Vitamin C và những điều cần biết
Vitamin C có tên quốc tế là acid ascobic được Albert Szent Gyorgyi chiết xuất vào năm 1928, là một vitamin tan trong nước, rất cần thiết cho người và động vật.
Vitamin C chủ yếu có trong thực vật (trong các rau quả tươi), có ít trong động vật, hiện đã tổng hợp được vitamin C hấp thu dễ dàng qua niêm mạc ruột non, phân bố tới hầu hết các mô, đặc biệt tuyến yên, thượng thận, não.
Vitamin C không tích lũy trong cơ thể, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa. Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như xuất huyết, loãng xương… nhưng nếu bổ sung quá nhiều lại gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Nhu cầu và khả năng hấp thu
Với người trưởng thành, làm việc bình thường, nhu cầu vào khoảng 35 – 60mg mỗi ngày. Khi làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao, nhu cầu tăng lên 150 – 180mg. Tuy nhiên, nhu cầu vitamin C tăng lên rất cao ở những người cao tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, người bị nhiễm khuẩn, nhiễm virut, hút thuốc lá, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, ung thư, đái tháo đường…
Vitamin C là vitamin tan trong nước, chủ yếu có trong thực vật (trong các rau quả tươi), có ít trong động vật, hiện đã tổng hợp được, hấp thu dễ dàng qua niêm mạc ruột non, phân bố tới hầu hết các mô, đặc biệt tuyến yên, thượng thận, não. Nó không tích lũy trong cơ thể, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa.
Đối với vitamin C dược phẩm, khả năng hấp thu phụ thuộc vào liều lượng đưa vào, khả năng hấp thu đạt 100% với liều 30 – 60mg, nhưng khả năng hấp thu giảm dần với liều cao hơn. Những người có bệnh đường tiêu hóa, đái tháo đường.. khả năng hấp thu sẽ giảm.
Vai trò của vitamin C
Video đang HOT
Vitamin C có vai trò rất quan trọng với cơ thể như tham gia tạo colagen và một số thành phần tạo nên các mô liên kết ở cơ, da xương, mạch máu; tham gia vào các quá trình chuyển hóa của cơ thể như protid, lipid, glucid; tham gia vào quá trình tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận; tăng tạo interferon, làm giảm nhạy cảm của cơ thể với histamin chống stress nên giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể; kết hợp với vitamin A, vitamin E chống ôxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do sản sinh ra từ các phản ứng chuyển hóa, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào; đặc biệt vitamin C có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thu sắt của cơ thể, vì khi vào trong cơ thể chỉ có sắt hóa trị 2 dễ dàng được hấp thu, còn sắt hóa trị 3 muốn được hấp thu phải được chuyển thành hóa trị 2, mà quá trình chuyển này cần có sự xúc tác của vitamin C nên nếu thiếu vitamin C sẽ dễ gây thiếu máu do thiếu sắt, do vậy khi uống viên sắt cần uống kèm với vitamin C. Ngoài ra, vitamin C còn làm tăng tỷ lệ hấp thu calci vào cơ thể, tăng mật độ xương cột sống và cổ xương đùi, giảm các triệu chứng đau loạn dưỡng do phản xạ.
Nếu thiếu vitamin C, tùy theo mức độ thiếu và thời gian thiếu mà có thể gặp một số bệnh như mệt mỏi, yếu thành mạch, chậm lành vết thương, viêm lợi, chảy máu chân răng, xơ vữa động mạch, đục thủy tinh thể, viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, dễ làm gãy xương ở người già và phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Tuy nhiên cần lưu ý, nếu dùng vitamin C liều cao liên tục, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn như loét dạ dày, tá tràng; viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận và gây bệnh gút, có thể gây ra hiện tượng ức chế ngược nếu ngừng đột ngột.
Tốt nhất là uống ngay sau khi ăn, chia làm nhiều lần trong ngày, không uống vào buổi tối vì gây mất ngủ. Không sử dụng liều cao cho các bệnh nhân có tiền sử sỏi thận, thiếu hụt G6PD, người có bệnh thalasemi.
Vài điểm cần chú ý ở trẻ em
Trong cơ thể chúng ta, nhất là cơ thể trẻ em, chỉ cần một lượng vitamin nói chung và vitamin C nói riêng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của trẻ nhỏ.
Điều đáng lưu ý là vitamin C rất không bền, dễ hòa tan trong nước và dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao cho nên những thức ăn được chế biến sẵn hoặc để lâu ngày đều bị mất vitamin C; bên cạnh đó vitamin C là vitamin tan trong nước nên không tích lũy trong cơ thể, vì vậy nó cần được cung cấp hàng ngày.
Cách cung cấp vitamin C tốt nhất cho cơ thể nói chung và cho cơ thể trẻ em nói riêng là thông qua ăn uống, vì nó có rất nhiều trong rau xanh, củ quả tươi như cam, cà rốt, cà chua… nhưng với điều kiện là hoa quả phải còn tươi và cần cho trẻ ăn nhiều loại rau quả khác nhau.
Đối với bà mẹ đang cho con bú cần ăn nhiều rau quả hơn để tăng lượng vitamin C qua sữa, nếu người mẹ không đủ sữa hoặc nuôi con bằng sữa ngoài cần phải bổ sung nguồn vitamin C bằng hoa quả tươi, nếu trẻ không chịu ăn nhiều thì có thể cân nhắc sử dụng viên vitamin C, nhưng khi sử dụng các thuốc này nhất thiết cần có ý kiến của các chuyên gia y tế.
TheoThS. Nguyễn Thu Hiền
SKĐS
6 tác hại khi sử dụng thuốc giảm đau
Mỗi ngày có hơn 36 triệu người sử dụng các chế phẩm thuốc giảm đau, bao gồm cả những loại thuốc kê toa và không cần kê toa.
Cẩn thận khi dùng Aspirine liều cao để giảm đau - Ảnh: T.L.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Các bệnh tiêu hóa (Hoa Kỳ), phần lớn những người sử dụng các chế phẩm giảm đau không những sử dụng sai phương pháp mà còn không để ý đến những tác dụng phụ của các loại thuốc này. Sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi đã đưa đến 103.000 trường hợp nhập viện và 16.500 trường hợp tử vong (nghiên cứu thực hiện năm 2005). Vì vậy, nếu sử dụng thuốc giảm đau dài hạn, người dùng thuốc cần đặc biệt quan tâm đến những tác dụng phụ sau đây:
1. Viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa
Khi sử dụng liều cao Aspirine và những loại thuốc kháng viêm không steroidal (non - steroidal anti - inflammatory drugs - NSAIDS) có thể gây tổn hại các màng nhầy ở dạ dày và hệ tiêu hóa trên tạo nên sự viêm loét, xuất huyết ở hệ tiêu hóa. Sự lở loét đường tiêu hóa thường gây ói mửa, sụt cân, những trường hợp nghiêm trọng cần được can thiệp bằng phẫu thuật. Sử dụng liều cao ibuprofen trong ba ngày có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, đau dạ dày...
2. Nghiện thuốc
Nhiều bác sĩ đã kê cho bệnh nhân những thuốc giảm đau hạng nặng như hydrocodone trong những trường hợp đau mãn tính hoặc đau kéo dài. Điều không may là những thuốc giảm đau này sẽ gây nghiện, nhất là những người sử dụng thuốc trong thời gian dài. Theo Cơ quan Quản lý lạm dụng chất nghiện và sức khỏe tâm thần (Mỹ), có khoảng 6 triệu người Mỹ bị nghiện những thuốc giảm đau loại này.
3. Huyết áp cao
Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu phụ nữ sử dụng những loại thuốc giảm đau không chứa Aspirine sẽ tăng khả năng bị cao huyết áp gấp hai lần. Riêng Aspirine thì chưa có bằng chứng gây cao huyết áp ở phụ nữ.
4. Gãy xương
Một nghiên cứu thực hiện trong năm nay được đăng tải trên chuyên san General Internal Medicine cho thấy nhóm thuốc giảm đau opioids có thể làm tăng tần suất gãy xương ở người trên 60 tuổi, nhất là khi sử dụng nhóm thuốc này với liều lượng lớn hơn 50mg.
5. Tổn thương gan
Những loại thuốc giảm đau chứa paracetamol có thể làm tổn thương gan một cách nghiêm trọng nếu dùng sai cách. Triệu chứng của một lá gan bị tổn thương bao gồm chán ăn, buồn nôn, nếu không được điều trị đến nơi đến chốn có thể làm suy gan, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, những rủi ro cho gan sẽ được giảm nếu không sử dụng thuốc giảm đau hơn liều đã được chỉ định hoặc thời gian quá dài hơn chỉ dịnh.
6. Tổn thương thận
Paracetamol và ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc được sử dụng bởi những người đã có "tiền án" về thận. Vì vậy phải tuyệt đối dùng theo chỉ định của thầy thuốc.
Ds NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG
(ĐH Dược Murdoch, Úc)
Theo Tuổi trẻ
Cạo gió không đúng chỗ sẽ chết? Cùng với nồi xông, bát cháo giải cảm, đánh gió... cạo gió là một trong những phương pháp chữa bệnh độc đáo được lưu truyền lâu đời trong dân gian. Cho đến nay, mặc dù chưa có công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ nào đánh giá tác dụng của phương thức trị liệu này và y học hiện đại cũng còn...