Vinalines tiếp tục chào bán đấu giá hơn 480 triệu cổ phần bị ‘ế’
Sau đợt rao bán đấu giá lần đầu ra công chúng bị &’ế’ tới hơn 480 triệu cổ phần vào ngày 5/9 vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines) vừa công bố thông tin chào bán thỏa thuận cổ phần Công ty mẹ-Tổng công ty đợt 2 với thời hạn đăng ký mua cổ phần từ ngày 20/9 đến 16 giờ ngày 30/9 tới.
(Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN)
Cụ thể, số lượng cổ phần chào bán đợt này là toàn bộ số cổ phần chưa bán hết tại đợt bán đấu giá công khai (483.397.230 cổ phần) và số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn chưa bán hết.
“Đối tượng tham gia mua cổ phần trong đợt này là các nhà đầu tư đã trúng giá tại phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ-Tổng công ty diễn ra ngày 5/9 vừa qua,” ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Vinalines cho hay.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, theo quy định hiện hành, Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải đủ điều kiện tiến hành các thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần dự kiến vào cuối năm 2018 đầu năm 2019. Cổ phiếu của công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ được giao dịch trên sàn chứng khoán Upcom chậm nhất 90 ngày kể từ phiên đấu giá lần đầu.
Ông Tĩnh cũng cho rằng, thời gian qua, dù kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines đã có nhiều khởi sắc, số nợ đã giảm tới 78% so với năm 2014 nhưng nhìn chung ngành hàng hải vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Đây là lý do để phiên IPO Vinalines chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong ngắn hạn.
“Hiện một hãng tàu lớn của Hàn Quốc đang gấp rút đánh giá cơ hội đầu tư vào Vinalines để kịp tham gia vào đợt chào bán cổ phần kế tiếp. Nếu thuận lợi, 5-6% cổ phần sẽ được mua bởi đơn vị này,” ông Tĩnh tiết lộ.
Trước đó, tại phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi đầu tháng 9/2018 của Vinalines đã thu hút 42 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng 5.439.800 cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Hay nói cách khác, Tập đoàn Hàng hải này bị “ế” đến gần 99% lượng cổ phần đem ra chào bán.
Video đang HOT
Giá đấu thành công bình quân đạt 10.200 đồng/cổ phần, chỉ cao hơn 200 đồng so với giá khởi điểm.
Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, cách đây 4 năm, lỗ lũy kế của Vinalines lên tới 22.000 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 5.000 tỷ trong khi vốn điều lệ Nhà nước giao là 10.000 tỷ. Tuy vậy, qua thời gian tái cơ cấu, hiện số nợ của Vinalines giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 tỷ, vốn điều lệ sau cổ phần hóa sẽ nâng lên hơn 14.000 tỷ đồng.
“Mảng kinh doanh cốt lõi của đơn vị sau cổ phần hóa vẫn là vận tải biển-khai thác cảng biển-dịch vụ hàng hải. Tuy nhiên, Vinalines sẽ tập trung đầu tư mạnh hơn về cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu và dịch vụ logistics để hình thành dịch vụ chuỗi, tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải cho khách hàng,” ông Sơn nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng, với kết quả kinh doanh ở thời điểm hiện tại, Vinalines có quá tự tin khi đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 700 tỷ đồng vào năm 2019 và hơn 950 tỷ đồng vào năm 2020? vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines lý giải, sở dĩ kết quả lợi nhuận hiện chưa có đột phá do đơn vị đang tập trung tái cơ cấu đội tàu.
“Do một số tàu già hoạt động kém hiệu quả, Vinalines đã tiến hành thanh lý. Khi đội tàu đã cơ bản được tái cấu trúc, hoạt động năng suất hơn, Vinalines hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra,” ông Sơn khẳng định./.
Việt Hùng
Theo vietnamplus.vn
Nhà nước sẽ tái chi phối cảng Quy Nhơn
Việc xử lý thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ là điều chưa từng có tiền lệ.
Thu hồi
Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong Kết luận thanh tra số 1566/KL - TTCP về việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, vừa được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký vào đầu tuần này.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn (cảng Quy Nhơn) thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012 - 2015 đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình, Bộ Chính trị thông qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ - TTg ngày 4/2/2013.
Hoạt động bốc xếp hàng tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Việt Hương
Theo đó, cảng Quy Nhơn nằm trong danh mục 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Vì vậy, việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là vi phạm quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ - CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 220/2013/TT - BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản gồm: Văn bản số 16937/BGTVT - QLDN ngày 27/12/2014 và Văn bản số 6327/BGTVT - QLDN ngày 20/5/2015 vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ GTVT cũng được kiến nghị chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước, đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp cảng biển này theo Quyết định số 276/QĐ - TTg; chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần khi cổ phần hóa cho Công ty Hợp Thành theo điểm 2.2, Mục 2, Hợp đồng số 01/CDDCL.
Cần phải nói thêm rằng, cảng Quy Nhơn chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ 404,099 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 30.312.262 cổ phần, trị giá 303,122 tỷ đồng, chiếm 75,01% vốn điều lệ. Từ tháng 9/2015 đến nay, sau 2 lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước.
Trong lần thoái vốn nhà nước đầu tiên, tại Văn bản số 16937/BGTVT - QLĐ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 26,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, thay vì phải đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán như quy định. Thương vụ thoái vốn này hoàn tất vào ngày 26/2/2015, khi Vinalines và Công ty Hợp Thành ký hợp đồng chuyển nhượng 10.510.627 cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, với giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 141,893 tỷ đồng.
Tại lần thoái vốn thứ hai, bằng Văn bản số 6327/BGTVT - QLDN cho phép Vinalines chuyển nhượng 49% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước cũng theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Thương vụ này được hoàn tất vào ngày 6/8/2015, khi Công ty Hợp Thành đồng ý bỏ ra hơn 273,262 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 19.801.635 cổ phần từ cổ đông Nhà nước với giá chuyển nhượng là 13.800 đồng/cổ phần.
Trước đó, vào tháng 9/2013, trong tư cách là nhà đầu tư chiến lược, Công ty Hợp Thành đã bỏ ra 51,692 tỷ đồng để mua 4.041.000 cổ phần, theo giá đấu giá thành công bình quân khi IPO là 12.792 đồng/cổ phần.
Như vậy, qua 3 lần chuyển nhượng ghi nhận được, tính đến tháng 11/2016, Công ty cổ phần Hợp Thành đã bỏ ra khoảng 466,847 tỷ đồng để sở hữu khoảng 86,23% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn.
Chưa có tiền lệ
Sau 5 lần chuyển nhượng với tổng số 3.312.894 cổ phần, tương đương 8,2% vốn điều lệ, Công ty Hợp Thành đang sở hữu 78,03% cổ phần. Trong trường hợp thu hồi 75,01% cổ phần được Thanh tra Chính phủ khẳng định là chuyển nhượng sai quy định, Công ty Hợp Thành chỉ còn nắm khoảng 7,422 % vốn điều lệ.
Trước đó, vào ngày 6/9/2018, tức là chỉ chưa đầy 2 tuần trước khi Kết luận thanh tra số 1566/KL-TTCP được ban hành, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, vì lợi ích quốc gia, Công ty Hợp Thành sẵn sàng chuyển nhượng cổ phần để Nhà nước nắm quyền chi phối trên cơ sở quy định của pháp luật, lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao một cơ quan chủ trì (Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Tài chính, Bộ GTVT) phối hợp các bộ, ngành liên quan... nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối phù hợp của Vinalines tại cảng Quy Nhơn và phương thức Vinalines sẽ nhận lại cổ phần cảng Quy Nhơn từ Công ty Hợp Thành theo quy định, trên cơ sở đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và sự phát triển bền vững, hiệu quả lâu dài của cảng Quy Nhơn.
Hiện chưa rõ cơ chế chuyển nhượng sẽ được thực hiện trên nguyên tắc nào, nhưng chắc chắn giá cổ phiếu của cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể sau khi các cổ đông tại đây đã bỏ ra hơn 622 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2013 - 2017 để đầu tư nâng cấp hạ tầng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hậu cổ phần hóa của cảng Quy Nhơn cũng rất tốt, khi lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 45 tỷ đồng, tăng 2,14 lần so với trước cổ phần hóa. Điều này có nghĩa, Nhà nước rất có thể sẽ phải bỏ ra số tiền lớn hơn số tiền từng nhận được để thu hồi 75,01% cổ phần đang được nắm giữ bởi Công ty Hợp Thành.
Điều đáng nói là, bản thân Vinalines - đơn vị được đề xuất là nhận lại cổ phần từ Hợp Thành cũng sẽ bắt đầu pháp nhân mới - công ty cổ phần từ tháng 10/2018 sau khi tiến hành IPO vào đầu tháng 9/2018.
"Việc nhượng lại cổ phần cho Nhà nước ngay cả khi được Công ty Hợp Thành đồng thuận, vì lẽ đó, cũng khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhất là khi đây là việc chưa từng có trong tiền lệ", một chuyên gia cho biết.
Anh Minh
Theo baodautu.vn
Vinalines chỉ bán được 1,1% lượng cổ phần chào bán trong đợt IPO 41 nhà đầu tư đã trúng thầu gần 54,4 triệu cổ phần với giá bình quân 10.002 đồng/cp Sở GDCK Hà Nội đã thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam- CT TNHH MTV. Theo đó, có 42 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá gồm 2 nđt tổ chức và 40...