Vinasun đề nghị tòa buộc Grab bồi thường hơn 36,3 tỷ đồng còn lại
2 ngày sau khi tòa tuyên án, đại diện đã Vinsun nộp đơn kháng cáo về nội dung tòa bác một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, không tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 36,3 tỷ đồng.
Theo tin mới nhất từ TAND TP HCM, sau bản án phúc thẩm, cả Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab) đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, liên quan đến các bên.
Ngày 12/1 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Grab cho biết, họ đã gửi đơn lên TAND TP HCM kháng cáo toàn bộ bản án tuyên bồi thường cho công ty CP Ánh Dương Việt Nam 4,8 tỷ đồng.
Theo đó, phía Grab đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, bởi TAND TP HCM đã đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường; không triệu tập nhân chứng tham dự các phiên xử theo yêu cầu của họ…
Bên cạnh đó, đại diện Grab cũng nêu một số lý do khác như TAND TP HCM có vi phạm nghiêm trọng các thủ tục tố tụng, không đánh giá đầy đủ, khách quan các tình tiết, chứng cứ của vụ án…
Nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ thì phải sửa án sơ thẩm, xác định Grab không vi phạm pháp luật và bác toàn bộ yêu cầu của Vinasun. Nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại (nếu có) của Vinasun.
Đại diện Vinasun (hình) và Grab cùng kháng cáo bản án sơ thẩm. Ảnh: Thanh Niên
Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, còn về phía Vinasun, sau khi tòa tuyên án 2 ngày, Vinsun nộp đơn kháng cáo về nội dung tòa bác một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, không tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 36,3 tỷ đồng.
Theo Vinasun, trong phần nhận định, HĐXX đã xác định kết quả giám định của Công ty CP thẩm định – giám định Cửu Long là có căn cứ; thiệt hại thực tế của Vinasun là có thực; Grab có hành vi trái pháp luật khi thực hiện hành vi kinh doanh taxi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế của Vinasun với hành vi trái pháp luật của Grab… để cho rằng hành vi trái pháp luật của Grab gây thiệt hại cho Vinasun đối với phần giảm giá trị vốn hóa thị trường.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sau đó HĐXX lại lập luận phần giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của Vinasun, của nhà đầu tư, không thể tách bạch thiệt hại nào do Grab gây ra và phần thiệt hại nào do các yêu tố khác. Cho nên HĐXX đã bác yêu cầu thiệt hại này của Vinasun để không buộc Grab bồi thường hơn 36,3 tỷ đồng là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinasun.
Vì vậy, Vinasun đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Trước đó, vào sáng 28/12/2018, phiên tòa sơ thẩm vụ việc dân sự giữa nguyên đơn là Vinasun và Grab đã kết thúc.
Thay vì phải bồi thường 41,2 tỷ đồng như yêu cầu của phía nguyên đơn, HĐND TAND TP HCM chỉ buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng. Lý do của việc này được giải thích chi tiết trong bản án.
Theo HĐXX, khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, kinh tế TP HCM tăng trưởng khá, dân số cũng tăng khoảng 2%. Riêng ngành vận tải hành khách tăng trên 20%, nhu cầu đi lại bằng taxi tăng không dưới 10%. Cùng lúc này, lượng xe taxi bị giới hạn ở mức dưới 14.000 xe.
Theo suy luận của HĐXX, từ các con số tăng trưởng nêu trên, cộng với việc xe taxi bị giới hạn, chắc chắn sẽ dẫn đến việc doanh thu tăng. Tuy nhiên, thời kỳ này, doanh thu của Vinasun lại sụt giảm, như vậy gây nên sự sụt giảm này có nguyên nhân từ sự xuất hiện của Grab.
Cũng theo HĐXX, từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, lượng xe Grab “tăng đột biến”. Nếu như trước 2016 chỉ có dưới 300 xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, thì đến đầu năm 2016 số xe đăng ký thành xe hợp đồng để chạy Uber, Grab tăng nhanh.
Số liệu thống kê cho thấy, hết quý 1 năm 2016 có 2.400 xe thì đến quý 4 đã tăng lên 17.000 xe, sang quý 1/2017 con số này là 21.000 xe. Riêng Grab, đến ngày 30/6/2017 đã có hơn 12.000 xe.
Lượng chuyến xe tăng lên của Grab cũng tương ứng với sự sụt giảm “cuốc” xe của Vinasun. Vào tháng 6/2016, Vinasun có 4 triệu “cuốc” xe thì Grab mới chỉ có 537 ngàn chuyến. Đến tháng 12/2016, Vinasun giảm xuống còn 3,7 triệu “cuốc” thì Grab tăng lên 1,4 triệu chuyến.
Đến tháng 3/2017, số “cuốc” xe của Vinasun là 3,4 triệu còn của Grab là 1,4 triệu. Vào tháng 6/2017, Vinasun sụt giảm chỉ còn 1,5 triệu “cuốc” và Grab đã tăng lên 2 triệu.
HĐXX nhận định, trong khi lượng xe Grab tăng không ngừng thì thì xe Vinasun nằm bãi ngày càng nhiều, lượng chuyến ngày một ít. Đến tháng 6/2017, Vinasun chỉ còn 6.101 xe kinh doanh – bằng 47% lượng xe của Grab.
HĐXX nhấn mạnh rằng, Grab không tạo ra thị trường mới mà “bằng hành vi vi phạm pháp luật” đã tạo ra sự dịch chuyển khách hàng, gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỷ đồng – là số tiền thiệt hại do xe nằm bãi, không thể hoạt động.
Bảo Khánh (T/h)
Theo antt.vn
Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng
Trưa 28/12, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện đòi Grab bồi thường hơn 41.2 tỉ đồng sáng 28/12 tại TAND TP.HCM
Cuối giờ sáng 28/12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng.
Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Trước đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa cho biết: Vinasun cho rằng theo Đề án 24, Grab không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng lại thực hiện hoạt động này nên gây thiệt hại cho Vinasun.
Căn cứ các chứng cứ cũng như lời khai nhân chứng, người liên quan cho thấy Grab giao dịch với hành khách bằng phương thức kết nối phần mềm. Hoạt động này chính là kinh doanh vận tải điện tử, chứ không đơn thuần chỉ là cung ứng phần mềm kết nối.
Đại diện VKS nhận định: Grab không tuân thủ pháp luật như không ghi tên đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe và cánh cửa. Grab Không niêm yết vị trí lái xe theo mẫu quy định, nhiều xe không có phù hiệu vi phạm Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 được sửa đổi bởi Thông tư 60 của Bộ GTVT. Đồng thời, Grab đã không thực hiện đúng Đề án 24 và tại tòa luật sư của Grab cũng đã thừa nhận sai phạm này.
Về xem xét đánh giá thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện của Vinasun, nguyên đơn căn cứ báo cáo tài chính từ năm 2015 đến 2017 thể hiện lợi nhuận công ty năm 2016 và 6 tháng 2017 giảm sút hơn 75 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng hành vi vi phạm pháp luật của Grab gây thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng. Vì vậy Vinasun kiện Grab bồi thường khoản này bởi Vinasun sẽ có được khoản lợi nhuận này nếu không có hành vi vi phạm pháp luật của Grab.
Tuy nhiên, VKS cho rằng Vinasun không chứng minh được cụ thể sự giảm sút về lợi nhuận do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra. Lợi nhuận của Vinasun giảm do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động, trong đó có yếu tố hoạt động của hội đồng quản trị, điều hành, chất lượng dịch vụ...
VKS nhận định: Mặc dù doanh thu của Vinasun trong năm 2016 cao hơn 2015 hơn 226 tỷ đồng nhưng do chi phí năm 2016 tăng cao. Hoạt động kinh doanh của Vinasun kém hiệu quả hơn 2015 vì giá vốn tăng cao, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, nhân viên đều tăng nhưng số lượng tài xế lại giảm trên 2.400 tài xế. Ngoài doanh thu taxi, Vinasun còn có doanh thu khác như doanh thu kinh doanh vận tải ngoài hợp đồng, nhượng quyền thương mại, doanh thu bán bất động sản và doanh thu khác. "Như vậy kinh doanh của Vinasun có nhiều lĩnh vực nhưng lại không tách bạch chi phí liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi làm cơ sở chứng minh số tiền đòi bồi thường", VKS phân tích.
VKS cho rằng Grab có những hành vi trái pháp luật, cổ phiếu Vinasun có thiệt hại xảy ra và trên thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của Vinasun. Nhưng Vinasun không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình.
Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.
VKS cho biết thông qua vụ án này, VKS sẽ có báo cáo đề xuất với VKS nhân dân tối cao kiến nghị chính phủ, Bộ GTVT và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách...
Yên Trang
Theo baogiaothong
Viện Kiểm sát chấp nhận đơn kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng Quan điểm của Viện Kiểm sát là chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun và phải bồi thường một lần. Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam...