Visa và MasterCard thu ‘phí chồng phí’
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Visa và MasterCard đề nghị hai tổ chức thẻ quốc tế này miễn, giảm một số loại phí trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ( VNBA), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại Việt Nam, trong đó có hoạt động kinh doanh thẻ.
Trên cơ sở phản ánh của các ngân hàng, VNBA đề nghị 2 tổ chức thẻ quốc tế chiếm thị phần lớn này xem xét miễn, giảm một loạt phí để hỗ trợ các ngân hàng trong nước ít nhất trong vòng 12 tháng tới. Về lâu dài, 2 tổ chức này cũng cần xem xét có chính sách phí phù hợp để hỗ trợ thị trường Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
Lý giải đề nghị Visa và MasterCard miễn, giảm phí của mình, VNBA cho biết, trong cơ cấu phí thu của 2 tổ chức này, phí xử lý giao dịch chiếm phần lớn. Trong đó, loại phí này vừa thu theo số lượng giao dịch vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng phí chồng phí đối với 1 giao dịch.
VNBA dẫn ví dụ, trên 1 giao dịch thẻ, Visa và MasterCard có thể thu các loại phí như phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ và các loại phí khác theo giao dịch…
Vì vậy, cơ quan này đề nghị 2 tổ chức thẻ quốc tế nói trên xem xét giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch trong vòng 12 tháng tới đối với tất cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành (bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến qua các cổng thanh toán quốc tế).
VNBA cho rằng Visa và MasterCard đang thu nhiều loại phí không hợp lý. Ảnh: V.S.
Đồng thời, áp dụng cơ chế thu 1 loại phí đối với 1 giao dịch, chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch để hạn chế tình trạng phí chồng phí. Ngoài ra, chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí với giao dịch lỗi.
VNBA cũng đề xuất ngân hàng thanh toán phải trả phí cho ngân hàng phát hành với phí trao đổi. Theo đó, do mức phí trao đổi các tổ chức thẻ quốc tế thu cao nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng. Ngoài ra, dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh dẫn đến việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi. Dẫn tới không có doanh thu từ phí thanh toán nhưng vẫn phải tiếp tục chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống và trả phí trao đổi rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ.
Vì vậy, hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard giảm mức phí trao đổi nói trên cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ dịch bệnh. Trong đó, miễn phí với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ, không phải là các đơn vị kinh doanh dịch vụ (nhóm ngành thiết bị y tế, bệnh viện, trường học, nhóm ngân sách, chi tiêu công, viễn thông). Giảm 50% phí với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ (khách sạn, du lịch, ăn uống, vận tải) và các nhóm ngành khác (siêu thị, điện máy).
Video đang HOT
Ngoài ra, VNBA cũng đưa ra loạt giải pháp dài hạn để Visa và MasterCard hỗ trợ thị trường thẻ trong nước (được xếp vào nhóm thị trường mới phát triển). Trong đó, giảm 50% phí xử lý giao dịch so với mức thu hiện tại (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch) và miễn thu với các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ và phí bảo trì hàng tháng…
Theo số liệu từ VNBA, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã giảm mạnh. Tính đến tháng 3, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ.
Doanh số thanh toán thẻ cũng giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu tháng 4, doanh số thanh toán bình quân đã giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3 liền trước.
Tại nhiều đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch… doanh số thanh toán trong tháng 3 đã giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong các tháng tới.
Quang Thắng
Giao dịch thẻ chịu cả "rừng phí", các ngân hàng Việt Nam kiến nghị Visa, MasterCard hỗ trợ cắt giảm
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard - hai tổ chức thẻ quốc tế chiếm thị phần lớn, đề xuất miễn, giảm các loại phí cho ngân hàng Việt Nam.
Doanh số sử dụng thẻ giảm mạnh
Theo Hiệp hội, dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng.
Đối với mảng phát hành, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với mảng thanh toán, doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020. Doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3/2020.
Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4/2020 và các tháng tới.
Trong khi doanh số phát hành và thanh toán giảm mạnh, các ngân hàng lại chịu nhiều loại phí từ Visa và MasterCard. Do đó, các ngân hàng thành viên Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị với Visa và MasterCard cần xem lại chính sách phí phù hợp với thị trường thẻ Việt Nam.
Trước mắt, cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam (ít nhất áp dụng cho 12 tháng). Về lâu dài, cần xem xét có chính sách phí phù hợp để hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
Trong đó, đối với các giải pháp trước mắt cần giảm phí xử lý giao dịch, phí trao đổi.
Mỗi giao dịch chịu cả "rừng phí"
Cụ thể, đối với phí giao dịch, Hiệp hội cho biết, trong cơ cấu thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu, bao gồm rất nhiều loại phí: vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn tới tình trạng thu phí chồng phí với một giao dịch.
Đơn cử, với một giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như: phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Viêt Nam, phí dịch vụ... và nhiều loại phí khác.
Chính vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị, Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành.
Đồng thời, cần áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Mỗi giao dịch thẻ Visa, MasterCard tại Việt Nam đang chịu rất nhiều loại phí khác nhau
Đối với phí trao đổi (interchange) ngân hàng thanh toán phải trả ngân hàng phát hành, hiện nay, do mức phí trao đổi các tổ chức thẻ quốc tế thu cao nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng.
Dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, dẫn đến việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi - không có doanh thu từ phí thanh toán trong khi đó vẫn phải tiếp tục chịu chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán thẻ và trả phí trao đổi rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ quốc tế.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard giảm mức phí trao đổi cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ dịch bệnh.
Cụ thể, đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, không phải là các đơn vị kinh doanh dịch vụ (nhóm ngành thiết bị y tế, bệnh viện, trường học, nhóm ngân sách, chi tiêu công, viễn thông), Hiệp hội đề nghị miễn phí interchange. Đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ và các nhóm ngành khác, đề nghị giảm 50% phí interchange.
Với phí trao đổi tại thị trường châu Âu, từ tháng 10/2019, các tổ chức thẻ quốc tế phân biệt đối xử việc thu phí trao đổi cho khu vực EU và UK (EEA), việc này thiếu công bằng giữa các nước trong khu vực EEA và Việt Nam. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard xem xét giảm 70% phí xử ký giao dịch mà các tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng phát hành thẻ Visa, MasterCard tại Việt Nam để bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của chính sách giảm interchange tại khu vực này.
Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hiện Visa và MasterCard đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu quá nhiều loại phí đối với một loại giao dịch. Theo thống kê trung bình, các ngân hàng thanh toán đang phải trải cho Visa, MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch. Trong khi đó, mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Chính vì vậy, Hiệp hội đề nghị, Visa và Master cần rà soát, điều chỉnh chính sách phí dài hạn nhằm hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam.
Cụ thể, đối với phí trả cổng thanh toán, đề nghị giảm 50% phí xử lý giao dịch (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch) và miễn phí đối với các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng thanh toán và phí bảo trì hàng tháng.
Đối với chính sách thu phí, Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng trong việc dễ dàng theo dõi tình hình thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế.
Đồng thời, có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, giảm bớt mức phí để phù hợp với mức phí của tổ chức chuyển mạch thẻ.
Linh Nhật
Lộ diện câu lạc bộ ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ Trong khi năm 2018 mới chỉ có 2 ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng thì năm 2019 ghi tên 7 nhà băng. Chưa ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính năm 2019, nhưng đến thời điểm hiện tại, danh sách những ngân hàng lợi nhuận top đầu đã hiện ra khá rõ ràng. Trong đó, "câu lạc bộ" lãi trên...