Virus corona có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng tới 9 ngày
Trung bình loại virus này chỉ có thể sống sót bên ngoài vật chủ trong khoảng 4-5 ngày, nhưng nhiệt độ thấp và độ ẩm không khí cao sẽ làm tăng thêm tuổi thọ của chúng – các nhà khoa học cho biết.
Chủng virus corona mới, dẫn đến cái chết của hơn 700 người ở Trung Quốc, có thể tồn tại trên bề mặt các vật dụng tới 9 ngày và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này – các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Trung bình, loại virus này chỉ có thể sống sót bên ngoài vật chủ trong khoảng từ 4 đến 5 ngày – theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Hospital Infection.
“ Nhiệt độ thấp và độ ẩm không khí cao làm tăng thêm tuổi thọ của chúng” – giáo sư Gunter Kampf từ Viện Vệ sinh dịch tễ môi trường, Đại học Y Greifswald, Đức, giải thích.
Các nhà khoa học nói virus corona có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng tới 9 ngày. (Ảnh: stock.adobe.com)
Cùng với giáo sư Eike Steinmann, Trưởng Khoa Virus Phân tử và Y học tại Ruhr-Universitat Bochum (RUB) ở Đức, ông Kampf đã tổng hợp các phát hiện từ 22 nghiên cứu về virus corona và khử hoạt tính của chúng cho một cuốn sách giáo khoa trong thời gian tới.
Các nghiên cứu tập trung đánh giá mầm bệnh SARS (Hội chứng virus corona cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông). Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng những phát hiện này cũng đúng với chủng virus corona mới.
“ Các chủng virus corona khác nhau đã được phân tích và kết quả đều giống nhau” – ông Steinmann nói.
“ Trong mọi trường hợp, cách tiếp cận tốt nhất là công bố rộng rãi những sự thật khoa học đã được xác minh này, để tất cả đều nắm được thông tin” – ông Steinmann nói thêm.
Làm thế nào để phòng ngừa?
Hiện vẫn chưa có liệu pháp đặc hiệu chống lại chủng virus corona mới, do đó việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch.
Giống như tất cả các bệnh lây nhiễm qua đường giọt bắn, virus có thể lây lan qua tay và các bề mặt vật dụng thường xuyên chạm vào.
“ Trong bệnh viện, đó có thể là tay nắm cửa chẳng hạn, nhưng cũng có thể nút bấm gọi nhân viên y tế, kệ đầu gường và các vật dụng khác gần bệnh nhân, thường được làm bằng kim loại hoặc nhựa” – ông Kampf nói.
Các thử nghiệm với các giải pháp khử trùng khác nhau cho thấy các dung dịch như ethanol (cồn), hydro peroxide (oxy già) và natri hypochlorite (nước javen) có hiệu quả chống lại virus corona.
Video: Cách đeo khẩu trang y tế đúng cách để phòng virus nCoV.
Nếu các dung dịch này được áp dụng ở nồng độ thích hợp, chúng sẽ làm giảm số lượng virus corona xuống khoảng 4 nghìn lần trong khoảng 1 phút: điều này có nghĩa là, ví dụ, từ 1 triệu xuống chỉ còn 100 hạt gây bệnh.
“ Về nguyên tắc, điều này là đủ để giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh” – ông Kampf nói.
VĂN ĐỨC (Nguồn: TIME)
Theo vtc.vn
Bác sĩ nhiễm virus corona ở tâm dịch Vũ Hán
Cầm tờ kết quả chụp CT, bác sĩ Hu Sheng lập tức hủy bữa tất niên với gia đình. Đó là ngày 24/1, sau hai tuần chống dịch, anh bị viêm cả hai bên phổi.
Khi tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân có cùng triệu chứng, anh biết chắc chuyện gì đã xảy ra với bản thân. Hu là một trong số hàng chục bác sĩ ở Vũ Hán đã bị nhiễm loại virus mà họ cố gắng kiểm soát.
Hu Sheng là một chuyên gia hô hấp, lần đầu tiếp xúc với dịch bệnh hôm 8/1. Bệnh viện Nhân dân số 3 tỉnh Hồ Bắc, cử anh tới hỗ trợ đồng nghiệp ở khoa ngoại trú khám chữa các trường hợp đột ngột sốt cao và viêm phổi. Bệnh viện nằm cách chợ bán buôn hải sản Nam Trung Quốc, nơi xuất hiện những ca nhiễm nCoV đầu tiên từ tháng 12/2019, chỉ bảy km.
Số bệnh nhân tăng vọt khiến bác sĩ ở khoa ngoại trú phải trực 24 tiếng liên tục và khám chữa 100 bệnh nhân mỗi ngày, gấp đôi ngày thường. Hu ước tính trong số này, 60% bị viêm phổi.
Hu Sheng mang đầy đủ đồ bảo hộ và luôn luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân. Hai tuần trôi qua, anh bắt đầu mệt mỏi và ho. Ban đầu, nam bác sĩ tưởng rằng mình làm việc quá sức nhưng vẫn đi chụp CT. "Tôi có một đứa con ba tuổi và bố mẹ già yếu. Tôi phải hết sức thận trọng", Hu cho biết.
Nỗi lo của Hu đã trở thành sự thật. "Tôi cố gắng lý giải tại sao mình lại nhiễm bệnh. Có lẽ là do tôi không đeo găng tay bảo vệ", anh nói.
Bác sĩ Hu Sheng làm việc ở Bệnh viên Nhân số Ba tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán, ngày 20/1. Ảnh: Bệnh viên Nhân số Ba tỉnh Hồ Bắc.
Đến cuối tháng 1, thêm nhiều bác sĩ dương tính với nCoV. Các bệnh viện ở Vũ Hán tăng cường các biện pháp bảo vệ. Đội ngũ y tế phải mặc đồ bảo hộ chống độc toàn thân bao gồm quần áo, khẩu trang, kính.
Tuy nhiên, nỗi lo nhiễm bệnh vẫn đè nặng lên các bác sĩ trẻ như Ye Liwen. Cô vừa được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân số 3 ngày 4/1. Nữ bác sĩ 27 tuổi mới hành nghề được sáu tháng. Để bố mẹ đỡ lo lắng, cô không giấu luôn việc mình đang ở tâm dịch.
Chỉ trong vài ngày, Ye xuất hiện triệu chứng đau ngực. May mắn, kết quả chụp CT cho thấy cô không bị viêm phổi. "Cơn đau có lẽ đến từ lo lắng", Ye giãi bày. "Ai có thể không căng thẳng khi làm việc trong môi trường như thế, tiếp nhận quả nhiều bệnh nhân sốt cao và chứng kiến đồng nghiệp gục ngã".
Bác sĩ Ye Liwen tư vấn cho bệnh nhân ngày 1/2. Ảnh: Bệnh viên Nhân số Ba tỉnh Hồ Bắc.
Giám sát của Ye, một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm hơn, phát hiện dương tính với virus cùng ngày Ye nhận kết quả khám. Ít nhất hai bác sĩ khác và nhiều y tá trong nhóm của Ye cũng mắc bệnh. Nhân sự vì thế liên tục xáo trộn.
Một số bác sĩ ở Vũ Hán lo lắng về sức khỏe của các thành viên trong gia đình, sợ rằng họ sẽ vô tình truyền bệnh cho thân nhân dù nCoV chủ yếu chỉ nguy hiểm với người già hoặc có sẵn vấn đề sức khỏe nào đó.
Từ ngày sang làm ở khoa ngoại trú, Hu đã chuyển đến nơi ở khác, cách xa gia đình. Trong khi đó, vợ anh, cũng là bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân sốt mỗi ngày, vẫn ở cùng con. "Tôi dặn đi dặn lại cô ấy phải cẩn thận nhưng vẫn không yên tâm", Hu thừa nhận.
Chẩn đoán nCoV vẫn là thách thức ở Vũ Hán. Nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng các bộ dụng cụ xét nghiệm không đủ dùng. Zhang Xiaochun, bác sĩ hô hấp ở Bệnh viện Trung Nam thì khuyên người dân nên chụp CT.
"Nhiều bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng rõ ràng lúc mới nhiễm virus. Kết quả chẩn đoán của họ vì thế là âm tính", Zhang nói.
Bên cạnh đó, Zhang lo ngại rằng việc các cơ sở y tế đề nghị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tự theo dõi ở nhà sẽ trầm trọng hóa dịch viêm phổi. Những đối tượng này dễ lây cho gia đình và cả các nhân viên y tế khi họ tới bệnh viện khám hoặc lấy thuốc.
"Bệnh nhân cần được cách ly ở trường học và khách sạn ngay lập tức nếu kết quả CT cho thấy họ bị nhiễm trùng phổi. Chúng ta cũng cần đội ngũ tình nguyện viên để đưa thuốc cho bệnh nhân", Zhang nói thêm.
Đối với Hu, nỗi sợ hãi đang lan rộng khắp Vũ Hán cũng khiến tình tình tồi tệ hơn. Người dân đổ xô đến bệnh viện ngay lúc sốt dẫn đến tình trạng quá tải và càng tăng thêm số ca mắc bệnh do lây nhiễm chéo. "Bạn có thể mắc bệnh chỉ vì đi khám khi chưa cần thiết", Hu giải thích.
Dù Bệnh viện số Ba đảm bảo mọi bác sĩ nhiễm virus chỉ trở lại làm việc khi đã hồi phục hoàn toàn, Hu muốn trở lại sớm nhất có thể. Hơn bao giờ hết, các bác sĩ chuyên hô hấp như Hu rất cần thiết.
Hiện cơ sở y tế này đã tăng số giường trong khu nội trú lên gấp bốn lần và đóng cửa một số khoa nhỏ hơn như tai - mũi - họng và nhãn khoa để tập trung nhân lực điều trị bệnh nhân viêm phổi. "Một số giường dành cho nhân viên y tế nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hầu hết chỉ gặp những triệu chứng nhẹ, phần lớn bệnh nhân mà tôi đã gặp cũng vậy", Hu tiết lộ.
Hu hy vọng trở lại làm việc trong vài ngày tới. Để điều trị, anh đã dùng hai loại thuốc kháng virus và kháng sinh. Ngày 3/2 vừa qua, kết quả chụp CT cho thấy anh không còn dấu hiệu nhiễm trùng phổi.
"Tôi sẽ cần kiểm tra thêm. Nếu hai kết quả riêng biệt trong ba ngày đều là âm tính, tôi sẽ được coi là khỏi bệnh và có thể làm việc trở lại", Hu cho biết. "Tôi cũng tập thể dục mỗi ngày để chuẩn bị sẵn sàng".
Dù không nhiều dấu hiệu cho thấy dịch viêm phổi Vũ Hán đang chậm lại, các bác sĩ kỳ vọng các bệnh nhân không quá nghiêm trọng sẽ sớm hồi phục.
"Từ cảm giác hoang mang lúc đầu, không khí bệnh viện giờ đây đã dịu xuống. Chúng tôi hiểu rõ virus hơn, nhờ đó thấy có niềm tin", Ye chia sẻ. Thấy những nhân viên y tế từng dương tính phục hồi và quay lại làm việc, nỗi lo trong cô phần nào tan biến. Những ngày này, Ye gặp nhiều bệnh nhân cũ tới theo dõi hơn là ca mới mắc.
Đồng tình với Ye, Hu tin rằng số bệnh nhân khỏe lại sẽ tăng mạnh trong những tuần tới. Tuy vậy, anh vẫn khuyến cáo nhân viên y tế tự bảo vệ ở mức tối đa: "Chúng ta vẫn đang ở giữa đợt bùng phát của dịch bệnh, phải phải thận trọng từng bước".
Minh Trang (Theo Sixth Tone)
Theo vnexpress.net
12 người cách ly ở Nghệ An âm tính với virus corona Những người được cách ly, điều trị ở Nghệ An đều có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm âm tính với virus corona (2019-nCoV). Ngày 6/2, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cả 12 trường hợp từ Trung Quốc trở về nghi nhiễm virus corona đều âm...