VietinBank tăng vốn để hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II
Đến thời điểm hiện tại VietinBank đã đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện “đủ” để một NHTM có thể đáp ứng được Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản trong đó có tăng trưởng tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.
Đi đầu triển khai các chủ trương của Chính phủ, NHNN
Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, VietinBank đã và đang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao phó. VietinBank luôn phát huy vai trò chủ lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tiến trình cổ phần hóa, tăng cường năng lực tài chính và quản trị ngân hàng, tăng cường tiềm lực và công nghệ, mở rộng phạm vi hoạt động phù hợp định hướng của Ngành Ngân hàng.
VietinBank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế
VietinBank cũng là thành viên tích cực trong việc đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ, sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tập trung vốn cho các ngành nghề ưu tiên với lãi suất hợp lý, hỗ trợ cử nhân sự tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và NHNN.
Đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế – xã hội, đặc biệt một số ngành/lĩnh vực, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tác động kép bởi thiên tai do hạn hán, xâm ngập mặn, bằng sự vào cuộc khẩn trương và trách nhiệm, với tinh thần chủ động đồng hành, chia sẻ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, VietinBank tiên phong triển khai Thông tư 01, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với nhiều chính sách cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí…
Ngoài nhiệm vụ là một đơn vị kinh doanh, với xuất phát điểm là một ngân hàng quốc doanh, VietinBank đã tham gia tích cực trong hoạt động cho vay chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thực hiện các trách nhiệm xã hội và chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Tăng vốn điều lệ để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Basel II
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm và vinh dự lớn lao mà Đảng, Chính phủ, NHNN tin tưởng giao cho, VietinBank luôn nỗ lực để cải thiện nâng cao năng lực quản trị hướng tới các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất trong quản trị ngân hàng, cung cấp tín dụng lành mạnh phục vụ tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, VietinBank đã và đang tích cực triển khai các dự án thuộc chương trình Basel II, hướng tới đáp ứng thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, quản lý vốn theo các chuẩn mực của Ủy ban Basel II cũng như thông lệ thực hành trong khu vực.
Video đang HOT
Đại diện VietinBank khẳng định: Trên cơ sở triển khai và ứng dụng các dự án Basel II vào hoạt động điều hành, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản VietinBank đã đáp ứng toàn diện các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện “đủ” để một NHTM có thể đáp ứng được Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản trong đó có tăng trưởng tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.
Tính từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm. Hiện tại, tỷ lệ CAR của VietinBank mặc dù vẫn tuân thủ quy định hiện hành của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN nhưng với năng lực vốn còn giới hạn, VietinBank đang đứng trước thách thức rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế – xã hội nhưng phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và quy định về đánh giá nội bộ mức đủ vốn tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/01/2021) trong bối cảnh vốn điều lệ chưa tăng.
Trong thời gian qua, VietinBank đã và đang triển khai tích cực các giải pháp đồng bộ với các phương án được đề ra tại Quyết định 1058/QĐ-TTg cũng như các biện pháp cải thiện vốn từ nguồn lực nội tại của VietinBank, khai thác tối đa các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn bao gồm: Phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro, kiểm soát hệ số rủi ro bình quân để góp phần giảm bớt áp lực tăng vốn. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện đã được tận dụng tối đa.
“Căn cứ thực tế cấp tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và áp lực vốn để đảm bảo tuân thủ quy định của Basel II, yêu cầu tăng vốn của VietinBank là hết sức cấp thiết. Khác với các NHTM khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn: tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các NHTM cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%” – đại diện VietinBank chia sẻ.
Quy mô vốn luôn là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn và là cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng… Do đó, việc tăng vốn của các ngân hàng là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư, từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn tín dụng cho thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Hậu Covid-19: Tín dụng liệu có bật tăng mạnh?
Dù tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng ì ạch nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng khoảng 11-14%, tức là các ngân hàng sẽ cho vay thêm khoảng 900 nghìn tỷ đến 1,1 triệu tỉ đồng.
Dấu hiệu tích cực trở lại
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong những năm gần đây, thậm chí nửa đầu tháng 4, tín dụng còn tăng trưởng âm.
Đến nửa cuối tháng 4, tín dụng có dấu hiệu tích cực trở lại khi tăng nhanh từ con số 0,78% vào giữa tháng lên 1,32% vào cuối tháng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đình trệ hoạt động là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng.
Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng từ đại dịch, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ.Tính đến cuối tháng 4, các gói tín dụng được các ngân hàng công bố là hơn 650.000 tỷ đồng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đến nay đã triển khai đến 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất từ 2,5 - 4%).
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1 - 2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.
Vì thế, tính đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019, cao hơn nhiều với con số 0,78% được NHNN công bố ngày 16/4.
"Nút thắt" tín dụng
Dù mức tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm chậm, nhưng theo nhiều chuyên gia, tín dụng sẽ có nhiều dư địa tăng trở lại trong quý III và quý IV tới.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc.
Ngành ngân hàng vẫn đặt mục tiêu khá khả quan cho tăng trưởng tín dụng
Ngoài ra, theo quy luật thông thường, tín dụng thường tăng chậm trong các tháng đầu năm, rồi bật mạnh vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Do đó, với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý II, các chuyên gia VNDirect cho rằng, tín dụng sẽ tăng trở lại trong quý III, IV, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm khoảng 9-11%.
Còn theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, dự kiến tín dụng trong năm 2020 sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó khăn của ngành ngân hàng vẫn còn ở trước mắt khi doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, vẫn làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngoài ra, 2020 cũng là năm các ngân hàng phải thắt chặt tài chính để đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên tăng trưởng tín dụng phải phụ thuộc vào chất lượng tài sản cũng như mức độ đáp ứng yêu cầu về an toàn hoạt động. Những ngân hàng nào chưa đáp ứng được chuẩn Basel II sẽ phải tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn, phải tìm cách đáp ứng vốn tự có.
Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng trong quý I cho thấy mức tăng trưởng tín dụng âm. Đơn cử như VietinBank cho vay khách hàng giảm 1,25% so với đầu năm; MBBank giảm 0,94%; tại Saigonbank giảm tới 2,3%...
Mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tín dụng đang gặp khó, một phần do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, một phần vì các ngân hàng cũng phải thận trọng, hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Trên thực tế, dù nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất lớn nhưng các ngân hàng cũng rất thận trọng trong giải ngân. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ tín dụng nền kinh tế nhưng không nới lỏng các điều kiện vay.
"Hệ thống ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ này đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô" - người đứng đầu NHNN nói.
Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng Việt Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng về Xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings - IDR) của 5 ngân hàng bởi tốc độ tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19 gây ra có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến thông tin tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới. Fitch Ratings đã...