Vinalines đổi tên, mong vận đen buông bỏ
Đổi tên viết tắt từ Vinalines sang VIMC để mong bỏ vận đen, nhưng Công ty mẹ- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn sẽ rất khó khăn khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Vinanines sẽ đổi tên thành VIMC để mong xóa đi vận rủi.
Trắc trở lộ trình cổ phần hóa
Lộ trình cổ phần hóa (CPH) kéo dài 6 năm với thời điểm bắt đầu tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp đầu tiên vào ngày 31/12/2013 của Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sắp về đích.
“Chúng tôi đã cơ bản hoàn tất các công tác chuẩn bị để có thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, chính thức chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 8/8″, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Trước đó, ngày 22/7, Vinalines cũng đã công bố tài liệu và phát thư mời tham dự Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ – Vinalines tới các cổ đông. Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Điều lệ công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là tên viết tắt tiếng Anh – Vinalines vốn gắn bó suốt 25 năm kể từ khi doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng và logistics được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 1995, sẽ được đổi thành VIMC.
Việc đổi tên viết tắt được lãnh đạo Tổng công ty khởi động từ hơn 1 năm qua, sau khi cái tên “Vinalines” được cho là gắn với rất nhiều sự kiện kém may mắn, thậm chí là tai tiếng của đơn vị.
Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines, ngoại trừ lý do bất khả kháng, Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Vinalines chắc chắn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ chốt phương án giới thiệu nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tham gia ứng cử vào các chức danh quan trọng tại Công ty mẹ – Vinalines khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Trên thực tế, khác với nhiều lần thông báo rồi lại thay đổi trong suốt hơn 1 năm qua, ngày tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu của “ông lớn” hàng hải Việt Nam đã có cơ hội để cụ thể hóa.
Vào giữa tháng 6/2020, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 277/QĐ – UBQLV điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ – Vinalines.
Theo đó, vốn điều lệ của Công ty mẹ – Vinalines được điều chỉnh giảm chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng so với mức 14.046 tỷ đồng được quy định tại Quyết định số 751/QĐ – TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ – Vinalines.
Video đang HOT
Do vốn điều lệ của Công ty mẹ giảm, dẫn tới quy mô cổ phần phát hành lần đầu giảm tương ứng, chỉ còn 1.200.588.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.194.213.300 cổ phần, chiếm 99,469% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 392.500 cổ phần, chiếm 0,0327% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 500.000 cổ phần, chiếm 0,0416% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 5.420.900 cổ phần, chiếm 0,452% vốn điều lệ.
Theo Quyết định số 751, hình thức CPH Công ty mẹ – Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ của Tổng công ty là 14.046 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,27% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 14,8% vốn điều lệ và cổ phần bán đấu giá công khai là 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.
Sau khi phương án CPH được phê duyệt, Vinalines thực hiện công bố thông tin các nội dung liên quan đến việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và tổ chức để nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Công ty mẹ.
Tính đến hết ngày 12/7/2018 (thời gian hết hạn đăng ký nhà đầu tư chiến lược), Tổng công ty nhận được 1 bộ hồ sơ của Công ty TNHH SK Securities (Hàn Quốc) đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, hồ sơ của SK Securities đã không đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, do vậy không đủ điều kiện được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Vinalines.
Do thất bại trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nên vào đầu tháng 8/2018, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) khi đó vẫn sắm vai đại diện chủ sở hữu đã phải điều chỉnh số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng. Theo đó, chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án CPH (207.896.970 cổ phần) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.
Tuy nhiên, vận “xui” vẫn chưa chịu buông tha ông lớn hàng hải, khi Vinalines chỉ bán được một lượng rất nhỏ số lượng cổ phần bán đấu giá công khai và cổ phần bán cho người lao động theo phương án được duyệt. Đây là lý do chính khiến Vinalines buộc phải chờ đại diện chủ sở hữu trong giai đoạn hiện tại phải điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ sau khi tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Khó khăn chờ đón
Cần phải nói thêm rằng, phương án CPH, quy mô vốn của Công ty mẹ – Vinalines tại Quyết định số 277 là lần thay đổi thứ 3 kể từ khi lộ trình CPH Tổng công ty được kích hoạt vào tháng 2/2013.
“Lộ trình CPH Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kéo dài và phức tạp hơn dự kiến do những yếu tố bất lợi của ngành vận tải biển trong nước và thế giới”, một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) đánh giá.
Mặc dù đang đứng trước cơ hội hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động, nhưng Vinalines sắp bắt đầu một hải trình mới được dự báo rất khó khăn với vị thế là một công ty cổ phần. Tại tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vinalines đang xin ý kiến các cổ đông, doanh nghiệp này đặt mục tiêu kinh doanh khá khiêm tốn.
Đáng chú ý là Vinalines đã phải hạ một loạt chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu đã đề ra hồi đầu năm 2020.
Cụ thể, theo kế hoạch kinh doanh điều chỉnh trình Đại hội đồng cổ đông lần đầu, Vinalines đặt doanh thu 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 1.024,8 tỷ đồng, trong đó 8 tháng đầu năm 2020 – thời điểm vẫn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV lỗ 139,73 tỷ đồng, 4 tháng cuối năm 2020 – thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lỗ 885,11 tỷ đồng.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao người đại diện phần vốn tại Vinalines phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư không quá 390 tỷ đồng.
Ngoài tác động tiêu cực do Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu.
Theo lãnh đạo Vinalines, thời gian từ khi xác định giá trị doanh nghiệp lần gần nhất (ngày 31/12/2016) đến thời điểm Tổng công ty chính thức trở thành công ty cổ phần (dự kiến giữa tháng 8/2020) kéo dài gần 4 năm. Trong thời gian đó, các biến động về tài sản, công nợ là rất lớn, đặc biệt với Tổng công ty, các tồn tại về tài sản, công nợ nêu trên đã kéo dài nhiều năm với giá trị lớn, chưa đủ điều kiện loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trong giai đoạn CPH, trong khi lại không được phép trích lập, phân bổ trong giai đoạn chưa chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
“Vì vậy, ngay sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty phải tiếp tục gánh chịu các tổn thất về tài sản, công nợ trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý”, lãnh đạo Vinalines cho biết.
Do gặp nhiều khó khăn, nên trong năm 2020, Công ty mẹ – Vinalines sẽ chỉ đầu tư khoảng 456 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2020, Công ty mẹ – Vinalines đã đưa vào dự phòng 65 tỷ đồng dự kiến trả cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành tiền lợi ích của nhà đầu tư khi chuyển giao 65% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn.
Cũng trong năm 2020, Vinalines sẽ thanh lý 5 tàu biển, với giá trị thu về khoảng 175 tỷ đồng và tiến hành thoái vốn hoặc giảm tỷ lệ nắm giữ tại 13 đơn vị có vốn góp. Song, xác suất thành công của các thương vụ này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục hồi của ngành vận tải biển vốn đang bị phủ bóng mây u ám của Covid-19.
Trong 8 tháng của năm 2020, dự kiến Công ty mẹ – Vinalines chỉ đạt doanh thu 894 tỷ đồng, lỗ 139 tỷ đồng, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Vinalines sẽ nỗ lực cao nhất để có một kết quả kinh doanh tích cực trong bước khởi đầu chuyển đổi mô hình hoạt động
Quyền Tổng Giám đốc Vinalines: 'Chúng tôi sẽ Đại hội cổ đông trong tháng 8/2020'
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: 'Sau 2 năm được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) xét duyệt và báo cáo Thủ tướng, dự kiến, đến ngày 12/8/2020, Vinalines sẽ chính thức thực hiện đại hội cổ đông lần đầu".
Như vậy, nếu Vinalines thực hiện được Đại hội đồng cổ đông lần thứ theo mốc thời gian trên, thì đơn vị này sẽ khép lại lộ trình cổ phần hóa đã kéo dài suốt 6 năm qua.
Đặc biệt, suốt 2 năm nay (từ tháng 9/2018) Vinalines đã có nhiều văn bản đề nghị CMSC sớm cho phép đơn vị này Đại hội cổ đông để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, mục tiêu này liên tục bị lỡ hẹn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC cho hay, phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.
Sau khi Vinalines chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, chúng tôi đã thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục, thông qua phương án nhân sự tại công ty cổ phần xem xét giới thiệu nhân sự đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Để tổ chức được Đại hội đồng cổ đông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Ủy ban phê duyệt quy mô, cơ cấu vốn của Vinalines trước khi tổ chức Đại hội. Việc phê duyệt quy mô và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đến ngày 11/6/2019, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần và có hiệu lực vào ngày 29/7/2019 (tức là mất đến 11 tháng sau khi Vinalines IPO).
Chính vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Vinalines đã đặt mục tiêu tổ chức Đại hội vào tháng 8/2019.
"Tuy nhiên, từ tháng 6/2019 Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước liên tục nhận được nhiều văn bản Vinalines hoặc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xử lý nhiều nội dung tồn tại, phát sinh từ trước khi Vinalines chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước".
"Các tồn tại này đều liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, thậm chí làm giảm giá trị vốn nhà nước... khi đi vào quyết toán giá trị doanh nghiệp".
"Các vấn đề phát sinh này đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, như điều chỉnh giảm quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp (giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đưa vào bản cáo bạch đầy đủ các vấn đề còn vướng mắc khi quyết toán giá trị doanh nghiệp trong Đại hội đồng cổ đông".
"Vì thế, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đã tích cực giải quyết hoặc phối hợp với Bộ GTVT hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết từng vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, đến nay tiếp tục phát sinh các vấn đề mới, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đang tiếp tục tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2020, bảo đảm đủ điều kiện Vinalines tổ chức được Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định pháp luật, không xảy ra các khiếu kiện, khiếu nại của các cổ đông sau này", bà Hà nói.
Cảng Hải Phòng: Không thoái vốn nhà nước trong năm 2020 Nhiều nhà đầu tư trông chờ cơ hội kiếm lời từ hoạt động thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, theo kế hoạch, việc thoái vốn sẽ không diễn ra trong năm 2020. Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa hóa năm 2014 và có vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng, phần vốn nhà nước do...