VISecurities: Cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp
PE trung bình của ngành ngân hàng tính đến cuối quý III ở mức 11-12. VISecurities nhận định khi tín hiệu vĩ mô ổn định trở lại, ngân hàng sẽ là nhóm ngành tiên phong dẫn đầu thị trường hồi phục.
Theo Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá thấp. Ngân hàng là ngành dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại nhưng PE trung bình chỉ ở mức 11-12 và P/BV vẫn ở mức chấp nhận 1,5.
Tổng hợp từ 18 ngân hàng niêm yết trong 10 năm gần nhất cho thấy 2012 – 2015 là giai đoạn khó khăn nhất, EPS cả ngành dưới 1.300 đồng. Kể từ 2016, hoạt động ngân hàng đã có những bước khởi sắc dù đang vào cao điểm xử lý nợ xấu. Chỉ sau hai năm, EPS chung của ngành đã trở lại mức trên 2.000 đồng và năm nay EPS của ngành đã vượt lên cao nhất 2.300 đồng trong 10 năm.
Đối với các ngân hàng trong giai đoạn đang từng bước dần hoàn thiện tiêu chuẩn Basel II thì bài toán vừa kiếm lợi nhuận đạt EPS cao trong khi phải cân đối bài toán giữ nợ xấu ở mức an toàn đi đôi với việc phải tăng vốn khá nan giải.
Chưa kể chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay bị siết lại theo chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN những tháng cuối năm càng làm các ngân hàng phải tìm các nguồn thu khác bên cạnh nguồn thu truyền thống tín dụng. Các hoạt động mới về dịch vụ, ngoại hối, trái phiếu, bảo hiểm đang được các ngân hàng chạy đua cạnh tranh và hứa hẹn bức tranh ngành trong các năm tiếp theo sẽ còn rất nhiều điều đáng bàn. Ngoài yếu tố mạng lưới lớn, sâu rộng thì ngân hàng nào có chất lượng tín dụng an toàn, quản trị rủi ro tốt, đón đầu công nghệ sẽ nhanh chóng vươn lên thành các tổ chức lớn trong tương lai.
Lưu ý cho đến hiện tại các ngân hàng vẫn đang gia tăng vốn cấp 1 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại như BID, VCB hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bức tranh EPS các ngân hàng sẽ có nhiều khác biệt sau quý IV năm nay.
Về Book Value (BV) trung bình, thống kê của VISecurities cho thấy các ngân hàng niêm yết giữ từ mức 12.300 đồng thời điểm 2008 trong suốt 7 năm và vượt lên 13.000 đồng từ năm 2016. Đỉnh cao nhất của các ngân hàng là năm 2017 với Book Value trên 14.500 đồng. Tính đến quý III năm nay giá trị BV giảm nhẹ một chút nhưng không đáng kể do hoạt động tăng vốn chủ sở hữu lên quá nhanh.
Video đang HOT
Giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn mang tính dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay. Chính nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng mà chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm nhưng sau khi các cổ phiếu ngân hàng mất động lực thì thị trường lao dốc mạnh. Thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm 10 – 30% so với đỉnh giá cao nhất trong năm và nếu so với đầu năm thì giá nhiều cổ phiếu còn thấp hơn.
Theo VISecurities, khi sự lạc quan đi qua và những lo ngại về khó khăn trở lại với ngành ngân hàng tiềm ẩn năm 2019 đã làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Một nguyên nhân khác là những tác động rất lớn từ thị trường quốc tế đã phần nào làm chệch hướng đi của nhiều ngân hàng và buộc phải thay đổi chiến lược.
Những vấn đề khó khăn nhất về vĩ mô thể hiện ở tỷ giá, lãi suất, CPI đã được kiểm soát khá thành công trong năm nay. Một giả định nếu các vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung được giải quyết hay ít nhất một thỏa thuận đẹp lòng hai bên là cán cân thương mại bớt thâm hụt về phía Mỹ sẽ là một điểm tích cực với Việt Nam khi không còn áp lực căng thẳng về tỷ giá kéo theo nhiều vấn đề hệ lụy khác.
Tổng kết lại, khi tín hiệu vĩ mô ổn định trở lại, VISecurities cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm ngành tiên phong dẫn đầu thị trường trở lại.
Theo Thùy Yên
Người đồng hành
Tín dụng giảm tốc, hàng loạt ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ đâu?
Mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó và các ngân hàng đang hưởng lợi từ tỷ lệ NIM tăng nhờ lãi suất nhìn chung tăng.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà băng vẫn chưa công bố BCTC quý II/2018. Tuy nhiên, theo con số sơ bộ mà một số ngân hàng đã công bố thì nhiều khả năng 2018 sẽ tiếp tục là một năm "ăn nên làm ra" của các nhà băng.
Với lợi thế quy mô vốn cũng như tài sản, hiện Vietcombank đang tạm thời dẫn đầu lợi nhuận trong toàn hệ thống khi 6 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế (LNTT) lên tới 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 55,2% kế hoạch năm 2018.
Trong khi đó, một ngân hàng tầm trung là VIB cũng báo lãi trước thuế 1.151 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Đóng góp quan trọng nhất vào sự tăng trưởng lợi nhuận của VIB là hoạt động ngân hàng bán lẻ, với doanh thu tăng 100% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, riêng quý II, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 512 tỷ đồng.
TPBank cho biết, có được kết quả này, bên cạnh việc tăng thu từ tín dụng thì có phần đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm cũng có mức tăng trưởng rất khả quan, đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng.
Đây là tín hiệu cho thấy mùa kết quả kinh doanh khả quan cho ngành ngân hàng trong năm nay.
Tín dụng giảm tốc nhưng nhiều yếu tố khác hỗ trợ
Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,88% trong khi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoài là 9,06%.
Việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái phản ánh quan điểm thận trọng hơn của NHNN đối với cung tiền M2 và cho vay mới do lạm phát đang tăng tốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó và các ngân hàng đang hưởng lợi từ tỷ lệ NIM tăng nhờ lãi suất nhìn chung tăng.
Ngoài ra, các dòng thu nhập ngoài lãi tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và thị trường chứng khoán khởi sắc trong quý I cũng như việc bán 1 phần danh mục trái phiếu Chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có đóng góp từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ; ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ chuyển nhượng cổ phần tại các ngân hàng khác như trong trường hợp của Vietcombank; hay đóng góp từ các thương vụ đại lý bảo hiểm như trong trường hợp của VPBank, Techcombank; mở rộng mảng tài chính tiêu dùng với sự gia nhập của những tên tuổi mới như MBB và chi phí dự phòng giảm khi nhiều ngân hàng hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và nợ xấu tồn đọng.
Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng, hệ số CAR thấp và tỷ trọng rủi ro cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận trong một số trường hợp nhất định.
Đối với các ngân hàng với hệ số CAR thấp như BIDV và Vietinbank phải cẩn thận đối với việc mở rộng cho vay. Trong khi đó các ngân hàng với tỷ trọng cho vay bất động sản cao như Techcombank sẽ đã phải giảm bớt tốc độ mở rộng của phân khúc cho vay này khi mà tỷ trọng cho vay bất động sản của Techcombank đã tăng kể từ đầu năm nay.
Một trở ngại khác đối với các ngân hàng là quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% tối đa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên bất chấp những khó khăn này, các ngân hàng vẫn đang hoạt động rất tốt, phản ánh ở chất lượng tài sản và công tác quản lý rủi ro tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy chi phí dự phòng giảm và tỷ lệ nợ xấu ổn định và ở mức thấp.
Ngoài ra, cơ cấu lợi nhuận ngân hàng linh hoạt hơn nhờ đóng góp từ các dòng thu nhập ngoài lãi cao hơn và phí dịch vụ ngân hàng tăng trong khi đóng góp từ các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm và tài chính tiêu dùng (ở các ngân hàng cỡ trung) cũng được mở rộng.
Theo đó, HSC dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng sẽ tăng dao động từ 8%-150% so với cùng kỳ và do đó hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm.
Theo Trần Thúy
Đã có ngân hàng được nới "room" cho vay Đã có ngân hàng thương mại được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20% trong bối cảnh tín dụng của hệ thống tăng chậm hơn so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng ông vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14%...