Viglacera gặp khó trong cơn suy thoái của ngành xây dựng
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của VGC đạt 6.374 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 461 tỷ đồng, giảm 14%.
Từ đầu năm 2018, ngành xây dựng và vật liệu trên sàn chứng khoán với những đại diện như Coteccons (CTD), Hòa Bình (HBC), Vicostone (VCS) hay Viglacera (VGC) đều có kết quả kinh doanh không tốt như năm ngoái. Hồi đầu năm nay, nhiều người tin rằng ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể tiếp nối sự thành công trong năm 2017, tuy nhiên, các báo cáo kết quả kinh doanh gần đây phần nào chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Trong khi các doanh nghiệp xây dựng như Coteccons hay Hòa Bình gặp khó vì thị trường bất động sản đi vào trạng thái bão hòa, thì những doanh nghiệp chuyên vật liệu xây dựng như Viglacera cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng dư cung.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của VGC đạt 6.374 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 461 tỷ đồng, giảm 14%. Hầu hết các mảng kinh doanh của tập đoàn đều khó khăn, trong đó, mảng vật liệu xây dựng, vốn đóng góp khoảng 64% vào lợi nhuận sau thuế cho thấy sự sa sút hơn cả.
Cụ thể, mảng gạch xây dựng chỉ đạt doanh thu 560 tỷ đồng, giảm 7% so với quý 3/2017. Lợi nhuận gộp từ mảng này đạt 244 tỷ đồng, giảm 19,6%. Nhu cầu xây dựng giảm, áp lực cạnh tranh trên thị trường cộng với hoạt động tái cơ cấu sản phẩm từ gạch nung truyền thống sang gạch không nung khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống còn 14,4% từ mức 18% của năm trước.
Kính xây dựng, lĩnh vực VGC đang chiếm thị phần lớn với khoảng 41% thị phần cũng giảm 26% doanh thu so với cùng kỳ, đạt 793 tỷ đồng do cạnh tranh từ các nhà sản xuất trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu không bị áp thuế từ Malaysia. Thị trường kính hiện cung nhiều hơn cầu khi cấp ra thị trường 3.550 tấn/ngày, lớn hơn so với mức tiêu thụ 3.000 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, Kibing Glass Malaysia, sở hữu trực tiếp toàn bộ công ty con Kibing Group China đã khánh thành một cơ sở sản xuất tại Malaysia với công suất ước tính là khoảng 1.400 tấn/ngày. Hơn 50% sản lượng từ nhà máy này được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam với giá bán rất thấp nhờ lợi thế không bị áp thuế từ năm 2018 và giá nhiên liệu tại Malaysia thấp hơn. Những yếu tố này đã khiến biên lợi nhuận mảng kính xây dựng của VGC ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mảng thiết bị vệ sinh cũng cho lợi nhuận gộp giảm 16,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 196 tỷ đồng.
Điểm sáng hiếm hoi trong nhóm vật liệu xây dựng của VGC đó là mảng gạch ốp lát, với doanh thu trong quý 3 đạt 755 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 500 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái với lợi nhuận gộp được cải thiện. Tuy nhiên, nếu tính trong giai đoạn cả 9 tháng từ đầu năm đến nay, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn giảm đáng kể từ, chỉ đạt 21,7% so với mức 25,7% trong cùng kỳ.
Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh khiến quá trình thoái vốn Nhà nước tại VGC gặp nhiều khó khăn. Thời điểm cuối tháng 6, Bộ Xây dựng đã tiến hành thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu tại VGC từ 54% xuống 36% tuy nhiên thương vụ không thành công.
Hiện tại, Bộ đang xem xét tiếp tục thực hiện thoái vốn trong năm nay hoặc chọn trì hoãn đến năm sau, khi có thể thoái toàn bộ 54% cổ phần. Một kế hoạch thoái vốn mới đang được chuẩn bị hoặc Chính phủ sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong năm sau.
Video đang HOT
Các công ty phân tích đánh giá, dù mảng vật liệu xây dựng lõi gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh VGC nhiều khả năng đã chạm đáy và sẽ được cải thiện thông qua các lĩnh vực khác, chẳng hạn như cho thuê khu công nghiệp.
Hoạt động khai thác khu công nghiệp của VGC sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Xu hướng di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam thực tế đã bắt đầu từ giai đoạn 2013-2014 và thường được biết đến là xu hướng “China 1″ với cái tên đi đầu là Samsung. Do đó, hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp của VGC đang có lợi thế để tận dụng dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng gia tăng.
Trong khi đó sản xuất thiết bị vệ sinh dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong tương lai. Nhà máy thiết bị vệ sinh Mỹ Xuân có công suất thiết kế là 750.000 sản phẩm/năm (tăng 43% tổng công suất), và nhà máy đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong quý 3 năm nay với dự kiến đi vào hoạt động chính thức trong năm 2019.
Phía VGC cho biết, sản phẩm đầu ra của nhà máy có chất lượng cao hơn so với sản phẩm của các nhà sản xuất địa phương với mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn khoảng 30%. Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 20% thiết bị vệ sinh và sẽ tăng dần tỷ trọng xuất khẩu lên 30% trong năm 2020. Đây dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận của VGC trong trung hạn.
Công ty cũng đang trong quá trình đàm phán thỏa thuận hợp tác với ROCA Group, một trong những nhà sản xuất thiết bị vệ sinh và nhà tắm hàng đầu thế giới. ROCA Group rất quan tâm đến hợp tác với VGC thông qua sở hữu cổ phần trong toàn bộ hoạt động sản xuất thiết bị vệ sinh của công ty. Tuy nhiên, theo Ban điều hành, các quyết định hợp tác cần phải chờ sau khi quá trình thoái vốn hoàn tất.
Theo Trần Anh/The Leader
Bộ chỉ số PVN-Index: Tin cậy, chuẩn mực quốc tế
Bộ chỉ số PVN-Index ra đời với mục đích quan trọng nhất là trở thành kênh huy động vốn riêng và hiệu quả cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp thành viên, khi PVN đang đẩy mạnh hoạt động ở thị trường trong nước và quốc tế, nhu cầu huy động vốn lớn.
Bộ chỉ số PVN-Index
Bộ chỉ số PVN-Index còn giúp nhà đầu tư có thêm một chỉ số để đo lường hoạt động của ngành Dầu khí; nâng cao tính minh bạch - một yếu tố rất quan trọng khi PVN muốn hướng ra thị trường quốc tế.
PVN-Index gồm rất nhiều chỉ số: PVN All-Share, PVN All-Share Continuous, PVN All-Share HSX, PVN All-Share HNX, PVN Vật liệu cơ bản, PVN Dịch vụ tiêu dùng, PVN Tài chính, PVN Công nghiệp, PVN Dầu khí, PVN Dịch vụ tiện ích, PVN 10.
PVN-Index được xem là cầu nối của doanh nghiệp ngành Dầu khí với nhà đầu tư
Các chỉ số PVN-Index được tính theo hai phương pháp: Chỉ số giá và chỉ số lợi nhuận. Mỗi chỉ số đều được quy đổi ra bốn loại tiền tệ: EUR, JPY, USD và VND.
Chỉ số PVN được chia làm 2 nhóm: Chỉ số đại diện (những chỉ số theo sát cả thị trường hoặc sự biến động của một ngành nhất định) và chỉ số đầu tư (được thiết kế để làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm phái sinh).
Chỉ số đầu tư là chỉ số PVN 10, bao gồm 10 mã cổ phiếu (của các doanh nghiệp thuộc PVN) có giá trị vốn hóa phần cổ phiếu tự do giao dịch và giá trị giao dịch lớn nhất. PVN 10 phản ánh hoạt động của các mã tiêu biểu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK).
PVN-Index đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế
Tháng 8-2017 đánh dấu một bước phát triển mới trên TTCK Việt Nam khi chứng kiến sự ra đời của sản phẩm phái sinh đầu tiên, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F), được nhà đầu tư đón nhận tích cực.
PVN-Index đo lường hoạt động của các doanh nghiệp ngành Dầu khí
Theo dự kiến, năm 2018, TTCK sẽ đón nhận thêm các sản phẩm mới, đầu tiên là chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) và sau đó là hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
Để thị trường tài chính trong nước vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì việc xây dựng TTCK phái sinh là cần thiết, đa dạng hóa kênh đầu tư, từ đó làm tăng tính cạnh tranh của TTCK Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính lớn hàng đầu thế giới cũng đã được thiết lập và duy trì tốt đẹp. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đã tạo uy tín cho Việt Nam, nhờ đó, TTCK phái sinh sẽ có cơ hội phát triển, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại.
Về lâu dài, Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam" đặt ra mục tiêu sau năm 2020 là "tiến tới xây dựng một TTCK phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế" và "về dài hạn, các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên sở giao dịch chứng khoán".
Trên cơ sở đó, TTCK phái sinh trong tương lai được quản lý tập trung, phát triển đa dạng các sản phẩm giao dịch bao gồm các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đối với cả chứng khoán (trong đó có chỉ số ngành), tiền tệ và hàng hóa.
PVN-Index là bộ chỉ số ngành Dầu khí đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, có mặt từ tháng 8-2012 và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ để đánh giá và phân tích đáng tin cậy cho các nhà đầu tư. Đây có thể là chỉ số nền để phát triển các sản phẩm mới trên TTCK phái sinh hay phát triển các quỹ ETFs.
Hiện nay, TTCK phái sinh Việt Nam mới hình thành, việc phát triển các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số, là xu hướng tất yếu, giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư, hạn chế rủi ro.
Cùng với những công cụ đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, sự có mặt của các sản phẩm chứng khoán phái sinh (trong đó có sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số) không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm cho nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển của TTCK lên một tầm cao hơn.
Tầm quan trọng của chỉ số chứng khoán ngành
Nhận thức được tầm trọng của việc đưa vào triển khai một bộ chỉ số trung bình ngành Dầu khí, từ năm 2010, PVN đã chỉ đạo Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nghiên cứu và vận hành bộ chỉ số chứng khoán ngành Dầu khí làm nền tảng phát triển các sản phẩm phái sinh, hợp đồng quyền chọn... trên TTCK Việt Nam với mục đích đa dạng hóa các kênh đầu tư cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Các chỉ số chứng khoán ngành cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn lịch sử về kết quả hoạt động chung của các ngành trên TTCK, giúp nhà đầu tư hiểu sâu sắc hơn về thị trường, có quyết định đầu tư hợp lý, hạn chế rủi ro, đa dạng hóa danh mục so với việc lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ.
Đó cũng là thước đo để nhà đầu tư có thể sử dụng để so sánh và phân tích hiệu suất đầu tư danh mục của mình so với thị trường. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể sử dụng chỉ số chứng khoán ngành để biết được nhà quản lý sử dụng tiền của mình đầu tư hiệu quả như thế nào.
Chỉ số chứng khoán ngành còn là một công cụ để nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng thị trường, có thể đem đến cái nhìn rõ ràng hơn về từng ngành (cổ phiếu hiện đang đắt hay rẻ, đang hấp dẫn hay rủi ro...).
Chỉ số chứng khoán ngành rất phổ biến trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đều đã phát triển hàng trăm bộ chỉ số khác nhau. Chẳng hạn, ở Mỹ có DJTA (Dow Jones Transportation Average) - chỉ số của ngành giao thông vận tải và DJUA (Dow Jones Utility Average) - chỉ số của ngành dịch vụ công ở thị trường Mỹ... Nhật có Topix 17 sector indexes với tất cả các ngành: xây dựng, vật liệu cơ bản, dịch vụ, tài chính... Ở Hàn Quốc là KRX Banks (ngành ngân hàng), KRX Transportation (ngành vận tải), KRX Energy & Chemical (ngành năng lượng và hóa chất)....
Trên TTCK Việt Nam ngoài 2 chỉ số chính thức là VN-Index và HNX-Index, một số chỉ số chứng khoán khác đã được các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tính toán và công bố như: FTSE Vietnam All-share, FTSE 10, SSI 30, DCVN 30, VIR50...
Ngày 25/1/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chính thức phân ngành các công ty niêm yết theo chuẩn GICS và triển khai 10 chỉ số ngành về các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, năng lượng...
PVN-Index là bộ chỉ số ngành Dầu khí đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, đã có mặt từ tháng 8/2012 và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ để đánh giá và phân tích đáng tin cậy cho các nhà đầu tư. Đây có thể là chỉ số nền để phát triển các sản phẩm mới trên TTCK phái sinh hay phát triển các quỹ ETFs.
Minh Châu
Theo petrovietnam.petrotimes.vn
Cổ phiếu CDO được ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch Ngày 2/10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo về việc đưa cổ phiếu CDO của Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch và được giao dịch trở lại bình thường. Candle Hotel tại Hà Nội - một trong những dự án do CDO thực hiện và đã...