Virus gây đậu mùa khỉ đột biến với tốc độ chưa từng có
Các nhà nghiên cứu đậu mùa khỉ cho biết virus gây bệnh đang đột biến với tốc độ chưa từng có, nhanh hơn nhiều lần so với ước tính trước đó, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Medicine.
Những triệu chứng của đậu mùa khỉ. Ảnh AFP/GETTY
Báo cáo ghi nhận trung bình khoảng 50 đột biến xuất hiện trong các mẫu sinh phẩm thu thập trong năm nay. Con số này cao hơn nhiều lần so với tính toán của các nhà khoa học là chỉ tối đa 10 đột biến.
Để rút ra kết luận trên, một nhóm các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đã phân tích mẫu giải trình tự gien đầu tiên của virus gây đậu mùa khỉ được công bố hôm 20.5. Họ cũng xem xét 14 mẫu giải trình tự gien khác trước ngày 27.5.
Tổng cộng họ phát hiện khoảng 50 biến thể di truyền ở virus, cao gấp từ 6 đến 12 lần so với các nghiên cứu trước đó về chi virus đậu mùa.
Dựa trên tốc độ đột biến, đội ngũ chuyên gia cho rằng có lẽ con người đang đối diện một trường hợp của “tiến hóa tăng tốc”.
Ông João Paulo Gomes, đồng tác giả và người đứng đầu Đơn vị Hệ gien học và Thông tin sinh học thuộc Viện Y tế Quốc gia Bồ Đào Nha, nói rằng con số đột biến ở virus đậu mùa khỉ vượt ngoài dự đoán của giới khoa học.
“Virus đậu mùa khỉ gây dịch năm 2022 nhiều khả năng là hậu duệ của virus trong đợt bùng dịch ở Nigeria năm 2017. Vì thế các chuyên gia cho rằng lẽ ra họ chỉ ghi nhận từ 5 đến 10 đột biến chứ không phải con số khoảng 50 đột biến như hiện nay”, ông Gomes chia sẻ với Tạp chí Newsweek.
WHO muốn đặt tên mới thay cho đậu mùa khỉ
Hiện nỗ lực nghiên cứu được tăng tốc nhằm tìm hiểu liệu phiên bản virus năm 2022 phải chăng được tăng cường năng lực lây lan hay không.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận hơn 3.500 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ?
Cùng là virus đậu mùa nhưng có bệnh gọi là đậu mùa, có bệnh lại là đậu mùa khỉ?
Theo chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu trên khỉ vào năm 1958. Ca đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Bệnh cũng có liên quan tới bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ năm 1980 nhưng triệu chứng nhẹ, khó lây và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn.
Sở dĩ được gọi là đậu mùa khỉ mà không phải tên gọi nào khác là vì bệnh ban đầu phát hiện từ năm 1958 khi 2 ổ dịch giống với đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng thí nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, khỉ có thể không phải là tác nhân gây bùng phát dịch và nguồn lây của căn bệnh này hiện nay vẫn chưa rõ.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ nhìn qua kính hiển vi. (Ảnh: CDC Mỹ)
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ
Thời kỳ ủ bệnh đậu mùa khỉ (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Bệnh thường kéo dài 2-4 tuần, các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể 5-21 ngày sau khi nhiễm virus.
Người bị bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng khởi phát ban đầu như sốt, đau cơ, đau lưng, nhức đầu, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết...
Khi sốt, bệnh nhân sẽ phát ban mẩn ngứa sau 1-3 ngày. Mụn mủ thường bắt đầu trên mặt sau đó lan ra nhiều bộ phận khác. Số lượng mụn mủ có thể là vài nốt cho tới vài nghìn nốt. Sau đó, số mụn mủ này sẽ vỡ ra rồi đóng vảy trước khi biến mất.
Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Bàn tay của người bị bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: CDC)
Điều trị đậu mùa khỉ thế nào?
Đậu mùa khỉ hiện có 2 chủng, 1 chủng ở Tây Phi và chủng ở Congo. Chủng ở Congo nặng hơn chủng ở Tây Phi. Theo thống kê, các bệnh nhân mắc đậu mùa chủng Tây Phi phần lớn và nhẹ với tỷ lệ tử vong khoảng 1%. Trong khi đó, chủng ở Congo thường nặng hơn và có tỷ lệ tử vong lên tới 10%.
Theo các chuyên gia, thông thường, bệnh đậu mùa khỉ lành tính, lây lan hạn chế và có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống virus để hạn chế sự lây lan và giảm nguy cơ bệnh nặng.
Bệnh đậu mùa khỉ hiện không có vaccine phòng ngừa, nhưng theo chuyên gia, vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả lên tới 85% trước đậu mùa khỉ. Chính vì vậy, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa ngay khi có cơ hội.
Ngoài ra, do lây lan qua con đường tiếp xúc gần nên cách tốt nhất để phòng ngừa đậu mùa khỉ là thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, khử khuẩn bề mặt và cách ly khi có triệu chứng...
Các ống xét nghiệm của người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
Theo Bộ Y tế, để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ người dân cần lưu ý.
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
WHO bỏ phân loại quốc gia bệnh đặc hữu với đậu mùa khỉ Ngày 18/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu trong dữ liệu của mình về bệnh, nhằm thống nhất phản ứng tốt hơn đối với loại virus này. Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện...