Vợ chồng nghệ sĩ Hùng Minh 20 năm ở trọ
“Kép đẹp” một thời Hùng Minh nói ông có phúc khi được vợ săn sóc ở tuổi 82 dù cả hai 20 năm ở nhà thuê.
Chiều 27/7, trong căn nhà trên con hẻm nhỏ quận Gò Vấp, nghệ sĩ Hoa Lan – vợ Hùng Minh – lúi cúi nấu bữa cơm chiều cho chồng, còn ông ngồi lần giở cuốn album thời “tung hoành” sân khấu. Ông cho biết vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc khi hay tin lần đầu được đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hồi giữa tháng 7, sau 50 năm vào nghề.
Nghệ sĩ Ưu tú Hùng Minh (phải) bên vợ – nghệ sĩ Hoa Lan – tại căn nhà thuê ở Gò Vấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những năm gần đây, cuộc sống của nghệ sĩ chủ yếu do vợ chăm nom, lo liệu. Sau lần đột quỵ năm 2018, sức khỏe của ông xuống dốc, cộng thêm nhiều bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch… Một năm nay, chứng thoái hóa khớp gối, giãn tĩnh mạch của ông còn trở nặng. Mỗi lần đi lại, một tay Hùng Minh nhờ vợ dìu, tay còn lại lẩy bẩy chống gậy. Dù vậy, ông tự xoay xở trong sinh hoạt cá nhân để vợ bớt lo lắng. Mỗi sáng, ông ngồi xem thời sự trên tivi, bên cạnh là ly cà phê phin bà pha sẵn. Trước kia, bà thường dìu ông ra đầu hẻm, nhâm nhi cà phê và ngắm đường sá. ” Giờ dịch, chỉ ở trong nhà, mỗi ngày không có bà ấy pha cà phê cho, tôi chịu không nổi” , ông cười.
Trước Tết, Hùng Minh thỉnh thoảng góp mặt trong các dự án phim truyền hình, game show, thù lao vài triệu đồng mỗi vai, còn bà nhắc thoại cho các vở kịch ở Idecaf. Từ tháng 5, vì dịch diễn biến phức tạp, sân khấu đóng cửa, các đoàn làm phim hoãn dự án, họ gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước”, dùng dần số tiền tiết kiệm tuổi già. Được một vài người hâm mộ gửi tặng thùng mỳ, hộp trứng, bà tằn tiện để nấu đủ mỗi ngày hai bữa. Khi giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, bà đành ở nhà xào rau củ ăn cho qua bữa. Gần đây, được nghệ sĩ Kim Cương tặng bốn triệu đồng trong chương trình hỗ trợ giới sân khấu, bà Hoa Lan mới dám mua thêm thịt, cá bồi bổ sức khỏe chồng.
20 năm qua, sau khi bán nhà cho con trả nợ, vợ chồng Hùng Minh đi ở nhà thuê. Căn hiện tại rộng 27 m2, do một fan cải lương cho đôi nghệ sĩ mướn giá bốn triệu đồng mỗi tháng, rẻ một nửa so với thông thường. Hùng Minh cho biết ông xúc động khi chủ nhà nói: “Cô chú ở thoải mái, cứ hai, ba tháng gom lại trả cho con cũng được “. Vốn tính rạch ròi, Hùng Minh cho biết ở tháng nào, ông trả đủ tiền tháng nấy. Gần đây, cuộc sống hai nghệ sĩ dễ thở hơn khi chủ nhà tiếp tục giảm thêm tiền. Ông thở dài: “Không có tình thương khán giả, chắc vợ chồng tôi còn chật vật gấp bội”.
Hùng Minh nói “phúc ba đời” mới có được vợ như Hoa Lan. Khi nghệ sĩ Thanh Hương – vợ trước của ông – qua đời năm 1974 sau một ca sinh khó, nhiều năm liền, ông sống khép kín, không gặp gỡ ai. Hoa Lan là người khiến ông dần mở lòng. Là con gái của cố soạn giả Nguyễn Huỳnh (soạn giả Tướng cướp Bạch Hải Đường ), bà khởi đầu ở mảng cải lương rồi rẽ sang điện ảnh, từ đó cả hai có nhiều dịp gặp gỡ. Khi đến với Hùng Minh, bà đã qua một lần đò, có hai con riêng.
Kém ông 20 tuổi, bà quyết đoán, mạnh mẽ, còn ông nhẹ nhàng, hòa nhã. Đôi nghệ sĩ gắn kết bằng sự bù trừ, khỏa lấp những thiếu sót cho nhau. Thời cả hai còn sức khỏe, đi diễn nhiều, hàng ngày, bà đèo ông trên xe máy đến phim trường, khi quay xong lại chở về. Có lần, ông đóng phim ở Đà Lạt, sát ngày lên đường thì bệnh, bà liền mua vé đi theo chăm sóc ông. Biết chuyện, một đạo diễn lo chi phí ăn ở, đi lại cho Hoa Lan, còn mời bà đóng một vai nhỏ. Hùng Minh nói: ” Có nhau, chúng tôi mãn nguyện dù cuộc sống chưa đủ đầy”.
Video đang HOT
Nhiều lần chuyển trọ, trong nhà, bàn thờ tổ được Hùng Minh đặt ở vị trí trang trọng nhất. Mỗi lần thắp hương, ông thường ôn ký ức những ngày gian nan khi vào nghề. Năm 16 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Minh (tên thật của ông) bước theo nghiệp ca diễn, tham gia đoàn Thái Bình của bầu Thới hát tại đình Lý Nhơn (Cần Giờ). Không lâu sau, đoàn rã gánh, ông lang thang mưu sinh, mót từng mẩu bánh mỳ, bánh bao thừa ở quán để lót dạ. Thấy hoàn cảnh của ông, nghệ sĩ Nam Sơn nhận làm con nuôi, dạy hát, đặt nghệ danh là Hoàng Bé. 17 tuổi, ông có vai kép lão đầu tiên ở gánh Tiếng Chuông, sau khi một nghệ sĩ chuyên đóng lão đột ngột rời đoàn. Từ đó, nghề học nghề, ông dần trau dồi kinh nghiệm để nhận các vai lớn, lấy tên là Hùng Minh.
Tài tử Hùng Minh – sinh năm 1939 – nổi tiếng với loạt vai kép độc thập niên 1960-1970. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bước ngoặt của đời ông là lần đầu được giao vai kép chánh – Kiều Mộng Long trong vở Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang. Khi đó, bầu Khuê của gánh Hữu Tâm thích vai diễn của ông, ký bản giao kèo mời Hùng Minh về đoàn. Vóc dáng cao to, điển trai, nghệ sĩ dần được khán giả chú ý với loạt tác phẩm Ngã ba đường hạnh phúc, Tiếng thét giữa điện vàng, Nắm cơm chan máu, Lòng người mặt thú, Gió hú đồi ma, Phương Dung ca kỹ … Năm 1959, khi giải Thanh Tâm tổ chức lần hai, ông bất ngờ được xướng tên trong bảng vàng, từ đó trở thành ngôi sao, sánh ngang với Thanh Nga, Lan Chi, Ngọc Giàu… – các giọng ca triển vọng bấy giờ.
Dù được nhiều “bầu” săn đón, ông không sống trong hào quang mà từng bước khắc phục nhược điểm. Ông hiểu bản thân vốn không có giọng hát xuất sắc, chỉ thuyết phục người xem nhờ ngoại hình và kỹ năng diễn. Từng hóa thân nhiều dạng nhân vật, trong đó kép độc là kiểu vai ông tâm đắc. Nếu tướng Mã Tắc ( Tiếng trống Mê Linh ) thường gầm gào, thị uy, vai Nguyễn Thế Nam ( Bóng tối và ánh sáng ) của ông lại gây ấn tượng với tính cách thâm trầm bên trong vẻ ngoài điềm đạm, tử tế. Nghệ sĩ cho biết: “Khi diễn kép độc, không chỉ ngoại hình phùng mang trợn má la hét, tỏ ra dữ tợn là đủ, mà cái ác phải xuất phát từ tính cách nhân vật”.
Nhắc đến các vai diễn, mắt Hùng Minh ánh lên niềm vui ấm áp. Những ngày tránh dịch, ông nói nhớ sân khấu, phim trường “muốn trầm cảm”. Tài tử chờ ngày được trở lại để tiếp tục hóa thân vào vai Diêm Vương xử án trong loạt chương trình Chuyện xưa tích cũ . Ông nói: “Ở nhà ăn cơm vợ nấu cũng ngon, nhưng hạnh phúc nhất với tôi là hàng ngày vẫn lên phim trường để được ăn cơm tổ, khóc cười cùng nhân vật”.
Nghệ sĩ qua đời vì Covid-19, Trường Giang: Má không cái áo quan để mặc, không tiếng kèn nhưng con nghĩ má hạnh phúc
"Dù ngày má đi, trời Sài Gòn mưa to. Má không cái áo quan để mặc, không tiếng kèn, không người viếng thăm nhưng con nghĩ má hạnh phúc nhất", Trường Giang viết cho cố nghệ sĩ Kim Phượng.
Lê Nguyễn Trường Giang là Quán quân Sao Nối Ngôi mùa hai, năm 2017 ngay sau Bình Tinh. Trường Giang là cháu ruột NSƯT Trường Sơn, truyền nhân gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
Gia tộc Minh Tơ và gia tộc cải lương Huỳnh Long ngoài sự nể trọng nhau về nghề, họ còn là thông gia với nhau đã nhiều năm nay. Mối quan hệ giữa hai gia tộc cải lương lừng lẫy miền Nam này bởi vậy càng thêm khăng khít dù đã qua nhiều đời.
Chính vì vậy, sự ra đi của nghệ sĩ Kim Phượng cũng là một nỗi buồn lớn đối với truyền nhân gia tộc Minh Tơ. Mới đây, Quán quân Sao Nối Ngôi mùa hai, Lê Nguyễn Trường Giang đã có chia sẻ xúc động về sự ra đi của nghệ sĩ Kim Phượng.
Trên trang cá nhân, nam nghệ sĩ kể lại nhiều kỷ niệm của mình với người đã mất.
Cố nghệ sĩ Kim Phượng vừa mất vì mắc Covid-19, hưởng thọ 66 tuổi.
" Bộ đồ gần nhất, má may cho con là khi con hát "Điêu Thuyền", con đòi má may cái váy thật xoè nha má, thế là má cắt vải xéo thiệt xéo luôn và nó xoè đến mức làm được cái mền cho 10 người ngủ. Con nói "má may cái vá y con dài quá kìa má". Má nói "má thấy con cao nên má may trừ hao".
Má thấy con thờ Tổ nghiệp, má may cho con mấy bộ đồ để ông mặc, cứ mỗi năm là má may cho ông một bộ.
Má hay hỏi han người thân bên cạnh, và nghe ai bị gì, má đều lo toan. má giúp đỡ người khó khăn khi chưa có dịch bệnh, đến khi dịch bùng phát, má cũng giúp đỡ mọi người, lo cơm và đồ từ thiện cùng chị.
Ai cũng lo sống làm sao cho có thật nhiều tiền, và danh vọng, may mắn... còn má thì bận bịu lo chết, nên tạo phước rất nhiều. Những thứ má mang đi không phải những bộ đồ bị cắt nút, mà đó là cái phước đức khi má sinh thời để lại ".
Không chỉ nhắc nhớ kỷ niệm với cố nghệ sĩ Kim Phượng, Lê Nguyễn Trường Giang còn đau lòng khi nhắc tới ngày nữ nghệ sĩ ra đi. Trời Sài Gòn mưa lớn, tới cái áo quan cũng không có. Không kèn không trống, không người thăm viếng.
Anh bày tỏ: " Dù ngày má đi, trời Sài Gòn mưa to. Má không cái áo quan để mặc, không tiếng kèn, không người viếng thăm nhưng con nghĩ má hạnh phúc nhất, vì tất cả mọi người đều tụng kinh tiễn má đi một chặng được dài.
Chặng đường này tuy không có hoa, hay giấy tiền vàng mã nhưng chặng đường này là con đường má về với Phật. Con không mong má đầu thai kiếp khác, mà con mong má hãy là con của Phật, mãi mãi ở cùng ngài. Trần gian khổ lắm nhưng má đã vượt qua được rồi đó ".
NS Phượng Nga, Bạch Mai, Kim Phượng và Bạch Lan
BÌnh Tinh và dì ruột - cố nghệ sĩ Kim Phượng.
Về phần nghệ sĩ Bình Tinh - Quán quân Sao Nối Ngôi 2016 chia sẻ xúc động về người dì ruột trên trang cá nhân. Người mà cô yêu thương gọi là mẹ.
Bình Tinh viết: " Bà Mai sinh con Bình Tinh ra cho tui. Tui sinh con bé Trâm ra cho bà ấy. Nó không phải con ruột tui mà nó giống tui lắm bởi mẹ thương con nhất nhà. Chuyện vui buồn lớn nhỏ gì, con không thể chia sẻ với mẹ con nhưng đều có thể tâm tình với mẹ.
Mẹ lo cho đoàn Huỳnh Long, ký chầu, tiền bạc, lo cho anh em, mẹ đều sau lưng con lo tất cả để con tập trung cho nghệ thuật. Làm bất cứ gì, mẹ đều đồng hành bên cạnh con. Mẹ luôn rất hãnh diện về đứa cháu này trước mọi người. Sao đùng một cái... Mẹ đâu rồi mẹ ơi? Con thật sự không thể chấp nhận được nỗi đau quá lớn này, mẹ ơi "!
Phía dưới phần bình luận, hàng loạt nghệ sĩ vào chia buồn với mất mát này của gia đình Bình Tinh.
NSƯT Hữu Quốc tiết lộ cuộc đời vất vả của nghệ sĩ Kim Phượng vừa qua đời "Chồng của cô đã sớm bỏ cô ra đi khi cô còn rất trẻ với 3 đứa con nhỏ dại", NSƯT Hữu Quốc chia sẻ về nghệ sĩ Kim Phượng vừa qua đời vì mắc Covid-19. Nghệ sĩ Kim Phượng vừa trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở TP.HCM vì mắc Covid-19. Được biết, nữ nghệ sĩ có biểu hiện...