Vietcombank: Bứt phá ấn tượng, chinh phục những đỉnh cao mới
Kết thúc năm 2018, Vietcombank tiếp tục tạo nên dấu ấn mới – dấu ấn khẳng định vị trí dẫn đầu và tiên phong trên mọi lĩnh vực. TS. Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đã có một số chia sẻ với phóng viên Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng.
Hàng triệu khách hàng đã lựa chọn Vietcombank để gửi gắm niềm tin
Vietcombank đã có thêm một năm thành công toàn diện khi vượt qua tất cả các kỷ lục của chính Ngân hàng đã tạo lập năm 2017 để vươn tới đỉnh cao mới. Đặc biệt, với việc kiểm soát chất lượng tín dụng một cách thực chất, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đưa nợ xấu về dưới 1%. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật nhất của Vietcombank trong năm qua?
Năm 2018, hoạt động kinh doanh của Vietcombank đã có một năm phát triển thực sự ấn tượng, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Quy mô kinh doanh chuyển dịch đúng định hướng và tăng trưởng ở mức cao. Sau khi đã xử lý thành công nợ xấu ở VAMC vào năm 2016, Vietcombank tiếp tục kiểm soát nợ xấu một cách thực chất.
TS. Nghiêm Xuân Thành
Theo số liệu Báo cáo thường niên 2018 của Vietcombank, Vietcombank là ngân hàng lớn đầu tiên tại Việt Nam đưa nợ xấu về dưới 1,0%, sớm trước 2 năm so với Phương án cơ cấu lại Vietcombank đã được Thống đốc NHNN phê duyệt. Tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank lên tới 165%, là ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong các TCTD tại Việt Nam. Lợi nhuận hợp nhất năm 2018 bứt phá kỷ lục, đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng trưởng 61%, cao gấp gần 3 lần so với lợi nhuận của năm 2015 – năm đầu tiên Vietcombank bước vào tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020.
Với kết quả lợi nhuận kỷ lục, Vietcombank vươn lên là doanh nghiệp niêm yết nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Thành công hơn cả là uy tín, thương hiệu, hình ảnh Vietcombank đã được nâng cao trong nước, khu vực và quốc tế. Hàng triệu khách hàng đã lựa chọn Vietcombank để gửi gắm niềm tin.
Ngoài kết quả hoạt động như trên, xin ông cho biết dấu ấn trên các lĩnh vực của Vietcombank để thấy được toàn cảnh bức tranh hoạt động của Ngân hàng năm 2018?
Trong những ngày cuối năm 2018, Vietcombank đã phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là GIC Private Ltd. của Singapore và Mizuho Bank Ltd. Nhật Bản với tổng giá trị giao dịch lên tới 6.168 tỷ đồng. Việc bán thành công cổ phần cho các đối tác uy tín nước ngoài đã khẳng định uy tín, vị thế, tiềm năng phát triển của Vietcombank và niềm tin gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Việc tăng vốn thành công đã tạo dư địa mới cho tăng trưởng tín dụng và hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao chuẩn mực an toàn vốn cho Vietcombank.
Cùng với đó, Vietcombank đã tiến một bước dài trong lộ trình quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tốt nhất khi được NHNN phê duyệt là ngân hàng đầu tiên đáp ứng và triển khai thực hiện Basel II, sớm trước 1 năm so với thời hạn quy định.
Video đang HOT
Vietcombank cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên đăng ký và triển khai thành công GPI (Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu) tại Việt Nam.
Bên cạnh tiếp tục mở rộng mạng lưới trong nước, Vietcombank đã khai trương Ngân hàng 100% vốn đầu tiên của Vietcombank tại Lào và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phê duyệt thành lập Văn phòng đại diện tại New York, Mỹ.
Không chỉ dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh, Vietcombank còn được biết đến là ngân hàng tiên phong trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giảm mạnh lãi suất cho vay. Năm 2018, Vietcombank đã triển khai rất hiệu quả chủ trương này khi luôn trong số ngân hàng có lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Hoạt động này trong năm 2019 được Ngân hàng triển khai như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian qua, trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro, Vietcombank đã và đang nỗ lực đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng chỉ đạo của NHNN về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ngay từ đầu năm 2019, Vietcombank đã thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Việc giảm lãi suất lần này được áp dụng trên phạm vi rộng, đối với cả danh mục cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn bằng VND, hiện chiếm tỷ trọng trên 30% tổng dư nợ cho vay VND hiện hữu của Vietcombank.
Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo điều hành của NHNN, nỗ lực vì mục tiêu chung cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Con người chính là yếu tố quyết định để đi đến thành công. Như ông đã từng chia sẻ, Vietcombank đã xây dựng được một bộ máy với những con người chuyên nghiệp, hiểu được mục tiêu chung và tận tâm cống hiến. Ngân hàng đã làm gì để “bộ máy” ấy vận hành và mang đến kết quả toàn diện như năm 2018 vừa qua?
Đề án cơ cấu lại Vietcombank đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực và chúng tôi luôn nỗ lực để xây dựng ngân hàng phát triển dựa trên yếu tố con người với các giá trị văn hóa làm cốt lõi. Hướng đến khách hàng là trung tâm phục vụ, Ban lãnh đạo Vietcombank luôn xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt tạo nên giá trị bền vững. Bên cạnh tăng cường đào tạo trong nước và nước ngoài nâng cao trình độ quản trị, kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại, Vietcombank luôn khuyến khích cán bộ sáng tạo để gia tăng giá trị và điều ấy đã mang đến những thành quả ấn tượng của Vietcombank thời gian qua.
Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Vietcombank đã phát động cuộc thi “Đổi mới – Sáng tạo để Phát triển và Hội nhập”, tạo cơ hội cho mọi đơn vị, cá nhân phát huy sáng kiến, đề xuất các giải pháp để đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh. Cuộc thi đã thu hút được hơn 1.000 sáng kiến cấp cơ sở, 266 sáng kiến cấp toàn hệ thống và tuyển chọn được 20 sáng kiến tiêu biểu nhất để triển khai ứng dụng trong toàn hệ thống.
Những thành quả của Vietcombank có được ngày hôm nay cũng chính là một hành trình không ngừng nghỉ với biết bao trái tim, khối óc luôn trăn trở với công cuộc đổi mới và sáng tạo, góp phần đưa Vietcombank phát triển với những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế.
Xin ông cho biết những dự định của Vietcombank trong thời gian tới?
Hành trình 55 năm xây dựng và phát triển đã tạo dựng nên một
Vietcombank lớn mạnh về quy mô, chuẩn mực về hoạt động, hiệu quả trong kinh doanh. Những thành quả to lớn đã đạt được trong năm 2018 vừa qua đã tiếp thêm sức mạnh và thắp sáng niềm tin để
Vietcombank chinh phục tiếp những đỉnh cao mới, sớm hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu chiến lược trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực, nằm trong 300 tập đoàn tài chính lớn nhất toàn cầu và được quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vietcombank năm 2018 đạt lợi nhuận hợp nhất hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 63% nhưng vẫn có 5 vấn đề cần lưu ý
Một trong những rủi ro là cho vay tập trung vào một số khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với dư nợ lớn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cho biết, năm 2018 ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu trong khối các ngân hàng thương mại và cao hơn cả 2 ngân hàng đứng sau cộng lại.
Trong khi đó, nợ xấu của Ngân hàng ở mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất trong các tổ chức tín dụng Việt Nam là dưới 1%.
Vietcombank cũng đi đầu về quản trị rủi ro khi là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đầu tiên được áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đã được NHNN trao quyết định vào cuối tháng 11.
Trong năm 2018, Vietcombank cũng tăng cường huy động vốn không kỳ hạn và ngoại tệ đạt hơn 910.926 tỷ đồng, trong đó riêng huy động thị trường 1 đạt hơn 823.830 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank phát biểu khai mạc Hội nghị
Tốc độ tăng trưởng huy động vốn bán buôn và bán lẻ lần lượt là 20,1% và 9,6%. Huy động từ khối FDI tăng 9% so với năm 2017. Tỷ trọng huy động vốn bán buôn tăng mạnh từ 37,6% lên 46,6%, tỷ trọng vốn không kỳ hạn tăng 14,2% và chiếm tỷ trọng 29,5% trong tổng nguồn vốn huy động. Huy động vốn ngoại tệ vượt 6,5 tỷ USD tăng 8,2% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 18,4%.
Dư nợ tín dụng ở mức hơn 635.452 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2017 và dưới mức trần định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng mạnh từ 39,6% lên 46,2%. Dư nợ khách hàng FDI tăng 6,4% đạt hơn 41.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,97% trên tổng dư nợ, với mức nợ xấu nội bảng ở mức 6.181 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.490 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 169,7% - cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.
Về khả năng sinh lời, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản ROAA đạt 1,37% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROAE đạt 25,42%. Tỷ lệ lợi nhuận biên (NIM) đạt 2,91%. Lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ Vietcombank đạt 18.016 tỷ đồng, còn hợp nhất là 18.356 tỷ, tăng hơn 63% so với năm 2017.
Kế hoạch năm 2019, tổng tài sản tăng thêm 12%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, tín dụng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm gắn liền với hiệu quả và chất lượng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN Việt Nam nhận định, chiến lược phát triển của Vietcombank đang được thực thi có hiệu quả và đúng hướng với những bước tiến vững chắc và an toàn, xứng đáng với vị thế là ngân hàng thương mại trụ cột của Việt Nam, phấn đấu có quy mô và hiệu quả hoạt động ngang tầm và đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong khu vực mà Chính phủ và NHNN giao cho Vietcombank.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Tú, hoạt động của Vietcombank cũng còn một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro cần quan tâm xử lý trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, rủi ro tập trung tín dụng lớn khi Vietcombank cho vay tập trung vào một số khách hàng, nhóm khách hàng có liên quan chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với dư nợ lớn.
Thứ hai, tín dụng đầu tư vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như xây dựng, bất động sản, tiêu dùng, kinh doanh chứng khoán có xu hướng tăng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại có quy mô lớn, nhưng có chiều hướng gia tăng và tỷ trọng nợ nhóm 5 ở mức cao.
Thứ ba, một số khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro với số dư lớn. Hoạt động của một số công ty con, công ty liên kết chưa hiệu quả.
Thứ tư, quy mô tài sản tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn thấp so với các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn trong khu vực; quy mô vốn chưa tăng trưởng tương ứng, gây khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về mức độ an toàn vốn.
Thứ năm, công tác hiện đại hóa cả về mô hình tổ chức, chiến lược kinh doanh và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin của Vietcombank vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đòi hỏi Vietcombank phải quyết liệt và khẩn trương kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật, kiểm soát rủi ro và phát triển, đầu tư mạnh mẽ về công nghệ ngân hàng để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Ngân hàng Việt trước CPTPP: Áp lực tạo động lực để thay đổi Trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng về những thách thức và áp lực hệ thống ngân hàng Việt đối mặt từ CPTPP, Giáo sư Hà Tôn Vinh nêu quan điểm: "Có áp lực sẽ tạo ra động lực để thay đổi. Nếu không bước đi từ bây giờ chúng ta sẽ không đến đích". Hiệp định Đối tác...