Vợ cựu TGĐ Vinalines bị mắng vì ‘khắc phục hậu quả’
Diễn tiến phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm sáng 22/4 đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đặc biệt tình tiết vợ nguyên TGĐ Vinalines Mai Văn Phúc nỗ lực ‘khắc phục hậu quả’…
Bị cáo Mai Văn Phúc khai, sau khi đoàn khảo sát về (cuối năm 2008) có được Trần Hải Sơn đưa 1 gói quà, trong đó có 1 chai rượu Chivas 18 và 1 phong bì, nhưng trong chỉ có… 2 triệu đồng.
Mai Văn Phúc khẳng định có căn cứ chứng minh lời khai của Trần Hải Sơn về việc chuyển tiền cho mình là gian dối.
Bác lại nội dung bị cáo Sơn khai là ‘rút tiền từ Ngân hàng Hàng hải 5 tỷ đồng để tự tay xếp vào valy mang đến nhà Phúc’, Phúc lập luận, xác minh tại ngân hàng này, không hề có việc Sơn rút tiền như trình bày.
Bị cáo Mai Văn Phúc trả lời thẩm vấn tại tòa sáng 22/4 Ảnh: Minh Quang
Việc Sơn khai về quê An Dương (Hải Phòng) của Phúc, bị cáo trình bày, thời điểm đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể có chuyện thanh niên này lái xe đưa bố về quê để nhận tiền của Sơn chuyển.
Thời điểm năm 2008 con Phúc cũng không về nước, chỉ về vào đầu năm 2009 (dịp sát Tết âm lịch).
Liên quan đến tình tiết này, trước đây, vợ Mai Văn Phúc cũng có văn bản “bác bỏ” lời khai của Trần Hải Sơn khi cho rằng thời điểm đó không hề có đám giỗ, mừng thọ.
“Ngày 18/4, mới đây, tòa phúc thẩm cho phép vợ con vào trại thăm Phúc. Bị cáo khi đó mới biết việc vợ cố gắng lo nộp 3,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Tuy nhiên Phúc phản ứng, cho biết bản thân không đồng tình với việc này của vợ. Bị cáo không tác động với gia đình để nộp tiền cho mình vì khẳng định bản thân không sai, không có gì khải khắc phục”, Phúc khai.
“Làm thế là còn hại bị cáo vì làm như là mình có tội” Phúc gay gắt. Tuy nhiên, vợ bị cáo lý giải, “phải lo cứu mạng trước rồi mới kêu oan tiếp được”.
Mai Văn Phúc khẳng định không quen biết, không tiếp xúc lần nào với GĐ công ty AP Goh Hoon Seow.
Video đang HOT
Cách đây khoảng 10 ngày, luật sư cung cấp thông tin, Phúc mới biết có 1 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận của đoàn khảo sát khi đi Nga (có nội dung mua qua AP, có một khoản tiền hơn 3,4 triệu USD chuyển cho trung gian là công ty Global Success. Từ khoản này, 1,666 triệu USD đã “chảy” ngược về Việt Nam).
Cũng liên quan đến tình tiết bi hài đối lập giữa vợ và Mai Văn Phúc, cơ sở để vợ bị cáo này tích cực khắc phục hậu quả chính là Nghị quyết 01 của Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 15/3/2001.
Điều khoản trong nghị quyết này quy định: “…người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn. Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa)”.
Như vậy, cùng một sự việc, 2 cách làm, cách nghĩ khác nhau của vợ chồng Mai Văn Phúc đang tạo ra những kịch tính trong diễn tiến của vụ án này.
Liệu tình yêu, trách nhiệm của vợ Mai Văn Phúc khi bị cáo này phải đối mặt với án tử hình sau phiên phúc thẩm có trở thành “tình yêu mù quáng”? Diễn tiến phiên tòa sẽ cho độc giả câu trả lời cuối cùng.
Ngoài chi tiết được cho là kịch tính nêu trên thì việc Trần Hải Sơn khai có đưa tiền cho các bị cáo liên quan, đặc biệt là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cũng đang tạo ra những “điểm vênh” khiến dư luận quan tâm đến câu trả lời.
Theo đó, mặc dù Sơn một mực khẳng định có đưa tiền cho các nguyên lãnh đạo Vinalines, vậy nhưng, tại tòa phúc thẩm sáng 22/2, khi tòa hỏi: “Các bị cáo khác không nhận đã nhận tiền từ bị cáo, bị cáo có suy nghĩ gì không?”; Trần Hải Sơn trả lời: “Chả có chứng cứ gì cả”.
G.Văn M.Tâm
Theo VNN
Dương Chí Dũng thề không nhận 10 tỷ
Sáng 22/4, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng quả quyết "có trời đất chứng giám" không nhận 10 tỷ đồng và thấy "hối hận" không hiểu vì sao lại bỏ trốn khi biết tin bị khởi tố.
Hôm nay, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 9 trong 10 người liên quan vụ tham ô, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Vinalines. Người duy nhất không chống án là bà Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù.
9 người chống án gồm: Dương Chí Dũng kêu oan tội Tham ô và đề nghị xem xét lại tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế; Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, án tử hình) kêu oan; Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường; Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.
Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.
Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị trả lại nguyên trạng 3 căn nhà đã kê biên của gia đình. Một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác là bạn gái Phan Thị Thảo của ông Dũng kháng cáo cho rằng căn hộ tại chung cư cao cấp 88 Láng Hạ (Hà Nội) kê biên của ông Dũng có một phần tiền cô góp vào.
Nguyên đơn dân sự của vụ án được xác định là Vinalines. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng Kiểm và Bộ Tài chính có mặt.
Ảnh trước phiên xử
Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Việt Dũng
Quá trình thẩm vấn sáng nay, Dương Chí Dũng thừa nhận việc phê duyệt mua ụ nổi 83M là "sai quy trình" song lý giải thời điểm đó phía Nga đang muốn bán, Vinalines cũng đang có nhu cầu nên đồng ý. Việc mua bán do Ban tham mưu nghiên cứu thị trường đảm nhận.
"Chính bị cáo có đề nghị mua ụ nổi ở Nauy nhưng không được đồng thuận", cựu chủ tịch HĐQT Vinalines trình bày và cho biết việc quyết định mua ụ nổi 83M quá niên hạn sử dụng là do tập thể HĐQT quyết định, giao tổng giám đốc Mai Văn Phúc thực thi.
Về việc bị kết tội Cố ý làm trái trong việc mua 83M gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng, ông Dũng thanh minh: "Bị cáo không phải biết sai mà cố ý làm nhưng do HĐQT đã nhất trí 100% nên bị cáo phải đồng tình".
Tiếp đó, ông Dũng kêu oan khi bị kết tội Tham ô tài sản qua việc nhận lại quả 10 tỷ đồng của bên bán ụ nổi. "Thề có trời đất, bị cáo không hề nhận", ông quả quyết.
Dù một mực bảo không nhận số tiền trên qua Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) song ông Dũng cho hay vào dịp lễ tết cũng từng nhận phong bì và rượu biếu của cấp dưới này.
Ông Dũng khai quen giám đốc Công ty AP (Singapore, đơn vị môi giới bán ụ nổi) từ năm 2000 trong một cuộc hội thảo. Tuy nhiên, quá trình đàm phán, giao dịch giá về 83M ông không tham gia.
Trình bày lý do bỏ trốn sau khi biết thông tin mình khởi tố, Dương Chí Dũng bảo "hối hận", "không hiểu sao có ý định vậy". Theo kế hoạch sang Mỹ không thành nên ông phải quay về Campuchia và bị bắt tại đây.
Dương Chí Dũng muốn mang "tất cả tài sản của mình có và những tài sản kê biên để khắc phục" hậu quả cho hai tội danh bị cáo buộc. Hiện gia đình đã nộp trước 4,7 tỷ đồng.
Dù đồng ý sẽ khắc phục hết 10 tỷ tiền của tội Tham ô, khắc phục một phần tiền phải bồi thường của tội Cố ý làm trái theo quy định của pháp luật, song ông vẫn đề nghị HĐXX "làm rõ sự thật, để không oan cho ai, kể cả bị cáo".
Tương tự, cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc phủ nhận việc cầm 10 tỷ đồng của AP đưa thông qua Sơn, cho rằng lời khai của Sơn về việc này là "sai". Ông chỉ nhận "có tý quà" của Sơn là chai rượu Chivas và một phong bì trong đó có 2 triệu đồng, chứ không phải là cả valy tiền như quy kết.
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2006, Vinalines triển khai xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Trong các hạng mục của tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng có mua, lắp đặt một ụ nổi (tàu biển) để phục vụ sửa chữa tàu.
Ông Dũng dù biết ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 đã hư hỏng nhiều, không còn khả năng hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm của Nga cho dừng hoạt động từ năm 2006 nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt cho mua.
Tại thời điểm công an kiểm tra, ngày 17/5/2012, tổng tiền Vinalines đổ vào ụ nổi (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...) hơn 525 tỷ đồng trong khi chưa đưa vào sử dụng. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc mua ụ nổi đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng.
Trong thương vụ mua bán này, ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều bị cáo buộc chia nhau 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) - khoản "hoa hồng" lấy từ nguồn 9 triệu USD được bên môi giới chuyển lại theo thỏa thuận riêng. Cụ thể, ông Dũng, Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng; Sơn hơn 5,8 tỷ đồng; Chiều nhận 340 triệu đồng.
Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines. Ngày 17/5/2012, cơ quan điều tra khởi tố thêm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải. Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế tại Campuchia. Để "cứu" anh không bị bắt, em trai ông Dũng là Dương Tự Trọng (cựu cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) bị cáo buộc đã chỉ đạo, tổ chức cho 6 người đưa anh trốn ra nước ngoài. Hiện ông Trọng bị tuyên 18 năm tù theo trình tự của một vụ án khác.
Theo VNE
Dương Chí Dũng thề sống thề chết không nhận 10 tỉ đồng 'lại quả' Trong phần trả lời các câu hỏi của tòa, ngoài việc kêu oan về tội tham ô tài sản, bị cáo Dương Chí Dũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với tội cố ý làm trái. Bị cáo Dương Chí Dũng thừa nhận, việc Thủ tướng mới đồng ý về mặt ngyên tắc và đang đề nghị ngành giao...