Vĩnh biệt nhạc sĩ Triều Dâng
Sau một thời gian lâm bệnh, dù được các y bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ (NS) Triều Dâng đã trút hơi thở cuối vào rạng sáng 17-1, hưởng thọ 88 tuổi.
NS Triều Dâng được nhiều thế hệ tuổi trẻ, đoàn viên, học sinh, sinh viên biết đến với những bài hát viết về thanh niên Việt Nam, đặc biệt là ca khúc nổi tiếng Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ.
NS Triều Dâng tên thật là Lương Văn Côn, sinh năm 1933, tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ). Năm 1946, ông tham gia làm liên lạc viên cho liên Trung đoàn 122/124 Tây Đô ở Cần Thơ, rồi chuyển sang làm công binh xưởng quốc phòng. NS Triều Dâng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi ông theo học ở trường âm nhạc do khu IV, mở năm 1948. Từ năm 1952 đến 1954 ông làm nhạc công chơi đàn accoócđêông. Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1955, NS Triều Dâng theo học khóa bổ túc âm nhạc tại số 3 phố Cao Bá Quát, Hà Nội, rồi vào học 2 khóa chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).
Ông từng làm công tác biên tập một thời gian dài tại Phòng Ca nhạc thuộc Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, ông chuyển về Đài Truyền hình TPHCM công tác, hoạt động tích cực với vai trò biên tập viên âm nhạc. Là người NS hiền lành, người làm nghề nhiệt thành, cần mẫn, đạo đức, ông luôn cố gắng tìm mọi điều kiện để giới thiệu các tác phẩm âm nhạc mới của các NS, tác giả đến được với đông đảo khán giả. Ông cũng là người phát hiện những giọng ca hoạt động từ phong trào ca hát quần chúng như ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương, Thanh Phương, Thu Cúc… giúp các ca sĩ trẻ có những bước phát triển thuận lợi đầu tiên để trưởng thành.
Trong hành trang theo đuổi con đường nghệ thuật âm nhạc của mình, NS Triều Dâng đã sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có: Ta là chiến sĩ Giải phóng (viết chung với Văn Lưu), Giải phóng quân ta đi (viết chung với Văn Dung), Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, Chiều trên sông Ô Môn, Đừng nhìn em như thế, Nói chuyện với người trong tranh; hợp xướng Bão táp miền Nam, Không quân ta ra đi, Tiếng hát chiến sĩ hải đảo…; đã xuất bản được Tuyển tập ca khúc Triều Dâng có kèm băng cassette riêng tác giả (NXB DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam ấn hành, 1996) và Tuyển tập 8 ca khúc (NXB Văn nghệ TPHCM, 1993).
Nói về NS Triều Dâng, NS Thế Hiển nhấn mạnh: “NS Triều Dâng là người anh cả của NS trẻ. Nhớ thập niên 80, anh đã gắn bó và giúp đỡ rất nhiều anh em trong CLB Sáng tác trẻ, trong đó có các NS: Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Đức Trung, tôi và nhiều NS trẻ khác. Trong vai trò biên tập viên Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình TPHCM, anh đã nâng đỡ và đưa nhiều tác phẩm mới của anh em để giới thiệu và quảng bá tác phẩm âm nhạc mới trên sóng truyền hình, giúp tên tuổi và tác phẩm âm nhạc của nhiều NS trẻ được khán giả, công chúng biết đến, yêu thích. Anh sống rất chí tình, luôn khuyến khích sự sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của tuổi trẻ và sẵn sàng giúp đỡ, chăm chút, trao đổi, góp ý cả về lời và nhạc cho các tác phẩm của anh em NS trẻ thêm hoàn thiện, đạt được chất lượng, hay hơn, hấp dẫn hơn. Không chỉ vậy, anh cũng là người đã giúp đưa một số tên tuổi ca sĩ trẻ lên sóng và phát huy được tài năng và thành danh. Với phong cách và tâm thế sống giản dị, nhiệt thành, chân tình của mình, NS Triều Dâng được anh em NS trẻ yêu mến, quý trọng. Giờ, những NS trẻ năm xưa nay đều đã ngoài 60 tuổi, khi nhìn lại quãng đời làm nghề, theo đuổi nghệ thuật, anh em ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi đã nhận được rất nhiều tình cảm và sự giúp đỡ tình cảm của anh. Nay anh ra đi đã để lại rất nhiều sự tiếc thương cho tôi và anh em đồng nghiệp”.
Còn theo NS Trần Xuân Tiến, NS Triều Dâng là một người anh rất dễ thương, tính tình hiền lành, niềm nở, vui tính. Với sự nghiệp sáng tác, anh có những bài hát để đời, trong đó có ca khúc Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ. Những năm sau giải phóng, đây là bài hát viết riêng cho Đoàn TNCS HCM, đã đi cùng năm tháng, đi vào đời sống tuổi trẻ thanh thiếu niên bao thế hệ, ở khắp các miền đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh người thanh niên Việt Nam. Đặc biệt, bằng tất cả tình yêu thương mảnh đất quê hương Ô Môn của mình, anh đã sáng tác nên tác phẩm Chiều trên sông Ô Môn ngọt ngào, tha thiết. Ô Môn cũng chính là nơi đã cho ra đời những người NS tài hoa cho lĩnh vực âm nhạc như NS Trần Kiết Tường, NS Lưu Hữu Phước, những NS đã có nhiều đóng góp cho dòng nhạc cách mạng Việt Nam một thời rạng rỡ. Nay, anh lớn tuổi và mất đi là điều bình thường, nhưng có lẽ điều anh còn để lại được đời mà anh tâm đắc nhất chính là con gái anh – NS Sa Huỳnh, đã tiếp nối nghề cha bằng tất cả sự yêu thương.
Tang lễ NS Triều Dâng được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố. Lễ viếng bắt đầu vào lúc 13 giờ ngày 17-1. Lễ động quan vào lúc 6 giờ ngày 19-1, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Theo sài gòn giải phóng
Clip "Tết lặng"- Hứa đừng khóc nhé!
Sau khi ca khúc "Tết lặng" được nhiều người đón nhận với hàng triệu lượt nghe, thay vì ra MV, Mỹ Ngọc Bolero quyết định ra mắt ký sự cùng tên để nói về nỗi niềm của những người con tha phương ngày Tết.
Với ca từ gần gũi, giai điệu nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, ca khúc "Tết lặng" của Mỹ Ngọc Bolero được nhiều công chúng đón nhận.
"Nhìn thời khắc của năm mới đến trong khi chúng ta háo hức để về bên ba mẹ, gia đình thì nhiều người xa quê không có khả năng để trở về, họ đón Tết trong lặng lẽ, cô đơn và tủi thân. "Tết lặng" là một bài hát rất tâm đắc của Ngọc lần này dành cho những ai đang thiếu vắng bóng hình của cha mẹ, người thân trong dịp Xuân về" - Mỹ Ngọc chia sẻ.
Đó cũng là lý do sau khi ca khúc "Tết lặng" được nhiều người đón nhận với hàng triệu lượt nghe, thay vì ra MV, Mỹ Ngọc quyết định ra mắt ký sự cùng tên để trải lòng nhiều hơn nữa về nỗi niềm của những người con tha phương ngày Tết. Trong phần giới thiệu clip có vài chữ: "Hứa đừng khóc nhé!", nhưng những câu chuyện thật phía sau đó lấy nước mắt của nhiều người cùng cảnh ngộ.
Với Mỹ Ngọc, ký sự "Tết lặng" như một nốt trầm trong bản giao hưởng vui ngày Tết để qua đó giúp chúng ta nhận gia giá trị thực của cuộc sống. Nó không đâu xa xôi, mà rất gần gũi, từ những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất mà đôi khi chúng ta vô tình lãng quên. Qua đó góp phần truyền tải thông điệp "Tết của những người con xa quê, đơn giản chỉ là được trở về".
Một cái Tết đong đầy không phải là cái Tết được đo đếm bởi con số tiền bạc, mà là cái Tết có những người thân bên cạnh, có một nơi để ta tìm về, để được đoàn viên, sum vầy.
"Tết lặng" - tâm tư của nhiều người ngày Tết
Từ Đà Lạt xuống TP HCM hoạt động nghệ thuật được 5 năm nhưng năm vừa qua, cái tên Mỹ Ngọc được nhắc đến nhiều hơn khi có những hoạt động nghệ thuật ấn tượng. Trong hồi ức của cô ca sĩ xinh đẹp, Tết ngày xưa dù không được ở trong ngôi nhà đẹp như bây giờ, đồ ăn cũng ít hơn nhưng lại vô cùng ấm cúng.
"Thời đó, ăn một cái bánh, miếng thịt còn thấy ngon, chứ giờ nhiều đâm ra ngán. Lúc đó chỉ có dưa hấu tròn chứ không phải dưa hấu dài như bây giờ, ăn một miếng mà thèm cả năm. 3-4 người ngủ chung một phòng, sau khi cùng xem đốt pháo thì 11 anh em tập trung để được ba má lì xì. Lên giường nằm mà chẳng ngủ nổi vì háo hức hôm sau được mặc đồ mới" - Mỹ Ngọc nhớ lại.
Đó là những điều mà Mỹ Ngọc Bolero nói rằng sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí của cô khi nhắc đến ngày đầu xuân, năm mới.
Thùy Trang
Theo Nld.com.vn
Lời ca từ "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh vì sao gây sốt? "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh là ca khúc "đóng đinh" của phim "Mắt biếc" đang làm mưa làm gió phòng vé trong thời gian qua. Tạo hình của các nhân vật trong phim "Mắt biếc" "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh là ca khúc "đóng đinh" của bộ phim "Mắt biếc" đang làm mưa...