Việt Nam vay nợ thêm 300.000 tỷ đồng trong năm 2013
Nợ công của Việt Nam được Chính phủ thừa nhận là đang tăng nhanh qua các năm do việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, còn dàn trải, trong khi dự án được Chính phủ bảo lãnh cho vay lại gặp khó khăn, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng…
Báo cáo về tình hình sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký để gửi đến Quốc hội nêu con số, năm 2013 tổng số vốn vay nợ công, gồm vay Chính phủ, vay được bảo lãnh Chính phủ và vay của chính quyền địa phương ước đạt 513.720 tỷ đồng, tăng 23,4% so với thực hiện năm 2012.
Tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, bằng 53,4% GDP. Trong đó dư nợ Chính phủ ở mức 1,488 triệu tỷ đồng, bằng 41,5% GDP.
Những con số này, kể cả số tuyệt đối và quy ra tỷ lệ đều vượt lên so với báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước đưa ra về năm 2012. Cụ thể, tính ở thời điểm lùi lại 1 năm so với thống kê của Chính phủ, đến 31/12/2012, tổng dư nợ công hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 55,7% GDP (năm 2011 là 54,9% GDP). Trong đó, nợ của Chính phủ là gần 1,3 triệu tỷ đồng (chiếm 77,91% nợ công); nợ được Chính phủ bảo lãnh 340.000 tỷ đồng (chiếm 20,82%); nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng (chiếm 1,27%).
Dư nợ nước ngoài của quốc gia ở thời điểm chốt năm 2012 là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58,2 tỷ USD), bằng 41,1% GDP (năm 2011 là 44,5% GDP).
Như vậy, số nợ quốc gia của Việt Nam vẫn đang không ngừng tăng lên qua các năm.
Chính trong báo cáo này, Chính phủ nhìn nhận là dư nợ công tăng nhanh qua các năm. So với năm liền trước thì dư nợ công năm 2011 tăng 24,8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17,4%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tỉ mỉ hơn, trong tổng số 1,9 triệu tỷ đồng đi vay, có 104 dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh.
Video đang HOT
Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, hàng không, xi măng, dầu khí…
Năm qua, Chính phủ tiếp tục cấp bảo lãnh cho 8 chương trình dự án vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 3.161 triệu USD, gồm dự án mua máy bay A321 trị giá 421 triệu USD; tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng 300 triệu USD, bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) theo đề án tái cơ cấu Vinashin trị giá 627 triệu USD…
Tổng số vốn vay nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ giải ngân trong năm 2013 là hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng bình quân gần 50%/năm.
Về việc chi trả nợ của Chính phủ, báo cáo nêu con số 103.700 tỷ đồng trong cân đối ngân sách của năm. Con số này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu ngân sách nhà nước và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.
Liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014, báo cáo cho biết con số là 208.883 tỷ đồng, bao gồm: trả nợ trong nước 159.683 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 49.200 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng thì Việt Nam đã thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn năm 2014, chủ yếu là đảo nợ gốc đối với các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước để xử lý rủi ro tái cấp vốn do kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Về việc sử dụng vốn vay, người đứng đầu ngành Tài chính báo cáo, khoản vay trong nước là 367.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.
Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 70.492 tỷ đồng, còn hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là 2.800 triệu USD.
Nói về nguyên nhân mức nợ công vẫn không ngừng tăng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả. Hiện nay, vốn vay chủ yếu là để bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, song hiệu quả đầu tư chưa cao (ICOR năm 2013 ở mức 5,62).
Mặt khác, trong thời gian gần đây, xu hướng dự án được Chính phủ bảo lãnh/cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được bảo lãnh.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng gia tăng.
P.Thảo
Theo Dantri
Kiểm toán "soi" nợ xấu của các ngân hàng, tổng công ty
Vinashin, SCIC, Bảo hiểm dầu khí, ngân hàng BIDV, MHB... là những địa chỉ được Kiểm toán nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2014 để xin ý kiến UB Thường vụ QH. Kiểm toán sẽ nhắm đến vấn đề nợ xấu, đầu tư ngoài ngành, sở hữu chéo... ở các đơn vị.
Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn tại phiên họp của UB Thường vụ QH ngày 18/9.
Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, năm 2014 cơ quan này dự kiến thực hiện 161 cuộc kiểm toán tại 35 tỉnh thành, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 15 chuyên đề; 31 dự án, 44 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng; 11 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, 6 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh...
Định hướng của Kiểm toán Nhà nước là ưu tiên và tập trung nguồn lực để kiểm toán chương trình trái phiếu Chính phủ và các lĩnh vực có vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm. Trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, qua kiểm toán sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Kiểm toán cũng dự tính qua hệ thống các cuộc kiểm toán này để đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính, tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo... sẽ được đánh giá.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là địa chỉ được nhắm tới . TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Cty cổ phần Bảo Minh, Bảo hiểm dầu khí Petrolimex được dự kiến nội dung kiểm toán là báo cáo tài chính 2013, hiệu quả hoạt động đầu tư vốn, tài sản nhà nước, tình hình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Với ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV và ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Kiểm toán nhà nước dự kiến nội dung xác định nợ xấu đến 31/12/2013 và 30/6/2014 cùng việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Cơ bản nhất trí với đối tượng, kế hoạch dự kiến Kiểm toán Nhà nước đề xuất, song Thường trực UB Tài chính ngân sách đề nghị kiểm toán toàn bộ việc quản lý, sử dụng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu để lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) giai đoạn từ 2003 đến nay.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế thông qua việc tăng dần số lượng doanh nghiệp được kiểm toán hàng năm.
Với lĩnh vực ngân sách, UB Tài chính ngân sách đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí tại các bộ, ngành, địa phương, phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng và ban hành Luật phí và lệ phí.
Đồng thời cân nhắc kiểm toán một số doanh nghiệp hoạt động công ích tại các thành phố lớn. Đánh giá chính sách và thực hiện chính sách về tiền lương, biên chế đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước.
P.Thảo
Theo Dantri
Với "4 xin" và "4 luôn", hình ảnh ngành đường sắt sẽ khác? Bộ trưởng Đinh La Thăng mong muốn ngành đường sắt thực hiện văn hóa giao tiếp phải thực sự xuất phát từ trái tim, từ cái tâm muốn phục vụ tốt hơn để đem lại sự hài lòng cho hành khách và làm sao để hành khách "muốn" đi đường sắt... Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh như vậy khi...