Nữ nghi phạm xả súng ở Mỹ thề trung thành với thủ lĩnh IS
Tashfeen Malik, nữ nghi phạm tham gia vụ xả súng tại trung tâm dịch vụ xã hội Mỹ, từng thề trung thành với thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo trên mạng xã hội.
Hiện trường nơi diễn ra cuộc đấu súng giữa lực lượng cảnh sát và hai nghi phạm tấn công trung tâm dịch vụ xã hội ở San Bernardino, Mỹ. Ảnh: AP
Người phụ nữ này đăng tải những dòng thông điệp thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook bằng tài khoản mang tên khác, CNN dẫn lời một quan chức điều tra am hiểu vấn đề tiết lộ. Tuy nhiên, ông này không giải thích vì sao nhà chức trách biết được những thông điệp đó là do Malik viết.
Những kẻ có vũ trang hôm 2/12 nổ súng tại Trung tâm Vùng Nội địa, một cơ quan hỗ trợ người khuyết tật ở San Bernardino, khiến 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương.
Ông David Bowdich, trợ lý giám đốc văn phòng điều tra hiện trường thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hôm qua xác nhận sẽ tiến hành xử lý vụ việc theo hướng đây là “hành vi liên quan đến khủng bố”.
Quá trình điều tra phát hiện “dấu hiệu của sự cực đoan hóa” và có khả năng những kẻ tấn công được truyền cảm hứng từ các nhóm khủng bố nước ngoài, Giám đốc FBI James Comey cho biết, nhưng ông cũng thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy các đối tượng tình nghi là thành viên của một mạng lưới hay nhóm khủng bố nào.
Hai nghi phạm là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 27 tuổi, bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát. Hiện chưa rõ người thứ ba, bị bắt tại hiện trường, có tham gia vụ việc hay không.
Theo thông tin từ cảnh sát, Farook là thanh tra môi trường thuộc Sở Y tế Công cộng quận San Bernardino 5 năm nay.
Video đang HOT
Patrick Baccari, một đồng nghiệp của nghi phạm này, cho hay Farook từng đến Arab Saudi hồi đầu năm trong khoảng một tháng. Khi quay lại Mỹ, Farook đã kết hôn và giới thiệu Malik, một dược sĩ, là vợ.
Farook là một trong những người tham dự buổi tiệc ở Trung tâm Vùng Nội địa quận San Bernardino. Y được cho là bỏ ra ngoài sau một cuộc cãi vã rồi bất ngờ quay lại với vợ và tấn công những người đang có mặt trong khán phòng.
Luật sư của gia đình cho hay họ vẫn chưa thể hiểu lý do vì sao Farook và vợ lại xông vào xả súng tại bữa tiệc.
Cơ quan chức năng miêu tả căn hộ mà Farook và Malik thuê tại Redlands, cách San Bernardino khoảng 16km về hướng đông, không khác gì một nhà máy chế tạo bom. Có tới 12 quả bom ống được tìm thấy tại đây.
Syed Farook. Ảnh: Daily Beast
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nghi phạm xả súng dễ dàng sở hữu súng tại Mỹ
Các loại súng được dùng trong các vụ xả súng nghiêm trọng gần đây tại Mỹ đều được mua một cách hợp pháp, và phần lớn số tay súng có tiền án tiền sử hoặc có vấn đề về thần kinh.
Bốn khẩu súng cảnh sát thu được sau vụ xả súng ở San Bernardino, bang California, Mỹ ngày 2.12 - Ảnh: Reuters
Trong số 15 vụ xả súng nghiêm trọng tại Mỹ gần đây, gồm vụ tấn công tại San Bernardino ngày 2.12, có ít nhất 8 tay súng có lịch sử phạm tội hoặc có vấn đề về sức khoẻ tinh thần, theo tờ New York Times ngày 3.12. Mặc dù vậy, những người này vẫn có thể sở hữu những khẩu súng một cách hợp pháp và sử dụng trong các cuộc thảm sát gây chấn động. Xin điểm lại 5 vụ xả súng trong năm 2015.
Vụ xả súng ngày 2.12. Cặp vợ chồng Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik là 2 nghi phạm trong vụ xả súng ngày 2.12 khiến 14 người thiệt mạng tại một bữa tiệc ở Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Inland Regional Center tại San Bernardino, bang California. Hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công và liệu đó có phải hành động khủng bố hay không.
Cơ quan chức năng tìm thấy 4 khẩu súng gồm một khẩu súng trường tấn công M&P của hãng Smith & Wesson, một khẩu tương tự của hãng DPMS Panther Arms và 2 súng ngắn. Cả 4 khẩu súng đều được mua hợp pháp. Farook là người mua 2 khẩu súng ngắn, số còn lại do một người khác mua, The New York Times dẫn thông tin từ cơ quan chức năng.
Trong vài năm qua, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tìm thấy chứng cứ về việc Farook có liên lạc với những người trong và ngoài nước có quan điểm Hồi giáo cực đoan.
Số đạn thu được tại hiện trường cuộc tấn công ở San Bernardino ngày 2.12 - Ảnh: Reuters
Ngày 1.10, Christopher Harper-Mercer (26 tuổi) sát hại 9 người tại ngôi trường cũ của mình ở thành phố Roseburg, bang Oregon với 6 khẩu súng gồm cả súng ngắn và súng trường.
Người này sở hữu tổng cộng 14 món vũ khí và tất cả đều được mua một cách hợp pháp. Một vài khẩu súng do Harper-Mercer mua, trong khi số còn lại do những người trong gia đình mua.
Harper-Mercer từng gia nhập Lục quân Mỹ, nhưng bị cho giải ngũ chỉ sau một tháng. Năm 2009, người này tốt nghiệp chương trình học tại một trung tâm phi lợi nhuận ở bang California, chuyên dạy cho những người bị thiểu năng học tập và có các vấn đề về cảm xúc.
Ngày 26.8, Vester Lee Flanagan (41 tuổi) bắn chết một phóng viên và một người quay phim của kênh truyền hình tại thành phố Roanoke, bang Virginia. Flanagan cũng bắn làm bị thương một người phụ nữ đang được phỏng vấn lúc đó.
Theo các quan chức liên bang, Flanagan mua khẩu súng ngắn Glock hợp pháp từ một người bán có giấy phép. Flanagan chưa từng phạm tội hay có vấn đề về thần kinh trước đó. Tuy nhiên, ông ta từng kiện một đài truyền hình ở thành phố Tallahassee, bang Florida hồi năm 2000 vì sa thải ông. Ông còn cho rằng mình là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc và bắt nạt.
Năm 2012, ông Flanagan được đài WDBJ tại Roanoke tuyển dụng nhưng lại bị sa thải chỉ vài tháng sau vì giới chủ cho rằng ông có ngôn ngữ và hành vi hung hăng. Đến ngày 26.8.2015, Flanagan thực hiện vụ giết người trước khi tự sát.
Các băng đạn thu được từ cuộc tấn công San Bernardino làm 14 người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Ngày 23.7, John R. Houser xả súng sát hại 2 người và làm bị thương 9 người tại một rạp chiếu phim ở Lafayette, bang Louisiana. Khẩu súng ngắn bán tự động được Houser mua hợp pháp tại bang Alabama dù trước đó người này không được cấp phép mang súng trong người. Gia đình Houser cũng tỏ ra lo ngại vì người này thường có hành động bạo lực và có vấn đề tâm thần. Năm 2008, một thẩm phán đã ra lệnh phải đưa Houser đến bệnh viện tâm thần.
Ngày 17.6, Dylann Roof (21 tuổi) nổ súng tại một buổi lễ ở nhà thờ Emanuel A.M.E, thành phố Charleston, bang South Carolina khiến 9 người thiệt mạng. Khẩu súng ngắn Glock được Roof mua tại một cửa hàng ở West Columbia, bang South Carolina vào tháng 4.2015. Roof đáng ra không được phép mua khẩu súng trên vì từng bị buộc tội sở hữu chất gây nghiện trái phép vào tháng 2.2015. Tuy nhiên, nhân viên kiểm tra lý lịch của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không nhận được thông báo của cảnh sát về vụ việc vào tháng 2, nên Roof mới mua được súng.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Thủ lĩnh IS có thể được chọn là 'Nhân vật của năm' Tạp chí Mỹ Time đưa thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi vào danh sách bình chọn, dẫn đến khả năng tên này có thể giành được danh hiệu "Nhân vật của năm". Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: AP. Danh hiệu "Nhân vật của năm" được tạp chí Mỹ Time bình chọn thường niên kể từ...