Vietcombank, MB… và “thị trường 3″
Vietcombank liên tiếp nâng kỷ lục lãi, MB dự kiến tiếp tục khả quan, và cả hai đều điển hình cho hướng mở rộng “thị trường 3″.
Có hai thị trường chính trong hoạt động ngân hàng. Thị trường giao dịch với dân cư và tổ chức, được gọi là thị trường 1. Thị trường giao dịch giữa các ngân hàng, được gọi là liên ngân hàng hay thị trường 2.
9 tháng đầu năm nay, “thị trường 3″ định hình rõ hơn và mở rộng nhanh chóng: giao dịch vốn trung dài hạn giữa các ngân hàng thương mại qua kênh trái phiếu.
Như BizLIVE đề cập ở các bản tin gần đây, từ trung tuần tháng 9 vừa qua đến nay, hệ thống ngân hàng có biểu hiện thừa vốn tạm thời, trạng thái vốn dồi dào.
Trạng thái đó trước hết gắn với lượng tiền cung ứng lớn, khi Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục mua mạnh ngoại tệ và nâng dự trữ ngoại hối quốc gia ước tính lên tới 70-71 tỷ USD.
Dư thừa tạm thời lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải dồn dập phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, với liên tiếp các phiên quy mô tới 18.000 tỷ đồng, tổng số dư hút về đến tuần này đã lên tới 90.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tuần này Ngân hàng Nhà nước lần thứ ba liên tiếp giảm lãi suất tín phiếu, từ mốc 3%/năm trước trung tuần tháng 7/2019 lần lượt xuống 2,75%, 2,5% và hiện chỉ còn 2,25%/năm. Lãi suất thấp như vậy nhưng hàng ngày vẫn có trên chục ngân hàng thương mại dồn vốn gửi về qua kênh tín phiếu.
Trên thị trường liên ngân hàng – thị trường 2, dư thừa vốn, lãi suất VND liên tiếp giảm mạnh, mức qua đêm có thời điểm chỉ còn hơn 1,7%/năm, hiện ở sát 2%/năm.
Dư thừa vốn như vậy, phải hút bớt về lượng lớn như vậy, lãi suất liên ngân hàng giảm thấp như vậy, sao không truyền dẫn được những thuận lợi đó sang thị trường 1 để hạ nhiệt lãi suất?
Video đang HOT
Một là, thị trường 2 chỉ là kênh có chức năng điều hòa, đáp ứng các nhu cầu vốn rất ngắn hạn giữa các tổ chức tín dụng. Hai là, nguồn vốn từ thị trường 2 chịu những giới hạn quy định khi chảy xuống thị trường 1 để có thể truyền dẫn những thuận lợi đó.
Thực tế đặt ra, một số thành viên lớn điển hình như Vietcombank, MB… có sức huy động vốn và chi phí vốn đầu vào thấp hơn so với nhiều thành viên khác, họ vẫn tham gia thị trường 2 nhưng lãi suất ở thị trường này, như trên, quá thấp và không hấp dẫn.
Theo đó, Vietcombank hay MB ắt tính toán dịch chuyển nguồn vốn, sang các kênh có tỷ suất cao hơn để tăng hiệu quả sử dụng nguồn. Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của cả MB lẫn Vietcombank đều cho thấy một đặc điểm: khẩu vị rủi ro đã thay đổi, với tỷ trọng đầu tư vào kênh trái phiếu tăng lên rõ rệt.
Khác với giai đoạn trước đây, tỷ trọng đó tăng lên nhưng không phải chi phối bởi trái phiếu Chính phủ (hiện lãi suất cũng rất thấp), mà là trái phiếu doanh nghiệp. Trong trái phiếu doanh nghiệp, phần lớn là trái phiếu của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, thay vì cho vay trên thị trường 2 hạn chế về lãi suất chỉ quanh 2% như trên, những ngân hàng có nguồn dồi dào và thuận lợi như Vietcombank hay MB, họ dịch chuyển sang kênh trái phiếu ngân hàng thương mại khác, có lãi suất thu được cao hơn rất nhiều.
Sự dịch chuyển đó tạo nên và mở rộng “thị trường 3″, như một kênh mới chuyển tiếp trạng thái vốn thuận lợi mà thị trường 2 khó thực hiện được sang thị trường 1.
Thực tế, 9 tháng đầu năm nay thị trường chứng kiến hoạt động phát hành dày và quy mô lớn, với nhiều trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Chỉ một số ít trường hợp với nhu cầu cải thiện vốn cấp 2 để kê hệ số an toàn vốn (CAR) nên loại trừ bên rót vốn vào là ngân hàng thương mại khác, phần lớn còn lại là nhu cầu vốn trung dài hạn đơn thuần với kỳ hạn chỉ 2-3 năm.
Ngân hàng dịch chuyển vốn vào trái phiếu của ngân hàng thương mại khác không bị tính vào tăng trưởng tín dụng, cùng đó gia tăng được hiệu quả sử dụng vốn. Hướng dịch chuyển này góp phần quan trọng trong lợi nhuận khả quan của MB hay Vietcombank thể hiện các kỳ gần đây, cũng như dự kiến trong 9 tháng đầu năm nay.
Và nếu xem đây như một “thị trường 3″, thì ở đó đang có sự điều hòa cung – cầu vốn giữa các ngân hàng, bổ sung cho sự hạn chế của thị trường 2 và qua đó cùng góp phần nhất định trong bình ổn được lãi suất trên thị trường chung. Như trong tháng 8 và 9, lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng thương mại phát hành bình quân chỉ khoảng 7-7,1%/năm, mà đây là nguồn vốn trung dài hạn.
Minh Đức
Theo BizLive
Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, kinh tế tăng trưởng lạc quan
Ngày 10-10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong quý IV, tỷ giá và lãi suất tiếp tục ổn định, bất chấp những biến động của kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Theo báo cáo của VEPR, trong quý 3, tỷ giá tiếp tục ổn định, mức tăng không đáng kể. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá biến động rất nhẹ và biên độ giảm giá VNĐ ngày càng thấp đi.
PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng, nguyên nhân thứ nhất, từ phía quốc tế, là một loạt quốc gia hạ lãi suất: Fed, ECB, Nhật, Indonesia... Việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đi vào hiệu lực và khả năng sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất trong 9 năm qua khiến đồng USD suy yếu đáng kể.
Thứ hai, từ phía Việt Nam, việc đảm bảo VNĐ không giảm giá mạnh là yêu cầu cấp thiết để tránh cáo buộc thao túng tiền tệ như Mỹ cảnh báo vào tháng 5 vừa qua. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ngày 13-9 gần như không ảnh hưởng đến tỷ giá.
Kết thúc quý III, dự trữ ngoại hối đã tăng vượt 71 tỷ USD, mua ròng 6 tỷ USD từ cuối quý I đến nay.
Theo NHNN, đây là mức kỷ lục hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng theo VEPR, so sánh với quy mô thương mại ngày càng mở rộng thì đây thực chất mới là mức an toàn. NHNN nên cân đối việc tăng dự trữ ngoại hối với việc đối phó cáo buộc thao túng của Mỹ.
Thời gian tới, các chuyên gia của VEPR cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Việc hạ phá giá tiền đồng để thúc đẩy xuất khẩu, là không nên làm thời điểm này.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho biết, tỷ giá thực của đồng VND so với 13 loại tiền tệ (của 13 đối tác thương mại lớn với Việt Nam) có diễn biến tương đối sát so với diễn biến thị trường, không có gì đáng lo.
Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam là xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu càng nhiều, do đó giảm giá tiền đồng không có tác dụng với thúc đẩy xuất khẩu mà lại gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Không chỉ tỷ giá, bức tranh chung kinh tế quý 3 và 9 tháng đầu năm được các chuyên gia đánh giá tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính và tăng trưởng thông qua xuất khẩu.
Về tình hình doanh nghiệp, trong quý III/2019, cả nước có 35.316 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 430,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tiếp tục giảm xuống còn 12.505 doanh nghiệp.
Lạm phát 9 tháng duy trì ở mức thấp, chỉ 2,5% nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao bởi giá lương thực, thực phẩm tăng do bệnh dịch, giá hàng giáo dục tăng và giá năng lượng biến động không ngừng.
Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. VEPR cũng dự báo, cả năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước sẽ khoảng 7.05%.
Tuy vậy, các chuyên gia nghiên cứu của VEPR cũng cảnh báo, việc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ.
Lệ Thúy
Theo cand.com.vn
Lãi suất có thể giảm vào đầu năm 2020 Theo các chuyên gia, dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2019 còn rất lớn và nhu cầu huy động vốn của các NHTM sẽ vẫn ở mức cao khiến lãi suất khó giảm. Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu...