VnIndex thấp nhất 3 năm, vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 1 triệu tỷ
Thị trường chứng khoán Việt hiện đang ở vùng giá rẻ nhất nhiều năm trong khi đó, hàng loạt yếu tố kích thích thị trường đã và đang được kích hoạt.
Nếu không giữ được lòng tin, nhà đầu tư sẽ tự mình sụp đổ
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn Thế giới đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong phiên giao dịch 23/3, chỉ số VN-Index giảm mạnh 43,14 điểm (6,08%) và đóng cửa tại 666,6 điểm. Với phiên giảm điểm 23/3, chỉ số VnIndex chính thức xuyên vùng giá thấp nhất 3 năm.
Kể từ dịch bệnh Covid-19, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi hơn 1 triệu tỷ. Tức, nhà đầu tư trên thị trường đã mất đi triệu tỷ chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 3 tháng!
Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Nỗ lực của Việt Nam không chỉ ở khâu kiểm soát dịch bệnh mà còn ở hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Tuy vậy, thị trường chứng khoán là thị trường cực kỳ nhạy cảm và chịu tác động của nhiều yếu tố. Nhà đầu tư trên toàn cầu bán mạnh mẽ trước lo ngại “thiên nga đen COVID-19″ có thể coi là nguyên nhân chủ đạo khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo và thị trường chứng khoán Việt bị bán mạnh mẽ đến thế. Chuỗi 30 phiên bán ròng liên tiếp của khối ngoại đã “góp phần” đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam xuyên đáy 3 năm.
Như chúng tôi đã thường xuyên cập nhật thông tin trước đó, thị trường chứng khoán Việt hiện đang ở vùng giá rẻ nhất nhiều năm trong khi đó, hàng loạt yếu tố kích thích thị trường đã và đang được kích hoạt. Doanh nghiệp, các nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp, cổ đông lớn…đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu để hỗ trợ giảm đà rơi cổ phiếu. Điều cần nhất bây giờ là, nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường cần bình tĩnh, chú ý đừng hành động cảm tính theo đám đông để khiến bản thân bị thua lỗ nặng nề. Bán tháo bây giờ, có thể nhà đầu tư sẽ phải mua lại với mức giá cao hơn. Nếu không giữ được lòng tin vào thị trường, nhà đầu tư cầm chắc thua lỗ và thất bại. Nếu giữ, mọi thứ có thể sẽ sớm tốt lên khi hàng loạt nỗ lực đang cùng lúc thúc đẩy thị trường.
Phương Chi
Video đang HOT
Nhiều công ty và cổ đông lớn đăng ký mua lại cổ phiếu
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố hỗ trợ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ cho doanh nghiệp, nhiều công ty và lãnh đạo doanh nghiệp chọn phương án mua cổ phiếu nhằm bình ổn giá, tạo thông tin tích cực cho thị trường.
Ngay trong hai ngày đầu tuần, nhiều công ty và lãnh đạo doanh nghiệp chọn phương án mua cổ phiếu nhằm bình ổn giá, tạo thông tin tích cực cho thị trường.
Loạt doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ
Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) vừa thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với khối lượng không quá 29 triệu cổ phiếu, tương đương với 5,94% vốn điều lệ.
Mục đích giao dịch là nhằm bình ổn giá cổ phiếu GEX và tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Báo cáo gần nhất cho thấy doanh nghiệp có hơn 66 tỷ thặng dư vốn cổ phần và hơn 1.200 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.
Gelex hiện chưa có cổ phiếu quỹ trước giao dịch. Cổ phiếu GEX bị điều chỉnh sâu theo diễn biến chung về mức 14.300 đồng/cp (17-3), giảm 26% từ đầu năm và là mức thấp nhất từ tháng 8-2017.
HĐQT Công ty Gemadept (HoSE: GMD) dự kiến việc mua lại tối đa 25 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn làm cổ phiếu quỹ. Theo ban lãnh đạo, giá cổ phiếu GMD trên thị trường đang ở mức thấp hơn giá trị thực. Việc mua lại nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông và công ty. Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh. Tạm tính theo thị giá ngày 17-3, công ty dự chi 410 tỷ đồng để mua hết lượng cổ phiếu trên.
Giá cổ phiếu GMD giao dịch ở mức 16.400 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2015 do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung.
Với mục tiêu bình ổn giá cổ phiếu FCN, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, CTCP Fecon (HoSE: FCN) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% vốn làm cổ phiếu quỹ. Nguồn vốn sử dụng là thặng dư vốn cổ phần hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tính đến ngày 31-12-2019, thặng dư vốn cổ phần ghi nhận 418 tỷ đồng, trong khi, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 276 tỷ đồng.
Thị giá FCN là 7.000 đồng/cp, mức thấp nhất từ tháng 6/2013.
Công ty Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) phê duyệt phương án mua lại tối đa 5 triệu cổ phiếu, tương đương 7,1% vốn làm cổ phiếu quỹ. Tương tự các doanh nghiệp khác, công ty cho rằng thị giá cổ phiếu STK đang ở mức thấp hơn giá trị thực nên công ty mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ quyền lợi cho công ty và cổ đông.
Thị giá cổ phiếu STK ở mức 13.950 đồng/cp, mức thấp nhất từ tháng 1-2019.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng tích cực mua lại cổ phiếu
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (HoSE: REE) Nguyễn Thị Mai Thanh đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE, từ ngày 18/3 đến 17/4. Tạm tính theo giá đóng cửa ngày 17-3, Chủ tịch REE sẽ chi ra 448,5 tỷ đồng để mua cổ phiếu.
Cổ phiếu REE hiện đang giao dịch ở mức 29.900 đồng/cp, giảm 13,6% so với đầu năm.
HĐQT và Ban Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - HoSE: SCR) đồng loạt đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 20-3 đến 17-4.
Trong đó, ông Vũ Quốc Thái, Tổng giám đốc đăng ký mua nhiều nhất, tương đương 3 triệu cổ phiếu SBT. Ông Nguyễn Đăng Thanh, Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu.
Sau khi mua vào 9,35 triệu cổ phiếu, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) tiếp tục đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu từ ngày 20-3 đến 18-4. Nếu giao dịch thành công, ông Nhơn sẽ nắm giữ 206 triệu cổ phiếu, tương đương 21,25% vốn. Cổ phiếu NVL kết phiên 17-3 với mức giá 51.500 đồng, giảm mạnh nhất từ tháng 7-2018.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - HoSE: SBT) đang có xu hướng giảm, ngày 16-3, loạt thành viên trong Ban lãnh đạo TTC Sugar đã liên tiếp đăng ký mua vào 4,5 triệu cổ phiếu SBT. Dự kiến các giao dịch sẽ được thực hiện từ 23-3 đến 21-4.
Cụ thể, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,61% vốn, tương ứng hơn 3,7 triệu cổ phiếu.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 4,37 triệu cổ phiếu, chiếm 0,71% vốn điều lệ.
Ông Hoàng Mạnh Tiến, Thành viên độc lập HĐQT đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu; bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng giám đốc; bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng giám đốc Thường trực và ông Huỳnh Văn Pháp, Giám đốc Kinh doanh đều đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.
Dự kiến sau giao dịch, 6 thành viên này sẽ nắm giữ gần 11 triệu cổ phiếu, chiếm 1,8% vốn điều lệ, nâng tổng số lượng cổ phiếu của người nội bộ công ty lên khoảng 29%.
Ông Đặng Quốc Minh, con Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Thiếu niên - Tiền Phong (HNX: NTP) Đặng Quốc Dũng, đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu qua phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, từ ngày 18-3 đến 16-4. Thị giá cổ phiếu NTP là 27.200 đồng/cp, giảm mạnh nhất từ tháng 2/2016.
Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (UPCoM: CCA) đăng ký mua 600.000 cổ phiếu, tương đương 4% vốn qua phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 19-3 đến 15-4. Giá cổ phiếu CCA là 8.000 đồng/cp, giảm từ mức 15.800 đồng hồi đầu năm.
Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư MST (HNX: MST) Nguyễn Thanh Tuyên đăng ký mua 500.000 cổ phiếu qua phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 18-3 đến 16-4. Cổ phiếu MST giao dịch ở mức 4.800 đồng/cp, giảm 8% từ đầu năm.
M.K (Nhandan.com.vn)
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường, VnIndex thu hẹp đà giảm nhanh chóng Trở lại với thị trường chứng khoán, sau khi mất 24 điểm mở phiên giao dịch, thị trường bình ổn hơn khi mức độ giảm lùi về -16 điểm. Nhiều cổ phiếu lớn đã hồi phục mạnh như VNM, MSN, HPG, BID... Chúng tôi gần như không rời mắt khỏi bảng giá khi mà diễn biến thị trường chứng khoán nhanh chóng mặt....