Vinalines: ‘Mẹ’ lên sàn, ‘con’ bết bát
Hơn 5,4 triệu cổ phiếu của Vinalines sẽ chính thức giao dịch trên Upcom vào ngày 8/10, giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh nhiều công ty con kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Lên sàn sau khi IPO ế nặng
Từ 8/10, 5,4 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, mã chứng khoán MVN, sẽ được giao dịch lần đầu trên sàn Upcom.
Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 5/9, Vinalines đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dự kiến của Vinalines ban đầu là chào bán 20% vốn điều lệ tương đương 280,9 triệu cổ phần, nhưng do không tìm được nhà đầu tư chiến lược, nên tổng công ty quyết định IPO luôn cả phần bán cho đối tác chiến lược, tổng cộng 488,8 triệu cổ phần.
IPO diễn ra không thành công, số lượng cổ phiếu bán được của Vinalines chỉ chiếm 0,38% vốn điều lệ, phần vốn còn lại tiếp tục được nhà nước nắm giữ với tỷ lệ hơn 99%.
Kinh doanh khó khăn, Vinalines phải bán thanh lý một số tàu với giá rẻ nhiều lần so mua ban đầu. (Ảnh: Marine Traffic)
Hoạt động kinh doanh của Vinalines bắt đầu gặp khó khăn kể từ 2009 và đến 2011 rơi vào tình trạng thua lỗ.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines 2017 cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu 13.572 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm trước.
Hiện nợ phải trả của Vinalines là 20.169 tỷ đồng trong đó, nợ ngắn hạn là 11.309 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.859 tỷ đồng.
Nhiều vấn đề tại công ty con
Video đang HOT
Trong khi đó, hàng loạt công ty con của Vinalines đang trong tình trạng khó khăn, bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải biển Việt Nam, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Biển Đông, CTCP Vận tải Vinaship, CTCP Vinalines Nha Trang đều trong tình trạng âm vốn, nợ nần.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, kiểm toán viên đã từ chối đưa ý kiến do việc ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị khoản nợ gốc và lãi vay phải trả các tổ chức tín dụng và giá trị công ty nhận nợ với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam không thống nhất.
Tương tự, báo cáo tài chính của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam cũng bị kiểm toán ý kiến ngoại trừ do hạch toán các khoản chi lương đã chuyển ra ngân hàng trong 2017 với số tiền gần 28 tỷ đồng.
Hay tại báo cáo tài chính 2017 của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang, kiểm toán cũng có ý kiến kiểm toán ngoại trừ do chưa ghi nhận chi phí khấu hao quyền sử dụng đất có thời hạn với số khấu hao ước tính lũy kế đến ngày 31/12/2017 là hơn 13,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán lưu ý, công ty chưa ghi nhận đầy đủ khoản lãi vay 2017 phải trả Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu Thủy với số tiền là 244.105 USD, tương đương hơn 5,5 tỷ đồng.
Ngay tại chính Vinalines, kiểm toán cũng đưa ra các ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất 2017. Nguyên nhân do đơn vị kiểm toán không đánh giá được lợi ích kinh tế trong tương lai cũng như khả năng thu hồi giá trị của một số dự án.
Vinalines trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Năm 2006, công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Năm 2010, công ty mẹ của Vinalines chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Thời điểm 31/12/2017, Vinalines sở hữu 19 công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có tổng mức vốn đầu tư 7.444 tỷ đồng, gồm 10 công ty kinh doanh khai thác cảng biển, 5 công ty kinh doanh vận tải biển và 4 công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Ngoài ra, Vinalines còn sở hữu 11 công ty liên kết với mức vốn góp từ 20%-50% và 4 công ty đầu tư góp vốn với mức vốn góp dưới 20% vốn điều lệ.
Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Vinalines tại ngày 31/12/2016 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 11.900 tỷ đồng.
Vinalines đang quản lý và sử dụng hơn 1 triệu m2 đất gồm đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 871 nghìn m2 và đất được nhà nước cho thuê là 177 nghìn m2.
Hiện, Vinalines vẫn lỗ luỹ kế 3.253 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2016 với 2.307 tỷ đồng.
HOÀNG HƯNG
Theo vtc.vn
Cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước, vì sao ế?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) không thành công. Số lượng cổ phiếu được nhà đầu tư mua quá ít so với dự kiến. Theo các chuyên gia, sự thất bại do các DNNN này có số nợ lớn, tỷ lệ kiểm soát của nhà nước vẫn còn lớn.
Vinalines là một trong những DNNN có thương vụ IPO không thành công. Ảnh: Minh Châu
Ế tràn lan
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 5/9, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chào bán 488,8 triệu cổ phần, tương đương 34,8% lượng cổ phần của công ty. Giá khởi điểm được Vinalines đưa ra 10.000 đồng/cổ phần. Với số cổ phần chào bán lớn như trên nhưng phiên đấu giá chỉ có 42 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Kết thúc phiên đấu giá, số cổ phần đấu giá thành công gần 5,44 triệu cổ phần với giá trung bình 10.002 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán thành công hơn 54 tỷ đồng. Sau IPO, Vinalines mới chỉ bán thành công 0,38% vốn tương ứng với 1,1% lượng cổ phần chào bán và có thể gọi là phiên IPO "ế nặng".
Một thương vụ khác cũng không được như ý muốn là phiên chào bán cổ phần IPO của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) vào tháng 2/2018. Số lượng cổ phần đăng ký trong phiên đấu giá chỉ chiếm 1/5 khối lượng nhà nước muốn bán. Phiên IPO chỉ thu hút 499 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng gần 101 triệu cổ phần, trong khi có tới 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó, các cá nhân trong nước đăng ký mua 34,2 triệu cổ phần, cá nhân nước ngoài đăng ký mua 507.200 cổ phần, tổ chức trong nước sẽ gom 39,4 triệu cổ phần và tổ chức nước ngoài mua 26,6 triệu cổ phần.
Kết thúc phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá đúng khối lượng đã đăng ký. Với mức giá khởi điểm 13.000 đồng cho mỗi cổ phần, các nhà đầu tư đặt mua trúng giá cao nhất là 20.800 đồng/cổ phần. Số tiền nhà nước thu về trong đợt đấu giá này là 1.311 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 21% kế hoạch.
Một thương vụ IPO thất bại khác của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần, chiếm 12,8% trên tổng vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng ra công chúng. Với mức giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, nhà nước dự kiến thu về 6.569 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Tuy nhiên, chỉ có 336 nhà đầu tư tham gia đấu giá; tổng khối lượng đặt mua chỉ hơn 7,5 triệu cổ phần, chiếm chưa đầy 3% lượng cổ phần chào bán ra công chúng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương vụ IPO DNNN chưa thành công là số lượng cổ phiếu DNNN chào bán quá ồ ạt. Lượng cổ phiếu bán ra thị trường lớn, trong khi các doanh nghiệp này cũng không phải quá tên tuổi đình đám và lợi nhuận từ kinh doanh chưa thực sự nổi bật, do đó "ì ạch" ế cổ phần là điều đương nhiên.
DN thua lỗ, tỷ lệ vốn nhà nước lớn khiến NT e ngại
Nhà đầu tư (NĐT) chưa mặn mà với các thương vụ IPO DNNN kể trên còn bởi e ngại tình trạng thua lỗ của DN trong những năm trước đó. Tiêu biểu như Vinalines, hầu hết các công ty vận tải biển thuộc tập đoàn này đều thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 cho thấy, Vinalines vẫn còn lỗ lũy kế 3.253 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 28.137 tỷ đồng và 7.969 tỷ đồng. Thậm chí, trước đó, Vinalines đã từng có thời điểm lỗ lũy kế tới 22.000 tỷ đồng và Nhà nước từng cân nhắc việc cho Vinalines phá sản.
"ể tránh "vết xe đổ" những thương vụ IPO không thành công trong năm 2018, cơ quan chức năng sẽ bán vốn DNNN đúng kế hoạch, lựa chọn thời điểm phù hợp để đạt giá trị cao nhất".
Ông Phan ức Hiếu,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương
Bên cạnh lỗ luỹ kế, Vinalines còn vướng số nợ phải trả. Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào tổng công ty trước thềm IPO, lãnh đạo Vinalines cho biết, nợ của công ty mẹ hiện còn 2.000 tỷ đồng do đã tái cơ cấu.
Hơn nữa, trên sàn chứng khoán, các công ty con hoặc liên kết của Vinalines như Vosa, Đông Đô, vận tải Biển Bắc... đang giao dịch với thị giá cổ phiếu dưới 2.000 đồng, thậm chí vài trăm đồng. Những lí do trên khiến NĐT e ngại cổ phiếu của DN này.
Đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa dự kiến là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. Nhà nước sẽ vẫn giữ 75% cổ phần và hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm cổ đông chiến lược cũng được xem là nguyên nhân khiến đợt IPO trở nên kém sức hút.
Đánh giá về câu chuyện DNNN thất bại trong thương vụ IPO, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian qua số lượng DNNN bán nhiều nhưng số vốn thu về còn ít. Vốn nhà nước cổ phần hóa chào bán vào thời điểm nhà đầu tư không quan tâm chắc chắn không bán được.
"Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra thị trường để bán", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, để tránh "vết xe đổ" những thương vụ IPO không thành công trong năm 2018, cơ quan chức năng sẽ bán vốn DNNN đúng kế hoạch, lựa chọn thời điểm phù hợp để đạt giá trị cao nhất.
QUỲNH NGA
Theo Trí Thức Trẻ
Cổ phiếu ế nặng, lỗ khẳm 2.000 tỷ: Hậu Dương Chí Dũng, Vinalines sắp lãi to Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang lỗ luỹ kế khoảng 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên Chủ tịch HĐTV Vinalines vẫn tin tưởng sau khi chuyển sang công ty cổ phần, Vinalines sẽ làm ăn có lãi và chia cổ tức cho các cổ đông. Trong phiên chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên...