Việt-Trung xây dựng lòng tin chiến lược quốc phòng
Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4 đã diễn ra chiêu 5/6, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. (Nguồn: TTXVN)
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu; đoàn đại biểu Trung Quốc do Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quôc Thích Kiến Quốc dẫn đầu, tham gia đối thoại.
Trung tướng Thích Kiến Quốc bày tỏ sự vui mừng được gặp lại Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sau cuộc gặp song phương tại Đối thoại Shangri-La 12 diễn ra ở Singapore hồi tuần trước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời hỏi thăm của Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tới Trung tướng Thích Kiến Quốc, cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà phía Trung Quốc đã dành cho Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hai bên bày tỏ những mối quan tâm chung đến những biến đổi ở khu vực trong thời gian gần đây.Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh ngoài việc tăng cường mối quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai nước cũng cần phải tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham gia vào các cơ cấu an ninh khu vực, mở cửa hợp tác nhưng hết sức cảnh giác, không để bị lôi kéo vào những cơ cấu nhằm chống lại nước thứ ba.
Về quan hệ giữa hai nước cũng như giữa hai quân đội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định hết sức đồng tình với 4 nguyên tắc mà Trung tướng Thích Kiến Quốc đã nêu ra trong cuộc gặp song phương ở Shangri-La 12 tuần trước, đó là thiết lập lòng tin chiến lược giữa Bộ Quốc phòng hai nước, tạo cơ sở cho những bước tiếp theo; lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước có những suy nghĩ rộng mở, có niềm tin vào nhau; nhìn thẳng vào những tranh chấp, những điều còn tồn tại để cùng nhau giải quyết; nghiên cứu về những điều còn tồn tại, chuyển đổi từ mâu thuẫn sang hướng có thể giải quyết được, trên cơ sở trao đổi chân thành giữa quốc gia với quốc gia, giữa hai quân đội.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng việc thực hiện những nguyên tắc này sẽ xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước, góp phần vun đắp lòng tin chiến lược Việt Nam-Trung Quốc.
Để củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhấn mạnh 5 hướng hợp tác cụ thể gồm đặc biệt quan tâm đến hợp tác công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội hai nước; tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chiến lược hai bên để đánh giá đúng tình hình; lấy đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng làm trung tâm trong việc đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp hợp tác có hiệu quả; tăng cường hợp tác giữa hải quân, cảnh sát biển hai nước với mục tiêu hợp tác hải quân hai nước là điểm sáng để lãnh đạo hai Đảng, hai nước có môi trường thuận lợi trong việc đưa ra các quyết định ở tầm chiến lược; chỉ thị cho hải quân hai nước gặp nhau, sử dụng đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước để trao đổi thông tin cần thiết.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng hợp tác giữa quân đội hai nước trực tiếp giải quyết những vấn đề an ninh nảy sinh có tác dụng rất lớn trong việc định hướng dư luận hai nước, rất có lợi cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
Trung tướng Thích Kiến Quốc nhất trí với những điều Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu ra, khẳng định quan hệ Trung-Việt có lịch sử lâu dài, là tài sản quý của hai dân tộc. Hiện nay, cục diện thế giới có nhiều biến đổi, ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức, hai nước phải phát triển quan hệ trên cơ sở “đại cục” để vượt qua những thách thức đó.
Nhìn lại quan hệ giữa quân đội hai nước, Trung tướng Thích Kiến Quốc cho rằng hợp tác hữu nghị là dòng chính; cơ sở cho mối quan hệ hợp tác là chung sống hài hòa, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; việc tồn tại một số bất đồng mâu thuẫn là có thật, vấn đề then chốt phải là tìm những điểm chung, cố gắng tối đa kiên nhẫn đối thoại, hiệp thương để hạn chế những bất đồng.
Video đang HOT
Về 5 hướng hợp tác cụ thể mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu ra, Trung tướng Thích Kiến Quốc hoàn toàn nhất trí và cho biết phía Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện kế hoạch trao đổi đoàn của hai bên trong năm 2013, thúc đẩy việc thực hiện thông tin qua đường điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng; tích cực tham gia hợp tác trên bộ cũng như trên biển, phối hợp hợp tác qua biên giới, sắp xếp các đoàn biên phòng thăm lẫn nhau; sửa đổi thỏa thuận hợp tác về biên phòng và cố gắng ký trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang; tiếp tục công tác giáo dục, quân sự, đào tạo cán bộ trong chương trình hợp tác giữa hai nước; trao đổi, chia sẻ thường xuyên những kết quả nghiên cứu giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội hai nước; tăng cường hợp tác về các mặt công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội; tiếp tục hợp tác an ninh ba bên…
Về tình hình Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định vấn đề này không nằm ngoài quan hệ chiến lược Việt Nam-Trung Quốc. Đây là vấn đề lâu dài, khó khăn, cần kiên trì giải quyết để quyền lợi chính đáng, chủ quyền của mỗi bên được bảo đảm hài hòa, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Những hướng hợp tác quan trọng giữa quân đội hai nước trong thời gian tới xung quanh vấn đề biển Đông là tham mưu cho hai Đảng, hai Nhà nước kiên trì giải quyết thỏa đáng tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiệp thương hữu nghị, xuất phát từ “tầm cao chiến lược,” “đại cục” trong quan hệ song phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và nghiêm chỉnh thực hiện DOC; quân đội hai nước cần tăng cường tạo môi trường hòa bình trên biển Đông, giữ nguyên hiện trạng, giảm sự hiện diện ở những khu vực nhạy cảm, tránh có những hành động có thể gây hiểu lầm; quân đội hai nước không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiên cứu tiến tới ký Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước; mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là hợp tác hải quân, quán triệt tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước…
Thống nhất ý kiến với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng Thích Kiến Quốc cho rằng việc xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại sẽ tạo động lực để phát triển quan hệ hai nước; hai bên cần có sự kiên trì để giải quyết, đạt được những kết quả khả quan tương tự như vấn đề phân định biên giới trên bộ cũng như phân định trên vịnh Bắc Bộ trước đây. Cần quản lý tốt bất đồng, khi xảy ra tình huống trên biển, quân đội cần bình tĩnh xử lý, kiềm chế, không làm gì để dẫn tới hiểu lầm, không sử dụng vũ lực đe dọa lẫn nhau. Về ý kiến hai bên cần ký Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước, Trung tướng Thích Kiến Quốc cho biết sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn hai bên nghiên cứu đề xuất…
Cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 4 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc trong không khí cởi mở, chân thành và hiểu biết lẫn nhau.
Sau khi Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 4 kết thúc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Trung tướng Thích Kiến Quốc đã chứng kiến Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thiếu tướng Quan Hữu Phi, Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ký Thỏa thuận Về việc xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước nhằm tăng cường hơn nữa sự tiếp xúc và trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước thông qua hiệp thương, hữu nghị.
Trước đó, sáng 5/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam đã đi thăm Trung tâm gìn giữ hòa bình thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Đại tá Quách Khánh, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác gìn giữ hòa bình-Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp đoàn đại biểu Việt Nam.
Đại tá Quách Khánh cho biết Trung Quốc luôn thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của một cường quốc, cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Kể từ khi bắt đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ hồi đầu thập niên 90 đến nay, Trung Quốc đã tham gia tổng cộng 23 hoạt động gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới, cử 23.000 lượt người ra nước ngoài tham gia các hoạt động này. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc hiện đang có 1752 cán bộ chiến sỹ đang tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở rải rác khắp nơi trên thế giới.
Thượng tá Trương Tề Vũ, Chủ nhiệm Trung tâm gìn giữ hòa bình của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã giới thiệu với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các thành viên trong đoàn các hoạt động đào tạo nhân viên của Trung tâm, xem các mẫu vật trang bị cho các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, các biện pháp sơ cứu nạn nhân khi tham gia hoạt động cứu trợ khẩn cấp…
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong thời gian tới, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, do đó rất cần những kinh nghiệm của phía Trung Quốc về mặt đào tạo nhân lực, trang thiết bị, chính sách đối với quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn phía Trung Quốc sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cho phía Việt Nam để hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đạt kết quả tốt.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên trong đoàn, cũng đã trao đổi với phía Trung Quốc, tìm hiểu về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài./.
Theo Dantri
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Lời nhắc nhở kịp thời
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng có nhiều điểm nóng dễ bùng nổ. Vì vậy, lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự cấp thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược là lời nhắc nhở hết sức kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore.
Không khó để nhận thấy những điểm nóng đang trực chờ bùng nổ ở châu Á-Thái Bình Dương. Đó là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, là những căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông và quan trọng nhất là sự đối đầu ngày càng rõ rệt giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Điểm qua những điểm nóng này có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn có quan hệ với Trung Quốc, một quốc gia mới nổi đang thực thi chính sách trỗi dậy gây nhiều tranh cãi và đẩy khu vực đứng trước nguy cơ cận kề miệng hố chiến tranh. Sự khác biệt rõ rệt từ chuyên bố "trỗi dậy hòa bình" đến hành động "trỗi dậy cứng rắn" của Trung Quốc đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khiến nước này tự đánh mất lòng tin chiến lược của các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong bối cảnh môi trường an ninh đáng lo ngại như vậy, chủ đề "Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore không chỉ là một lựa chọn hay, mà còn là lời nhắc nhở kịp thời đối với Mỹ, châu Âu và các nước thành viên ASEAN.
Trên tạp chí Eurasia Review số ra ngày 3/6, Tiến sĩ Subhash Kapila thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ấn Độ - cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúng khi nhấn mạnh đến yếu tố "lòng tin chiến lược" trong thời điểm này.
"Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung đang trở thành chiến trường khốc liệt và bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều thập kỷ, Thủ tướng Việt Nam đã đúng khi truyền tải thông điệp cần phải có hòa bình và hợp tác dựa trên nhân tố hàng đầu là lòng tin chiến lược", Tiến sĩ Subhash Kapila nói.
Cũng theo Tiến sĩ Subhash Kapila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đúng khi cho rằng triển vọng diễn biến của an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc kiềm chế những hành động hung hăng và rằng Trung Quốc cần phải ghi nhận những ý kiến này.
"Nếu sự cạnh tranh và can dự mang những toan tính riêng, thể hiện sự bất bình đẳng, đi ngược luật pháp quốc tế và thiếu tính minh bạch thì sẽ không thể củng cố được lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển", nhà phân tích chiến lược nói thêm.
Không chỉ với Trung Quốc, thông điệp về "niềm tin chiến lược" cũng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là lời cảnh báo kịp thời gửi tới ASEAN trước những rạn nứt đang xuất hiện trong khối. "Nếu lời nhắc nhở đó không được lưu ý, khả năng chia rẽ trong ASEAN là điều khó tránh khỏi", Tiến sĩ Subhash Kapila chia sẻ thêm.
Cùng chia sẻ những quan điểm trên, các học giả Đức cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý một điểm rất quan trọng là phải xây dựng lòng tin chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương vào đúng thời điểm lòng tin ở khu vực này đã bị phá vỡ do tham vọng cường quốc của một số nước.
Thủ tướng đã đúng khi nhấn mạnh rằng chỉ xây dựng được lòng tin khi lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở giải quyết xung đột", Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á của Quỹ Khoa học và Chính trị (SWP), Viện chính trị và an ninh quốc tế Đức chia sẻ.
Cũng theo ông, ASEAN tiếp tục phải khẳng định vai trò trung tâm chứ không nên phó mặc cho Mỹ và Trung Quốc. ASEAN phải đoàn kết và đưa ra cấu trúc để có thể gắn kết các cường quốc vào cơ cấu của mình.
Cựu phóng viên Đức thường trú tại Hà Nội Hellmut Kapfenberger cũng nhấn mạnh tới yếu tố xây dựng và củng cố lòng tìn chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài viết "Hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Sinhgapore: Việt Nam kêu gọi các cường quốc" đăng trên tờ Thế giới trẻ, ông Hellmut Kapfenberger đặc biệt lưu tâm đến việc các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam, đang trông đợi Mỹ và Trung Quốc có những chiến lược và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia để góp phần mang lại hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho khu vực.
Giới học giả Mỹ cũng thực sự ấn tượng trước ý tưởng về thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Tôi tán thành quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đặc biệt nhấn mạnh đến lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương. Lòng tin luôn là yếu tố căn bản cho mọi mối quan hệ dù đó là quan hệ giữa cá nhân hay giữa các quốc gia với nhau", ông Andrew Billo, Trợ lý Giám đốc Chương trình Chính sách thuộc Tổ chức Nghiên cứu châu Á (Mỹ) nói.
Cũng theo ông, hiện ngày càng có nhiều cơ hội khuyến khích lòng tin, xây dựng lòng tin và xây dựng hợp tác giữa các nước, bất kể lớn nhỏ hay khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, tôn trọng luật pháp quốc tế là điều tối quan trọng để duy trì đối thoại và định hướng các bên thực thi những thỏa thuận đã đạt được.
Nhiều tờ báo khác trên thế giới cũng đã trích dẫn những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà họ cho là đáng ghi nhận.
Tờ AsiaOne trích thuật ngữ mới mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra là "lòng tin chiến lược". Hãng tin Reuters trích lại nhiều câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đề cập đến vai trò của ASEAN, trong đó nhấn mạnh yếu tố cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh chứ không phải một ASEAN với các quốc gia thành viên phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích riêng của mình trong mối quan hệ với các nước lớn.
Tạp chí chính trị Thế giới đa cực của Nga đăng bài nhận định của Tổng biên tập Boris Vinogradov cho rằng việc Thủ tướng Việt Nam khai mạc Diễn đàn An ninh Shangri-La theo lời mời của Thủ tướng Sinhgapore Lý Hiển Long thể hiện sự coi trọng đặc biệt dành cho Việt Nam, quốc gia đang ngày càng giữ vai trò quan trọng và to lớn với chính trị khu vực và thế giới. Các báo Ấn Độ cũng có chung quan điểm này.
Có thể thấy, dư luận đánh giá rất cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì vừa có nội dung tốt, vừa bao quát được chủ đề mở rộng chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi các nước ASEAN, hoặc chỉ nói về bối cảnh của Trung Quốc-Việt Nam. Do đó, bài phát biểu đã đáp ứng được mong đợi của các nước.
Theo Dantri
Phái tàu tới EEZ Mỹ: Mưu đồ nguy hiểm của Trung Quốc Theo giới phân tích, việc hải quân Trung Quốc đã mở rộng hoạt động tới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Washington và các cường quốc khác. Tướng Qi Jianguo, đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục phái tàu chiến tới Biển Đông và các vùng...