Vinaconex sau nửa năm thoái vốn nhà nước, dưới quyền kiểm soát của tư nhân
Tổng công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Vinaconex) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019. Sau nửa năm được nắm quyền bởi các các nhà đầu tư tư nhân, giá cổ phiếu VCG xoay quanh ở mức khá cao, tuy vẫn thấp hơn giá trúng đấu giá. Xét trên giá cổ phiếu đây là một “điểm sáng” so với trước khi nhà nước thoái vốn nhưng mâu thuẫn nội bộ kéo dài vẫn là “điểm nóng” cần giải quyết.
Phối cảnh dự án Cái Giá Cát Bà
Giá cổ phiếu cao hơn
Tháng 12/2018 chứng kiến việc đổi chủ của Tổng Công ty XNK xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khi các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lần lượt bán hết cổ phần đang nắm giữ tại Vinaconex.
Đáng chú ý là phiên đấu giá lô cổ phiếu mà SCIC nắm giữ, với gần 255 triệu cổ phần, tương ứng 57,7% vốn điều lệ của Vinaconex. Công ty TNHH An Quý Hưng hay nói chính xác hơn là nhóm nhà đầu tư đứng sau pháp nhân này (bản thân những người trong cuộc cũng đã xác nhận rằng An Quý Hưng chỉ là cái tên ra mặt cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân ) đã trúng đấu giá với mức giá cao ngất, cao hơn giá thị trường khoảng 50% và cao hơn mức giá khởi điểm khoảng 35%. Cú ra giá này cho thấy, nhóm cổ đông này quyết tâm thâu tóm Vinaconex “bằng mọi giá”.
Nhóm cổ đông An Quý Hưng đã thông qua HĐQT cũ để đề cử và chiếm tới 5/7 vị trí trong HĐQT mới, để quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng của Vinaconex. Minh chứng rõ nhất là HĐQT mới của Vinaconex đã từng bước thực hiện “cải tổ” TCT bằng việc ban hành nhiều chính sách mới cũng như thay đổi nhân sự ở hầu hết các vị trí quan trọng của hàng chục công ty con. Bên cạnh đó, với dàn lãnh đạo mới, Vinaconex công bố những chiến lược để đưa công ty lọt vào “top 3″ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam cũng như thực hiện những dự án bất động sản quan trọng.
Chưa rõ những chính sách và chiến lược của Vinaconex dưới thời lãnh đạo mới toàn người của An Quý Hưng sẽ đi đến đâu nhưng khi nhìn vào chỉ số giá cổ phiếu thì đang duy trì ở mặt bằng cao hơn trước đây. Cụ thể, giá cổ phiếu của Vinaconex liên tục tăng. Trong đó, từ 7/12/2018 đến 7/1/2019, giá cổ phiếu VCG tăng từ 19.600 đồng lên 22.100 đồng/cổ phiếu; đến 11/2 thì đạt mức 24.500 đồng/cổ phiếu và tiếp tục tăng trong tháng 3/2019 bằng việc lập đỉnh với mức giá 29.100 đồng/cổ phiếu.
Ngay cả khi “khủng hoảng” vì bị cổ đông kiện ra tòa, đề nghị hủy Nghị quyết ngày 11/1/2019 của Đại hội đồng cổ đông, giá cổ phiếu VCG vẫn cao ngất ngưởng quanh mốc 28.000 đồng/cổ phiếu. Cho đến nay, cổ phiếu VCG có lúc tăng, lúc giảm nhưng giá giao dịch vẫn đang xoay quanh mốc 27.000 đồng/cổ phiếu.
Lịch sử giá cổ phiếu VCG tháng 7/2019
Video đang HOT
Như vậy, so với hơn nửa năm trước khi Vinaconex còn là doanh nghiệp mà cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối thì giá cổ phiếu VGC trên thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, dù chưa đạt mức giá trúng đấu giá, làm cho vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, với việc Vinaconex đang nắm giữ những nguồn lực quan trọng để tăng tốc và đột phá nên khi chuyển chủ sở hữu sang khối tư nhân.
Sự đi xuống của lĩnh vực “lõi” và câu chuyện “bẻ lái” về hướng kinh doanh.
Thoạt nhìn, sau nửa năm dưới sự điều hành của tư nhân, hiệu quả kinh doanh của Vinaconex có vẻ như được cải thiện với mức lãi ròng luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 303,6 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nếu đi sâu phân tích thì bức tranh tài chính bán niên của VCG không chỉ nhuốm màu lạc quan. Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của 6 tháng đầu năm của VCG đạt 3.957 tỷ đồng, bằng 39,18% kế hoạch doanh thu hợp nhất của năm 2019, giảm 4,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu xây lắp hợp nhất chỉ đạt 2,142 tỷ đồng, giảm mạnh 21,34% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính riêng còn đem đến những dữ liệu suy thoái sâu hơn nữa về doanh thu. Theo đó, tổng doanh thu thuần lũy kế của Công ty mẹ đến cuối Quý 2 đạt 978 tỷ đồng, chỉ đạt 27,17% kế hoạch doanh thu của cả năm 2019. Nguyên nhân chính vẫn đến từ sự suy thoái của lĩnh vực lõi – xây lắp. Cụ thể, doanh thu xây lắp của công ty mẹ chỉ đạt 662 tỷ đồng, giảm 14,36% so với cùng kỳ năm trước.
Qua đó, có thể thấy khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đang không ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh của tỷ suất lợi nhuận của mảng xây lắp. Mà nhắc lại rằng, Vinaconex vốn có thế mạnh truyền thống trong lĩnh vực xây lắp, là công ty đi tiên phong trong ngành xây lắp ở khu vực phía Bắc kể từ khi thành lập.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra hôm 28/6 vừa rồi, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh từng khẳng định với các cổ đông, rằng Vinaconex đang chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực bất động sản. Và điều này phần nào được phản ánh trong sự tăng trưởng doanh thu bất động sản so với cùng kỳ, tuy rất khiêm tốn về giá trị tuyệt đối (tăng 37% lên 698 tỷ đồng). Ngoài ra, doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 22% lên 544 tỷ đồng và hoạt động khác ghi nhận mức tăng trưởng 20%, đạt 576 tỷ đồng.
Có thể thấy khả năng sinh lời từ các hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex đang không ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng suy giảm mạnh của tỷ suất lợi nhuận của mảng xây lắp.
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi có “nghề”, có nguồn vốn lớn, cần có quỹ đất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro có thể cao hoặc phát sinh lỗ, lợi nhuận không ổn định nếu không có chiến lược, kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Trong khi đó, hoạt động xây lắp là thế mạnh truyền thống của Vinaconex dường như bị coi nhẹ. Đặc biệt, mâu thuẫn nội bộ liên quan đến quản trị điều hành vẫn chưa có hồi kết.
Trước khi cổ đông An Quý Hưng thay thế SCIC, do cổ đông là các doanh nghiệp Nhà nước gần như kiểm soát tuyệt đối mọi hoạt động của Tổng công ty. Sau khi Nhà nước rút hết vốn, cơ cấu cổ đông đã thay đổi, trong đó cổ đông An Quý Hưng chiếm tới 57,7% vốn điều lệ và Hai cổ đông khác là Cường Vũ và Star Invest nắm giữ khoảng 29% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư chứng khoán.
Song, thực tế thì cổ đông An Quý Hưng đang kiểm soát toàn bộ công ty. Bởi lẽ, với 57,7% vốn điều lệ, tiếng nói của An Quý Hưng tại Đại hội đồng cổ đông có tính quyết định, bất chấp các ý kiến xây dựng của các cổ đông khác. nBên cạnh đó, với HĐQT có 5/7 thành viên là đại diện của cổ đông An Quý Hưng, có thể hiểu được rằng những quyết định của công ty đều do người của An Quý Hưng định đoạt.
Sự chi phối tuyệt đối của cổ đông lớn đối với Tổng công ty khó tranh khỏi sự “tự tung, tự tác”. Thực tế cho thấy, tỉ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề của Vinaconex luôn ở mức thấp, do không có sự đồng thuận giữa các cổ đông.
Điển hình là việc, sau khi được bầu thì HĐQT mới của Vinaconex ban hành liền 2 quy chế quan trọng là quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính. Theo đó, hai quy chế này cho phép cá nhân Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được quyết định đầu tư các dự án có giá trị đầu tư, quyết toán lên đến 1.000 tỷ đồng, bất chấp sự phản đối của các cổ đông khác vì có thể gây rủi ro, thiệt hại cho Tổng công ty.
Ngoài ra, chủ trương vay ngân hàng 300 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức, dùng 714 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển mua cổ phiếu quỹ, thành lập và góp 400 tỷ đồng vào CTCP Trường cùng quyết định “thay máu” hàng loạt nhân sự dày kinh nghiệm tại công ty mẹ Vinaconex và cử “người của An Quý Hưng” đến tiếp quản hàng loạt công ty con nòng cốt, được cho khả năng gây phương hại tới lợi ích ổn định của doanh nghiệp, cũng như của các cổ đông khác.
Cởi bỏ chiếc áo Nhà nước, về với các ông chủ tư nhân trong bối cảnh 1 nhóm cổ đông chi phối hoàn toàn hoạt động của công ty đang trái với thông lệ quản trị công ty niêm yết. ĐHCĐ vừa tổ chức đã gây thất vọng lớn cho giới đầu tư về cách thức điều hành của những ông chủ mới mà cụ thể từ nhóm cổ đông An Quý Hưng với những thông tin không mấy tích cực về tình trạng tài chính của doanh nghiệp này, . Mảng xây lắp đang dần yếu thế, mảng bất động sản đầy cạnh tranh . Phía trước của Vinaconex dường như hứa hẹn một tương lai bất định.
PV
Theo baophapluat.vn
Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao, trong khi lĩnh vực chứng khoán chỉ trung bình.
Sau khi nổi đình nổi đám từ thương vụ huy động được gần 7.400 tỷ mua 58% cổ phần của Vinaconex (mã chứng khoán VCG), Công ty TNHH An Quý Hưng gây chú ý như một "diễn biến lạ" trên thị trường chứng khoán năm 2018. Nhưng, với năm 2019 thì công ty này đã bộc lộ thực trạng là khoản nợ khổng lồ phát sinh từ thương vụ thâu tóm vượt quá sức mình và việc doanh nghiệp này huy động vốn qua phát hành trái phiếu thất bại đã phần nào phản ánh niềm tin của giới đầu tư đối với "công ty mẹ" của Vinaconex.
Một sự kiện thu hút được sự quan tâm của thị trường trong tuần qua là việc Công ty TNHH An Quý Hưng và một công ty con của doanh nghiệp này là An Quý Hưng Land huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lên đến 5.300 tỷ đồng, nhưng không bán được một trái phiếu nào.
Theo thông tin được công bố, An Quý Hưng đã chào bán 2.600 tỷ đồng và An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức trái phiếu không chuyển đổi. Tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành này là toàn bộ lô 255 triệu cổ phiếu Vinaconex, tương đương toàn bộ 58% cổ phần phổ thông của Vinaconex mà An Quý Hưng bỏ gần 7.400 tỷ đồng mua vào hồi cuối năm 2018.
Trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land có lãi suất rất cao và được đảm bảo bằng cổ phiếu VCG. Theo đó, các trái phiếu này của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land trả lãi tới 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ sau lãi suất không thấp hơn mức này, được tính bằng lãi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng cộng thêm 4,5%. Trong bối cảnh lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp thì trái phiếu "công tỵ mẹ" của VCG lẽ ra phải là một sản phẩm đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, toàn bộ hai lô trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đã không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. Có lẽ đây phản ứng của các nhà đầu tư tài chính, nằm ngoài dự kiến của đơn vị phát hành trái phiếu.
Tuy đơn vị phát hành trái phiếu không nói rõ mục đích của đợt huy động vốn này là gì, nhưng nhìn vào những thông tin tài chính liên quan đến An Quý Hưng thì phần nào giới đầu tư cũng đoán biết được mục đích của đợt huy động vốn, đó là áp lực của khoản nợ ngắn hạn lên đến 4.000 tỷ đồng, nợ dài hạn 8000 tỉ đồng.
Theo bản cân đối kế toán năm 2018 của An Quý Hưng thì doanh nghiệp này đang sở hữu một khoản nợ khổng lồ mà nguyên nhân đến từ thương vụ thâu tóm Vinaconex. Đầu năm 2018, tổng tài sản của An Quý Hưng chỉ ở con số hơn 999 tỷ đồng nhưng cuối năm số tài sản đã phát sinh có lên đến 12,6 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là khoản nợ 12 nghìn tỷ đồng.
Trong số các khoản nợ của An Quý Hưng thì số nợ ngắn hạn là con số không hề nhỏ, 4.000 tỷ đồng và chủ yếu là khoản "phải trả ngắn hạn khác", nằm ngoài các khoản tiền liên quan đến các hoạt động chính của doanh nghiệp này. Khoản nợ dài hạn của An Quý Hưng được xác định là 8.000 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của An Quý Hưng chỉ có khoảng 600 tỷ đồng và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 20 lần, trong khi đối với một công ty có trạng thái tài chính bình thường thì tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 3 lần. Với chênh lệnh quá lớn như trên thì năng lực thực sự của doanh nghiệp này nhà đầu tư nào cũng có thể đoán biết. Đối với một doanh nghiệp xây dựng và bất động sản, áp lực trong việc huy động tiền để trả các khoản nợ ngắn hạn sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp những nguy cơ và rủi ro cao.
Câu hỏi đặt ra là, An Quý Hưng vẫn đang có trong tay 255 triệu cổ phiếu VCG, đó là tài sản lớn có sức thanh khoản cao thì tại sao các nhà đầu tư lại không quan tâm đến trái phiếu được đảm bảo bằng lô cổ phiêu này? Lý giải về điều này, Luật sư Nguyễn Chí Đại, Công ty luật Việt Bắc cho rằng, việc phát hành trái phiếu chủ yếu nhằm huy động vốn từ các ngân hàng và các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, ít nhằm đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc các nhà đầu tư không mua trái phiếu, phản ánh độ tín nhiệm của đơn vị phát hành. Nói cách khác, dù lãi suất cao thì các ngân hàng và nhà đầu tư không quan tâm nếu đơn vị vay tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Việc phát hành trái phiếu để huy động vốn thường thì tổ chức huy động vốn phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và có kế hoạch khả thi cho thấy việc sử dụng vốn hiệu quả và hoàn vốn đúng thời hạn. Nhưng, trường hợp này, nhiều khả năng các nhà đầu tư đã biết An Quý Hưng và An Quý Hưng Land huy động vốn để trả nợ, đây là điều khiến các nhà đầu tư hiểu rằng, cho An Quý Hưng vay tiền để trả nợ không phải là khoản đầu tư an toàn và không biết công ty sẽ lấy nguồn tiền nào để trả nợ trái phiếu", Luật sư Nguyễn Chí Đại giải thích.
Bên cạnh đó, theo một số luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng và chứng khoán thì uy tín của đơn vị phát hành trái phiếu là rất quan trọng, đặc biệt là đối với số tiền huy động rất lớn. An Quý Hưng Land thực chất vẫn là An Quý Hưng vì đây đều là công ty do ông Nguyễn Xuân Đông thành lập và làm Chủ tịch HĐTV, mới hoạt động từ đầu năm 2017, chưa có vị thế trên thương trường . Do đó, công ty này dù có vay tiền bằng tài sản là cổ phiếu VCG thì cũng khó đảm bảo được uy tín với các nhà đầu tư.
Trước đây đã từng có nhiều trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để huy động vốn nhưng sau đó đã không trả được nợ và đơn vị bảo lãnh đã phải gánh hậu quả, như trường hợp của Vina Megarstar cách đây nhiều năm. Chính Công ty tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) là đơn vị mua trái phiếu của Vina Megarstar sau đó phải quay sang truy đòi ngân hàng bảo lãnh nhưng bất thành vì chứng thư bảo lãnh bị vô hiệu.
Với trường hợp An Quý Hưng và An Quý Hưng Land, việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh bằng cổ phiếu VCG nhưng câu hỏi đặt ra là nếu An Quý Hưng và An Quý Hưng Land không trả được nợ thì chủ nợ có xử lý được lô cổ phiếu theo phương thức "nhận cả lô" hay bị chia lẻ? Đó chính là rủi ro mà các nhà đầu tư đều có thể nhìn thấy được.
Có vẻ như với đợt huy động vốn thất bại này, thị trường đã phản ánh thiếu niềm tin vơid An Quý Hưng chứ không phải là cái danh "công ty mẹ" của Vinaconex như cái danh xưng xuất hiệu sau vụ thâu tóm "cá bé nuốt cá lớn" diễn ra cuối năm 2018.
Bình Minh
Theo baophapluat.vn
Vinaconex hoãn Đại hội cổ đông tới khi Hội đồng quản trị được phục hồi hoạt động Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) vừa thông báo buộc phải tạm hoãn cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 cho tới khi Hội đồng quản trị của doanh nghiệp được phục hồi hoạt động bình thường. Vinaconex hiện không có người triệu tập và chuẩn bị tài liệu trình ra ĐHĐCĐ thường...