VNVC lên tiếng vụ trẻ vội đi cấp cứu, bác sĩ đôi co tiền xe
Sau khi tiêm, uống ba liều vaccine, bé trai ba tháng tuổi bất ngờ nổi mẩn đỏ toàn thân, có dấu hiệu li bì.
Chiều 4-7, Trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Đông (Hà Nội) đã có thông tin chính thức về phản ánh của khách hàng tên O. trên mạng xã hội facebook về việc con trai ba tháng tuổi của chị tiêm vaccine tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Đông bị nổi mẩn đỏ, có dấu hiệu li bì phải vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu.
VNVC khẳng định thông tin chị O. đăng tải trên mạng xã hội là chưa chính xác. Cụ thể, vào ngày 1-7, bé N.X.H.H (sinh năm 2019, con trai chị O.) được gia đình đưa đến Trung tâm VNVC Hà Đông tiêm vaccine Synflorix, Hexaxim và uống vắc xin Rotateq (mũi 2) theo lịch hẹn.
Vào lúc 10 giờ 5 phút, bé H. được tiêm, uống các loại vaccine tại phòng tiêm. Ngay sau khi tiêm mũi tiêm thứ hai cho bé, điều dưỡng cho bé uống vaccine và phát hiện bé xuất hiện ban sẩn vùng đầu mặt.
“Điều dưỡng có hỏi lại mẹ bé về việc bé đã từng mẩn đỏ khi khóc chưa, mẹ bé trả lời là ở nhà con khóc cũng bị nổi mẩn. Sau đó, mẩn lan xuống hai chi dưới, bé tỉnh táo không quấy khóc, thở bình thường và được chuyển sang phòng xử trí phản ứng sau tiêm. Sau khi khám và đo các chỉ số sinh tồn cho bé, các bác sĩ VNVC đánh giá là phản ứng nhẹ sau tiêm vaccine (độ 1). Sau đó, bé được tiêm thuốc Dimedron theo chỉ định, các ban trên người dần lặn hết, bé ngủ ngoan”, đại diện Trung VNVC Hà Đông cho biết.
Riêng về việc bác sĩ VNVC đôi co với lái xe 115 về 10 ngàn đồng, VNVC thừa nhận đây là sự thiếu nhạy cảm của bác sĩ trong việc đưa ra những nội dung trò chuyện không cần thiết trong thời điểm mẹ bé đang có nhiều bất an, lo lắng. Bác sĩ đã nhận lỗi và lãnh đạo VNVC đã thay mặt bác sĩ để xin lỗi gia đình bé”, Trung tâm VNVC cho biết thêm.
Được biết hiện bé H. đã khỏe mạnh và được xuất viện về nhà.
Trước đó, trên mạng xã hội facebook lan truyền chia sẻ của chị O.: “Sau khi bác sĩ tiêm cho con mình, vừa rút kim tiêm xong thì cơ thể bé bắt đầu phản vệ với thuốc. Sắc mặt bắt đầu chuyển màu sang đỏ, tiếp theo là hai bên chân và vùng bụng. Thấy sắc tố da của con có sự thay đổi, mình đã cùng với hai y tá chuyển con qua phòng theo dõi. Tại đây, con được bác sĩ khám và chỉ định tiêm luôn một mũi dị ứng”.
Video đang HOT
Lúc đó, con của mình được chuyển ra xe cấp cứu để đưa vào Bệnh viện Quân đội 103. Nhìn con cứ lờ đờ như vậy mãi, lòng mình như muốn nổ tung. Tuy nhiên, lên xe một lúc rồi mà xe chưa chịu lăn bánh. Có một bác sĩ đưa tiền ra để thanh toán tiền xe, đứng đôi co với tài xế cấp cứu rằng lần trước bên cháu đang nợ bên này 10 ngàn đồng, lần này chở đi thì thanh toán trừ nốt 10 ngàn đó nhé. Mình thực sự rất bức xúc vì sự chậm trễ đó, nhưng vẫn phải hết sức kiềm chế”, chị O. viết.
MAI HIỀN
Theo PLO
Coi nhẹ tiêm phòng, dịch bệnh gia tăng
Cả nước đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết, tay - chân -miệng, viêm não Nhật Bản, đặc biệt bất thường hơn là những dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân như sởi, quai bị, thủy đậu, cúm nhưng nay lại có quanh năm.
Di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não - màng não, sởi, ho gà rất nặng nề, thậm chí nhiều trẻ nhỏ đã phải trả giá bằng tính mạng, nhưng rất nhiều người vẫn còn chủ quan, coi nhẹ không tiêm phòng bệnh hoặc tiêm không đầy đủ trong khi đây là những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng.
Ho gà vẫn xuất hiện do không tiêm phòng
Ho gà, uốn ván, bại liệt... là những bệnh có vaccine phòng ngừa, tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh ho gà nên chủ quan không tiêm phòng cho con.
Những năm trước, rải rác vẫn có trường hợp ho gà nhập viện, nhưng năm nay tỷ lệ này tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ho gà vẫn tăng, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc ho gà ở 26 quận, huyện, 68 xã phường và không có tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có gần 100 ca ho gà nhập viện từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều ca biến chứng viêm phổi nặng. Chứng kiến những đứa trẻ vật vã với cơn ho xé lòng, mặt tím tái, nước mắt giàn giụa, chúng tôi không khỏi thương cảm. Thế nhưng, dù ngay từ đầu năm, bác sĩ của bệnh viện đã khuyến cáo phụ huynh cho con tiêm phòng đầy đủ, nhưng đến nay vẫn tiếp tục có bệnh nhi vào nhập viện do mắc ho gà.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị M (Quảng Ninh) có con 1 tuổi phải nhập viện vì ho gà đã vô cùng ân hận cho biết: "Em nghĩ bệnh ho gà không còn nên cũng chủ quan chưa tiêm cho con, ai ngờ con lại mắc, biến chứng sang phổi ngày càng nặng. Nhìn con ho rũ rượi em thật đau lòng, vô cùng hối hận".
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ mắc ho gà ở trẻ nhỏ thời gian gần đây xuất hiện nhiều với mức độ bệnh nặng. Hiện có 14 bệnh nhân đang điều trị.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho từ 200-250 bệnh nhân ho gà, trong đó bệnh nhân nặng rất nhiều, với tình hình này thì vẫn có tỷ lệ tử vong do ho gà. Ngoài bệnh nhân chưa tiêm phòng thì còn có bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) mắc ho gà. PGS.TS Trần Minh Điển đánh giá: Do miễn dịch trong cộng đồng giảm, đặc biệt là miễn dịch của các bà mẹ không đủ truyền sang con.
Một trong những lý do khiến bệnh ho gà tăng trong thời gian gần đây là nhiều phụ huynh ngần ngại không tiêm vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con, bỏ lỡ thời gian phòng bệnh cho trẻ.
"Tôi nghĩ với những bệnh đã có chiến lược sử dụng vaccine thì phụ huynh cho con em đi tiêm phòng. Tiêm phòng tạo miễn dịch đặc hiệu cho con chúng ta, không có lý do gì chúng ta e ngại vì tỷ lệ phản ứng ở mức độ nặng rất ít xảy ra, hầu hết phản ứng sau tiêm phòng đều ở mức độ nhẹ như sốt.
Để đảm bảo an toàn cho con, các bà mẹ khi con tiêm xong thì theo dõi theo chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ xem con có phản ứng với vaccine hay không. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường phải đưa con đến cơ sở y tế ngay, thông báo cho bác sĩ để bác sĩ phân loại, xử lý kịp thời"- ông Điển cho biết.
Một ca viêm màng não nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chủ quan chết người
Hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản B, viêm màng não nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan không tiêm phòng cho con. Tới Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng kiến những cháu bé bị viêm não Nhật Bản và viêm màng não đang điều trị, mới thấy hết được hậu quả khôn lường của việc các cháu không được tiêm phòng vaccine.
Có cháu bé 3-4 tháng tuổi đã mắc viêm màng não rơi vào hôn mê, co giật, tiên lượng rất xấu. Thậm chí, có cháu 14 tuổi đang đi học thì sốt cao, đau đầu, co giật, khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đã rơi vào tình thế nặng, hôn mê, phải thở máy, tổn thương thần kinh.
Đứng nhìn con ở ngoài phòng bệnh, mẹ cháu không cầm được nước mắt cho biết: "Cháu nằm đó gần 1 tháng mới có phản xạ nhưng vẫn chưa nhận biết được xung quanh. Tôi sợ sau này cháu có tỉnh lại thì cũng ảnh hưởng nặng nề tới thần kinh".
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề các chức năng vận động, kiểm soát tư thế, nhận thức không gian, thời gian, cảm xúc và rối loạn các giác quan... Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 20 ca viêm màng não, trong đó có 7 ca viêm não Nhật Bản B và hầu hết bệnh nhân chưa tiêm phòng.
"Đây là bệnh phòng ngừa được bằng vaccine. Hiện đã có các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, phế cầu, viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu. Do vậy, cha mẹ phải chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh lây truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị... có thể gây viêm màng não"- TS Lâm khuyến cáo.
Đánh giá về tỷ lệ người dân không tiêm ngừa vaccine, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy là mùa hè nhưng bệnh nhân bị sởi vào Trung tâm rất đông và hầu hết đều không tiêm phòng đầy đủ.
Nhiều phụ nữ mang thai bị sởi vào nhập viện rất hối hận vì không nghe theo khuyến cáo của bác sĩ tiêm phòng trước khi mang thai. Hiện, nhiều ông bố, bà mẹ không cho con tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm vaccine dịch vụ, thậm chí còn lặn lội từ quê lên Hà Nội để tiêm dịch vụ hay chen chúc xếp hàng từ 2h sáng để chờ tiêm dịch vụ.
Chính vì kéo dài thời gian chờ đợi nên đã bỏ lỡ "thời gian vàng" phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, còn một bộ phận cha mẹ có tư tưởng "bài trừ vaccine" dẫn tới con mắc bệnh, thậm chí trẻ phải trả giá bằng tính mạng về quan niệm sai lầm này.
Để phòng chống bệnh và không để dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chắm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, để không còn tình trạng đau lòng như trên, chính quyền và y tế phường, xã phải chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi tỷ lệ trẻ tiêm đủ mũi lý để quản lý, không bỏ lọt trẻ chưa tiêm phòng, tránh lây lan dịch bệnh.
Trần Hằng
Theo CAND
Chàng trai 18 tuổi thiệt mạng vì viêm màng não B: Đừng bao giờ bỏ qua những triệu chứng như thế này Câu chuyện đau lòng về những người trẻ vĩnh viễn ra đi ở độ tuổi sinh viên do viêm màng não B được chính mẹ của họ chia sẻ trong bài báo trên tạp chí Health. Bệnh viêm màng não B cướp đi sinh mạng của những người trẻ tuổi Nói tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho 3 con trai, Aracelly...