Vợ chồng Bình Định đưa hai con phượt xuyên Việt 30 ngày bằng xe máy
Một thời trẻ ngược xuôi những nẻo đường phượt, anh Huy Hoàng và chị Thúy Quỳnh, 35 tuổi, đến từ Bình Định vốn ấp ủ một chuyến xuyên Việt trước năm 30 tuổi.
Nhưng phần vì bộn bề công việc, phần vì con còn quá nhỏ, anh chị đành để dành chuyến đi trong mơ. Đến cuối năm 2019, hai vợ chồng chuyển nhà từ TPHCM về Quy Nhơn sống, thời điểm ấy, cậu con trai lớn đã được 5 tuổi rưỡi, bé út hơn 3 tuổi. Tạm gác lại mọi công việc, anh chị bàn bạc và quyết định rằng đã đến lúc thực hiện một chuyến đi dài ngày.
Hành trình thanh xuân
Gia đình của anh Hoàng và chị Quỳnh khởi hành trên con xe tay ga 125cc từ xóm trọ ở TPHCM, thực hiện hành trình thanh xuân. Dĩ nhiên, vạn sự khởi đầu nan, trở ngại lớn nhất vợ chồng anh phải đối mặt chính là sự phản đối của người thân.
“Ông bà của các bé không đồng ý, người thân trong gia đình hết thảy đều can ngăn. Chỉ có những người bạn thích du lịch ủng hộ hai vợ chồng, nhưng hầu hết mọi người chỉ nghĩ cả nhà đi từ TPHCM về Bình Định”, anh Hoàng nhớ lại.
Anh Hoàng và chị Quỳnh cùng hai con trên đường phượt xuyên Việt tại Hà Giang. Ảnh: NVCC
Đến ngày thứ 9 trong hành trình, cả nhà về tới Bình Định. “Ông bà nghĩ cả nhà ở lại chơi và sẽ quay về TPHCM. Nhưng khi biết cả nhà sẽ đi tiếp, ông bà la rất nhiều. Người thân trong gia đình giận dỗi vì hai vợ chồng đưa hai bé đi cùng”, anh Hoàng kể.
Dù vấp phải phản ứng mạnh từ gia đình, anh Hoàng và chị Quỳnh vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình. Bởi nếu để lỡ chuyến này, vợ chồng anh không biết khi nào mới có thể đi xuyên Việt cùng hai con. “Lúc đi mình nhắn cho cả nhà rằng ‘Gia đình luôn luôn là trở ngại lớn nhất, nhưng là chỗ dựa lớn nhất’, mình biết mọi người luôn thương con cháu nên mới lo lắng như vậy. Vợ chồng mình cũng cố gắng đăng ảnh hàng ngày coi như báo cáo tình hình cho mọi người ở nhà”, anh Hoàng bộc bạch.
Cứ thế cả nhà rong ruổi trên chiếc xe tay ga qua khắp mọi miền Tổ quốc. Cảnh sắc dọc đường đổi thay như một thước phim, mỗi tỉnh lại mang một nét đẹp riêng. Anh Hoàng say mê tuyến đường ven biển từ TPHCM về đến Bình Định, và ấn tượng với Ninh Bình, Quảng Bình, Cao Bằng…
Anh Hoàng và chị Quỳnh cùng hai bé khám phá Tràng An, Ninh Bình trong ngày thứ 17 của hành trình xuyên Việt. Ảnh: NVCC
Chị Quỳnh thích nhất những ngày ở Hà Giang, khi được hít hà bầu không khí trong trẻo của vùng cao, ngắm nhìn núi non hùng vĩ. Nhưng Sa Pa – điểm đến mơ ước từ khi còn nhỏ của chị Quỳnh – lại khác xa tưởng tượng. “Mình thất vọng nhất với Sa Pa, cảnh không đẹp như mình nghĩ, lại có phần ồn ào, xô bồ. Bản Cát Cát không còn vẻ nguyên sơ”, chị bày tỏ.
Còn hai bạn nhỏ đặc biệt thích Ninh Bình. “Cả nhà đi Tam Cốc và Tràng An đúng hai ngày mưa. Ngồi trên thuyền, hai bé ngắm cá bơi lội, đôi khi có cả chim bói cá lặn xuống nước. Các bé ngạc nhiên khi biết chim có thể bơi dưới nước”, anh Hoàng kể.
Mọi thứ không thể theo kế hoạch
Video đang HOT
Dù chuẩn bị kỹ càng, anh Hoàng và chị Quỳnh không thể đảm bảo lúc nào hành trình cũng suôn sẻ. Một trong những kỷ niệm khó quên với cả nhà là đi lạc trên đường từ Cao Bằng đến Hà Giang trong ngày thứ 22 của hành trình. Vợ chồng anh dự tính chạy xe từ thị trấn Trùng Khánh đến thị trấn Mèo Vạc, nhưng thực tế không như dự tính.
Đường đi khá phức tạp, anh Hoàng phải kết hợp xem bản đồ và hỏi người dân vì Google Maps chỉ vào đường làng nhỏ và xấu. “Mình đã nghe nhiều về những cung đèo vùng Tây Bắc, nhưng nay mới thật sự sửng sốt bởi độ khó và độ đẹp. Cả nhà vượt qua nhiều đèo nổi tiếng của Cao Bằng như Khau Liêu, Mã Phục, Mã Quỷnh, đặc biệt là Mẻ Pia 14 tầng xoắn như ruột non và một đèo không tên trên QL4A cũng 14 tầng. So với các đèo này thì Hải Vân “quá hiền”, anh bày tỏ.
Đường quá xấu, đèo dốc liên tục, đến mức gần tới nửa đêm cả nhà vẫn đang trên đường đèo qua Hà Giang. Anh Hoàng không thể gắng sức thêm, phần vì quá mệt, phần không muốn mạo hiểm giữa đêm tối vùng cao. Đoạn này, chị Quỳnh cũng lo sợ mà không dám nói với chồng, chỉ giữ trong lòng. Nhưng hai vợ chồng đều thở phào thấy ánh đèn từ một nhà sàn cộng đồng của người địa phương bên đường.
Cả nhà quyết định ghé nhà sàn xin tá túc. Người địa phương hiếu khách, dành hết một tầng cho cả nhà qua đêm. Lần đầu tiên gia đình được trải nghiệm dùng nước nóng từ bình nóng lạnh chạy bằng bếp gas, lửa cháy phừng phừng bên trong. “Mới đầu, hai bé vui sướng khi lần đầu thấy nhà sàn, chó chạy nhảy tung tăng phía trên. Nhưng đi cả ngày dài, hai con ngủ luôn còn bố mẹ suốt đêm không ngủ được vì tiếng chuột chí chóe, trở mình là sàn kêu cót két”, anh Hoàng nhớ lại ngày vất vả nhất nhì trong hành trình.
Hai bé cùng mẹ đi bộ trong đường rừng xuyên rừng ở Hà Giang. Ảnh: NVCC
Trung bình một ngày anh Hoàng lái xe hơn 200 km, cứ khoảng 100 km, cả nhà dừng một lần, vừa để ăn uống, vừa cho máy nghỉ. Chặng dài nhất là 300 km từ Hà Tĩnh qua Nghệ An, Thanh Hóa để ghé Ninh Bình. Chặng ngắn mà vất vả nhất là đi lạc khoảng 2 km vào rừng, và trở ra mất hơn một tiếng ở Hà Giang.
Có lẽ những mệt mỏi dọc đường đều tiêu tan nhờ có hai bé đồng hành. Khi phải đi bộ trong rừng, hai bé phấn khích hò reo khoe với bố mẹ rằng đi bộ leo núi thích hơn ngồi xe. Khi xe lạc vào đường xấu, các con ví như đang ngồi thú nhún.
“Dọc đường cứ nghỉ là các con ăn uống ngoan ngoãn, lên xe là ngủ, thức dậy thì nói chuyện líu lo trên đường”, anh Hoàng nói. Hai bé cũng dễ tính trong ăn uống và ít ốm vặt nên bố mẹ không phải lo lắng quá nhiều, chỉ chuẩn bị thuốc men, đồ giữ ấm, chống nắng… Gần như hai vợ chồng không phải chuẩn bị quá kỹ càng về tinh thần hay sức khỏe cho các con. “Hai bé không khóc nhè hay mè nheo bao giờ”, anh chia sẻ.
“Một trong những thú vui đi xa là gặp gỡ nhiều người, gia đình mình có trẻ con nên mọi người rất thích trò chuyện, hỏi han. Khi đặt phòng nghỉ, cả nhà cũng được tiếp đón nhiệt tình hơn”, anh Hoàng kể.
Vợ chồng anh cũng rất bất ngờ với sức bền của các con. “Hai bé rất thích leo núi. Chặng nào có leo núi là các con đi không mệt mỏi. Hai bé còn nhỏ nhưng có thể tự leo và đi xuống hơn 800 bậc thang dẫn lên cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang”, anh Hoàng kể.
Trái với tất thảy lo lắng của ông bà khi thấy cháu đi đường xa vất vả, hai bé đều tăng cân sau chuyến xuyên Việt hàng nghìn cây số cùng bố mẹ. Vợ chồng anh quan niệm, con trẻ cần trải nghiệm thật nhiều. Những điều thú vị hai con khám phá dọc đường phải kể đến như lần đầu tiên thấy cánh đồng muối, vườn thanh long, cánh đồng cừu, vườn nho, ruộng ớt, sương mù, đường đèo dốc…
Hai bé luôn hào hứng trên đường đi. Trong ảnh là một đoạn đường cả nhà dừng nghỉ khi đến thác Bản Giốc, Cao Bằng. Ảnh: NVCC
“Thường trẻ con ở thành phố ít ra ngoài chơi, mình không nghĩ các bé đi khoẻ như vậy. Trước khi đi, hai vợ chồng chỉ ngại hai bé đi giữa chừng lại đòi về. Nhưng trên đường hai bé hào hứng, ngày nào trên đường cũng hỏi sắp đi tới đâu, ngày về thì tỏ ra rất tiếc”, anh Hoàng bật mí.
Vài năm đã trôi qua, anh Hoàng và chị Quỳnh luôn nhớ những tháng ngày rong ruổi dọc miền đất nước cùng hai con nhỏ. Hiện hai vợ chồng mở một nhà hàng ở Quy Nhơn. Cả hai vẫn ấp ủ thực hiện thêm một hành trình phượt trước tuổi 40, để một lần nữa sống lại những cảm xúc phiêu lưu chỉ có được khi rong ruổi khắp Việt Nam bằng xe máy.
Bức tranh đồng quê Mai Châu đẹp yên bình vào mùa lúa chín
Cách TP Hà Nội hơn 130km, Mai Châu là một trong những điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp yên bình.
Khoảng thời gian này, nơi đây còn níu chân du khách bởi những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch, hương lúa chín nồng nàn khắp các nẻo đường.
Mai Châu với nét đẹp bình yên, mộc mạc. Ảnh: Dương Sơn
Mai Châu là một huyện, thung lũng đẹp thơ mộng, bình yên của tỉnh Hòa Bình. Nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, Mai Châu được bao bọc bởi những dãy núi hùng vĩ. Cảnh sắc bình yên cùng nếp sống của người dân tộc Thái nơi đây đã tạo nên một Mai Châu rất riêng.
Ảnh: Dương Sơn
Mỗi mùa Mai Châu lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Từ tháng 9 đến tháng 11 có lẽ là mùa đẹp nhất để đi du lịch Mai Châu - mùa lúa chín. Cả thung lũng Mai Châu được bao phủ bởi một màu vàng óng ả và mùi thơm của lúa.
Ảnh: Dương Sơn
Điều khiến rất nhiều du khách yêu thích chuyến du lịch đến Mai Châu mùa lúa còn bởi hầu hết các homestay, khách sạn ở Mai Châu đều có hướng nhìn ra đồng lúa. Mùa lúa chín, chỉ cần đứng ra ban công, mở cửa sổ là có thể hít hà hương lúa mới, ngắm nhìn vẻ đẹp đồng quê bình yên, tạm quên đi muộn phiền của cuộc sống.
Ngoài ra, thời gian này thời tiết Mai Châu mát mẻ và không mưa là điều kiện lý tưởng cho các hoạt động team building, đốt lửa trại.
Khung cảnh làng quê đẹp yên bình tại Mai Châu. Ảnh: Dương Sơn
Cư dân sống ở Mai Châu đa số là người Thái, họ sống gắn bó với thung lũng này từ đời này qua đời khác, với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm là chính. Đi dọc quanh những bản làng, du khách sẽ nhận ra kiến trúc chính của những ngôi nhà sàn đặc trưng phong cách Thái.
Ảnh: Dương Sơn
Mai Châu thực sự là một vùng đất để sống chậm cho những ai muốn hòa vào thiên nhiên, tìm cảm giác thư thái tránh xa đô thị ồn ào đông đúc.
Đến với Mai Châu, du khách có thể đi bộ hoặc thuê một chiếc xe đạp chạy vòng quanh những bản làng, ghé thăm những hàng quán đầy màu sắc hoặc đơn giản từ cửa sổ nhà sàn ngắm nhìn khung cảnh đồng quê yên bình.
Ảnh: Dương Sơn
Ngoài mùa lúa chín, du khách có thể đế Mai Châu vào mùa Hè, từ tháng 5 đến tháng 8. Khách du lịch có thể thong dong đạp xe qua những cánh đồng lúa non xanh mướt, tận hưởng mùi lúa non thơm nồng, đi tắm suối mát lạnh trong bản.
Ảnh: Dương Sơn
Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là mùa hoa mơ, mận nở trắng thung lũng. Bên cạnh đó, vào tháng 2 đến tháng 4, Mai Châu khoác lên mình màu hồng của hoa đào mùa xuân xen lẫn màu trắng của hoa mơ, hoa mận.
Đến Mai Châu, du khách cũng đừng quên thử những món ăn đặc sản như cơm lam, thịt lợn mán, măng đắng, cá suối nướng...
Dương S
Siêu ứng dụng hỗ trợ du khách trên mọi nẻo đường Ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán điện tử, tối ưu trải nghiệm du lịch. Đặc biệt, lần đầu tiên, thông qua ứng dụng này du khách có thể gửi phản ánh tới cơ quan chức năng. Thẻ du lịch hỗ trợ thanh toán tiện lợi, trải nghiệm thông minh Theo Trung tâm Thông tin du lịch,...