Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu
Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường quan trọng đều sụt giảm trong năm 2022, nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu.
Thời gian tới, ngành hồ tiêu cần tập trung nâng cao chất lượng, tỷ lệ chế biến để tạo giá trị gia tăng và khai thác hiệu quả các thị trường phân khúc cao thông qua các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN
Trên đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo hiệp định EVFTA do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 21/12.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho biết: Năm 2022, hồ tiêu cũng như các ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam đều gặp bất lợi do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế ở nhiều thị trường và chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khiến sản lượng xuất khẩu giảm.
Thống kê sơ bộ của VPA, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị xuất khẩu 911,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 14,9%, tương đương 37.015 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 34 triệu USD, tương đương 3,9%. Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt khoảng gần 230.000 tấn, giảm 13 % về sản lượng, đạt giá trị 970 triệu USD, tăng hơn 2% so với năm 2021. Nếu tính chung tất cả các loại gia vị, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1,5 tỷ USD.
Ngoài xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam còn nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác như: Brazil, Indonesia… về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 34.273 tấn, tăng 48,9% so với cùng kỳ.
Theo bà Hoàng Thị Liên, trong bối cảnh khó khăn chung, những kết quả đạt được là thành công rất đáng ghi nhận của ngành hồ tiêu, cho thấy ngành gia vị Việt Nam đang dần tạo được chỗ đứng trong chuỗi giá trị thế giới, nhất là vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia… nhờ lợi thế từ EVFTA. Cụ thể, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Liên cũng cho rằng, ngành hồ tiêu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại châu Âu rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mới tập trung vào một số thị trường chính như: Đức, Anh, Hà Lan…, còn nhiều nước khác vẫn đang bỏ ngỏ, nhất là khu vực Đông Âu.
Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Tentamus Group GbmH cho rằng, để khai thác hiệu quả lợi thế về sản xuất, chế biến nâng cao giá trị xuất khẩu thời gian tới, các doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng để phù hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng, con người… của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường phân khúc cao cấp. Lưu ý với thị trường EU là nơi thường xuyên điều chỉnh và thay đổi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững; nâng cao tỷ lệ tiêu xuất khẩu đã qua chế biến.
Về phía người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm khách hàng quốc tế, bà Nguyễn Nhật Minh, đại diện Công ty Vietnam Insight cho rằng: Các chương trình chứng nhận hữu cơ ngày càng phổ biến ở châu Âu. Mặc dù gần đây sản xuất hữu cơ vẫn được dành riêng cho các thị trường ngách, nhưng các sản phẩm hữu cơ đang trở thành xu hướng chủ đạo.
Các công ty có những yêu cầu khác nhau đối với trách nhiệm xã hội của đối tác, một số công ty yêu cầu tuân thủ quy tắc ứng xử của họ hoặc một hay nhiều tiêu chuẩn chung như: trao đổi dữ liệu về đạo đức của nhà cung cấp (SEDEX), sáng kiến kinh doanh có đạo đức (ETI), quy tắc ứng xử của sáng kiến tuân thủ xã hội doanh nghiệp (BSCI)…
Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định thế mạnh sản phẩm, chiến lược giá và ưu đãi trước khi tìm kiếm người mua, tiến hành nghiên cứu thị trường, quyết định phân khúc người mua nào phù hợp nhất với sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các hội chợ thương mại và các sự kiện trong ngành để gặp mặt trực tiếp người mua, trao đổi và xúc tiến hợp tác.
Khơi dậy tiềm năng cây ăn quả tại Yên Bái
Yên Bái được đánh giá là tỉnh miền núi có tiềm năng lớn phát triển cây ăn quả.
Nhiều chính sách hỗ trợ được thực thi cùng cơ chế liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đang từng bước làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng trái cây theo hướng sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Vườn cam của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Sơn Tùng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) được trồng với quy chuẩn sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh tư liệu: Việt Dũng/TTXVN
Đòn bẩy từ chính sách hỗ trợ
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 10.000 ha cây ăn quả, diện tích này có xu hướng tăng qua từng năm. Trong đó, đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung với tổng diện tích gần 6.000 ha, năng suất đạt 90 tạ/ha, cho sản lượng đạt trên 36.000 tấn/năm. Đáng chú ý diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng, chiếm khoảng 1.500 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện vùng thấp là Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, diện tích có khả năng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, nhất là khi một số giống cây ăn quả mới được trồng thí điểm thành công trên địa bàn các huyện vùng cao. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển cây ăn quả đang được tỉnh Yên Bái làm thận trọng, từng bước phù hợp với thổ nhưỡng của mỗi loại cây, trên cơ sở gắn sản xuất với chế biến và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực tham mưu mở rộng diện tích quy hoạch theo từng vùng, phù hợp cho từng loại cây ăn quả. Sau nhiều năm trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả mới, đến nay tỉnh Yên Bái hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm.
Cùng với quy hoạch thành vùng trồng tập trung, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn, lai ghép hình thành ngân hàng các giống cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng. Bên cạnh việc xây dựng các chương trình khuyến nông về canh tác tiên tiến, tỉnh Yên Bái duy trì chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những diện tích trồng mới; hỗ trợ giống cho cải tạo, thay thế những cây ăn quả già cỗi, năng suất thấp bằng những cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đối với công tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch, ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, thông qua các lớp tập huấn, đến nay 100% hội viên nông dân tham gia trồng cây ăn quả đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thành thạo các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng loại cây, từng thời kỳ phát triển của cây; có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong quá trình chăm sóc cây từ khi ra hoa đến thu hoạch và bảo quản trái cây. Điều đó khiến chất lượng và năng suất trái cây ngày càng tăng, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Điển hình tại địa bàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình, nơi phát triển vùng bưởi đặc sản tập trung với diện tích gần 800 ha, cho sản lượng bình quân ước đạt 15.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 250 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương được hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng chế phẩm sinh học Emina phun cho cây bưởi đặc sản.
Ông Tạ Quang Công, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết, nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, ổn định đầu ra cho sản phẩm, số hộ trên địa bàn xã chuyển đổi diện tích đất sang trồng bưởi đặc sản ngày càng tăng. Sản phẩm bưởi đều được chứng nhận về sản xuất sạch, an toàn và đạt tiêu chuẩn 4 sao sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Hiện đã toàn xã có trên 3.000 nghìn hộ chuyên canh trồng bưởi, thu nhập chính từ cây bưởi, từ cây xóa đói giảm nghèo nay cây bưởi là cây làm giàu cho người dân.
Liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm
HTX Đặc sản bưởi Đại Minh vào vụ thu hoạch. Ảnh: baoyenbai.com.vn
Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhằm phát triển đa dạng các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, đảm bảo các tiêu chí sản xuất an toàn, hữu cơ, tỉnh Yên Bái đang tạo ra nhiều cơ chế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị bền vững giữa người trồng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong khâu thu hút đầu tư vào chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của các loại hoa quả như: chế biến đóng hộp, làm mứt, hoa quả sấy...
Phát huy lợi thế của vùng đất thấp, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, huyện Lục Yên đã thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình phát triển cây ăn quả có múi, như: cam sành, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh, mít Thái... theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đến nay nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung đã hình thành, toàn huyện đã trồng trên 1.000 ha, trong đó có khoảng 650 ha cho thu hoạch, sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 8.500 tấn, giúp nông dân thu về hàng chục tỷ đồng.
Ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, huyện đã mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia đầu tư, ưu tiên các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện các dự án liên kết sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường cho người dân theo đúng hợp đồng đã ký. Đến nay đã hình thành nhiều mô hình liên kết với mức độ liên kết khác nhau, tiêu biểu là mô hình liên kết vùng sản xuất cam an toàn, tập trung, có diện tích gần 250 ha.
Nhờ có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, hiện nay tại các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đã hình thành được một số vùng cây ăn quả tập trung có nguồn gốc ôn đới, như: 350 ha mận xanh, 150 ha lê, 150 ha đào, tạo nguồn thu nhập cho người dân vùng cao gắn với chương trình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số mô hình trồng thử nghiệm giống cây ăn quả mới có giá trị cao, như hồng giòn, mận đỏ với diện tích hơn 200 ha, hứa hẹn sẽ trở thành các vùng cây ăn quả tập trung chất lượng cao trong tương lai.
Ông Sùng A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, thông qua mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, công tác tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm được doanh nghiệp triển khai sâu rộng, bài bản và hiệu quả hơn. Do đó, toàn bộ sản phẩm trái cây đến thời điểm thu hoạch được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, cung ứng cho các siêu thị lớn trong cả nước, tiến tới chế biến sâu khi sản lượng trái cây đủ lớn.
Khẳng định hướng phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian tới, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh tiếp tục chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng vùng trồng cây ăn quả theo quy hoạch gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững nhằm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời, lập quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân mất mùa, hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế Công điện Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 6/12/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, đồng thời,...