Vợ chồng già kêu cứu vì bị nhóm đòi nợ thuê tạt sơn, hành hung
Nhóm người đòi nợ nhiều lần mang theo sơn đến tạt khắp nhà ông Nuôi, thậm chí mang cả dao đến hăm dọa buộc cặp vợ chồng hơn 70 tuổi phải trả thay cho con gái.
Nhiều ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nuôi (75 tuổi), bà Nguyễn Thị Hoa (71 tuổi) sống trong sợ hãi ở chính căn nhà mình ở trên đường Hồng Bàng (phường Phước Tiến, TP Nha Trang). Ông Nuôi cho biết, con gái mình tên Hà có vay nợ của một số người ngoài xã hội để làm ăn, sau đó thất bại, chị Hà đi đâu gia đình không rõ.
Ông Nuôi chỉ nơi nhóm người tạt sơn ở sân trước nhà. Ảnh: An Bình.
“Họ đến nhà ép vợ chồng già chúng tôi trả nợ thay. Tôi đã ngoài 70 tuổi rồi, lấy tiền đâu mà trả. Cả 2 vợ chồng đều tai biến, họ cứ khủng bố suốt đêm như vậy nữa chắc tôi và bà nhà chết có ngày”, ông Nuôi nói và cho biết sau đó nhà ông liên tục bị “khủng bố” bằng sơn.
Theo ông Nuôi, 0h ngày 30/10, có mấy người đến trước cửa tạt sơn vào nhà. Liên tiếp các ngày 1 và 2/11, nhóm người này kéo đến tạt sơn, đòi giết cả nhà ông.
“Đêm 2/11, 5 người xông vào nhà dùng dao đe dọa gia đình phải trả tiền. Tôi bảo không có, chúng liền đập phá đồ đạc. Vợ tôi căn ngăn thì bị một người trong nhóm đấm vào mặt ngất xỉu”, ông Nuôi kể lại.
Ngôi nhà ông Nuôi đang ở bị tạt sơn khắp nhà. Ảnh: An Bình.
Gia đình ông Nuôi cho rằng con gái ông đã 34 tuổi, ra riêng rồi nên tự chịu trách nhiệm về việc làm ăn thua lỗ hay vay tiền ai đó.
“Họ phải tìm con tôi mà đòi nợ. Bản thân vợ chồng tôi không có khả năng trả nợ”, ông Nuôi nói.
Chiều 6/11, lãnh đạo Công an TP Nha Trang cho biết đã nhận được đơn trình báo của gia đình ông Nuôi.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã cử lực lượng, phối hợp với Công an phường Phước Tiến điều tra nhóm người trên. Hiện việc điều tra đang được tiến hành”, lãnh đạo Công an Nha Trang cho hay.
Phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps.
An Bình
Theo Zing
Đằng sau "tín dụng đen" thường là tổ chức tội phạm
Theo số liệu Bộ Công an thống kê từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen".
Mặc dù hoạt động "tín dụng đen" đang lộ rõ nhiều bất cập, nhưng các cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý, cả về hình sự, hành chính, bởi các quy định hiện nay vừa bất cập vừa thiếu lại không chặt chẽ.
Gần đây nhất, nhóm đối tượng là "chủ nợ" đã bắt giữ một phụ nữ (tại quận 12, TP. HCM) và đe dọa cứ 5 phút trôi qua mà người chồng chưa mang tiền chuộc tới thì nạn nhân sẽ nhận một trận đòn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bị "xù nợ", giữ người đòi tiền chuộc
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP HCM đã tạm giữ Nguyễn Văn Năm (SN 1991), Trần Văn Tuấn (SN 1994), Phạm Tuyên Hoàng (SN 1994), Đỗ Văn Chung (SN 1998), Trần Văn Chiến (SN 1990, cùng ngụ tỉnh Vĩnh Phúc, cùng trú quận 12, TP.HCM) để điều tra về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, tối 27/10, ông Phạm Thái Hùng (40 tuổi, quê Thái Bình, tạm trú huyện Bình Chánh) đến Công an quận 12 trình báo về việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân Mai (33 tuổi) bị một nhóm người bắt cóc chiều cùng ngày. Theo người đàn ông này, cầm đầu nhóm bắt cóc vợ ông là đối tượng tên Năm, không rõ lai lịch.
Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2018, chị Mai liên hệ với đàn em của Năm hỏi vay 25 triệu đồng, lãi 400.000 đồng/ngày. Mọi thủ tục vay mượn tiền được hai bên giao dịch và không ghi giấy nợ. Chị Mai còn giới thiệu cho một số người bạn của mình vay tiền. Sau đó, chị Mai trả dần và chỉ còn nợ Năm 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, những người bạn được chị Mai giới thiệu mất khả năng chi trả nên nhóm cho vay buộc người phụ nữ này trả thay với tổng số tiền là 80 triệu đồng. Trước đó vài ngày, anh họ của Năm thấy chị Mai dắt xe trên đường Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nên gọi điện cho Năm. Đối tượng này liền chỉ đạo anh họ và cử thêm 2 đàn em khác đến hỗ trợ, đưa chị Mai vào một quán ăn để nói chuyện nợ nần.
Ngày 27/10, nhóm "chân rết" của Năm dùng vũ lực bắt cóc chị Mai và dẫn đến quán ăn ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc B. Tại đây, Năm đánh chị Mai và yêu cầu người phụ nữ này điện thoại, bảo chồng mang tiền đến chuộc.
Nhóm này còn hăm dọa cứ 5 phút trôi qua mà người chồng chưa tới thì chị này sẽ nhận một trận đòn. Sau nhiều lần ra tay đánh nạn nhân nhưng chồng chị Mai vẫn chưa mang tiền tới, Năm cùng đàn em đưa chị vào một quán nhậu ở đường Dương Thị Mười (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) chờ.
Nhận tin báo, Công an quận 12 đã cử lực lượng truy xét, phát hiện nhóm người bắt cóc đang ngồi nhậu. Hàng chục trinh sát ập vào khống chế các đối tượng, giải cứu được chị Mai một cách an toàn. Khám xét nơi ở của nhóm đối tượng, cơ quan công an thu đã giữ nhiều giấy tờ xe, hộ khẩu và sổ sách và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Đằng sau "tín dụng đen" là tổ chức tội phạm
Có thể nói, câu chuyện những con nợ bị các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" dùng nhiều cách để uy hiếp, siết nợ không phải là chuyện hiếm. Thời gian qua, dư luận chứng kiến nhiều vụ việc nạn nhân là những con nợ bị chủ nợ đe dọa, thậm chí hành hung gây thương tích.
Thực tế cho thấy, "tín dụng đen" đang ngày càng hoành hành, bủa vây những người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn và len lỏi vào các tầng lớp trong xã hội. Chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn, thiếu tiền và nhiều người chấp nhận vay tiền với lãi suất "cắt cổ" từ dịch vụ "tín dụng đen".
Hậu quả, nhiều con nợ bị mất đất, mất nhà, đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khánh kiệt, tan cửa nát nhà, thậm chí nhiều trường hợp cùng quẫn đã gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội. Không những thế, nhiều vụ việc các tổ chức, cá nhân hoạt động "tín dụng đen" còn bất chấp pháp luật, dùng nhiều cách để siết nợ, giống như vụ việc trên.
Liên quan đến vấn đề nổi cộm trên, chiều 30/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về việc đấu tranh chống tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, "tín dụng đen".
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, "tín dụng đen" là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận, thường là với lãi suất cao, không có các quy định thực hiện theo luật tự thỏa thuận, tự xử. Ông nhận định đây là quan hệ dân sự, đằng sau "tín dụng đen" thường là hoạt động của tổ chức tội phạm.
Theo số liệu Bộ Công an thống kê từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen".
Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Hiện tại, Bộ Công an đang đấu tranh 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, người đứng đầu ngành Công an đã chỉ ra 3 vấn đề chính. Thứ nhất, ông cho rằng kinh tế trong nước còn có nhiều khó khăn, do đó nhiều cá nhân, công ty, tổ chức khó khăn về vốn nên đã vay vốn "tín dụng đen", vay nặng lãi.
Thứ hai, một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ, cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi của bản thân. Khi cần cho mục đích ăn chơi thì bất kể mức lãi suất nào họ cũng vay cả. Nguyên nhân thứ ba được Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra là, các chế tài xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng chưa được quan tâm đúng mức. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tăng cường phối hợp các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về giao dịch, sử dụng vốn an toàn, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm liên quan "tín dụng đen", đòi nợ thuê.
Cùng với đó, Bộ Công an sẽ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn. Ngoài ra sẽ quản lý các đối tượng bất minh có nghi vấn về kinh tế liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
"Phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh liên quan đến đòi nợ, cầm đồ. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đường dây nóng, đơn thư tố giác về tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá, tổ chức các băng nhóm, các đường dây hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật.
Hi vọng rằng, trong thời tới với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an và các tổ chức chính trị xã hội thì hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" sẽ không còn cơ hội để hoành hành, "tác oai tác quái" và khiến nhiều con nợ phải rơi vào cảnh điêu đứng, túng quẫn.
Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi
Châu Long
Theo phapluatplus
Bắt khẩn cấp nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi "cắt cổ" Bằng hình thức cho vay tiền nóng, nhóm đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để cho vay và đòi nợ. Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi cùng tang vật tại cơ quan điều tra Ngày 26/10, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị vừa tiến hành khởi tố 5 đối tượng về hành vi "Cho vay lãi nặng trong...