VNDIRECT: “Khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi khó tác động mạnh đến Việt Nam”
Riêng đối với Việt Nam, VNDIRECT đánh giá rủi ro là khá thấp nhờ nền tảng cơ bản vững chắc hơn Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ít bị tổn thương hơn các nền kinh tế mới nổi khác như Indonesia, Philippines và Ấn Độ do cán cân thương mại lành mạnh hơn.
CTCK VNDIRECT vừa có báo cáo đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi tới Việt Nam.
Theo VNDIRECT, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang trải qua sự bất ổn tài chính do Mỹ tăng lãi suất và ảnh hưởng của đồng USD phục hồi. Sự bất ổn định lộ rõ khi đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và peso Argentina lần lượt giảm 62,6% và 105,2% kể từ đầu năm.
Nền tảng cơ bản yếu, với lạm phát cao và thâm hụt ngân sách đã góp phần làm giảm niềm tin vào các nền kinh tế này và gia tăng lo ngại khủng hoảng có thể lan rộng sang các thị trường mới nổi và cận biên trong chu kỳ tín dụng thắt chặt trên toàn cầu.
Như trong bảng dưới đây, đa phần các chỉ số của Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đều cho thấy mức độ dễ tổn thương với môi trường thắt chặt tiền tệ. Đối với các nước mới nổi và cận biên tại châu Á, VNDIRECT cho rằng thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát cao là nguyên nhân khiến cho đồng nội tệ giảm giá mạnh.
Riêng đối với Việt Nam, VNDIRECT đánh giá rủi ro là khá thấp nhờ nền tảng cơ bản vững chắc hơn Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ít bị tổn thương hơn các nền kinh tế mới nổi khác như Indonesia, Philippines và Ấn Độ do cán cân thương mại lành mạnh hơn.
Cụ thể, lạm phát thông thường của Việt Nam trong tháng 9 giảm xuống dưới 4,0% từ mức 4,5% trong tháng 6/2018, do nhà điều hành yêu cầu giảm giá dịch vụ y tế. Mặc dù nhận thấy áp lực lạm phát lan rộng sang cả giá thực phẩm và vận tải nhưng VNDIRECT vẫn kỳ vọng sự thắt chặt chính sách tiền tệ và kiểm soát của NHNN sẽ giữ lạm phát ở mức cho phép trong năm nay (lạm phát mục tiêu của NHNN ở mức dưới 4%). Mức lạm phát này thấp hơn nhiều so với tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Video đang HOT
Các chỉ số khác về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế cho thấy bức tranh trái chiều. Cụ thể, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn các nước khác về nợ nước ngoài và số tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các khoản vay ưu đãi chiếm đến khoảng 40% nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh.
Về số tháng nhập khẩu, quy tắc thông thường vẫn được sử dụng để tính dự trữ an toàn cho rằng các quốc gia nên dự trữ tương đương với 100% các khoản nợ ngắn hạn hoặc tương đương giá trị nhập khẩu 3 tháng. Nhưng đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào FDI và hoạt động trong phân khúc cuối của chuỗi giá trị sản xuất như Việt Nam, VNDIRECT cho rằng yêu cầu 3 tháng nhập khẩu tương đối khắt khe bởi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Nếu xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại leo thang thì nhập khẩu cũng sẽ theo đó giảm xuống, vì vậy sẽ giảm bớt rủi ro về khủng hoảng cán cân thanh toán.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina đều không phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, vì vậy việc đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và peso Argentina mất giá sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, Argentina lại là thị trường nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam về ngô và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, lần lượt chiếm 50,8% và 46,2% tổng nhập khẩu của 2 sản phẩm này vào Việt Nam trong năm 2017. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước (như Dabaco) có thể hưởng lợi từ việc đồng peso mất giá, và do đó giảm chi phí sản xuất. Vì cả Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đều không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu ở mức độ lớn ở các mặt hàng dệt may, thép, điện tử nên VNDIRECT cho rằng việc mất giá tiền tệ sẽ không làm cho Việt Nam bị các nước này giành mất thị phần xuất khẩu.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
VDSC: Thị trường đan xen xấu tốt, VN-Index sẽ vẫn dao động trong vùng 960-1040 điểm
Trước mắt, dòng vốn từ Hàn Quốc vẫn đang cho thấy xu hướng chảy vào thị trường Việt Nam hết sức mạnh mẽ. Thương vụ đầu tư của SK group vào Masan (MSN) với giá trị hơn 11 nghìn tỷ hồi đầu tháng 10 là một ví dụ điển hình.
Ghi nhận trong báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sự kiện Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về cải tổ NAFTA cho thấy thái độ của Mỹ với các mối quan hệ thương mại không cực đoan như những gì tổng thống Trump tuyên bố. Điều này không đảm bảo quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ nhanh chóng cải thiện, nhưng mức độ căng thẳng có thể dịu bớt. Thị trường có thể bớt đi lo ngại, dù rủi ro vẫn hiện hữu.
Xấu - tốt đan xen
Dù vậy, các nhân tố ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường mới nổi vẫn đang cho thấy sự đan xen tốt - xấu. Việc Fed sớm công bố ý định nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2019 là điều khá bất ngờ. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã lên mức 3,2%, phá vỡ đường xu hướng 37 năm. Điều này theo VDSC thực sự cho thấy dấu hiệu rõ rệt của kỷ nguyên lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ đang đi đến hồi kết.
Lãi suất trái phiếu 10 năm chính phủ Mỹ giai đoạn 1975-2019
Nguồn: Bloomberg.
Tuy nhiên trước mắt, dòng vốn từ Hàn Quốc vẫn đang cho thấy xu hướng chảy vào Việt Nam hết sức mạnh mẽ. Thương vụ đầu tư của SK group vào Masan (MSN) với giá trị hơn 11 nghìn tỷ hồi đầu tháng 10 là một ví dụ điển hình.
Tâm lý thị trường cải thiện
Mặt khác, việc Việt Nam được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng là một tin hỗ trợ rất tích cực, VDSC nói. Bên cạnh đó, thanh khoản dần tăng lên cũng sẽ kích thích những dòng tiền còn chần chờ đứng ngoài thị trường khi mà nhà đầu tư có tâm lý sợ bỏ lỡ sóng cuối năm.
Trong đó, đơn vị này nhấn mạnh lật lại câu chuyện thăng hạng. Chi tiết, ngày 27/9, FTSE Russell đã thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp. Đây là một tin tích cực, sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam không được MSCI thêm vào danh sách xem xét nâng hạng trong đợt review tháng 6.
Được biết, FTSE Russell và MSCI là hai tổ chức lớn nhất cung cấp các chỉ số thị trường toàn cầu được các quỹ ETFs sử dụng rộng rãi trên thế giới. Trong đó, MSCI cung cấp các chỉ số được sử dụng làm chỉ số tham chiếu của 250 quỹ ETFs và FTSE Russell cung cấp chỉ số cho 156 quỹ ETFs.
Lộ trình thăng hạng dự kiến của FTSE
Nguồn: FTSE.
Cuối cùng, các thông tin kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 cũng sẽ là yếu tố quyết định xu hướng thị trường thời gian tới. Phân tích sâu, tỷ giá sau khi tăng mạnh tháng trước đã bình ổn trở lại, lãi suất ngân hàng cũng không biến động mạnh. Như vậy, bức tranh tổng thể hiện đã bớt màu tiêu cực. Trên nền tảng đó, các thông tin KQKD quý 3 sẽ là yếu tố quyết định xu hướng. VDSC cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa dựa theo kết quả kinh doanh này. Về mặt tổng thể, một kết quả tích cực sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng. Tuy nhiên, biên độ sẽ không lớn như đợt sóng hồi đầu năm.
Nhìn chung, đơn vị này nhận định giai đoạn tồi tệ nhất của năm 2018 đã ở lại phía sau. Sau nửa đầu năm kém khả quan, các chỉ số chứng khoán cận biên và mới nổi đang cho thấy đà hồi phục. Thị trường Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Dự báo, ở thời điểm hiện tại, VNIndex dự kiến vẫn nằm trong khoảng 960-1040.
Tri Túc
Theo Trí thức trẻ
Trái phiếu xanh Phát hành trái phiếu xanh vừa có thể huy động được vốn, vừa phát đi thông điệp về ý thức phát triển bền vững. Phát hành trái phiếu xanh vừa huy động được vốn, vừa phát đi thông điệp về ý thức phát triển bền vững. Trong lúc các nhà đầu tư đau đầu vì những dự án xanh, sạch, bền vững thường...