Vĩnh Long: Cảm phục “bà ngoại” điều trị miễn phí cho gần 5.000 trẻ bại não
Gần 80 tuổi nhưng bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu – chủ cơ sở “ Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” ở TP.Vĩnh Long vẫn ngày ngày điều trị bệnh miễn phí cho hàng ngàn trẻ bại não, khuyết tật vận động bẩm sinh.
Ngoài ra, bác sĩ Ngọc Điểu còn giúp hàng chục ngàn gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày cuối tháng 11, PV Dân Trí đã tìm đến cơ sở “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” (phường 4, TP.Vĩnh Long) gặp Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (77 tuổi), người thành lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 5.000 trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn. Chính nghĩa cử cao đẹp này, bác sĩ Ngọc Điểu được mọi người ví như “bà tiên” hay được gọi bằng cái tên thân thương là “ bà ngoại” của các trẻ bại não.
Cảm phục “bà ngoại” của gần 5.000 trẻ bại não
Lấy tiền tiết kiệm lập cơ sở điều trị trẻ bại não…
Qua tìm hiểu được biết, bác sĩ Điểu là con gái út trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thiếu nữ Điểu tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, vừa học cô đỡ, vừa làm công tác giao liên. Đến năm 1960, bác sĩ Điểu được Tỉnh ủy rút hoạt động tại Ban phụ vận tỉnh, phụ trách nhà bảo sanh, mở lớp đào tạo cô đỡ phụ sinh cho tỉnh.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, bác sĩ Điểu được tổ chức phân công giữ nhiều chức vụ trong ngành y tế tỉnh Vĩnh Long. Gần 60 năm gắn bó với ngành Y, bác sĩ Điểu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2002.
Cơ sở Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu lúc nào cũng đông người đến chữa bệnh
Đến năm 2004, sau khi về hưu thay vì nghỉ ngơi, an dưỡng, bác sĩ Điểu lại trăn trở với những hình ảnh những trẻ liệt tứ chi, cơ thể co cứng hoặc liệt một tay, một chân, tổn thương vận động, ngôn ngữ và trí tuệ chậm phát triển,… Các cháu đang là gánh nặng của nhiều gia đình và xã hội. Trước suy nghĩ đó, bác sĩ Điểu đã đem toàn bộ tiền dành dụm của mình để thành lập Trung tâm phục hồi chức năng để hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bị dị tật.
“Lúc đó tôi tin rằng ngoài xã hội còn rất nhiều gia đình có trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tay chân chậm phát triển, nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều gia đình phải bỏ con, em mình ở xó nhà, góc bếp, không có điều kiện đưa con, em mình đi điều trị nên tôi đã quyết định mở cơ sở này” – Bác sĩ Điểu kể lại.
Gần 80 tuổi nhưng BS Điểu vẫn ngày ngày chữa bệnh miễn phí cho trẻ
Và cơ sở “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” ra đời với mục đích tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc và tập vật lý trị liệu miễn phí cho trẻ khuyết tật, bại não giúp các em phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hạnh phúc nhất là thấy trẻ bại não biết cười, biết nói
Theo bác sĩ Điểu, thời gian đầu do cơ sở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nên chỉ hỗ trợ được 5-10 người/ngày. Nhưng sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, “tiếng lành đồn xa” đã có nhiều tổ chức và cá nhân tìm đến đóng góp, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và kinh phí để hoạt động.
Cơ sở dần dần đi vào hoạt động ổn định, đến nay cơ sở đã tiếp nhận hỗ trợ miễn phí cho gần 7.000 người, trong đó có hơn 5.000 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam/dioxin và gần 1.000 người lớn. Ngoài ra bác sĩ Điểu còn vận động, hỗ trợ cho trên 15.700 trẻ bại não, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo học giỏi bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền trên 11,7 tỷ đồng.
BS Điểu chữa bệnh cho các bệnh nhi ở đây bằng cả tấm lòng của mình
Dẫn con bị bại não từ H.Châu Thành (Đồng Tháp) đến chữa trị, chị Phạm Huỳnh Như (28 tuổi) cho biết “Lúc sinh con ra bé bị bệnh, lên 4 tuổi nhưng không biết làm gì hết, gia đình đưa chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, rồi nghe người ta chỉ tới cơ sở điều trị của bác sĩ Điểu và được “bà ngoại” – bác sĩ Điểu điều trị không lấy tiền trong suốt 4 năm qua. Nhờ sự điều trị tận tâm của “bà ngoại” Điểu, đến giờ bé lật được, ngồi được, tui thấy phục hồi nhiều lắm, gia đình có hy vọng nhiều lắm”.
Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Thu Phương (35 tuổi, ngụ H.Tiểu Cần, Trà Vinh) kể lại: “Lúc chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng (ở TP.HCM) thì được BS ở đây nói bé bị viêm não Nhật Bản, khả năng sống còn 2%, ăn phải truyền ống. Gia đình mới đưa bé về đi chữa trị nhiều nơi, rồi cũng có người chỉ lên bà ngoại Điểu. Sau hơn 2 năm bà ngoại Điểu điều trị con tôi giờ biết ăn, hấp thu được, cơ thể cháu tươi tỉnh hẳn lên… Tui mừng lắm”.
Với những việc làm thiết thực của bác sĩ Ngọc Điểu, năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho bác sĩ Điểu vì những đóng góp cho an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (bìa phải) trao Giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp cho BS Nguyễn Ngọc Điểu (thứ 2 từ phải sang) (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)
“Thấy được những đứa trẻ hồi phục trí não, tứ chi vận động, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc. Có thể nói, trong thời gian tham gia cách mạng từ thời chiến đến thời bình cho đến nay, điều mà tôi tâm đắc và hạnh phúc nhất, là mình đã góp một phần công sức của mình để chia sẻ và giúp đỡ cho nhiều cảnh đời bất hạnh, giúp được các trẻ em khuyết tật, bại não phục hồi chức năng, đi đứng khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng” – Bác sĩ Điểu chia sẻ.
Chỉ sống một mình, dành toàn bộ cuộc đời cứu chữa trẻ dị tật, bại não, bác sĩ Điểu coi bệnh nhi là con, cháu, điều trị bằng cả tình thương nên được các người bệnh và thân nhân của họ gọi bằng cái tên thân thương là “bà ngoại”của những đứa trẻ bại não.
Với việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng, nhiều năm qua, bác sĩ Điểu được tặng nhiều bằng khen từ địa phương đến Trung ương, đặc biệt vào năm 2018, bác sĩ Điểu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Và mới đây, bác sĩ Điểu cũng vừa được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng KOVA lần thứ 17 (năm 2019) ở hạng mục Sống đẹp
Giải thưởng KOVA được sáng lập vào năm 2002, là giải thưởng uy tín, nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước. Từ năm 2012, Giải thưởng KOVA do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng.
Giải thưởng KOVA lần thứ 17 – năm 2019 được trao cho 150 cá nhân và tập thể đoạt giải đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có 1 công trình khoa học ứng dụng (hạng mục Kiến tạo); 5 việc làm nhân ái (hạng mục Sống đẹp….
Lan Anh
Theo Dân trí
Bị tai nạn chỉ đắp lá cho tự... lành, người đàn ông bị mất sức lao động
Người đàn ông bị chấn thương không nghiêm trọng do tai nạn giao thông, có thể điều trị phục hồi. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn nên anh chỉ đắp lá, để... tự lành khiến cánh tay và cổ không thể cử động, mất sức lao động.
Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật - Ảnh: Nguyên Mi
Chỉ đắp lá, khiến tay, cổ gần như liệt
Anh T.M.L (30 tuổi, người Chăm, ngụ Bình Thuận) bị tai nạn giao thông 3 năm về trước. Khi đó, anh bị gãy 1/3 xương đòn trái. Đây là chấn thương không quá nghiêm trọng và có thể điều trị phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, do gia đình nghèo, đông anh em, đời sống khó khăn nên anh L. đã không đến bệnh viện khám, điều trị.
Anh và ba mẹ đã lớn tuổi chỉ có nghề đào măng và phụ việc ở vườn thanh long để kiếm thu nhập. "Lúc đó, nhà kiếm đâu ra 6 triệu mà đi nhà thương nên chỉ đắp lá vô vết thương cho mau khỏi vậy thôi, rồi để chờ cho nó... tự lành", anh L. kể.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD): Chấn thương không được điều trị lâu ngày khiến phần xương đòn bị gãy chêm hướng xuống và chèn ép vào phía trong lồng ngực, lâu dần gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, dẫn đến cánh tay trái của anh L. không thể co duỗi - gần như bị liệt; cổ bị căng cơ không thể xoay trở và nói chuyện khó khăn. Mặt khác, xương ngón cái chân trái của bệnh nhân cũng bị di lệch, sụn hư và nham nhở khiến việc đi lại không dễ dàng.
Từ lao động chính trong gia đình, anh L. đã mất sức lao động, không thể làm việc bình thường được, cơ thể lại đau buốt khi trái gió trở trời.
Sau đó, ba của anh cũng bị tai nạn giao thông và mất khả năng lao động. Gánh nặng nuôi gia đình 7 người dồn ép lên mẹ và hai đứa em nhỏ của anh L., với thu nhập ngày cao nhất của cả nhà cho 7 miệng ăn chỉ 150.000 đồng.
Được điều trị nhờ chuyến khám bệnh từ thiện
Trong chuyến khám bệnh từ thiện của BV ĐHYD và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, vào cuối tháng 7.2019, các bác sĩ đã tình cờ thăm khám và phát hiện ra trường hợp bệnh của anh L.
Bệnh nhân được hỗ trợ đưa về bệnh viện thăm khám sâu hơn. Bệnh viện cũng vận động các mạnh thường quân tài trợ chi phí điều trị. Lần đầu tiên, anh đã đến TP.HCM để được chẩn đoán, làm các xét nghiệm cần thiết và sắp xếp phẫu thuật, điều trị phục hồi một phần chức năng.
Bệnh nhân đã nhập viện Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV ĐHYD TP.HCM và được phẫu thuật vào ngày 12.11, cắt đi đoạn xương đòn bị lệch đâm vào lồng ngực và cố định xương ngón cái chân trái bằng kim Kirschner.
Hiện nay, sau hơn 1 tuần phẫu thuật, anh L. đã phục hồi sức khỏe, cổ đã có thể xoay trở dễ dàng, nói chuyện không còn đau và khó khăn.
Bác sĩ Khanh đánh giá: "Mức độ phục hồi cánh tay trái của bệnh nhân còn phụ thuộc vào quá trình tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân sẽ tiếp theo sẽ được tập vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng của cánh tay. Riêng chân trái của người bệnh nếu phục hồi nhanh, trong khoảng từ 3 - 12 tháng có thể thực hiện cuộc phẫu thuật tiếp theo để loại bỏ kim Kirschner".
"Mổ xong thấy nó cười hoài luôn.", "Nhìn ảnh tươi hẳn ra ha!"... là nhiều nhận xét của những người cùng phòng bệnh với anh L. "Em cũng không ngờ được vầy!", anh L. xúc động cho biết.
Theo thanhnien
2 điểm có thể bạn chưa biết về phẫu thuật nội soi chữa thoát vị đĩa đệm cột sống qua lỗ liên hợp Tại Việt Nam, kỹ thuật nội soi chữa bệnh lý thoát vị đĩa được ứng dụng tại nhiều bệnh viện, không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cao mà còn khắc phục được những hạn chế của phương pháp cũ. Chia sẻ với VietTimes, bác sĩ Phan Minh Trung - công tác tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn,...