Vietravel: Bước ngoặt chuyển mô hình, cổ đông thân tín ‘nhập cuộc’
Năm 2014, Vietravel chuyển từ hình thức sở hữu Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần không còn vốn nhà nước, cũng là thời điểm các cổ đông có quan hệ mật thiết với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Kỳ bắt đầu “nhập cuộc”.
Cơ hội cho cổ đông mới
Vietravel vốn là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Năm 2014, Vietravel chuyển từ hình thức sở hữu Nhà nước sang mô hình Công ty cổ phần không còn vốn nhà nước. Ngày 21/01/2014, Công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel. Chính bước ngoặt giai đoạn 2014-2015 này đã là tiền đề cho một bộ máy lãnh đạo mới của doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam Online, tính đến ngày 25/3/2019, Vietravel có tới 859 cổ đông trong nước, trong đó nhiều cổ đông là cán bộ, công nhân viên nhưng đa phần sở hữu số lượng ít cổ phần (dưới 5%).
Cơ cấu cổ đông Vietravel nổi bật lên 02 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ là cá nhân ông Nguyễn Quốc Kỳ (sở hữu 9,075 vốn điều lệ) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và Lữ hành Quốc tế Sài Gòn – SG Travel (sở hữu 16,22%).
Ông Nguyễn Quốc Kỳ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Vietravel. Cá nhân ông Kỳ (SN 1958) là thạc sĩ Quản trị kinh doanh, hiện đang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA). Ông Kỳ từng có thời gian giữ chức quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Còn Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và Lữ hành Quốc tế Sài Gòn – SG Travel, đây là đối tác quan trọng của Vietravel. Doanh nghiệp này hiện do bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh (SN 1991) làm Chủ tịch. Tuy nhiên, bà Khanh chính là con gái ruột của ông Nguyễn Quốc Kỳ, đồng thời bà Khanh cũng là thành viên HĐQT của Vietravel từ năm 2015, tức là thời điểm bà Khanh mới 24 tuổi, đúng giai đoạn Vietravel tiến hành thoái vốn Nhà nước.
Như vậy có thể thấy cả 02 cổ đông lớn của Vietravel đều nằm trong nhóm cổ đông có những mối quan hệ mật thiết với cá nhân ông Nguyễn Quốc Kỳ.
Không những thế, trong thành viên HĐQT của Vietravel còn có ông Nguyễn Lưu (SN 1944). Ông Lưu đóng vai trò là thành viên HĐQT không điều hành và chính là anh trai của ông Nguyễn Quốc Kỳ. Bản thân ông Nguyễn Quốc Kỳ còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Thương mại đầu tư Đảo Ngọc Bích – một công ty con của Vietravel. Đây là doanh nghiệp được thành lập tháng 4/2016 với trụ sở chính tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Công ty Đảo Ngọc Bích do 03 cổ đông góp vốn thành lập. Trong đó, Vietravel nắm giữ 51% vốn điều lệ – đại diện là ông Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty TNHH MTV dịch vụ vận chuyển thế giới nắm giữ 24,5% vốn điều lệ – đại diện là ông Trần Đoàn Thế Duy (SN 1973), và Công ty TNHH MTV Du lịch và Lữ hành quốc tế Sài Gòn – SG Travel nắm giữ 24,5% vốn điều lệ – đại diện là bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh.
Video đang HOT
Như đã nói, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh là con gái ông Nguyễn Quốc Kỳ, từng làm Trợ lý Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, sau đó từ tháng 10/2013 đến nay làm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và Lữ hành quốc tế Sài Gòn, từ năm 2015 đã nằm trong thành viên HĐQT của Vietravel sở hữu 0,18% cổ phần.
Có thể thấy quá trình chuyển hóa từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình cổ phần không còn vốn nhà nước của Vietravel, cũng là thời điểm rõ nét mà nhóm cổ đông cá nhân gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ dần nắm giữ cổ phần và thâu tóm các vị trí quan trọng trong Vietravel.
Hướng đi nào cho hãng bay mới
Ngoài việc kinh doanh lữ hành, vào đầu năm nay Vietravel nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam ( Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế thực hiện tham vọng tiến tới có một hãng bay riêng. Để chuẩn bị cho hình thành hãng hàng không mới, vào tháng 2/2019 Vietravel thành lập Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam – Vietravel Airlines, đặt trụ sở tại TP.Huế.
Để trở thành một hãng hàng không vận hành được thì tiềm lực tài chính mạnh của nhà đầu tư là yếu tố then chốt, bên cạnh những vấn đề về chuyên môn vận hành.
Nếu xét vào Vietravel có thể thấy, tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Vietravel đạt 2.243 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 961 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn 713 tỷ đồng. Khoản nợ phải trả của Vietravel lên đến 1.989 tỷ đồng, riêng nợ phải trả ngắn hạn đã là 1.239 tỷ đồng, nợ dài hạn 749 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là các khoản vay và nợ thuê tài chính cả ngắn và dài hạn đều có những bước nhảy vọt.
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2019 thể hiện, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đầu năm 78,74 tỷ đồng nhưng đến cuối kỳ là gần 146 tỷ đồng; tương tự với khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn đầu năm là gần 36 tỷ đồng nhưng cuối kỳ báo cáo là gần 729 tỷ đồng.
Dù tổng tài sản của Vietravel đạt 2.243 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 254 tỷ đồng (tương đương khoảng 11% tổng tài sản). Nên nhớ rằng, Vietravel đầu tư 100% vốn điều lệ vào Vietravel Airlines theo con số đăng ký lên đến 700 tỷ đồng, tức là lớn hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của chính công ty mẹ (Vietravel). Tuy nhiên, tại ngày kết thúc kỳ báo cáo tài chính quý 2/2019 cho thấy, Vietravel mới đầu tư 5 tỷ đồng tương đương 7,14% vốn điều lệ vào Vietravel Airlines. Rõ ràng những con số này cho thấy Vietravel đang không mấy dư dả về tài chính khi phải huy động đủ vốn cho Vietravel Airlines theo đúng đăng ký.
Trong khi đó báo cáo tài chính quý 3/2019 thể hiện, tại thời điểm 30/9/2019 tiền và tương đương tiền của Vietravel chỉ là 153 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt khoảng 17 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gần 122 tỷ đồng.
Dù trong giai đoạn 2014-2018 doanh thu thuần của Vitravel duy trì tăng từ mức 3.461 tỷ đồng lên 7.340 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Vietravel lại khá mỏng, năm 2014 chỉ đạt trên 11 tỷ đồng, các năm 2015, 2016, 2017, 2018 lần lượt đạt 21,8 tỷ đồng, gần 42 tỷ đồng, 37,232 tỷ đồng và trên 58 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc dù doanh thu “khủng” nhưng tỷ suất lợi nhuận của Vietravel rất thấp. Đây là vấn đề đáng lưu tâm về dòng tiền và các hoạt động lưu chuyển.
Có thể thấy rằng, tuy là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành nhưng quy mô vốn của Vietravel hiện “khá mỏng” so với những doanh nghiệp hàng không. Nhưng với định hướng cho ra đời một hãng bay mới có lẽ Vietravel đã xây dựng phương án riêng cho mình trong “cuộc chơi” mới này.
Loan Hoang
Theo vietq.vn
Giật cục cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (VTR)
Sau khi chào sàn, giá cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) tăng hơn gấp đôi so với giá tham chiếu, sau đó giảm mạnh và giảm dần đều cho đến nay.
Vietravel tiền thân là công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được cổ phần hóa năm 2014. Ngày 27/9/2019, 12,6 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VTR của Vietravel chào sàn UPCoM, với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu.
Dựa vào vị thế và uy tín thương hiệu, cùng kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực hàng không còn nhiều tiềm năng, với chuyến bay đầu tiên dự kiến cất cánh trong quý II/2020, Vietravel tự tin, giá cổ phiếu VTR sẽ không dừng lại ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu này đã tăng hết biên độ 40% cho phép, đạt 56.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng trần thêm 15%/phiên trong 3 phiên tiếp theo, lên mức 85.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/10.
Tuy nhiên, chuỗi ngày lao dốc xuất hiện sau đó, đến ngày 22/10, giá cổ phiếu VTR sụt giảm còn 51.000 đồng/cổ phiếu và xu hướng chung từ đó đến nay là giảm dần đều, đóng cửa phiên giao dịch 20/11 ở mức 45.100 đồng/cổ phiếu.
Cuối ngày 30/10, trên website của Vietravel đăng tải báo cáo tài chính quý III/2019, với kết quả lợi nhuận tăng trưởng, nhưng yếu tố này không giúp giá cổ phiếu phục hồi.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, trong quý III/2019, Vietravel lãi sau thuế 24,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 18,1 tỷ đồng, vì sao giá cổ phiếu vẫn giảm?
Hoạt động của Vietravel có gì bất thường, hay do nhà đầu tư quan ngại giá cổ phiếu VTR ngày chào sàn được định giá cao...?
Đại diện công bố thông tin của Vietravel chia sẻ, giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư cho biết, họ quan ngại về áp lực trả nợ và lãi vay của Vietravel, trong khi lĩnh vực hàng không mà Công ty đang theo đuổi có mức độ cạnh tranh cao.
Thời điểm cuối quý III/2019, Vietravel có nợ ngắn hạn 1.239,5 tỷ đồng, tăng so với mức 926,8 tỷ đồng đầu năm; nợ dài hạn 749,6 tỷ đồng so với mức 56,3 tỷ đồng đầu năm.
Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, nợ phải trả của Công ty tăng gấp đôi, từ hơn 983,1 tỷ đồng lên 1.989,1 tỷ đồng.
Trong tháng 9, Vietravel đã phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, huy động vốn cho dự án hàng không, với lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu, sau đó là 11%/năm.
Tuy thị trường hàng không còn nhiều tiềm năng, nhưng việc Vietravel theo đuổi tham vọng tham gia thị trường bằng cách lập Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines và có kế hoạch khai thác vào cuối quý II, đầu quý III/2020, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt là điều khiến nhà đầu tư thận trọng.
Trên thực tế, từng có hãng hàng không "gãy cánh" khi cố chen chân vào thị trường này.
Ngoài ra, quy mô của Vietravel nhỏ, vốn điều lệ 126 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thời điểm cuối tháng 9/2019 là 254,1 tỷ đồng, áp lực nguồn vốn để theo đuổi lĩnh vực hàng không là rất lớn.
Trong khi đó, riêng khoản phải trả lãi trái phiếu (700 tỷ đồng) trong năm đầu tiên (tháng 9/2019 - 9/2020) là gần 65 tỷ đồng, lớn hơn lợi nhuận đạt được năm 2018 (58 tỷ đồng).
Theo báo cáo thường niên 2018, trong cơ cấu cổ đông của Vietravel, cổ đông cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo, sở hữu 78,9% cổ phần, tiếp đến cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch và lữ hành quốc tế Sài Gòn sở hữu 16,22% cổ phần, còn lại là cổ đông Ban chấp hành Công đoàn và cổ phiếu quỹ.
Trong số các cổ đông cá nhân có tên trong Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ lượng cổ phiếu cao nhất, với tỷ lệ 9,07%.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Hơn 12,6 triệu cổ phiếu của Vietravel chào sàn UPCoM Hơn 12,6 triệu cổ phiếu của Vietravel được niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VTR, giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu là 40.000 đồng. (Nguồn: vietravel.com) Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương giao dịch cổ phiếu Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị...