Viettel nỗ lực thực hiện sứ mệnh sáng tạo vì con người
Với sứ mệnh “ Sáng tạo vì con người”, Viettel đã và đang nỗ lực thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.
Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng (CNQP) và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo. Xung quanh vấn đề trên, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) có buổi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Ngày 27-9-2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở nghị quyết này, Viettel đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện như thế nào thưa đồng chí?
Viettel nhanh chóng triển khai công nghệ 5G và các hạ tầng đáp ứng cơ hội phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Giữa năm 2018, Viettel tuyên bố bước vào giai đoạn thứ tư trong lịch sử phát triển của mình: Giai đoạn toàn cầu và 4.0. Từ đó, chúng tôi cũng nhận về mình sứ mệnh kiến tạo xã hội số. Trước hết là chuyển đổi chính Viettel trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số. Cùng với đó, chúng tôi tham gia mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số để thực sự hình thành xã hội số ở Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi tập trung vào 3 việc chính.
Trước hết, tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT hiện đại nhất. Bởi thực chất, cuộc cách mạng số trước hết dựa trên nền tảng viễn thông và CNTT. Thứ hai, tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không. Thứ ba, đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao: Công nghiệp điện tử viễn thông, CNQP và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.
PV: Theo Nghị quyết số 52, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, quan điểm của tập đoàn về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Ở đây chúng ta cần hiểu nghĩa rộng của hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số chính là quá trình chuyển đổi tư duy. Bởi vậy, hạ tầng là bao gồm cả cơ chế, chính sách, khung kiến trúc, hạ tầng mạng lưới… Hiện nay, về hạ tầng mạng lưới Viettel và các doanh nghiệp viễn thông đã bảo đảm tốt và luôn sẵn sàng nâng cấp để đáp ứng yêu cầu. Điều cần thiết hiện nay đó chính là thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho chuyển đổi số. Theo đó, điều cần thiết là phải ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu và thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số… nhằm từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp.
Video đang HOT
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng. Ảnh: Hoàng Linh
PV: Thưa đồng chí, để thực hiện tốt sứ mệnh tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, Viettel cần phải làm gì?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Đầu tiên, Viettel đã có những dịch vụ cung cấp cho khách hàng toàn xã hội, ví như công cụ thanh toán số ViettelPay, các dịch vụ nội dung số giúp cuộc sống phong phú hơn, các giải pháp thương mại điện tử. Những giải pháp đó đã góp phần mỗi người chúng ta có được trải nghiệm về cuộc sống số.
Thứ hai, trong năm 2019, những dự án quản trị số đã được chia sẻ với các tổ chức bên ngoài. Sau khi số hóa thành công nội bộ, Viettel mang những kiến thức, công cụ đó chia sẻ cho các tổ chức, doanh nghiệp khác. Nhu cầu chuyển đổi số có cả ở những tổ chức, doanh nghiệp khác, thậm chí cao hơn ở Chính phủ và chính quyền địa phương. Ở doanh nghiệp, chúng ta có các giải pháp quản trị riêng, ví như Voffice. Chúng tôi chủ động tham gia vào các dự án lớn của Chính phủ như eCabinet, trục liên thông văn bản quốc gia, rồi đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… bước đầu đã có những thành quả. Văn phòng Chính phủ bây giờ không những không dùng giấy tờ mà thậm chí các văn bản giấy gửi lên cũng không được chấp nhận nữa.
Thứ ba, Viettel đã tìm ra cách thức triển khai với chi phí rất thấp, giúp cơ hội tiếp cận các giải pháp số được tăng lên. Ví dụ, khi nói đến đô thị thông minh thường sẽ nghĩ đến các giải pháp hàng trăm tỷ đồng. Nhưng ở Thừa Thiên-Huế, Viettel triển khai Smartcity với khởi đầu chỉ vài chục tỷ đồng thôi. Chi phí thấp giúp nhiều tỉnh có cơ hội làm đô thị thông minh hơn, nói cách hình tượng là “may đo” theo nhu cầu quản lý đặc thù địa phương. Đó chính là những dấn ấn của Viettel đối với xã hội trong thời gian qua.
PV: Đô thị thông minh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đồng chí cho biết, hiện nay Viettel có đóng góp gì trong việc ứng dụng CNTT vào các tỉnh, thành phố?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Đối với lĩnh vực đô thị thông minh thì Viettel đã có quá trình nghiên cứu hơn 5 năm với nhiều mô hình trên thế giới và dựa trên những đặc thù của Việt Nam, lựa chọn 9 nhóm sản phẩm bao gồm: Nhóm sản phẩm khung kiến trúc; nhóm sản phẩm hạ tầng; nhóm sản phẩm tương tác; nhóm sản phẩm lĩnh vực y tế thông minh; nhóm sản phẩm giáo dục thông minh; nhóm sản phẩm giao thông thông minh; nhóm sản phẩm an toàn, bảo mật thông tin; nhóm sản phẩm quản lý thông tin báo chí và truyền thông; nhóm sản phẩm trung tâm giám sát điều hành.
Đối với mỗi địa phương, Viettel có những điều chỉnh phù hợp với quy mô kinh tế-xã hội, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đô thị thông minh phải tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời xử lý thông tin, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Viettel giữ vai trò là đơn vị tư vấn, thiết kế công cụ, giải pháp, đầu tư hạ tầng hệ thống trước cho các địa phương sử dụng đến đâu chi trả cho Viettel đến đó.
PV: Mạng 5G sẽ được Viettel đầu tư và triển khai ra sao trong năm 2020 và những năm tiếp theo?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Viettel hiện đang là doanh nghiệp tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam phát sóng 5G. Ba đặc trưng của sóng 5G là tốc độ cao, dung lượng kết nối lớn và độ trễ thấp. Khi đưa vào thương mại hóa, cứ vùng nào, tỉnh nào có nhu cầu cao về data, Viettel sẽ triển khai 5G, không có sự phân biệt.
Như vậy, 5G sẽ được ưu tiên triển khai tại các địa điểm có nhu cầu cao hoặc các địa điểm hay bị nghẽn 4G, ví như khu công nghiệp, nhà máy… Trước đây, khu vực nào 4G bị nghẽn thì phải lắp thêm 3-4 trạm 4G nữa, nhưng bây giờ chỉ cần lắp một trạm 5G là giải quyết được vấn đề.
Trên thực tế, 5G ra đời để ứng dụng vào các giải pháp công nghệ cao, IoT như nhà thông minh, xe tự lái, mổ phẫu thuật từ xa… 5G ra đời cũng sẽ tạo ra động lực mới, kéo theo sự xuất hiện nhiều hơn các khu công nghiệp, nhà máy… tạo sự phát triển kinh tế-xã hội. Đó cũng là một giá trị làm lợi mà 5G mang lại. Nhưng có thể nói trước mắt thì các ứng dụng này sẽ chưa được triển khai nhiều. Trong vài năm tới, 5G sẽ được phủ sóng theo trọng tâm trọng điểm, nơi có nhu cầu data cao, độ trễ thấp..
PV: Đồng chí có thể dự báo về thị trường viễn thông-CNTT trong năm 2020?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Đối với viễn thông truyền thống như thoại, tin nhắn… chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại, chỉ 1-2% đã là nhiều. Nhưng với nhu cầu về sử dụng data, các ứng dụng về dịch vụ số thì sẽ tiếp tục tăng cao. Viettel muốn có được tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 10 đến 15% thì phải tập trung vào các dịch vụ số. Năm 2019 chúng tôi phấn đấu 15-20% doanh thu từ dịch vụ số. Trên thế giới, dịch vụ số chiếm khoảng 30% doanh thu của các công ty viễn thông. Viettel cũng phấn đấu đạt tỷ lệ như vậy trong vòng 1-2 năm tới. Tôi nghĩ đó cũng là xu hướng chung của ngành viễn thông trong thời gian sắp tới khi doanh thu sẽ đến từ dịch vụ số.
Ở thời điểm hiện tại, những rào cản về chính sách vĩ mô cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành viễn thông, CNTT. Cụ thể như những vấn đề về dùng thẻ cào để thanh toán, quyết sách về mobile money… vẫn là trở ngại đối với việc xây dựng nền tảng thanh toán cho nền kinh tế số. Chính phủ có thể cân nhắc đẩy nhanh các quyết sách để các công ty viễn thông và CNTT có thể quyết định cuộc chơi của chính mình trong thời gian sớm nhất, từ đó thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Ví điện tử Lumitel của Viettel lần đầu báo lãi sau 2 năm vận hành
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, ví điện tử của Lumitel - công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel) tại Burundi đã kinh doanh có lãi và trở thành ví điện tử duy nhất do người Việt Nam vận hành có lãi hiện nay.
Ví điện tử Lumitel của Viettel đã kinh doanh có lãi từ đầu năm 2019
Lumitel bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử vào tháng 3/2017. Lúc đó, tại Burundi đã có 2 ví điện tử là Ecocash và Smart Pesa. Sau chưa đầy 1 năm, ví điện tử của Lumitel có hệ thống kênh phân phối với 16.793 đại lý bao phủ 86% diện tích Burundi và trở thành dịch vụ mobile money có kênh phân phối lớn nhất tại Burundi.
Ví điện tử của Lumitel là hiện là ví điện tử duy nhất có thể sử dụng trên cả điện thoại cơ bản (điện thoại), khách hàng có thể truy cập và sử dụng dịch vụ trên nền USSD mạng 2G.
Hiện tại, ví điện tử của Lumitel đã có 1,4 triệu thuê bao đang hoạt động, tương đương hơn 60% thị phần. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, ví điện tử của Lumitel đã kinh doanh có lãi và trở thành ví điện tử duy nhất do người Việt Nam vận hành có lãi hiện nay.
Người dân Burundi có thể sử dụng ví điện tử của Lumitel để chuyển tiền, rút tiền trên toàn quốc, thanh toán thuế, các khoản phí và lệ phí, thanh toán tiền điện, tiền nước, mua thẻ cào điện tử... bằng điện thoại di động. Trong tương lai, ví điện tử này sẽ triển khai các dịch vụ mới như API, mã QR và APP, dịch vụ cho vay tiêu dùng và kinh doanh...
Đánh giá về Lumitel, bà Remy Ndayishimiye, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Burundi cho rằng ví điện tử này không chỉ tạo điều kiện cho người dân ở thành thị mà còn hướng tới những người ở vùng nông thôn khó khăn và đặc biệt là giá thành rất rẻ.
Được biết, vào ngày 19/10, tại Vienna (Áo), ví điện tử của Lumitel sẽ nhận giải Vàng ở hạng mục sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất tại Giải thưởng kinh doanh quốc tế 2019 (International Business Awards - IBA Stevie Awards).
Theo Vietnam Finance
Viettel phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật tại TP Hồ Chí Minh Sáng 21-9, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự lễ công bố có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh...