Vinamilk sắp bơm nghìn tỷ để ‘lột xác’ Mộc Châu Milk
Vinamilk cùng công ty con GTNFoods sẽ chi 1.176 tỷ đồng để mua vào cổ phần phát hành mới của Mộc Châu Milk, bổ sung nguồn vốn giúp thương hiệu này đầu tư nhiều dự án mới.
Cổ đông Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa thống nhất phương án tăng vốn điều lệ doanh nghiệp trong năm 2020 sau khi biểu quyết bằng văn bản.
Mộc Châu Milk sẽ phát hành 3,34 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ 5%. Mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua thêm 5 cổ phần. Tổng giá trị thu về từ việc phát hành ước tính 67 tỷ đồng. Số cổ phần không phân phối hết sẽ được chào bán lại cho nhà đầu tư chiến lược.
Cụ thể, Mộc Châu Milk đồng thời phát hành 39,2 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần GTNFoods. Trong đó, GTNFoods hiện sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk còn Vinamilk là công ty mẹ của chính GTNFoods.
Vinamilk và GTNFoods sẽ mua cổ phần của Mộc Châu Milk với giá 30.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền dự kiến thu về từ việc phát hành 39,2 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư này khoảng 1.176 tỷ đồng.
Ngoài ra, Mộc Châu Milk cũng sẽ phát hành 668.000 cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phần và thu về gần 7 tỷ đồng.
Tổng cộng vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 668 tỷ lên 1.100 tỷ đồng. Tổng số tiền thu về thực tế khoảng 1.250 tỷ. Việc phát hành cổ phiếu của Mộc Châu Milk diễn ra trong năm nay sau khi thủ tục được cơ quan chức năng phê duyệt.
Toàn bộ tiền thu được sẽ tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển của công ty gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại hiện hữu lên quy mô 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.
Tổng vốn đầu tư của những dự án trên là 1.600 tỷ đồng. Mộc Châu Milk sẽ dùng nguồn vốn tự có khác của công ty hoặc vay vốn từ các tổ chức tín dụng để tài trợ đủ vốn.
Video đang HOT
Cổ đông của Mộc Châu Milk cũng tán thành 2 vấn đề quan trọng khác gồm phê duyệt hạn mức sở hữu không hạn chế, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty và kế hoạch niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian tối đa 9 tháng từ khi thông qua.
Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Mộc Châu thành lập năm 1958. Doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2005. Hiện công ty con của GTNFoods là Vilico nắm quyền chi phối Mộc Châu Milk với 51% cổ phần.
Cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất mua lại GTNFoods sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%, qua đó gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk. Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên hiện làm chủ tịch HĐQT của cả 3 công ty GTNFoods, Vilico và Mộc Châu Milk.
Năm 2019, doanh thu của Mộc Châu Milk đạt 2.558 tỷ và lợi nhuận ròng 167 tỷ đồng. Dù tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận của công ty sữa này lại liên tục thụt lùi những năm qua.
CEO Mai Kiều Liên khẳng định Sữa Mộc Châu là thương hiệu tốt, tiềm năng để phát triển song song cùng Vinamilk. Bà Liên cam kết cổ đông sẽ nhìn thấy kết quả của khoản đầu tư vào Mộc Châu Milk vào cuối năm.
“Con người của Sữa Mộc Châu giữ nguyên nhưng áp dụng kinh nghiệm quản trị của Vinamilk nên sẽ tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu. Sản phẩm của Sữa Mộc Châu cũng sẽ đi xa hơn sau khi cấu trúc lại hệ thống phân phối”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ tại đại hội cổ đông của Vinamilk hồi cuối tháng 6.
Vinamilk thu gần 2 tỷ đồng lãi ngân hàng mỗi ngày
Số lãi từ các khoản tiền gửi của Vinamilk mang về cho doanh nghiệp trên 724 tỷ đồng trong năm 2019, tương đương gần 2 tỷ mỗi ngày. Số này chiếm gần 70% lợi nhuận của hãng sữa này.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho thấy doanh nghiệp này đang thu hàng trăm tỷ đồng tiền lãi khi mang hơn 15.000 tỷ đồng đi gửi ngân hàng.
Tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm 34% tổng tài sản
Riêng năm 2019, nhà sản xuất sữa lớn nhất thị trường trong nước này đã mang thêm gần 5.000 tỷ đi đồng gửi ngân hàng lấy lãi, nâng tổng số tiền mặt và tiền gửi nhà băng lên trên 15.300 tỷ đòng.
Với số tiền gửi lớn nói trên, Vinamilk cũng được xếp vào nhóm doanh nghiệp có lượng tiền gửi ngân hàng lớn nhất thị trường.
Trong số này, ngoài gần 2.700 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Vinamilk có khoảng 12.400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng với lãi suất từ 7,1% đến 8,6%/năm tại các ngân hàng thương mại, và 200 tỷ đồng tiền gửi trên 1 năm nhưng không xác định lãi suất.
Riêng lượng tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng hiện chiếm khoảng 34% tổng tài sản doanh nghiệp và chỉ đứng sau giá trị tài sản cố định với hơn 18.000 tỷ đồng.
Thực tế, nhiều năm gần đây Vinamilk luôn duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn so với cơ cấu tài sản công ty. Khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ này hàng năm đều mang về cho doanh nghiệp tương ứng hàng trăm tỷ đồng tiền lãi.
Riêng quý IV/2019, doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) mang về cho công ty gần 234 tỷ đồng. Tính trong cả năm 2019, số thu từ hoạt động tài chính là 807 tỷ thì lãi tiền gửi ngân hàng đóng góp 724 tỷ đồng (gần 90%), tăng 9% so với năm 2018 trước đó.
Số lãi từ tiền gửi ngân hàng cũng đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh tăng trưởng năm vừa qua của doanh nghiệp, tương đương 68,4% lợi nhuận.
Trong quý cuối cùng của năm 2019, Vinamilk ghi nhận trên 14.200 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng sau thuế đạt được trong quý lại giảm 5%, với 2.176 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều gia tăng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khác trong quý cuối năm của Vinamilk cũng lỗ gần 25 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 40 tỷ) khiến lợi nhuận trước và sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm.
Sử dụng M&A để giải bài toán tăng trưởng
Tính chung cả năm 2019, Vinamilk đạt 56.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%. Biên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm vẫn duy trì mức cao, đạt trên 47%, qua đó giúp nhà sản xuất sữa này thu về gần 12.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6%.
Số lãi ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp năm vừa qua của Vinamilk cũng đạt 10.581 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp kết quả lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này đạt trên 10.000 tỷ.
So với kế hoạch đề ra hồi đầu năm, Vinamilk đã vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và 1% chỉ tiêu lợi nhuận.
Cũng trong năm 2019, thông qua nhiều giao dịch đầu tư, mua cổ phiếu, Vinamilk đã chi tộng cộng gần 2.000 tỷ đồng để "thâu tóm" 75% cổ phần của Công ty CP GTNFoods, qua đó gián tiếp nắm quyền kiểm soát với thương hiệu Sữa Mộc Châu.
Đây là một trong những chiến lược mà ban lãnh đạo doanh nghiệp này đề ra để giải bài toán tăng trưởng khi thị trường sữa trong nước được nhiều hãng nghiên cứu nhận định đã đạt điểm bão hòa.
Vinamilk từng được xem là doanh nghiệp có tăng trưởng kết quả kinh doanh thuộc hàng tốt nhất thị trường chứng khoán Việt. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của công ty đã chậm lại rất nhiều.
Nếu như giai đoạn trước 2017, doanh thu của công ty luôn tăng trưởng 2 chữ số mỗi năm thì 3 năm gần đây số tăng trưởng đều dưới mức này. Trong đó, doanh thu năm 2018 chỉ tăng vỏn vẹn 3% so với năm 2017.
Tương tự là kết quả lợi nhuận khi số thu về năm 2018 thậm chí còn giảm so với năm liền trước.
Việc khó gia tăng thị phần trong nước khiến việc tăng trưởng kết quả kinh doanh của Vinamilk khó khăn. Đây cũng là lý do doanh nghiệp này phải mở rộng hoạt động kinh doanh bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thời gian qua.
Theo Zing.vn
Sữa Mộc Châu: Cổ đông thống nhất kế hoạch cháo bán cổ phần trị giá 1.200 tỷ đồng cho Vinamilk và GTN, nới room ngoại và niêm yết HoSE Tổng số tiền dự kiến thu được từ 3 đợt phát hành trên tính theo giá chào bán là gần 1.250 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn vốn hiện có cũng như huy động thêm, Sữa Mộc Châu dự chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000...