Viết tiếp giấc mơ chinh phục vũ trụ của con người
Cách đây 60 năm, ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên thực hiện chuyến bay của con người vào vũ trụ. Sự kiện trọng đại này đã mở ra một kỷ nguyên mới trên con đường chinh phục không gian của loài người.
Dấu mốc mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của con người
Nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian. Ảnh: history.com
Vào lúc 9 giờ 7 phút (giờ Moskva) ngày 12/4/1961, tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18.000 dặm/giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ.
Người ta không bao giờ quên được câu nói đầu tiên từ vũ trụ của Gagarin chuyển về Trái đất: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái Đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Đây cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp hành tinh.
Sau khi bay một vòng quanh Trái Đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Vonga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Sau này, trong cuốn “Đường vào vũ trụ”, Gagarin đã viết lại cảm xúc của mình khi đó: “Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: từ không gian bao la, tôi đã quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất”.
Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm hân hoan phấn khởi cho mọi người trên khắp thế giới. Thế là ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực. Pavel Popovich, một trong số 6 nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Nga, phát biểu: “Không có nhiều thành tựu có thể so sánh với những gì Gagarin đã làm được. Dường như Gagarin sinh ra là để cho những điều vĩ đại. Rất nhiều người khác cũng cố gắng làm nhiều điều trong vũ trụ song không một ai có được tiếng vang như Gagarin lúc bấy giờ”.
Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Liên bang Xô viết khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới. Kỷ nguyên con người nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ, kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.
Điều đáng tiếc là chỉ 7 năm sau chuyến bay đi vào lịch sử nhân loại, ngày 27/3/1968, người anh hùng Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, khi mới 34 tuổi.
Với những đóng góp lớn lao cho ngành vũ trụ Liên Xô và thế giới, Gagarin được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả của hòa bình và hữu nghị.
Video đang HOT
Một năm sau ngày Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, ngày 12/4/1962 đã được Liên Xô công bố là Ngày Vũ trụ. Đến năm 1968, ngày này đã được gọi là Ngày Hàng không và Vũ trụ thế giới. Sau đó, vào năm 2011, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chính thức công bố ngày 12/4 là Ngày Quốc tế chuyến bay có người lái vào vũ trụ và ngày này hàng năm đều được tổ chức kỷ niệm ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian, ngày 9/4/2021 vừa qua, tàu vũ trụ Soyuz MS-18 của Nga đã thực hiện chuyến bay chở 3 phi hành gia gồm Oleg Novitsky và Pyotr Dubrov cùng phi hành gia Mark Vande Hei của NASA, cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 được đặt tên theo phi hành gia huyền thoại Gagarin và chân dung của ông đã được gắn bên ngoài tàu.
Tiếp nối giấc mơ chinh phục vũ trụ
Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 chở 3 phi hành gia rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ dấu mốc lịch sử khi Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, ngành hàng không và vũ trụ thế giới liên tục phát triển, mở rộng chinh phục nhiều khoảng không gian mới.
Từ đó đến nay, đã có hàng trăm công dân nam và nữ của nhiều nước trên thế giới có mặt trong vũ trụ, mà đối với nhiều trong số họ ngành vũ trụ đã trở thành một nghề nghiệp. Giờ đây, trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thường xuyên có phi hành đoàn quốc tế làm việc. Họ đại diện cho các nước và các châu lục Nga, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản… Trong các chuyến bay lên quỹ đạo, ngoài các nhà du hành còn có cả khách du lịch vũ trụ.
Riêng đối với nhiều phi hành gia, những chuyến bay vào không gian không còn là một điều gì đó siêu nhiên, họ cảm thấy sự có mặt của mình trên quỹ đạo như là một công việc bình thường. Trên Trạm vũ trụ quốc tế, họ nghiên cứu vận hành các hệ thống đảm bảo sự sống, tiến hành các thí nghiệm về thiên văn học, kỹ thuật, y-sinh… Họ cũng học được cách sống và làm việc dài ngày trên quỹ đạo gần Trái Đất, phóng các loại thiết bị và máy móc khác nhau lên các hành tinh gần và xa, chuẩn bị những chuyến bay có người lái lên sao Hỏa…
Những điều đó phần nào cho thấy sự phát triển của ngành vũ trụ và quá trình thực hiện ước mơ khám phá không gian của nhân loại. Không chỉ có vậy, ngày nay khoa học và công nghệ vũ trụ đã được ứng dụng hết sức rộng rãi và có hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng… của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, gạt qua những khác biệt, bất đồng về quan điểm chính trị, nhiều cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, hay Nhật Bản vẫn hợp tác với nhau, bởi vì nhìn từ không gian, Trái Đất là một ngôi nhà chung. Chưa một quốc gia nào có thể tự mình chinh phục được không gian. Do đó, trong 6 thập niên qua, thế giới đã hình thành một “câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ”, bao gồm những nước đã đưa đại diện hoặc máy móc của mình lên vũ trụ.
Các phi hành gia Oleg Novitskiy (dưới) và Pyotr Dubrov (trên) của Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cùng nhà du hành Mark Vande Hei (giữa) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lên tàu Soyuz MS-18 tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cho rằng: “Vũ trụ là nơi của những hoạt động chung, cho phép chúng ta quên mọi sự phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế và thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao để phục vụ tương lai các quốc gia và tương lai nhân loại”. Ông kêu gọi không “chính trị hóa vũ trụ”, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ vì lợi ích chung của loài người.
Thực tế trong những năm qua, sự hợp tác trong thăm dò vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nga và Mỹ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa hai nước. Ngày 17/6/1992 tại Washington, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ George Bush đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng không gian – vũ trụ giữa Nga và Mỹ với mục đích hòa bình. Thỏa thuận là một trong những khuôn khổ pháp lý cơ bản nhằm tạo điều kiện để Nga và Mỹ hợp tác trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Từ đó đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn 4 lần. Mới đây, ngày 3/4/2021, Chính phủ Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực không gian – vũ trụ với Mỹ cho đến tháng 12/2030. Việc kéo dài thỏa thuận này sẽ đáp ứng những lợi ích của cả hai bên, đồng thời thúc đẩy thực hiện hiệu quả các dự án về không gian – vũ trụ chung giữa hai nước.
Hiện nay, dù quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp do Washington đã áp đặt trừng phạt nhằm vào Moskva với cáo buộc can thiệp công việc nội bộ, điều mà phía Nga luôn bác bỏ. Tuy nhiên, trong số các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào một số mặt hàng xuất khẩu của Nga, thì Mỹ vẫn loại trừ một số lĩnh vực nhất định như liên quan đến hàng không – vũ trụ.
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế cua phương Tây chống lại Nga, không gian vu tru vẫn là một lĩnh vực hợp tác quốc tế. Điêu này mang y nghia tượng trưng rằng: nhìn từ không gian Trái Đất la một ngôi nhà chung.
Bốn người trên chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ
Một giáo sư khoa học và một nhà phân tích dữ liệu hàng không vũ trụ đã trở thành hai người cuối cùng giành được ghế ngồi trên chuyến bay thương mại đầu tiên đi vào quỹ đạo dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Bốn công dân được chọn cho chuyến bay thương mại vào vũ trụ đầu tiên từ trái qua phải:
Jared Isaacman, Hayley Arceneaux, Sian Proctor và Chris Sembroski. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, tại cuộc họp báo phát sóng trực tiếp từ Trung tâm Không gian Kennedy (bang Florida, Mỹ) ngày 30/3, Giám đốc Du hành Thương mại của Tập đoàn SpaceX Benji Reed và doanh nhân tỷ phú Jared Isaacman đã công bố hai phi hành gia công dân cuối cùng. Ông Isaacman cũng là một trong bốn người tham gia sứ mệnh trên với mục đích để gây quỹ từ thiện cho bệnh viện điều trị ung thư nhi khoa St. Jude Children's Research Hospital.
Chuyến bay đầu tiên chở toàn người thường mang tên gọi Inspiration4 dự kiến diễn ra sau ngày 15/9 và kéo dài trong 3 đến 4 ngày, bao gồm cả thời gian phóng và hạ cánh.
"Khi sứ mệnh kết thúc, mọi người sẽ nhìn vào và nói đây là lần đầu tiên ai cũng có thể lên vũ trụ", nhà tỷ phú Isaacman (38 tuổi) kỳ vọng.
Được giao nhiệm vụ là người thuyền trưởng của sứ mệnh, hồi tháng 2, nhà tỷ phú Isaacman đã chỉ định trợ lý bác sĩ Haley Arceneaux (29 tuổi) - người từng chiến thắng bệnh ung thư xương - trở thành bạn đồng hành trong chuyến bay.
Trong khi đó, theo danh sách công bố ngày 30/3, anh Chris Sembroski (41 tuổi) và Giáo sư Sian Proctor (51 tuổi) là hai người cuối cùng tham gia sứ mệnh. Chris là một nhân viên làm việc trong ngành hàng không vũ trụ tại Seattle và từng là lính Không quân Mỹ. Anh đã được lựa chọn thông qua một cuộc thi thu hút 72.000 người ứng tuyển và quyên góp được 113 triệu USD. Người còn lại là giáo sư chuyên khoa học địa lý Sian Proctor làm việc tại Đại học Cộng đồng South Mountain ở Phoenix (bang Arizona) và từng là ứng viên phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Cả bốn công dân trên sẽ trải qua khóa đào tạo chuyên sâu theo mô hình giáo trình mà các phi hành gia NASA sử dụng để chuẩn bị cho sứ mệnh bay vào quỹ đạo của SpaceX.
Ban tổ chức cho biết Inspiration4 không chỉ là hoạt động thỏa mãn niềm đam mê cho nhà tỷ phú Isaacman mà phi hành đoàn hứa hẹn sẽ tiến hành một số thí nghiệm khoa học trong hành trình ngắn ngủi của mình.
Sứ mệnh Inspiration4 có thể đánh dấu một kỷ nguyên mới trong du hành vũ trụ, song nó không phải là chuyến bay chở toàn người thường duy nhất.
Tập đoàn Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson cũng đang phát triển một tàu vũ trụ để chở khách hàng trả tiền vé cho các chuyến bay vào quỹ đạo.
Tập đoàn SpaceX kết hợp với công ty không gian tư nhân Axiom Space có trụ sở tại Houston lên kế hoạch triển khai sứ mệnh bay vào quỹ đạo với sự tham gia của một phi hành gia NASA đã nghỉ hưu, một cựu phi công chiến đấu của Israel và hai người khác.
Nhà sáng lập SpaceX Elon Musk cũng dự định đưa tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa bay vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2023. Chi phí cho chuyến bay đó sẽ giúp tài trợ cho việc phát triển tàu vũ trụ Starship thực hiện các sứ mệnh lên Mặt Trăng và sao Hỏa.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22 gặp sự cố, 3 quân nhân Nga thiệt mạng Ngày 23/3,Bộ Quốc phòng Nga cho biết 3 quân nhân nước này đã bị thiệt mạng khi hệ thống ghế phóng thoát hiểm trên chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-22 gặp trục trặc tại một sân bay ở miền Tây nước Nga. Máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22 của Nga. Ảnh: World War Wings Các hãng thông tấn...