Việt Nam “vượt mặt” Mỹ về độ mở với giáo dục đại học quốc tế
Việt Nam đứng thứ sáu trong danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về độ mở với giáo dục đại học quốc tế do Hội đồng Anh công bố.
Danh sách do Hội đồng Anh công bố ngày 4.5 cho biết: Dẫn đầu về cởi mở với giáo dục đại học quốc tế là nước Đức.
Theo tạp chí giáo dục Times Higher Education, không chỉ có nhiều chính sách liên bang hiệu quả về giáo dục quốc tế, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức còn thành lập DAAD (Cơ quan trao đổi hàn lâm) nhằm thực hiện việc kết nối văn hóa và giáo dục đối với các công dân toàn cầu. Quốc gia này đặt mục tiêu tiếp nhận 350.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020.
9 nước tiếp theo nằm trong top 10 gồm: Australia, Anh, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Indonesia…
Danh sách này là kết quả của nghiên cứu do Janet IIieva (nhà sáng lập kiêm giám đốc tại Education Insight) và Michael Peak (quản lý nghiên cứu tại Hội đồng Anh) thực hiện.
Nghiên cứu có tên “Tình hình Giáo dục Toàn cầu: Khung chính sách quốc gia đối với các cam kết quốc tế” được tiến hành đối với 26 quốc gia trên thế giới.
Top 10 quốc gia cởi mở nhất với giáo dục đại học quốc tế.
Video đang HOT
Trong số 26 nước được chọn, ngoài đại diện của những nền giáo dục hàng đầu như Anh, Mỹ, còn có một số quốc gia nhận viện trợ từ giáo dục quốc tế như Ghana, Kazakhstan. Toàn bộ kinh phí nghiên cứu do chính phủ Anh tài trợ.
Độ mở trong giáo dục quốc tế của mỗi quốc gia được đánh giá dựa trên 37 tiêu chí khác nhau. Trong đó, 3 tiêu chí phân loại quan trọng nhất là mức độ cởi mở đối với hoạt động đi lại, du lịch của sinh viên và học giả quốc tế; mức độ bảo đảm chất lượng giáo dục trong nước và xuyên quốc gia, sự công nhận bằng cấp của nước ngoài; chính sách tuyển mộ công bằng và mức độ bền vững trong việc chống lại các vấn đề tiêu cực tiềm tàng như chảy máu chất xám.
Có 3 mức điểm: 1; 0,5 và 0 tương ứng khả năng đáp ứng mỗi tiêu chí của các đối tượng. Theo nhà quản lý Michael Peak, Đức là một trong số ít quốc gia “thực hiện nhất quán cả 3 tiêu chí trên”. Malaysia cũng được đánh giá cao.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ chủ yếu tập trung việc tạo điều kiện di chuyển cho sinh viên quốc tế và các chính sách bảo đảm phương thức tiếp cận bình đẳng, ngăn chặn chảy máu chất xám.
Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy, các quốc gia như Australia, Đức, Nga đã và đang tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế tiếp cận thị trường lao động nhưng chất lượng thực sự chưa được đảm bảo.
Tuy là một trong những quốc gia du học hàng đầu thế giới, Mỹ có số điểm tương đối thấp trong bảng xếp hạng. Lý do Mỹ là quốc gia liên bang nên những chính sách tập trung vào giáo dục đại học bị hạn chế.
Theo Hường Vũ (Zing)
Phó thủ tướng: Bằng tiến sĩ không đủ nếu không thực sự giỏi
Nói chuyện với sinh viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tấm bằng đại học, thậm chí bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ không ý nghĩa nếu không thực sự giỏi và có kỹ năng tốt.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Cần Thơ sáng 31/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần đổi mới giáo dục đại học mạnh mẽ, căn bản, toàn diện như Nghị quyết Trung ương 29 đã xác định.
Bên cạnh đó, chúng ta phải hướng tới tự chủ đại học. Tự chủ không có nghĩa Nhà nước không tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, nhưng chắc chắn không tiếp tục đầu tư theo kiểu cào bằng, không căn cứ, hiệu quả.
Việc phát triển giáo dục đại học cần theo đúng xu thế quốc tế. Từ hệ thống, khung trình độ, mô hình quản trị, đến phương thức đào tạo, kiểm định, xếp hạng, học liệu số... cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách cầu thị, khoa học.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần chú ý đầu ra của bậc đại học. Ảnh: Lê Hiếu.
Ông Đam nêu thực tế lâu nay giáo dục đại học chỉ chú trọng siết chặt đầu vào, không chú ý đúng mức đầu ra, tạo tâm lý tất cả cùng "vượt vũ môn". Các sinh viên luôn nghĩ vào được đại học là chắc chắn sẽ tốt nghiệp nên không nỗ lực học tập. Đây cũng là yếu tố góp phần làm giảm động lực nghiên cứu và giảng dạy của chính thầy cô giáo.
Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường quản lý chất lượng đầu ra gắn với sự đánh giá, thừa nhận của xã hội, đối tác quốc tế.
"Có ý kiến cho rằng để các em vào đại học rồi lại phải lưu ban, hay không tốt nghiệp, sẽ gây lãng phí lớn với nhiều gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhưng nếu các kỹ sư, cử nhân không đủ chất lượng, không có việc làm thì sự lãng phí đó không chỉ ở một số gia đình mà toàn xã hội", Phó thủ tướng phân tích.
Trò chuyện với sinh viên Đại học Cần Thơ, Phó thủ tướng trăn trở: Đất nước không thể mãi nghèo, mãi tụt hậu. Để vượt lên, nhất định phải có đội ngũ cán bộ khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp và thực sự giỏi về cả chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ, làm việc nhóm.
"Tấm bằng đại học, thậm chí bằng thạc sĩ, tiến sĩ sẽ là không đủ, không ý nghĩa nếu các bạn không thực sự giỏi và không có kỹ năng tốt", ông Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng nêu, sự phát triển của công nghệ thông tin là cơ hội để sinh viên học tập, nghiên cứu thuận lợi. Tuy nhiên, song song đó là những yếu tố khác có thể lôi kéo sinh viên, mỗi người cần xác định rõ mục tiêu học tập.
"Sinh viên nỗ lực học tập là hàng đầu nhưng không có nghĩa không vui chơi. Các bạn hãy sống hết mình, tham gia nhiều hoạt động tập thể, cộng đồng. Hãy luôn tự nhủ rằng mình là sinh viên đại học. Phải làm người tốt, người tử tế là đương nhiên, nhưng quan trọng hơn hãy luôn tự nhủ mình là người có học. Đừng quên điều đó trong mọi hành vi, suy nghĩ ở nhà, ở trường, ngoài xã hội", Phó thủ tướng nhắn nhủ.
Theo Zing
'Rút ngắn thời gian đại học là tiệm cận quốc tế' Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt, giáo dục đại học sẽ rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 đến 6 năm còn 3 đến 4 năm. Phóng viên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề rất mới này....