VN-Index giảm hơn 45 điểm
Thị trường chứng khoán trong nước có thêm một phiên giảm mạnh khi các cổ phiếu lớn trên thị trường bị bán tháo, VN-Index và VN30 hiện đều đã giảm trên 5%.
Sau phiên giảm 26,15 điểm (3,12%) đóng cửa ở mức 811,35 điểm hôm qua (11/3) của VN-Index, thị trường chứng khoán trong nước sáng nay (12/3) tiếp tục giao dịch với đà giảm mạnh của hàng loạt chỉ số.
Ngay khi mở cửa, VN-Index trên sàn TP.HCM đã giảm hơn 45 điểm, tương đương 5,6% giá trị, hiện đã giảm về mức 765 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 đến nay.
Tương tự, chỉ số VN30 giảm gần 43 điểm (5,6%) với toàn bộ cổ phiếu trong rổ giảm mạnh, trong đó HDB (HDBank); MWG ( Thế giới Di động); PNJ (Vàng Phú Nhuận), VRE (Vincom Retail) và VPB (VPBank) giảm sàn 7%. Những cổ phiếu khác cũng giao dịch trong tình trạng giảm mạnh 4-5% thị giá.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chứng khoán HNX-Index và UPCOM-Index cũng không tránh được đà sụt giảm khi hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo. Tính đến 9h45, HNX-Index giao dịch ở dưới mức 103 điểm, giảm 2,6% trong khi UPCOM-Index giảm 1,8%.
Phiên giao dịch hôm nay đang trở thành phiên giảm mạnh thứ 2 của thị trường chứng khoán trong nước kể từ năm 2001 đến nay, phiên giảm mạnh trước đó diễn ra vào đầu tuần (9/3) khi VN-Index đóng cửa giảm 6,3%, còn HNX-Index giảm 6,4%.
Video đang HOT
Chỉ số VN-Index từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: Vntradingview.
Xu hướng giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường đang là bán bằng mọi giá khi hàng loạt cổ phiếu giảm liên tục và chạm giá sàn sau 30 phút đầu giao dịch.
Trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE hiện nay, 9/10 cổ phiếu đã gần chạm giá sàn (giảm trên 5%). Trong đó, BID (Ngân hàng BIDV) và MSN (Tập đoàn Masan) đã giảm kịch biên độ 7%, còn lại VIC ( Vingroup) giảm 6,8%; VHM (Vinhomes) giảm 6,4%; VCB (Vietcombank) giuarm 6,5%; GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) giảm 6,6%…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị bán tháo mạnh sáng nay khi chỉ có KLB (Kienlongbank) và SHB (Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội) giữa được sắc xanh, còn lại hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh.
VPB, BID và HBD đang giảm sàn, trong khi VCB; CTG (Vietinbank); TCB (Techcombank)… cũng đang giảm trên 6%.
Tương tự là nhóm cổ phiếu chứng khoán với các đại diện SSI (Chứng khoán SSI); HCM (Chứng khoán TP.HCM); VCI (Chứng khoán Bản Việt); VND (Chứng khoán Vndirect)… đều đang bị bán tháo.
Tính từ cuối tuần trước (8/3) đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm xấp xỉ 120 điểm, tương đương 14% sau 4 phiên giao dịch. Nếu tính trong 1 tháng gần nhất, chỉ số chứng khoán lớn nhất trong nước cũng đã giảm 16% và giảm gần 20% kể từ đầu năm 2020.
Thị trường thế giới đêm qua cũng chứng kiến đà bán tháo mạnh của các nhà đầu tư tại Mỹ, trong đó, ngay sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tại Mỹ có thêm một phiên giảm gần 1.500 điểm, tương đương 5,9% sau thông tin tiêu cực này. Tính trong một tháng qua, chỉ số này đã giảm hơn 20%. Trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite đêm qua cũng giảm xấp xỉ 5%, NYSE Composite giảm 5,2%.
Tương tự là chứng khoán châu Á khi cả Nikkei 225 và Topix Index tại Nhật Bản giảm gần 3%, Hang Seng Index tại Hong Kong giảm 2,3%…
Đáng chú ý, giữa lúc thị trường chứng khoán bị bán tháo, dòng tiền của nhà đầu tư lại không đổ vào vàng khiến thị trường này suy yếu.
Theo Zing.vn
Thị trường chứng khoán chấn động vì dịch Covid-19, giá dầu lao dốc
Trong phiên giao dịch đầu tuần 9/3, thị trường tài chính lao đao khi chứng khoán lao dốc thảm hại vì tác động của dịch Covid-19. Giá dầu cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Theo CNBC, giới phân tích dự báo tại Phố Wall, mọi dấu hiệu cho thấy chỉ số Dow Jones sẽ sụt giảm hơn 1.200 điểm khi mở cửa trong phiên giao dịch 9/3. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đối mặt với khả năng lao dốc tương tự.
Sáng nay, tại châu Á, các thị trường đồng loạt đỏ lửa. Bloomberg cho biết chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) lao dốc tới 5,7%, Topix giảm 5,7%.
Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) hạ 3,85%.Ở Hong Kong, chỉ số Hang Seng bay hơi 4%. Tại Trung Quốc đại lục, giá cổ phiếu tại Thượng Hải và Thâm Quyến sụt từ 1,6-2%.
Giá dầu thô giảm mạnh hơn 30%, trượt mạnh hơn thời điểm chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: Bloomberg.
Tính chung thị trường, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (ngoại trừ Nhật Bản) lao dốc 3,77%.
Giới đầu tư "tháo chạy" khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến các tài sản an toàn hơn. Bloomberg cho biết lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt xuống dưới 0,5%. Lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1%.
Trong khi đó, giá dầu cũng lao dốc thảm hại tới 30% do OPEC không thể đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Giá dầu Brent (Anh) giảm 30% xuống 31,02 USD, thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
GIá dầu WTI (Mỹ) cũng sụt 27% xuống 30 USD/thùng.
Theo Zing.vn
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục đỏ lửa vì virus corona Giá cổ phiếu tại các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc do dịch virus corona chủng mới vẫn diễn biến phức tạp. Theo CNBC, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 2,65% trong phiên mở cửa sáng 6/3, chỉ số Topix sụt 2,82%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt dốc 2,12%. Ở Hong Kong, chỉ số...