không chờ ba thu xếp... Mẹ kể lại chuyện bị gã đàn ông hàng xóm sàm sỡ, ba lặng yên hồi lâu rồi chép miệng: " Thôi, chuyện đã lỡ rồi, em và tụi nhỏ cứ nghỉ ngơi đi rồi anh sẽ tính".
Trong thái độ của ba có gì đó rất lạ nhưng mẹ không tiện hỏi. Mấy hôm sau, ba xin cho mẹ vào làm công nhân ở nhà máy dệt trên Tân Bình. Còn chị em tôi thì rong chơi cho hết mấy tháng hè...
Cuộc sống lúc ấy so với bây giờ là quá vất vả, thiếu thốn nhưng có lẽ do ai cũng vậy nên chúng tôi thấy bình thường. Mẹ làm công nhân, lương chẳng bao nhiêu, thỉnh thoảng lại thấy mẹ mang về đủ thứ nhu yếu phẩm do nhà máy phát, trong đó có đường. Mỗi lần như vậy, mẹ hay nấu chè cho chị em tôi ăn. Có lẽ đó là món ăn vặt ngon nhất mà chúng tôi được thưởng thức. Cả ba và mẹ đều đi làm, khi ấy tôi đã mười mấy tuổi nên có thể đưa đón hai em, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa... Với tôi, những việc ấy là quá nhẹ nhàng so với những vất vả ở vùng kinh tế mới.
Cho đến một lần, ba tôi đi công tác rất lâu vẫn không thấy về. Tôi hỏi thì mẹ lại nói: " Ba làm chuyện quốc gia đại sự, làm sao mẹ biết được?". Rồi ba cũng về nhưng được mấy ngày thì lại đi. Lần này ba mang theo rất nhiều đồ đạc. Ba cho tiền tôi và dặn: " Con lớn rồi, phải phụ mẹ trông coi em. Ba đi công tác, chắc lâu lắm mới về".
Tôi nghe vậy thì biết vậy dù trong lòng cũng thắc mắc. Bẳng đi một thời gian khá lâu, thằng em kế tôi về thỏ thẻ: " Chị hai, em mới thấy ba...". Nó bảo thấy ba tôi chở một người phụ nữ và một đứa bé trên xe máy dừng trước sân bóng nó tập trên đường Đinh Tiên Hoàng. Nó không dám gọi vì nửa tin, nửa ngờ. Thế nhưng trái tim nó mách bảo, đó chính là ba của mình.
Chúng tôi quyết định phải hỏi mẹ. Thoạt đầu mẹ còn gạt đi nhưng tôi gay gắt: " Chúng con đã lớn, mẹ không việc gì phải giấu. Có phải ba bỏ mình để theo người khác không?". Tôi đã dồn mẹ đến bước đường cùng. Bao nhiêu khổ đau dồn ứ trong lòng đã không thể kềm giữ được nữa. Mẹ gục xuống, đôi vai rung bần bật.
Mẹ khóc không thành tiếng. Chỉ có chị em tôi là nức nở. Thái độ của mẹ đã thay câu trả lời. Từ nay chúng tôi chính thức trở thành những đứa trẻ mồ côi dù ba tôi vẫn hiện hữu trên đời. Ông đã bỏ chúng tôi với lý do được viện dẫn là vì mẹ tôi có quan hệ với người nước ngoài nên gây trở ngại cho con đường tiến thân của ông.
Năm ấy mẹ mới ngoài ba mươi nhưng trông già nua, khắc khổ như ngoài năm mươi. Mẹ lầm lũi như một chiếc bóng, chỉ biết giấu mình vào công việc để quên đi nỗi buồn.
Rồi ngoại tôi trở về. Đó là năm 1993. Mẹ tôi gục đầu vào ngực ông ngoại. Không có câu xin lỗi, không có lời tha thứ nhưng những hờn giận trước đây bỗng nhiên được cởi bỏ. Ông ngoại tôi cứ vuốt mãi bờ vai rung rung của mẹ, trong lúc bà ngoại thì liên tục đưa khăn lên lau nước mắt...
Có sự trợ giúp của ngoại và các cậu dì, cuộc sống của mẹ con tôi đã dễ thở hơn rất nhiều. Dù vậy, mẹ vẫn tiếp tục đi làm ở nhà máy vì nơi ấy giờ đã thành ngôi nhà thứ hai của mẹ.
Rồi tôi lấy chồng, thằng em kế cũng cưới vợ. Sẽ chẳng có gì để bàn nếu như không có một chuyện khó xử xảy ra. Hôm đám cưới em trai tôi, không hẹn mà cùng lúc xuất hiện 2 người đàn ông trong tiệc cưới. Đó là ba tôi và bác Bình- người mà trước đây ông bà ngoại hứa gả mẹ tôi. Người đàn bà thứ hai của ba tôi đã mất vì tai nạn giao thông còn bác Bình đang định cư ở Canada thì cũng đã ly hôn với người vợ ngoại quốc.
Ngay sau tiệc cưới, bác Bình đã nói thẳng với ba tôi: " Lần trước anh đã thắng nhưng anh không mang hạnh phúc đến cho Ngọc, vậy thì lần này mong anh đừng tranh giành với tôi nữa". Ba tôi nhẹ nhàng: "C ái này tùy thuộc ở Ngọc và mấy đứa nhỏ. Tôi có lỗi với mẹ con chúng nên cũng muốn được đền bù".
Riêng mẹ tôi vẫn im lặng. Cho đến giờ, khi mẹ đã nghỉ hưu thì mẹ vẫn chỉ thui thủi một mình. Bác Bình vẫn gọi điện, thỉnh thoảng về thăm và cho biết có ý định về Việt Nam ở hẳn. Bác bảo tôi: "Bác già rồi, không có ý định ve vãn mẹ cháu như thời trai trẻ nhưng bác vẫn muốn mẹ cháu được ấm áp lúc tuổi xế chiều". Còn ba tôi thì chỉ có thể gặp gỡ chúng tôi và mấy đứa cháu ngoại. Ông bị mẹ tôi cấm cửa.
Hiện tại, 3 chị em tôi cũng không biết tính thế nào. Mỗi lần nhắc tới hai người đàn ông ấy thì mẹ lại gạt đi: " Không có họ, mẹ vẫn sống tốt đó thôi".
Tuy nói vậy nhưng tôi biết trong lòng mẹ đang có một khoảng vắng rất lớn. Mẹ thấy có lỗi với bác Bình nên không dám bước tới.
Chúng tôi chẳng biết làm sao để... "ép" mẹ phải lấy chồng...
Theo Bưu Điện Việt nam
Bên chồng, tôi luôn mơ về đồng nghiệp cũ Tôi có cảm xúc lâng lâng, hạnh phúc như lúc mới yêu khi nghĩ đến người ấy. Tôi quen biết anh từ khi tôi đang còn là một cô gái ngây thơ, đỏng đảnh. Anh và tôi cùng làm chung một công ty nhưng anh lại là quản lý của tôi. Lúc ấy, tôi chỉ là một công nhân lao động bình thường....