Vịnh Hạ Long trong sương
Trời mưa, nhất là khi ấy đất trời toàn sương mù, dường như thế mọi người bảo chuyến du lịch bất thành, nhất là lại đi tham quan Vịnh Hạ Long. Bởi mưa và sương mù che khuất tất cả, sẽ không thấy gì. Mà ra đảo nhưng không thấy đảo có nghĩa là phí cả chuyến đi.
Vịnh Hạ Long trong sương mù.
Tôi đến Hạ Long nhiều lần, tất nhiên là khi đó vào mùa nắng ráo. Những con tàu còn sơn màu gỗ sậm, mang dáng dấp của những câu chuyện cổ xưa, tạo cho Vịnh biển lừng danh thế giới có sức hút mãnh liệt thêm một nét kiêu kỳ. Còn giờ đây, trên Vịnh Hạ Long là những con tàu cùng sơn màu trắng, đậu trên bến, theo thứ tự mà xuất bến.
Có thể nói giờ đây, cảng bến tàu du lịch Hạ Long đã rất trật tự và gây cảm tình với du khách. Khách có thể chọn lựa cách mua vé tàu đi chung 100 ngàn đồng/người hoặc thuê nguyên tàu. Vé tham quan tính đầu người là 120 ngàn đồng, giảm 50% cho người lớn tuổi. Khách cứ tự khai báo tuổi để mua giảm giá mà không cần trình CMND. Các cô nhân viên xinh đẹp luôn ngọt ngào hướng dẫn khách.
Mùa mưa Hạ Long không đông khách. Bởi ai cũng ngại sương mù giăng đầy. Tuy nhiên, cuộc hành trình rong chơi thường đi theo ngày quy định, cho nên cứ thế mà mua vé xuống tàu. Để rồi khám phá là lênh đênh trong sương mù trở thành chuyến đi hiếm thấy.
Chỉ khi tàu ra khỏi khu vực cảng, khi cầu Bãi Cháy mờ mờ ẩn hiện trong sương khuất lần, thì chúng tôi mới có thể lên trên boong tàu để tận hưởng cái cảm giác ngợp trong sương mù. Những con tàu phải bật đèn chống sương mù để cho tàu bạn biết, vì đi như thế giống vào trong một vùng tiên cảnh. Cũng là núi, nhưng núi trong sương khác với núi khi nắng chói lòa.
Và sự hấp dẫn khi đi trong sương mù ấy rất khó diễn tả, chúng tôi có cảm giác như mình đang trôi trong sương mù, đó là một màu đục trắng xốp. Những chiếc thuyền khác trước mặt chúng tôi cũng ẩn hiện như đang trôi trong mây. Rồi giữa bềnh bồng ấy, tiếng xuồng máy chạy gần, là những chiếc thuyền chở trái cây và nhiều đồ ăn linh tinh ghé sát mạn tàu chúng tôi mời mua hàng. Cuộc hành trình đi theo những con tàu du lịch của họ quả là kỳ công, vì thế mà giá cả rất cao, so với giá trong bờ gấp ba đến bốn lần.
Khi chúng tôi bảo rằng bán như thể rất đắt, họ cười: “Thì các bác đi du lịch, mua ủng hộ chúng em là chính”. Nụ cười trên con thuyền nhỏ giữa mù sương Hạ Long ấy khiến cho chúng tôi dù mua có đắt cũng vui lòng.
Video đang HOT
Thường thì điểm nhấn của các tàu trong tour ra Vịnh Hạ Long là tàu sẽ đi vòng quanh Hòn Gà Chọi. Hòn Gà Chọi cũng là nơi được nhiều người chụp ảnh lưu niệm nhiều nhất, và khẳng định là mình đã tới Vịnh Hạ Long. Tôi cũng đã từng tới Hòn Gà Chọi khi bình minh, nắng chiếu trên biển, và tất nhiên có thể nhìn thấy hai hòn đá chụm vào nhau như hai con gà sắp sửa đá nhau. Nhưng trong mù sương tàu chạy, hai con gà cứ ẩn khuất trong sương. Người chủ tàu ái ngại: “Có nắng thì mấy anh chụp ảnh đẹp lắm. Giờ thì hai con gà nó bị sương phủ hết rồi”. Cười với chủ tàu: “Chẳng có sao đâu. Đi trong sương có cái thú của nó”.
Và khi cùng bước lên Động Thiên Cung, không vội bước vào để ngắm nhìn những gì mà tạo hóa đã gọt giũa, để trầm trồ khen và kinh ngạc. Từ trên độ cao của khu vực dành cho du khách chụp ảnh, nhìn ra Vịnh. Đó là mây bềnh bồng trôi, sương mù phiêu bạt, theo tàu đi trong sương chẳng khác nào trong các truyện cổ tích. Núi cứ vờn mây, lúc ẩn lúc hiện, thuyền cứ trôi trong mây đó. Và mây cứ phả vào mặt mát rượi, đưa tay chạm mà không chạm được.
Sương khói làm cho mặt biển lênh đênh, và lòng người lênh đênh, bồng bềnh trong sương của mưa vùi. Mỗi người có một cách yêu Vịnh Hạ Long khác nhau. Tôi yêu Vịnh Hạ Long những ngày nắng đẹp, tôi yêu Vịnh Hạ Long bềnh bồng trong sương, để biết rằng để có một lần lãng đãng cùng cả ngàn hòn đảo khuất mù trong màu sữa ấy không phải ai cũng có thể có được.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Theo cadn.com.vn
Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững trên vùng đất cố đô
Ninh Bình có lợi thế phát triển du lịch tâm linh khi thừa hưởng những di sản văn hóa của vùng kinh đô cổ hơn một nghìn năm lịch sử.
Tiềm năng về du lịch tâm linh
Không chỉ được biết đến là miền "sông nước" có phong cảnh nên thơ, hữu tình, Ninh Bình còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người như khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long...
Đến nay, vùng đất cố đô đang có trên 1.000 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 225 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng với 260 lễ hội truyền thống và nhiều hội làng đậm chất dân gian. Đặc biệt, Ninh Bình cũng được coi là một trong những trung tâm của cả Phật giáo và Thiên chúa giáo nước ta.
Nơi đây, có chùa Bái Đính, một trong những trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam với quy mô lớn diện tích trên 700 ha, mang tầm khu vực và quốc tế. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà thờ cổ, trong đó có Nhà thờ đá Phát Diệm với tuổi đời hơn 100 năm. Bên cạnh đó, còn có 1.499 địa điểm tín ngưỡng dân gian nằm rải rác tại 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Các giá trị văn hóa lịch sử tại các công trình thờ tự có từ hàng trăm năm đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt như Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính cùng hàng trăm di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Do đó, Ninh Bình trở thành vùng đất có giá trị văn hóa tâm linh phong phú đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách hành hương đến nơi đây. "Cố đô" Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) là kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Nơi đây có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành - là những kiến trúc độc đáo đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá ở thế kỷ thứ XVII - XIX. Gần đó là các di tích khác như động Thiên Tôn, chùa Nhất Trụ...
Đến với Cố đô Hoa Lư, du khách không chỉ được khám phá nghệ thuật kiến trúc độc đáo mà còn được tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết đậm chất dân gian gắn liền với mỗi điểm di tích trên mảnh đất này.
Khu du lịch tràng an Ninh Bình.
Các di tích lịch sử văn hóa có giá trị là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình phát triển du lịch tâm linh. Tất cả đã góp phần làm nên bức tranh sinh động về du lịch tâm linh Ninh Bình. Theo đánh giá của tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa.
Phát triển du lịch bền vững
Không chỉ có thế mạnh là vùng đất sơn thuỷ hữu tình, Ninh Bình - còn có vai trò là "trung tâm du lịch vệ tinh" của du lịch Hà Nội và phụ cận. Nơi đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Vì vậy hệ thống hạ tầng giao thông du lịch của Ninh Bình tới các trọng điểm du lịch trên địa bàn đã được đồng bộ và phát triển. Từ quốc lộ 1A, có thể tiếp cận dễ dàng tới các khu vực có tiềm năng du lịch như: cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, đầm Vân Long...
Sự phát triển ấn tượng của du lịch Ninh Bình những năm trở lại đây không thể phủ nhận, có cơ sở từ cách thức gìn giữ, khai thác và phát triển du lịch bền vững, dựa vào di sản thiên nhiên và văn hóa. Năm 2018, Ninh Bình đã đón trên 7,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu khách quốc tế, tổng thu đạt trên 3.200 tỷ đồng.
Để phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững, tỉnh Ninh Bình đã đề ra những quan điểm cụ thể. Trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và phát triển du lịch là trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân. Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm.
Thời gian qua, Ninh Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa ba tỉnh: Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2023.
Qua đó, liên kết khai thác giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) với Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); kết hợp khai thác du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển.
Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của mình tới bạn bè quốc tế. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có tác động tích cực, mạnh mẽ đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Đây sẽ là chỗ dựa vững chắc để phát triển du lịch tâm linh một cách có hiệu quả và loại hình du lịch này sẽ góp phần khẳng định vị thế của Ninh Bình như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch thế giới.
Thái Xuân
Theo phapluatplus.vn
Lễ 2.9, du ngoạn vịnh Hạ Long trong top 100 điểm đến tuyệt nhất thế giới Vịnh Hạ Long là điểm đến duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100 điểm đến tuyệt vời nhất trên trái đất năm 2020 trong cuốn sách du lịch của nhà xuất bản uy tín Rough Guides (Anh). Hòn Đỉnh Hương, một biểu tượng của Hạ Long được in trên đồng tiền 200 nghìn đồng của Việt Nam. Cuốn sách có...