Vợ chồng xả súng ở Mỹ lên kế hoạch tấn công hai năm trước
Hai kẻ tình nghi xả súng tại một trung tâm xã hội ở San Bernardino, Mỹ, từng bàn kế hoạch tử vì đạo và bị cực đoan hóa từ cách đây ít nhất hai năm.
Hai vợ chồng nghi phạm xả súng Tashfeen Malik (trái) và Syed Farook. Ảnh: AP
Các nhà điều tra tin rằng Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik thậm chí bị cực đoan hóa từ khi hai người này còn chưa bắt đầu mối quan hệ trên mạng. Malik mang tư tưởng cực đoan từ trước khi đến Mỹ vào năm ngoái, AP dẫn lời ông James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hôm qua nói trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
Hai nghi phạm “nói chuyện về chủ nghĩa cực đoan và tử vì đạo ít nhất là vào cuối năm 2013, trước khi đính hôn và làm đám cưới”, ông Comey nói.
Những phát hiện trên chỉ ra rằng Malik vốn đã mang tư tưởng cực đoan khi cô ta nộp đơn xin visa đến Mỹ và hệ thống kiểm tra, rà soát của chính phủ dường như không thể phát hiện ra điều này.
Malik được cấp visa K-1, diện hôn phu/hôn thê, và từ Pakistan đến Mỹ vào tháng 7 năm ngoái. Farook và Malik tổ chức đám cưới một tháng sau đó.
Theo Comey, Farook và Malik rõ ràng được truyền cảm hứng từ một tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng nhà chức trách chưa biết liệu việc hai người gặp nhau trên mạng là do sắp đặt hay tình cờ.
Cơ quan điều tra trước đó tiết lộ Malik đăng tải những dòng thông điệp thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook bằng một tài khoản không mang tên cô ta.
Những kẻ có vũ trang hôm 2/12 nổ súng tại Trung tâm Vùng Nội địa, một cơ quan hỗ trợ người khuyết tật ở San Bernardino, khiến 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Hai nghi phạm là Farook, 28 tuổi, và Malik, 27 tuổi, bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát.
Video đang HOT
Vũ Hoàng
Theo VNE
Từ tiểu thư nhà giàu thành kẻ xả súng giết 14 người
Từ một cô gái sành điệu và nữ sinh giỏi giang, Tashfeen Malik dần bị cực đoan hóa rồi cùng chồng tích trữ súng đạn, lên kế hoạch và thực hiện vụ thảm sát ở Mỹ.
Thẻ căn cước của Malik. Ảnh: Reuters
Theo LA Times, Malik, 29 tuổi, sinh ra trong một gia đình có học vấn và vai vế ở quận Layyah, tỉnh Punjab, Pakistan. Malik Ahmad Ali Aulakh, anh họ của cha cô này, từng giữ chức lớn ở tỉnh. Gia đình Aulakh còn được cho là có dính líu tới các phần tử vũ trang Hồi giáo.
Malik chuyển tới Arab Saudi cùng gia đình từ khi còn bé nhưng thường xuyên về Pakistan để thăm người thân và theo học ngành dược tại một trường đại học từ năm 2007 đến 2012. Sau khi tốt nghiệp, Malik quay lại Arab Saudi.
Cha của Malik có một ngôi nhà ở thành phố Multan, nơi cô ta theo học đại học. Malik đã sống ở ngôi nhà này suốt thời sinh viên. Hàng xóm của ngôi nhà kể lại rằng, gia đình Malik không mấy thân thiện. Họ tới thăm ngôi nhà khoảng 3 - 4 tháng một lần nhưng hầu như không hề trò chuyện, kết thân với hàng xóm.
Hifza Batool, 35 tuổi, một người chú, cho biết Malik thường mặc quần áo hiện đại và thậm chí gia đình cô ta còn tỏ ra lãnh đạm với những bà con nghèo hơn trong họ hàng. Ông Batool chưa bao giờ gặp Malik trực tiếp vì "cha mẹ nó giàu có còn chúng tôi nghèo và họ không thích gặp những người họ hàng nghèo hèn".
Tashfeen Malik và chồng Syed Rizwan Farook là hai nghi phạm gây ra xả súng hôm 2/12. Ảnh: California Department of Motor Vehicles, AFP
"Học đại học được vài năm, Malik bắt đầu trở nên sùng đạo. Nó tham gia vào những hoạt động tôn giáo và nói với những người phụ nữ khác trong gia đình và địa phương rằng nó muốn trở thành một tín đồ Hồi giáo tử tế", một người thân giấu tên kể. "Nó thường xuyên nói chuyện với ai đó bằng tiếng Arab mỗi tối trên mạng. Không ai trong gia đình chúng tôi ở Pakistan biết tiếng Arab nên chúng tôi không biết con bé nói chuyện gì". Gia đình Malik nói tiếng quốc ngữ Urdu và một loại thổ ngữ gọi là Saraiki.
Giáo sư Nisar Hussain, một trong những người từng dạy Malik ở khoa dược trong 5 năm học của cô ta, kể lại rằng lúc nào đi học Malik cũng đeo mạng che mặt nhưng là một học sinh ngoan ngoãn và từng đứng đầu lớp.
"Cô ta rất sùng đạo nhưng về cơ bản là một người bình thường. Cô ta là một sinh viên chăm chỉ, biết nghe lời, và là một trong những sinh viên giỏi nhất. Chưa bao giờ cô ta gây gổ trong lớp học. Tôi không thể tưởng tượng được rằng Malik có thể giết người như thế", ông nói.
'Bà nội trợ kín tiếng'
Malik quen chồng tương lai Syed Rizwan Farook trên mạng. Farook, 28 tuổi, sinh ra ở Mỹ và là con trai của cặp vợ chồng người nhập cư gốc Pakistan. Bố mẹ y làm nghề lái xe tải và bán hàng.
Y lớn lên ở khu Riverside, thành phố Chicago và học đại học chuyên ngành y tế môi trường. Sau đó, Farook làm thanh tra ở Sở Y tế Công cộng San Bernardino, bang California.
Hai người thề nguyện hồi năm ngoái tại thánh địa Hồi giáo Mecca ở Arab Saudi, theo lời của một đồng nghiệp của Farook. Malik đã được cấp thẻ xanh sau khi về Mỹ cùng Farook theo visa diện hôn thê. Con gái của đôi vợ chồng chào đời hồi tháng 5.
Xem thêm: Nữ nghi phạm xả súng Mỹ biến nhà thành xưởng chế bom
Theo lời Nizaam Ali, một người hay đi lễ với Farook, hai vợ chồng y đã tổ chức bữa tiệc hậu lễ cưới tại một trung tâm Hồi giáo cho những ai không thể tới dự đám cưới của Malik ở quê nhà và có hàng trăm người đã tham dự.
Ali cho hay anh đã gặp Malik vài lần nhưng cô ta luôn mang khăn che kín gần hết mặt. "Nếu bạn hỏi tôi cô ấy trông như thế nào, tôi cũng không thể tả lại được", Ali nói.
Đồng nghiệp của Farook cũng chưa bao giờ gặp vợ y. Trong những buổi họp mặt gia đình, những người đàn ông và phụ nữ không ngồi cùng chỗ với nhau.
Mohammad Abuershaid, luật sư đại diện cho gia đình của hai vợ chồng này, cho biết Malik gần như là một người kín tiếng, một bà nội trợ ăn nói nhỏ nhẹ, thường ở nhà trông con và cuộc sống của hai người không khác gì những gia đình Hồi giáo truyền thống.
Cảnh sát khám xét ngôi nhà của Farook và Malik ở thị trấn Redlands, California. Ảnh: KTLA
Tuy nhiên, cảnh sát phát hiện Malik đã tuyên bố trung thành với thủ lĩnh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trên Facebook ngay trước khi xả súng vào một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật hôm 2/12, cướp đi sinh mạng của 14 người.
Căn hộ của hai kẻ này ở thị trấn Redlands chứa hàng trăm băng đạn và 19 quả bom ống.
Một người cô bên nội của Malik chia sẻ với phóng viên rằng gia đình bà đang rất sốc: "Con bé từng là một người sành điệu. Tôi không biết có chuyện gì đã xảy ra với nó. Nó đã gây tiếng xấu cho gia đình chúng tôi".
Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy hai nghi phạm trên là thành viên của một tổ chức hay một mạng lưới nào. Có thể Farook và Malik bị cực đoan hóa và được truyền cảm hứng từ các nhóm khủng bố nước ngoài.
Giới chức nhận định đôi vợ chồng này có nhiều điểm chung với kẻ xả súng vào một cơ sở quân sự ở bang Texas hồi năm 2009, và hai anh em kích nổ bom áp suất ở Boston năm 2013, hơn là những phần tử khủng bố làm 130 người thiệt mạng ở Paris hồi tháng 11.
Duyên Nguyễn
Theo VNE
Chị gái muốn nhận nuôi đứa con mồ côi của hai kẻ xả súng Mỹ Chị gái của Syed Farook, một trong hai nghi phạm xả súng vào trung tâm dịch vụ xã hội Mỹ, hy vọng được nhận nuôi cháu gái mới 6 tháng tuổi bị y và vợ bỏ lại trước khi ra tay. Saira Khan và chồng, Farhan Khan. Ảnh: ABC News Saira Khan nói với ABC News rằng cô và chồng, Farhan Khan, có...